Nhiều năm, ở vùng quê này vào thời kỳ cây lúa ra đòng trổ bông, nạn cào cào cắn phá làm chết hàng chục ha lúa. Vì thế, người dân đi săn bắt cào cào là để bảo vệ mùa màng và hơn hết săn cào cào được xem là một nghề “hái ra tiền” tăng thêm nguồn thu nhập kinh tế khá cho người dân.
Không biết từ khi nào, cứ đến mùa cào cào hàng năm, người dân xã Nghi Kim lại kéo nhau đi bắt cào cào để chế biến thức ăn. Trước đây, chủ yếu ăn cào cào đồng nhưng do loại này ngày một khan hiếm nên người dân chuyển sang bắt cào cào lá tre.
Ông Nguyễn Văn Bá năm nay đã gần 80 tuổi, trú tại xóm 3, xã Nghi Kim cho biết: Từ khi mới 4 tuổi ông đã được ăn món thịt cào cào cùng các cụ cao niên trong làng. Bữa ăn sang lắm mới có đĩa thịt cào cào, nếu có thêm chén rượu quốc lủi cay nồng để nhâm nhi thì thật khó quên.
Cào cào trở thành món ăn đặc sản của người dân Nghi Kim
Nhiều người cho rằng cào cào thuộc nhóm sâu bọ, phá hoại các loại cây ăn quả và đặc biệt trong sản xuất nông nghiệp. Nhưng đối với người dân Nghi Kim, cào cào đã trở thành một món ăn đặc sản truyền thống với vị thơm ngon, giòn và bổ dưỡng.
Hiện nay, cào cào xanh khá phổ biến nên được ưa chuộng. Chúng thường cư trú tại các bụi cây rậm rạp dọc theo bờ làng và ở ngoài cánh đồng. Mùa săn bắt cào cào tập trung vào các tháng 6, 7, 8 âm lịch hàng năm.
Bởi tháng 6 là thời điểm cào cào mang buồng trứng, trong người nó không có máu mà chỉ có nước lỏng màu xanh ở miệng nên thịt sẽ không có mùi tanh, vị bùi, ngon và béo.
Đến tháng 9, cào cào bắt đầu đẻ trứng và chết, nên cũng kết thúc mùa săn bắt cào cào. Bà Nguyễn Thị Nhung, ở xóm 4, mặc dù đã gần 70 tuổi nhưng thường ngày vẫn cùng đứa cháu nội 7 tuổi đi săn cào cào về để ăn.
Bà cho biết, bà ăn cào cào từ lúc lên 3 tuổi, đến nay bà đã có thâm niên ăn cào cào hơn 60 năm mà không có một thứ bệnh tật gì, vẫn khỏe mạnh và đi làm ruộng bình thường.
Chúng tôi vào thăm gia đình ông Nguyễn Văn Chuyến ở xóm 3, là người có kinh nghiệm trong chế biến món ăn “đặc sản” đầy hấp dẫn và lắm công phu này. Hôm đó nhân tiện gia đình có mâm giỗ, chúng tôi được mời ăn nào là thịt gà, thịt bò, thịt lợn, nhưng mọi người trong gia đình thì đua nhau ăn món thịt cào cào.
Theo ông Chuyến, để chế biến được món cào cào ngon phải tuân thủ theo các bước nhất định, nếu không món ăn sẽ trở nên vô vị, thậm chí có mùi tanh không ăn được.
Bước thứ nhất: Cào cào khi vừa bắt về, cắt bỏ các chân trước và sau, cánh và rút bỏ ruột. Làm xong, ngâm cào cào với nước muối trong vòng 3 - 4 phút, sau đó vớt ra rửa sạch bằng nước lã. Bước tiếp theo, luộc cào cào trong vòng 4 phút, lửa phải đỏ đều, bỏ thêm lá chanh và sả cho thơm, sau đó vớt cào cào ra để ráo nước.
Bước cuối cùng là chiên cào cào giòn lên cho đến khi thịt ngả sang màu vàng. Sau đó, nêm gia vị ớt cay, tiêu, sả băm nhỏ, hành tăm, thêm một ít mật mía, rồi rim khô. Để món cào cào ngon, giòn và dai có thể cho thêm ít nước dưa muối hoặc nước cà muối.
Đối với người dân Nghi Kim, việc săn bắt cào cào cũng lắm cái lợi, thịt cào cào được chế biến thành món ăn giàu dinh dưỡng do chúng ăn các loại hoa sắp ra quả, ăn lúa đứng đòng và hoa cỏ.
Bắt cào cào cũng là một cách tiêu diệt để chúng không phá hoại mùa màng mà không cần sử dụng đến thuốc bảo vệ thực vật. Ở xã Nghi Kim, trẻ em từ 7 tuổi trở lên cho đến các ông bà già đều biết đi bắt cào cào.
Để săn bắt được cào cào không có gì là phức tạp. Đối với cào cào ở ngoài đồng, có thể dùng vợt để bắt. Đi đến đâu, cào cào bay lên đến đó, chỉ việc dùng vợt chao lấy. Mỗi lần như thế có đến hàng chục con mắc vợt.
Còn đối với cào cào có thân người to gần bằng ngón chân cái, thường trú ngụ ở các bụi cây rậm và cao, có thể dùng sào tre hoặc nứa dài 4 - 5m, đầu kia nối với một móc sắt, vài cái bao tải có đục lỗ thông hơi để bắt cào cào khỏi bị ngạt mà chết.
Có gia đình còn dùng hẳn can nhựa loại 5 - 10 lít có đục lỗ thông hơi để tiện cho việc bắt cào cào. Mỗi khi gặp ổ cào cào nào, chỉ cần dùng móc sắt lắc mạnh cho cào cào rớt vào bao bì.
Loài cào cào này rất tinh ranh, nên người dân thường đi bắt vào ban đêm yên tĩnh khi chúng đang ngủ, nếu không chúng sẽ bay mất.
Vào mùa cào cào hàng năm ở Nghi Kim, gia đình nào cũng đi săn bắt để ăn thịt hoặc bán kiếm thêm thu nhập. Có gia đình, một ngày đi bắt được trên dưới 30 kg, mà 1kg cào cào có giá bán từ 30 - 50 ngàn đồng. Tính ra mỗi tháng, nhiều hộ gia đình thu về hàng chục triệu đồng từ cào cào.
Chế biến cào cào thành món ăn đặc sản không còn là điều xa lạ đối với mỗi người dân xã Nghi Kim. Bởi cào cào đã trở thành món ăn truyền thống không thể thiếu từ đời ông cha để lại. Vào thời điểm này, người dân thường bày bán cào cào tại ngã ba đường trong xã ra tận QL1A, người mua kẻ bán tấp nập.
Từ những con cào cào vốn được xem là loại sâu bọ chuyên phá hoại mùa màng, chính nó lại giúp người dân Nghi Kim có thêm nguồn thu nhập khá để cải thiện cuộc sống.
Hoa Lê
.