Mọi công việc nặng nhọc giờ đây đều do tay bà Duệ làm |
Thế rồi, một “hiệp nữ” đã chấp nhận làm vợ lẽ một cựu chiến binh lắm bệnh nhiều tật và gánh vác biết bao gian truân để tâm nguyện người vợ cả trở thành hiện thực. Chuyện tưởng như cổ tích nhưng lại có thật ở xã Liệp Tuyết (Quốc Oai, Hà Nội).
Éo le của những phận người
Bà Trương Thị Bích là một trong những người phụ nữ khổ nhất, thương chồng nhất mà tôi từng biết. Sinh ra trong gia đình không thể nghèo và bất hạnh hơn. Giữa vùng quê nghèo, cha mẹ bà sinh tới chín con, người nào cũng nheo nhóc. Lớn lên, bà được, gả cho ông Nguyễn Văn Thư, sinh năm 1944 (xã Liệp Tuyết, Quốc Oai), hơn bà hai tuổi. Sau đám cưới vài ngày, ông Thư vào chiến trường làm nhiệm vụ, là lính lái xe Trường Sơn, chiến đấu nhiều ở chiến trường Quảng Bình, Quảng Trị… thi thoảng nghỉ phép mới về thăm vợ.
Cưới năm 1966 nhưng phải đến năm 1970 bà Bích mới sinh con, do chồng cứ đi biền biệt. Nguyễn Thị Bài, con gái cả, từ lúc lọt lòng mẹ đã ốm ngặt nghẹo, nuôi mãi cũng chẳng chịu lớn, năm tuổi cũng chẳng biết đi, tay chân teo tóp. Con thứ hai Nguyễn Thị Tiếp sinh năm 1974 cũng vậy, lúc mới sinh ra đã nhỏ như nắm cơm, được một năm thì qua đời.
Cuộc sống đã vất vả, khó khăn lại bị áp lực nên bà Bích ngày càng tiều tụy. Một số người nói bà bị ma ám nên mới sinh ra những đứa con dị dạng như vậy. Hai năm sau, được chồng động viên, bà Bích sinh tiếp con thứ ba là Nguyễn Văn Thu (1977) nhưng lại khiến chồng thất vọng. Mấy năm sau, ông Thư “đánh liều” động viên vợ sinh thêm, cô con gái sinh năm 1981 Nguyễn Thị Tịnh cũng chịu số phận hẩm hiu như các anh chị. Tất cả đều không có trí khôn, sống đời thực vật, như quả bầu, quả bí đặt góc nhà, ngay cả việc tiểu tiện cũng phải nhờ mẹ.
Chấm chấm vạt áo lên khóe mắt, bà Bích tâm sự: “Ông nhà tôi đã mắc nhiều bệnh, lại là thương binh, mảnh đạn từ ngày đi kháng chiến vẫn găm vào người nên từ ngày về chẳng đỡ đần tôi được việc gì. Bản thân tôi cũng nhiều bệnh, lại phải gánh thêm ba đứa con tật nguyền với một người mẹ già, tôi cứ cúi gằm mặt xuống mà làm để nuôi sống cả nhà. Mọi gánh nặng đổ lên đầu, lưng tôi từ đó cứ còng xuống, dù tuổi còn trẻ. Ngày đó chưa ai biết đến thứ chất độc da cam, nên gia đình chồng hắt hủi, hàng xóm nói ra nói vào…Lúc cơ cực, tôi chỉ biết ôm mấy đứa con mà khóc”.
Thương vợ, ông Thư cũng bất lực và chịu nhiều áp lực. Còn bà Bích càng thấy thương chồng hơn, bởi mấy đứa con tật nguyền, chẳng có tương lai thì chồng sẽ thành tuyệt tự. Đau khổ, thương chồng, bà Bích giận mình bởi con sinh ra từ bụng bà, thì tội lỗi là ở bà nên chẳng dám oán thán ai. Một ngày, bà Bích nén lòng thốt lên với chồng: “Em nghĩ kỹ rồi, em không biết đẻ, anh cứ bỏ em đi mà lấy một người đàn bà khác, em chẳng dám oán anh một lời!”. Nghe thế, ông Thư chết lặng và cảm thấy lỗi là ở mình. Bản thân cứ đi biền biệt, chẳng đỡ đần vợ được ngày nào, chỉ tăng thêm gánh nặng cho vợ thôi. Ông một mực từ chối.
