Buổi sáng hôm đó, theo lịch, tòa Hình sự xét xử hai vụ án giết người có tính chất đặc biệt nghiêm trọng khác nhau mà như một sự tình cờ, cả hai bị cáo đều có nhiều điểm chung: cùng phạm tội giết người vào lúc tuổi già, cùng bị truy tố với tội danh có khung hình phạt cao nhất là tử hình và cuối cùng cùng bị tuyên mức án tù chung thân.
Hai bị cáo, hai vụ án, hai số phận nhưng họ đã cùng chung một ngã rẽ sai lầm và đáng tiếc là khi đã ở vào tuổi xế chiều…
Máu lạnh
Trần Thị Nga ra tòa, nom gầy hơn nhiều so với hôm bị bắt. Sau hơn 8 tháng bị tạm giam, tóc, vốn đã bạc giờ bạc nhiều hơn, gần như trắng xóa ở phía mái đầu. Nhưng cái cách trả lời thẩm vấn thì vẫn vậy. Rành mạch, lưu loát như đã học thuộc lòng tất cả những lời biện minh cho tội ác; lạnh lùng, bình thản, không một chút hãi hùng, run rẩy.
Giống hệt như hôm xảy ra vụ án. Theo nội dung bản cáo trạng thì ngày 14/11/2011, bà Nga đến chơi nhà con gái lớn là chị Trần Thanh Hương ở phòng 1203 Khu đô thị mới Linh Đàm và ngủ lại. Sáng hôm sau, vợ chồng chị Hương đi làm, cô cháu ngoại lớn đi học, ở nhà còn lại Nga, cô cháu ngoại út và người giúp việc tên là Lê Thị Thủy. Khoảng gần 1 tiếng sau, Nga đưa cô cháu ngoại út đến trường mầm non rồi quay về.
Thế nhưng, buổi chiều ngày 15/11/2011, theo tường trình của chị Trần Thanh Hương thì khoảng 15h chị có gọi điện về nhà nhưng không thấy có ai nhấc máy. Khoảng 16h30 phút, từ cơ quan về, chị ngạc nhiên khi thấy cửa nhà chỉ khép hờ mà không khóa.
"Tôi vào nhà thấy tivi ngoài phòng khách vẫn bật nhưng không thấy mẹ tôi (tức bị cáo Trần Thị Nga - PV) và bác Thủy (tức người giúp việc Lê Thị Thủy - PV) đâu cả. Tưởng bác Thủy đi chơi nhà hàng xóm, tôi gọi rồi sang mấy căn hộ lân cận để tìm nhưng không thấy. Tôi quay vào trong nhà, thấy phòng ngủ khóa. Tôi mở cửa phòng thì hãi hùng khi thấy bác Thủy nằm chết dưới sàn nhà ở khoảng giữa tủ và giường".
Kết quả khám nghiệm hiện trường cho thấy, trên giường và trong phòng có nhiều vết máu, két sắt có dấu hiệu bị phá nhưng chưa mở được, đồ đạc bị xáo trộn. Quá hoảng hốt, chị Hương đã gọi điện báo cho bảo vệ tòa nhà và tất nhiên, báo cả cho mẹ mình. Nhưng bà Nga nghe điện thoại với thái độ hết sức bình thản. Trước tòa, trả lời câu hỏi của HĐXX: "Thái độ của mẹ chị lúc ấy thế nào?", chị Hương xác nhận: "Mẹ tôi chỉ nói "Thế à", rồi thôi".
Sau này, các tài liệu điều tra còn xác định được, sau khi gây ra cái chết cho chị Thủy, bà Nga vẫn đủ bình tĩnh để vào nhà tắm rửa sạch đôi bàn tay vấy máu và thu dọn hung khí. Cũng vào thời điểm ấy, khi xác chị Thủy vẫn còn bê bết máu ở trong phòng ngủ thì có một tình huống bất ngờ xảy ra. Hai chị giúp việc của hai gia đình hàng xóm sang chơi, tìm chị Thủy và tại tòa, Trần Thị Nga khai nhận: "Do cửa ngoài không khóa nên các chị ấy cứ thế đi vào". Nhưng thay vì hoảng hốt như trạng thái tâm lý thường thấy của kẻ giết người thì Trần Thị Nga vẫn bình tĩnh ra đứng chặn ở cửa, nói ráo hoảnh: "Chị Thủy không có nhà" rồi xua hai người về. Sau đó, theo kết quả điều tra trùng với lời khai nhận của Trần Thị Nga ở phiên tòa, thì Nga lại quay vào phòng ngủ, tháo ga giường và gối có dính máu đem vào để trong bồn tắm.
