Kẻ buôn người từng là nạn nhân
Tại nhà tạm giam, nhìn bề ngoài khuôn mặt Lữ Thị Quan (SN 1971) trú ở bản Kẻ Bọn, xã Châu Hạnh, huyện Quỳ Châu trông vẻ hiền lành, dễ nhìn, song ẩn bên trong ấy là bộ mặt của “ác quỷ”. Thị đã đang tâm lừa bán người cháu ruột và gần chục sơn nữ sang Trung Quốc.
Lữ Thị Quan đã bị khởi tố, bắt giam chờ ngày phán xử của pháp luật về tội "Mua bán người". Thế nhưng, lần giở đoạn trường của Quan thì chính thị cũng là nạn nhân của bọn buôn người.
Năm 20 tuổi, Lữ Thị Quan lấy chồng và sinh được 2 đứa con "đủ nếp, đủ tẻ". Do nghèo đói, không có việc làm nên cuộc sống phát sinh nhiều mâu thuẫn. Quan thường xuyên bị chồng đánh đập, đối xử thậm tệ.
Không chịu đựng được, năm 2009, Lữ Thị Quan và chồng ly hôn rồi khăn gói về nhà mẹ đẻ sinh sống. Tại đây, Quan gặp Lữ Thị Mai, là con gái của anh trai Quan, đã lấy chồng Trung Quốc vừa trở về thăm nhà.
Mai bảo: "Cô còn trẻ đẹp, theo cháu sang bên đó làm việc, lương tháng cao, khéo số tốt gặp được anh chồng đại gia thì tuyệt vời". Nghe cháu nói xuôi tai và thấy nó ăn mặc sang trọng, đồ trang sức vàng, bạc đeo đầy người, tiêu tiền như nước nên Quan đồng ý theo đứa cháu gái vượt biên sang Trung Quốc.
Sang đó, Quan không ngờ bị cô cháu gái bán cho 1 người đàn ông Trung Quốc với giá 1,7 vạn nhân dân tệ. Hiểu ra cơ sự thì mọi chuyện đã được an bài, thị cam chịu số phận và chấp nhận sống cảnh vợ chồng với người đàn ông Trung Quốc đã bỏ tiền ra mua thị.
Bẵng đi một thời gian, ngày 16/2/2012, Lữ Thị Quan bất ngờ trở về Châu Hạnh, Quỳ Châu. Tại đây, bằng vẻ bề ngoài giàu có và vẽ ra viễn cảnh giàu sang ở xứ người, Lữ Thị Quan đã “thôi miên” được 3 cô gái là Lữ Thị Hiền (SN 1993), Vi Thị Phú (SN 1990) và Lữ Thị Hà (SN 1992) cùng trú ở bản Kẻ Bọn vào tầm kiểm soát của mình.
Lữ Thị Quan ngày một tỏ ra là người nhiệt tình, phóng khoáng khi trong suốt thời gian chờ cơ hội thoát khỏi địa bàn, lần lượt 3 cô gái đều được thị chiêu đãi tiệc tùng và hát karaoke mà không nghĩ rằng mình đang bị lạc vào một đường dây buôn bán người do Lữ Thị Quan cầm đầu.
Tuy nhiên, mọi hành vi của thị Quan đã không qua khỏi con mắt nhạy bén của Công an huyện Quỳ Châu. Trước đó, Công an Quỳ Châu đã nắm được thông tin về việc Lữ Thị Quan có liên quan đến đường dây lừa bán phụ nữ qua biên giới nên đã lập chuyên án mang bí số 212B do đích thân đại tá Thái Doãn Hiệu, Trưởng Công an huyện trực tiếp làm Trưởng ban chuyên án cùng với 6 thành viên khác đã nhanh chóng vào cuộc.
Đến khoảng 20h30 ngày 23/2, khi Lữ Thị Quan cùng với 3 cô gái trên chiếc xe khách đang trên đường ra Quảng Ninh, thì lập tức bị cảnh sát khống chế, bắt giữ. Lúc này, các nạn nhân được giải cứu mới biết mình suýt nữa thì biến thành món hàng béo bở cho bà cô “tốt bụng” đem bán.
Tại Cơ quan điều tra, Lữ Thị Quan khai nhận: Ngoài phi vụ lừa bán 3 thiếu nữ này, từ năm 2010 đến khi bị bắt, trong số gần chục nạn nhân mà Quan đưa đi trót lọt sang Trung Quốc để bán, có một người cháu ruột tên là Lữ Thị Hiền bị Quan bán với giá 20.000 nhân dân tệ.
Đại tá Thái Doãn Hiệu cho biết: "Do tính chất phức tạp có nhiều tình tiết chưa thể thông tin. Nhưng trước sự việc trên, đang báo động tình trạng nhức nhối về vấn đề đưa người ra nước ngoài bán làm vợ. Đau lòng hơn, sự việc lại diễn ra ngay cả trong anh em gia đình ruột thịt với nhau.