Chồng càng từ chối thì bà Bích càng tỏ ra quyết tâm. Bà nghĩ đến một kết cục buồn, rằng khi ông bà mất đi, ai sẽ chăm sóc các con? Mà bản thân bà, những nặng nề của cuộc sống, nỗi đau khổ chồng chất đã vít tấm lưng mỏng manh của bà còng xuống, đến nỗi bà sợ mình cứ còng sát đất mất! Bởi thế đành nuốt nước mắt lấy vợ hai cho chồng, để có người gánh vác việc gia đình. Ý bà Bích có lý, nhưng ông Thư còn chần chừ, bảo vợ: “Hay là mình đẻ thêm đứa nữa xem thế nào đã rồi hãy quyết định?”. Ý kiến của ông Thư bị gạt đi, bà Bích từ đó quyết “ép” chồng lấy vợ hai. Bà phao tin khắp xã “tuyển” những bà, những chị góa chồng tốt tính, có sức khỏe để lãnh trọng trách, bản thân bà sẽ mang các con về nhà mẹ đẻ. Nhưng khi nghe đến một gia đình như thế người ta đều sợ hãi “chạy mất dép”, chẳng ai chịu làm vợ lẽ ông Thư, gánh vác trách nhiệm nặng nề.
Tình chị, công em
Năm 1986, trưởng dòng họ nói với bà Bích về một người phụ nữ ở xã Tuyết Nghĩa, không có chồng, tuổi cũng đã lớn, gia đình nghèo khó nhưng có sức khỏe, chịu thương chịu khó. Bà Bích liền hối hả đạp xe đến gặp người phụ nữ kia và thổ lộ tâm tình. Hai bà nói chuyện với nhau nhiều lắm. Bà Bích tâm sự hết với bà Dương Thị Duệ về cuộc đời mình, bà Duệ cũng thổ lộ chuyện đời con gái truân chuyên. Dường như tất cả những lời của bà Bích, bà Duệ đều nghe và thông cảm, không như những người phụ nữ trước đây, vừa nghe xong đã nổi xung.
Sau cả ngày tâm sự, bà Duệ quệt nước mắt nói: “Đời chị đã khổ như thế, em đâu đã sướng gì, vậy thì em sẽ về giúp chị trông nom các cháu”. Lúc đó, gia đình ông Thư phản đối kịch liệt, còn gia đình bà Duệ để mặc bà tự quyết. Bà Bích lúc đó khẳng định: “Tôi sẽ làm cho gia đình đoàn kết, không để ai phải chịu thiệt!”.
Hai người phụ nữ và những đứa con tật nguyền.
Ngày cưới, ông Thư ốm nặng. Gia đình làm hai mâm cơm mời những người thân tín nhất. Đám cưới không tiếng pháo, ít tiếng cười, chỉ toàn nước mắt. Hình ảnh bà cả đạp xe, đón bà hai về nhà chồng là độc nhất vô nhị. Nhà chật, mấy mẹ con bà Bích ngủ một giường, nhường một giường cho ông Thư và bà hai. Sau này để cho tiện, ông Thư dựng một căn nhà tạm ở góc vườn dành cho bà hai. Suốt bao nhiêu năm, họ ăn cùng mâm, phục tùng chồng và chăm sóc đại gia đình.
Dù biết là về làm vợ lẽ, sẽ phải gánh vác cả biển việc, nhưng đã chấp nhận thì bà Duệ chỉ còn cách cố gắng, thương chồng, thương con chồng và chắt chiu những giọt hạt phúc của cảnh nghèo. Bà Duệ sức vóc, khỏe mạnh, chăm chỉ, cần mẫn lúc nào cũng hết lòng vì mấy đứa con tật nguyền của bà cả. Sau này, ông trời thương xót, cho ba đứa con của bà Duệ với ông Thư đều khỏe mạnh. Kinh tế khó khăn, tiền trợ cấp của ông Thư chỉ được mấy chục ngàn, không đủ tiền thuốc, bà Duệ muốn các con sau này phải thoát nghèo nên cho con học bằng mọi giá. Bà phải làm gấp ba, gấp năm để có tiền chu cấp cho con. Cả ba con đều được học trung cấp y, hai con đã tốt nghiệp, xây dựng gia đình nhưng chưa xin được việc, cô con gái út tên Nguyễn Thị Hoa mới bước vào năm thứ nhất. Cuộc sống càng khó khăn.