Biết công việc hàng ngày của chị Thủy là buổi trưa phải nấu cơm cho nhân viên của công ty anh Hùng (chồng chị Hương) nên để tránh bị nghi ngờ, Trần Thị Nga, sau khi thu dọn hiện trường gây án xong xuôi đã vào bếp nấu cơm, xào giá đỗ. Sau đó, gọi điện thoại cho người của công ty đến lấy. Khoảng 13h40 cùng ngày, Nga khép cửa, rồi sang nhà con gái thứ hai ở phố Thái Hà chơi.
Sự bình thản của Trần Thị Nga đã khiến ngay cả vị thẩm phán, chủ tọa phiên tòa cũng ngạc nhiên: "Gây án nghiêm trọng thế mà bị cáo vẫn đủ bình tĩnh để làm xong ngần ấy công việc sao?". Trần Thị Nga đáp: "Cũng rất sợ nhưng phải cố". Nhưng có tin được cái gọi là sự sợ hãi ấy không khi mà mọi việc sau khi gây án đều được Trần Thị Nga tiến hành một cách chỉn chu, cẩn thận, kỹ lưỡng và tất thảy mọi toan tính hoàn hảo ấy đều phục vụ chung một mục đích có lợi cho Nga. Ấy là che giấu tội ác. Giống hệt như một kẻ giang hồ máu lạnh, cho dù, với Nga, đây là lần phạm tội đầu tiên.
Dấu vân tay định mệnh
Những nghi vấn ban đầu không nhằm vào Trần Thị Nga, bởi bà ta có một nhân thân tốt. Sinh năm 1950, từng là giáo viên tiểu học ở quận Ba Đình, chưa có tiền án tiền sự và trước đó chưa từng có bất cứ một mâu thuẫn nào với người giúp việc Lê Thị Thủy. Cho dù, chị Thủy, một người phụ nữ luống tuổi quê Thanh Hóa, đã làm giúp việc cho gia đình con gái Nga vài năm và trong suốt khoảng gian ấy, tuần nào Nga cũng tới chơi. Chồng chết, làm mẹ đơn thân nuôi hai cô con gái ăn học nên người, sau khi các con có gia đình riêng, Nga thuê một căn hộ nhỏ ở khu tập thể Nam Đồng ở một mình. Các con gái biết ơn mẹ, kinh tế cũng ổn định nên lo cho mẹ đầy đủ, cần gì được nấy. Điều này, chính Nga cũng đã xác nhận tại phiên tòa.
Như thế, nói chung mọi sự với người đàn bà này đều ổn, ngoại trừ một điều, đó là bà ta chơi số đề. Sau này khi vụ án đã được khởi tố, khám xét nơi ở của Nga ở Nam Đồng, Cơ quan điều tra đã thu được 1 tích kê ghi lô đề có chữ ký của bà ta và 1 quyển sổ "giải mộng lô đề". Sau này khi bị bắt giam bà ta cũng thừa nhận có chơi lô đề tại các bàn xổ số và trước khi giết chị Thủy thì cũng đã từng vay nợ của chị Thủy 18 triệu đồng. Tuy nhiên, theo khai nhận của Nga thì sau đó đã trả đủ.
Và, không chỉ một mình chị Thủy, Nga còn vay của bà Lương Thị Nam ở phố Bạch Mai số tiền 10 triệu đồng nữa. Món nợ này Nga vay trước khi gây án gần 1 năm và chưa có tiền để trả. Khi biết Nga bị bắt, bà Nam đã đâm đơn đến Cơ quan điều tra để đòi.
