Warning: include(/export/home2/WebData/baocongannghean//gia-dinh-xa-hoi/201207/21955-huyen-thoai-nguoi-anh-hung-pha-90-thac-du-395993/index.txt): failed to open stream: No such file or directory in /export/home2/WebData/baocongannghean/index.php on line 72

Warning: include(): Failed opening '/export/home2/WebData/baocongannghean//gia-dinh-xa-hoi/201207/21955-huyen-thoai-nguoi-anh-hung-pha-90-thac-du-395993/index.txt' for inclusion (include_path='.:/usr/local/php/lib/php') in /export/home2/WebData/baocongannghean/index.php on line 72
Huyền thoại người anh hùng phá 90 thác dữ - Báo Công An Nghệ An điện tử
Chủ Nhật, 29/07/2012, 14:00 [GMT+7]
21955

Huyền thoại người anh hùng phá 90 thác dữ

40 giây của người anh hùng
 
Năm 19 tuổi, chàng trai Phan Tư ở Thọ Lâm, xã Thọ Thành, huyện Yên Thành lên đường nhập ngũ. Tháng 10/1952, Trung đội 51 (thuộc Đại đội 124, Trung đoàn 555) của Phan Tư được lệnh hành quân gấp lên Tà Khoa (thuộc vùng thượng nguồn sông Đà).
 
Đây là nút giao thông cực kỳ quan trọng lên Điện Biên nên mức độ đánh phá của máy bay địch cũng vô cùng ác liệt. Tại đây đơn vị có nhiệm vụ mở đường, bắc cầu phao, làm bến phà để bộ đội vượt sông ngược Tây Bắc. Riêng Tiểu đội phó Phan Tư cùng hai chiến sĩ khác được phân công theo dõi máy bay địch, rà soát và phá bom nổ chậm...
 
Bom thả bao nhiêu thì đồng đội anh có nhiệm vụ rà phá bằng hết. Nhiều phen anh bị đất hất đầy miệng, máu từ hai hốc mắt chảy ra. Một lần quả bom tấn to như con trâu mộng lao xuống nằm ngay giữa đường. Nếu phá nổ thì hỏng đường, người và xe không thể qua được bến Tà Khoa.
 
 
Anh hùng LLVT Phan Tư
Hàng ngàn dân công xe thồ, bộ đội, xe vận tải, xe kéo pháo phải đứng chờ cách xa quả bom 300m. Không có cách nào khác trong lúc chiến trường đang nóng bỏng từng giây, Tiểu đội phó Phan Tư đập đuốc châm lửa thắp sáng rồi đứng lên quả bom, hô to: “Các đồng chí yên tâm vượt qua vùng nguy hiểm. Quả bom này không nổ. Tôi đứng làm lộ tiêu cho mà đi. Cứ bình tĩnh tiến lên”. Suốt đêm đó hàng ngàn người và xe, pháo lần lượt qua khỏi bến Tà Khoa.
 
Bị thương tại dốc rừng Tuần Giáo, vết thương ở chân vẫn chưa khỏi, Phan Tư lại cùng đồng đội bước vào chiến dịch mới. Đêm mồng 5 Tết năm 1953, trung đội của Phan Tư được lệnh mặt trận Quân khu Tây Bắc điều động bí mật di chuyển mở một tuyến đường thủy. Nhiệm vụ chủ yếu của công binh là phá hơn 90 thác, trong đó có 30 thác cực kỳ nguy hiểm dọc sông Nậm Na - một nhánh của sông Đà xuất phát từ bản Léng (Trung Quốc) chảy về thị xã Lai Châu, dài 120km.
 
Câu hỏi đầu tiên là làm thế nào để đưa được những khối bộc phá cỡ 6 kg xuống nước? Giữa núi rừng thời chiến không thể tìm đâu ra vải, nilông, sáp, nhựa bọc kín quả bộc phá để chống ướt. Phan Tư trằn trọc nghiên cứu và đã nảy sinh sáng kiến lấy lá chuối để gói và lạt giang buộc bộc phá giống như gói bánh tét.
 
Nhưng cái khó là không có sáp hoặc nhựa đường để hàn kín miệng dây cháy chậm. Lúc đó Phan Tư lại có sáng kiến dùng cơm nếp nghiền kỹ thay sáp. Lập tức kinh nghiệm này được phổ biến cho toàn trung đội để sản xuất bộc phá. Thác Hang hung dữ được đưa vào điểm nổ đầu tiên. Phan Tư đã xung phong ôm bộc phá lặn xuống.
 