Về tình cảm và sự tận tâm của bà Duệ, bà Bích vô cùng biết ơn. “Nếu không có bà Duệ thì chắc gì tôi đã sống được đến ngày hôm nay. Mọi việc nặng nhọc đều do bà ấy gánh vác, kể cả các con của bà Duệ sau này đều rất thương yêu các anh chị tật nguyền, ai đến cũng tưởng tôi đẻ ra tất cả. Phải nói, bà Duệ là người có đức hy sinh, chính bà ấy đã đánh tan cơn bão gia đình, để đến hôm nay chồng tôi dù nằm dưới suối vàng cũng được mát lòng mát dạ. Hằng ngày, đôi khi chúng tôi cũng tức nhau, bực dọc, nhưng xong rồi thì thôi, không ai để bụng, không cãi nhau to tiếng bao giờ. Dù hai chúng tôi cùng sinh năm 1946, nhưng tôi là chị, bà Duệ là em, chúng tôi hết lòng đoàn kết để vươn lên. Không hiểu bà Duệ đã lấy đâu ra dũng cảm để vực dậy một gia đình khốn khổ như gia đình tôi”, bà Bích thổ lộ.
Năm 2005 ông Thư bệnh nặng rồi qua đời để lại cho bà Duệ một đống nợ, cô con gái út của bà Bích mấy năm sau cũng mất, khoản tiền trợ cấp 500 nghìn đồng (được hưởng trong vòng hai năm) cũng bị cắt luôn. Với bảy sào ruộng cấy “chiêm khê, mùa thối”, cộng thêm khi rảnh rỗi thì gấp vàng mã hoặc mò cua, bắt ốc, bà Duệ khéo vun vén để nuôi bảy miệng ăn. Mấy năm nay, lưng bà Bích đã còng lắm nhưng vào mùa cấy, vụ gặt vì thương em nên vẫn giúp một tay. Thế là nhiều khi để cho nhanh, bà Bích ngồi xe cải tiến, bà Duệ kéo ra đồng.
Ước một tương lai mới
Hiện tại, tiền thuốc thang cho các con, cho bà Bích vẫn mất nhiều nên phải đi vay, tất cả lại trông chờ vào hạt thóc, đồng ruộng. Niềm mong mỏi lớn nhất hiện tại của hai người đàn bà giàu đức hy sinh là những đứa con đã học xong trung cấp xin được việc làm để chăm lo tổ ấm riêng, đồng thời giúp đỡ mẹ. “Có lẽ ông trời thương tôi nên ban cho ba đứa con ngoan. Nếu có công việc khá, chúng nó sẽ giúp đỡ hai người đàn bà yếu đuối chúng tôi, bởi cũng sẽ có ngày tôi không thể làm ruộng được nữa”, bà Duệ bùi ngùi cho biết.
Xét về mặt pháp luật, chuyện hai người phụ nữ chung một chồng là “có vấn đề” nhưng về mặt tình cảm thì đó là chuyện không những chấp nhận được mà còn là bài ca đẹp về tình người. Biết bao nhiêu ngày tháng vất vả, gian nan, những nỗi đau buồn đã tràn qua số phận của hai người phụ nữ và một người đàn ông. Cuộc sống đầy nước mắt, khổ đau xen lẫn với những ngậm ngùi, tủi hổ, thế mà họ vẫn khát khao sống, khắc phục khó khăn để làm nên một câu chuyện đẹp. Qua những lần tâm sự với hai người phụ nữ nhiều nỗi buồn, giúp tôi hiểu thêm về cuộc sống, tình người và sức mạnh của lòng nhân ái.
Ông Nguyễn Văn Lộc, Trưởng thôn Thông Đạt:
Bà Bích, bà Duệ là người người phụ nữ tuyệt vời, có lòng hy sinh cao cả. Họ đều gặp bất hạnh, nhưng biết nương tựa vào nhau để sống. Vấn đề khó khăn nhất của gia đình họ là kinh tế, sau nữa là sức khỏe của mọi người. Các ban ngành, đoàn thể trong xã có quan tâm đến hoàn cảnh của họ, nhưng chỉ được một phần rất nhỏ bởi thôn, xã cũng đều… nghèo!
ANTG
.