Trần Thị Nga bị triệu tập đến Cơ quan điều tra ngay sau khi vụ án xảy ra bởi sự tố cáo từ những vết bầm tím trên mặt của bà ta. Tại gò má dưới mắt phải sưng nề, tụ máu. Ngoài ra, ở bờ vai cũng có hai vết thương. Ngón cái tay phải có vết mất da, màu đỏ, ướt. Mặt trong đùi phải có vết sây xát. Dưới đầu gối phải bị sây xát không đều. Ngoài đầu gối trái có vết xây xát ngang.
Lý giải về những vết thương này, Trần Thị Nga nói là do đập mặt vào bồn rửa mặt tại nhà con gái ngày 1/11. Tuy nhiên, lời khai của các nhân chứng đều khẳng định, cho đến 8h sáng ngày 15/11, khi bà ta đưa con gái thứ hai của chị Hương đi học thì trên mặt không hề có thương tích.
Những tường trình về khoảng thời gian từ sáng ngày 15/11 cho đến khi cái chết của chị Thủy bị phát hiện của Trần Thị Nga cũng có nhiều bất minh.
Nhưng, còn có một dấu vết khoa học quan trọng nhất thu tại hiện trường, chứng minh sự liên quan của Trần Thị Nga tới cái chết của chị Thủy, đó là dấu vết vân tay dính máu thu trên chiếc bàn là Phillips tại hiện trường, qua giám định đó chính là vân tay của Nga. Quả là tội ác, dù có ngụy trang, che đậy kỹ lưỡng tinh vi đến đâu thì cuối cùng cũng để lại dấu vết.
Những dấu hỏi
Nga bị bắt ngay sau đó và kết quả cuộc điều tra sau 8 tháng là bà ta đã nhận tội giết người. Chỉ đáng tiếc là trong suốt quá trình điều tra cho đến phiên tòa sơ thẩm, vẫn còn một số vấn đề chưa thể làm rõ được.
Theo cáo trạng thì khoảng 7h 45 phút ngày 15/11, sau khi đưa cháu ngoại đến trường mầm non trở về căn hộ 1203-CT1 Linh Đàm, Nga không thấy chị Thủy đâu. Nga gọi thì nghe tiếng chị Thủy trả lời là ở trong phòng ngủ của vợ chồng chị Hương. 20 phút sau vẫn không thấy chị Thủy đi ra, Nga nghe tiếng lạch cạch trong phòng ngủ và bước vào thì thấy chị Thủy đang đứng lúi húi ở khu vực tủ đựng két sắt. Nga hỏi làm gì đấy thì chị Thủy quay lại cầm chiếc dùi đục gỗ vung lên đập vào gò má phải của Nga. Cùng lúc, Nga nhận ra tay kia của chị Thủy cũng đang lăm lăm một chiếc dùi đục khác.
Hai người vật lộn, giằng co với nhau. Nga dùng tay tước được hung khí của chị Thủy, đồng thời ấn mạnh vào ngực, cổ người giúp việc, rồi cả hai cùng ngã xuống khe giường. Thấy có chiếc bàn là ngay cạnh, bà Nga liền chộp lấy nện vào đầu chị Thủy, sau đó tiếp tục dùng tay chẹn cổ cho đến khi chị Thủy không còn cử động nữa mới thôi. Chiếc dùi đục gỗ, chiếc đục sắt sau đó đã bị Nga thủ tiêu bằng cách đợi lúc trưa vắng người đem bỏ xuống thùng rác của tòa nhà. Con dao inox nhặt ở hiện trường Nga cũng đem rửa sạch rồi cất vào trong tủ bếp.
Tại phiên tòa, lời khai của Nga cũng đã bị HĐXX hồ nghi bởi không có người giúp việc nào dám cả gan tiếp tục cậy két sắt khi chủ nhà đã đánh tiếng ở phòng ngoài, rồi vào tận nơi như thế.