Toàn bộ thao tác từ khi ôm khối thuốc lặn xuống đến phát nổ chỉ cho phép kéo dài trong 40 giây trong khi nước chảy xiết. Phan Tư nghĩ chắc chắn mình sẽ hy sinh, nhưng nhất định phải hoàn thành nhiệm vụ. Anh lặn sâu xuống và gài bộc phá vào lòng thác…
 
Một tiếng nổ long trời, nước sông cùng đất đá tung lên không trung rồi đổ ụp xuống. Đồng đội trên bờ không ai bảo ai, đều ngả mũ, cúi đầu mặc niệm người đồng đội đã anh dũng hy sinh. Nhưng Phan Tư chỉ bị sức ép và đã được đồng đội kịp thời cứu sống... Nhờ sáng kiến của Phan Tư, trong vòng một tháng, 90 ngọn thác trên sông Nậm Na đã được xoá sạch, kịp thời mở đường cung cấp vũ khí, lương thực cho chiến dịch. Với chiến công đó, Phan Tư được Nhà nước phong tặng danh hiệu Anh hùng lực lượng vũ trang đợt đầu tiên trong chiến dịch Điện Biên Phủ.
 
Hết chống Pháp lại đến chống Mỹ, Phan Tư tiếp tục tham gia chiến đấu trên nhiều chiến trường ác liệt. Năm 1976, ông trở thành Đại tá - Lữ đoàn trưởng Lữ đoàn 239.
 
Bình dị giữa đời thường
 
Trở thành huyền thoại Điện Biên và đạt được danh vọng cao, ông vẫn coi mình là một công dân bình thường như bao người dân bình thường khác. Bà con vùng Thọ Lâm đều hết lời ca ngợi ông. Cụ Phan Bình hàng xóm cho biết: "Anh Tư khi còn đương chức lúc về làng đều đi thăm bà con làng xóm, đến nay về hưu rồi cũng thế, sống giản dị giữa lòng xóm mạc và hay giúp đỡ mọi người nên ai cũng quý…".
 
Về hưu năm 1987, trở về đời thường, ông vẫn hăng say lao động; hăng hái tham gia vào các hoạt động xã hội và luôn hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ, dành nhiều phần thưởng cao quý của Đảng và Nhà nước. Đã gần 60 năm tuổi Đảng nhưng lòng nhiệt huyết cách mạng vẫn sôi sục trong ông. Ông luôn hưởng ứng và tham gia tích cực các phong trào của địa phương, mẫu mực trong sinh hoạt hàng ngày.
 
Anh hùng Phan Tư và vợ giữa đời thường
 
Ông Nguyễn Khoa Thăng - Bí thư Đảng bộ xã Thọ Thành nhận xét: "Anh hùng Phan Tư là người tiêu biểu cho tinh thần chiến đấu anh dũng “quyết tử cho Tổ quốc quyết sinh”. Đảng bộ và nhân dân xã Thọ Thành luôn tự hào về những chiến tích của ông. Ông là một đảng viên mẫu mực trong chi bộ được nhiều người trân trọng, học tập và là một tấm gương tiểu biểu cho các thế hệ noi theo”.
 
Hiện nay, các con ông đã thành đạt đi làm việc xa nhà, vợ chồng ông sống giản dị trong ngôi nhà cấp 4 đơn sơ ở đầu xóm. Thời gian gần đây sức khoẻ ông bị giảm sút do tuổi cao nên không tham gia các hoạt động xã hội, nhưng ông vẫn thường xuyên xem ti vi, đọc sách báo để theo dõi những biến động của đất nước và đóng góp nhiều ý kiến quý báu trong việc xây dựng nếp sống văn minh nơi xóm làng. Lúc chúng tôi hỏi về một thời phá bom, phá thác, ông bảo: "Khi đất nước có chiến tranh thì việc tôi làm là chuyện bình thường, ngày đó chúng tôi sẵn sàng hy sinh".
 
Ngồi nghe ông kể lại một thời phá thác oanh liệt, chúng tôi mới hiểu thêm để có chiến thắng Điện Biên chấn động địa cầu, đất nước đã sản sinh ra những người anh hùng như vậy. Họ đã trở thành huyền thoại, trở thành bất tử trong lòng dân tộc.

Tiến Dũng - Bích Thuỷ
.