Mọi người đều tấm tắc ngợi khen cặp vợ chồng “thần y” đã cứu chữa thành công cho hàng trăm bệnh nhân bị các loại rắn cắn nguy hiểm đến tính mạng. Có nhiều trường hợp bệnh nhân từ xa đến, bị rắn cắn đã hoại tử, vợ chồng “thần y” vẫn chữa khỏi mà chưa có một ca nào bị tử vong.
Mới 4 tuổi, Bùi Đức Lục đã theo bố đi rừng hái thuốc về bào chế để chữa rắn độc cắn. Vốn thông minh, cậu bé Lục ghi nhớ rất nhanh từng loại cây rừng là thuốc biệt dược. Cho đến lúc 15 tuổi, cậu đã bốc thuốc chữa khỏi cho bà Vương Thị Trường bị rắn hổ mang chúa cắn rất nặng.
Khi người nhà đưa bà Trường đến gia đình lương y cứu chữa, chỉ có một mình ông Lục ở nhà. Nhận thấy người bị rắn cắn có thể nguy hiểm tới tính mạng, cậu thiếu niên Bùi Đức Lục đã tự tay bốc thuốc, trực tiếp điều trị cho bà Trường. Chỉ mấy ngày sau, bà Trường bình phục sức khỏe và đến gia đình tặng cậu bé Lục một chiếc cần câu cá. Ấy vậy mà từ đó tới nay cũng đã gần nửa thế kỷ.
Lương y Bùi Đức Lục nói giọng cảm động: Bố tôi là lương y Bùi Đức Ân, ông đã dùng thuốc nam chữa rắn cắn cho biết bao nhiêu người thoát chết mà không thể nhớ hết. Trong một lần theo cha đi lấy thuốc trên núi cao, cụ Ân dặn con trai: “Tổ tiên cho gia đình ta nghề làm thuốc chữa rắn cắn. Bởi vậy, phải lấy chữ “lương y như từ mẫu” mà làm theo. Thật ân hận nếu mình biết nghề chữa rắn cắn mà để cho một người khác bị chết do rắn. Cứu một mạng người bằng làm 7 tòa tháp. Nước Việt ta có nhiều loại cây thuốc quý phải coi là “nam dược trị nam nhân”.
Sau khi cụ Ân qua đời, cậu con trai Bùi Đức Lục cùng vợ là Vương Thị Hoa tiếp nối nghiệp cha. Chị Hoa về làm dâu lúc 18 tuổi và cũng được bố chồng bày dạy cho nghề làm thuốc chữa rắn độc cắn. Qua hơn 30 năm làm nghề, chị cũng đã nắm được bí quyết gia truyền và bốc thuốc chữa rắn cắn khiến nhiều người cảm phục.
Lương y Bùi Đức Lục đang trao đổi với vợ về bài thuốc chữa rắn độc cắn
Những hôm lương y Lục đi chữa bệnh xa nhà, chị thay chồng thăm bệnh, bốc thuốc chữa cho các nạn nhân bị rắn độc cắn. Nhiều ca thật hiểm nghèo, sự sống chỉ còn mỏng manh như sợi tóc nhưng chị đã hết lòng cứu chữa người bị nạn hồi phục sức khỏe trở lại. Nhiều người cảm động rơi nước mắt, khi biết rằng mỗi toa thuốc chị bốc cho họ chỉ lời vẻn vẹn vài ngàn đồng.
Với đặc điểm huyện Tân Kỳ là vùng quê có nhiều rừng rậm núi cao, nơi có nhiều loại rắn độc cư trú. Một số người dân lại thường ham mê nghề săn bắt rắn để bán, hoặc làm thuốc chữa bệnh nên nguy cơ bị rắn độc cắn là rất cao. Nhiều bệnh nhân bị rắn rất độc cắn đã hết phương cứu chữa đang dần đến với cái chết. Nhưng với trách nhiệm và tình thương đối với bệnh nhân, vợ chồng Lương y Bùi Đức Lục và Vương Thị Hoa đã cứu sống được nhiều người mà lưỡi hái tử thần đã kề cận.
Đó là trường hợp như chị Nguyễn Thị Bích, xã Tân Long, bị rắn hổ chúa cắn khi đang mang thai 7 tháng; anh Phan Văn Danh ở huyện Kỳ Anh, tỉnh Hà Tĩnh, bị rắn hổ mang bành cắn đã hoại tử lòi xương; anh Hùng cán bộ công an Trại giam số 3, bị rắn đen trắng cắn trong khi làm nhiệm vụ hôn mê 4 tiếng đồng hồ, hay trường hợp cháu Nguyễn Thị Tú ở thị xã Hồng Lĩnh, tỉnh Hà Tĩnh cũng bị rắn đen trắng cắn và hôn mê 12 tiếng đồng hồ...
Với phương pháp chữa bệnh rắn độc cắn gia truyền và kết hợp y học hiện đại, lương y Lục đã chữa trị cho tất cả các bệnh nhân thoát khỏi tử thần, phục hồi sức khỏe tốt, không một ai để lại di chứng gì, trở về cuộc sống lao động sản xuất thường ngày.
Tiếng lành đồn xa, số bệnh nhân bị rắn độc cắn trong tỉnh và các tỉnh bạn tìm đến nhà lương y Bùi Đức Lục để chữa trị ngày một đông. Và ông đã đem lại sự sống, hạnh phúc cho nhiều gia đình.
Với cống hiến cho công việc chữa bệnh bằng thuốc gia truyền lâu năm, lương y Bùi Đức Lục được tín nhiệm bầu làm Phó Chủ tịch Hội Đông y huyện Tân Kỳ. Ông và các cộng sự vừa hoàn thành Công trình sáng tạo khoa học và công nghệ năm 2012 “Bài thuốc nam chữa rắn độc cắn”.
Tài liệu cho thấy, từ tháng 4/2004 đến tháng 4/2012, đã có 149 bệnh nhân bị rắn độc cắn đến gia đình lương y Bùi Đức Lục chữa trị khỏi 100%. Trong đó bệnh nhân do rắn cạp nong, cạp nia cắn 22 người; rắn hổ chúa đen bóng và rắn hổ chúa màu xám đen cắn 4 người; rắn hổ mang bành cắn 25 người; rắn lục đỏ và rắn lục đọt chuối cắn 68 người; rắn khô mộc rằn (nhóm hoại tử) cắn 20 người; rắn khô mộc (nhóm thần kinh) cắn 5 người...
Với phương thuốc gia truyền và tấm lòng nhân hậu Lương y Bùi Đức Lục đã đóng góp không nhỏ công sức, tâm huyết và trí tuệ để bảo vệ sức khỏe cho cộng đồng, được người dân tin yêu, mến phục đặt cho biệt danh “Nhà khắc tinh nọc độc của rắn”.
Lê Hoa
.