Còn nữa, chiếc két sắt theo xác nhận của chị Hương thì thường ngày vẫn đặt bên trong chiếc tủ trong phòng ngủ nhưng kết quả hiện trường cho thấy nó đã được đặt ngửa ở khoảng trống giữa giường và tủ và có dấu hiệu bị cậy phá. Tuy nhiên, Nga và chị Thủy - ai là người đã dịch chuyển chiếc két sắt này ra khỏi vị trí ban đầu, ai là người cậy phá - cũng chưa làm rõ được.
Trong khi đó, trước Tòa, chính chị Hương, khẳng định, trong suốt quá trình mấy năm làm giúp việc cho gia đình, chị Thủy được chị Hương giao cho quản lý nhà cửa, đồ đạc nhưng mọi thứ chưa hề bị mất mát gì. Chị Thủy cũng không có mâu thuẫn, thù oán gì với vợ chồng chị Hương và mẹ chị - bị cáo Nga.
Còn nữa, 2 chiếc điện thoại Nokia của chị Thủy, quá trình điều tra xác định sáng ngày 15/11 chị Thủy vẫn sử dụng. Thời điểm xảy ra vụ án 2 chiếc điện thoại vẫn hoạt động ở khu vực hiện trường, Cơ quan điều tra đã tổ chức truy tìm nhưng không tìm được.
Chồng của chị Thủy, tại phiên tòa đã tỏ rõ thái độ bức xúc. Sau khi nhận được số tiền bồi thường 136 triệu đồng từ các con của bị cáo, ông đã làm đơn xin giảm nhẹ hình phạt cho Nga. Nhưng sau khi nghe những lời khai mà ông cho là không trung thực, không tỏ ra ăn năn hối cải của bà ta tại phiên tòa, ông đã đề nghị tòa phải xử lý Nga thật nghiêm khắc theo pháp luật. Ông nói trong đắng cay, phẫn uất: "Vợ tôi đã chết, vậy mà bà ấy còn đổ oan cho vợ tôi là định ăn trộm tài sản của gia chủ".
Phiên tòa kết thúc muộn với bản án tù chung thân cho Nga, một mức án được coi là khá nghiêm khắc. Nhưng day dứt vẫn còn bởi vẫn có những ẩn khuất chưa được làm rõ.
Ân hận liệu còn có kịp?
Không giống như Trần Thị Nga luôn miệng biện hộ để giám bớt tội lỗi, ở một phòng xử khác trong khuôn viên Tòa Hình sự, phiên tòa xét xử "lão bị cáo" Ngô Đức Chính, 62 tuổi, kết thúc khá sớm. Phạm tội giết người với tình tiết định khung tăng nặng "giết nhiều người" khi đã ở tuổi xế chiều, quả là một bi kịch đắng cay.
Ngô Đức Chính ân hận vì gây nên tội lỗi khi đã bước vào tuổi xế chiều. |
Chỉ vì mâu thuẫn rất nhỏ trong việc chơi cờ với một người bạn già hàng xóm là ông Nguyễn Khắc Cầm mà Chính đã ra tay sát hại cả hai cha con ông Cầm bằng nhiều nhát dao. Con gái ông Cầm may mắn thoát chết, còn ông Cầm thì không qua khỏi.
Gầy yếu, hom hem trước vành móng ngựa, Nguyễn Đức Chính thực thà khai nhận tất cả tội lỗi. Rất nhiều lần, Chính đã bày tỏ sự ân hận bởi sai lầm của mình. Chỉ vì thiếu kiềm chế mà bị cáo đã "cả giận mất khôn" để cuối cùng phải ngồi tù khi tuổi già, sức yếu. "Bị cáo đã cao tuổi rồi mà còn hung hăng như vậy, không sợ thiên hạ cười cho hay sao", vị Hội thẩm nhân dân phân tích. Ngô Đức Chính cúi đầu lắng nghe. Ở phía dưới phòng xử, vợ và các con bị cáo khóc ròng, nhìn cha trước vành móng ngựa.
Nhận bản án chung thân, Chính rời tòa, lê những bước chân mệt nhọc về trại giam giữa cơn mưa tầm tã. Khi bước chân xa dần, chỉ còn thấy mái đầu trắng xóa trong mưa…