Đến những ông trùm đẹp mã
Đó là Phạm Văn Bình (SN 1983) trú tại xã Đôn Phục, huyện Con Cuông, với "thành tích" đưa gần 20 sơn nữ bán ra nước ngoài, Bình trở thành tay trùm buôn người khét tiếng nhất xứ Nghệ.
Tên Bình tuy đã có vợ và 2 con, nhưng hắn vẫn là tay ăn chơi nhất bản và thường giao du với các đối tượng xấu. Sau khi được các đối tượng này tiết lộ bí quyết làm giàu nhanh bằng cách lừa sơn nữ bán, hắn đã rắp tâm thực hiện, dần dần Bình trở thành ông trùm xảo quyệt và lắm thủ đoạn thống lãnh đường dây buôn bán người có chân rết khắp nơi.
Vốn có chút hiểu biết, y lợi dụng cái mẽ đẹp trai của mình tiếp cận những cô gái trẻ, vờ chưa có vợ rồi buông lời tán tỉnh. Sau khi cá đã cắn câu, hắn tiếp tục đánh vào tâm lý đang cần việc làm của các cô gái này, sau đó bí mật đưa đi mà không cho gia đình biết.
Chỉ đến khi chị Hà Thị V., trú ở xã Lục Dạ (Con Cuông) một trong số các nạn nhân trốn thoát trở về làm đơn tố cáo, chân dung tên trùm này mới lộ diện.
Ngay sau khi nhận được tin báo, Công an huyện Con Cuông đã khẩn trương xác minh vụ việc và tiến hành xác lập chuyên án “Mua bán người” (bí số 512P). Qua điều tra, các trinh sát hình sự đã xác định được các đối tượng trong đường dây buôn bán người.
Bước đầu, Ban chuyên án đã làm rõ, trong khoảng thời gian từ tháng 3/2011, các đối tượng đã đưa 5 người phụ nữ ở xã Lục Dạ, huyện Con Cuông sang Trung Quốc trót lọt để bán làm vợ. Qua thu thập thông tin và chứng cứ, ngày 14/5/2012, Ban chuyên án đã bắt khẩn cấp tên Phạm Văn Bình.
Tại cơ quan điều tra, Bình thừa nhận đã vào bản Khe Mọi, xã Lục Dạ lừa chị Hà Thị V và 4 người phụ nữ khác đưa sang Trung Quốc để bán, giá mỗi phụ nữ là 5 vạn nhân dân tệ (180 triệu đồng).
Chân dung hai trùm buôn người Phạm Văn Bình và Lữ Thị Quan
Mở rộng vụ án, Cơ quan điều tra đã phát hiện không chỉ có Bình mà còn có thêm 4 đối tượng khác cũng nằm trong đường dây này. Trong thời gian từ đầu năm 2011 đến nay, bọn chúng đã chia chác nhau hàng trăm triệu đồng từ việc lừa bán 12 cô gái trẻ để làm vợ hoặc "làm gái" nơi xứ người.
Trao đổi với chúng tôi, đại tá Hoàng Văn Tấn - Trưởng Công an huyện Con Cuông cho biết: Hiện vụ án vẫn đang được tiếp tục điều tra, đấu tranh mở rộng và theo nhận định, có khả năng số nạn nhân còn nhiều hơn con số bọn chúng đã khai nhận.
Đề cao cảnh giác
Tình trạng buôn người ra nước ngoài tiếp tục là vấn nạn nhức nhối ở miền Tây xứ Nghệ. Những tháng đầu năm 2012, Công an Nghệ An cũng đã khám phá ra nhiều vụ, nhưng đằng sau đó vẫn còn đó nhiều mối lo cho đồng bào vì sự cả tin của họ.
Qua phân tích các vụ án “buôn người” do Công an Nghệ An khám phá cho thấy, thủ đoạn của loại tội phạm buôn bán phụ nữ, trẻ em ngày càng tinh vi và nham hiểm. Ngoài các mánh khóe dụ dỗ, lừa đảo thông thường như tìm người giúp việc, làm công nhàn nhã được hưởng lương cao hay đi du lịch... Hiện nay, những kẻ buôn người còn thông qua dịch vụ “chát” trên mạng Internet để làm quen với các nữ thanh niên, sinh viên, học sinh nhẹ dạ, cả tin.
Chúng dụ dỗ, hứa hẹn giúp đỡ phụ nữ, trẻ em vùng miền núi khó khăn làm việc ở thành phố có thu nhập cao, rồi đưa thẳng lên biên giới bán ra nước ngoài. Cũng qua việc “chát” trên mạng Internet, bọn tội phạm “buôn người” đã dùng thủ đoạn vờ yêu đương nạn nhân, rồi rủ lên các tỉnh biên giới chơi, mua sắm, sau đó lừa bán ra nước ngoài. Để gây dựng lòng tin đối với người bị hại, bọn tội phạm thường ứng trước một số tiền cho bản thân hoặc gia đình họ... Nói chung, hầu hết các nạn nhân khi ra tới nước ngoài mới biết mình bị lừa.
Tiến Dũng
.