Vườn chim đối với anh là tài sản vô giá, vừa là niềm vui khi hàng ngày vẫn được thấy từng đàn chim kéo nhau bay về trong tiếng kêu râm ran khắp sân vườn.
Trồng vườn… nuôi chim
Từ TP Vinh, dọc theo tỉnh lộ 534 vượt qua gần 50km, chúng tôi tìm về vườn chim của anh Vũ Văn Ngân ở xóm 10, xã Lý Thành, huyện Yên Thành. Từ xa đã thấy khu vườn xanh um của anh rập rờn từng đàn chim, đàn cò trắng bay lượn. Khu vườn rộng khoảng 2,5ha trồng các loại cây: Tre, nứa, xà cừ, bạch đàn, cây ăn quả… là nơi trú ngụ cho các loài chim, cò tum, cò cổ vằn, vạc, sáo sậu, chào mào, iểng, cu gáy...
Tiếp chúng tôi trong căn nhà khang trang mới xây là chị Ánh (vợ anh Ngân). Chị cho biết, anh đang ở trong vườn chim. Theo chị Ánh thì khu vườn được ông nội của anh Ngân khai hoang và trồng nên. Lúc đầu, khu vườn có diện tích rất nhỏ, cây cối trong vườn còn rất sơ sài. Các loại chim trong vườn đã bắt đầu cư trú nhưng cũng rất ít về số lượng lẫn chủng loại.
Sau khi lập gia đình, anh Ngân được ông nội giao cho tiếp quản khu vườn. Gần 20 năm, không có ngày nào là anh không ở trong vườn chim. Anh đã tích cực cải tạo, mở rộng diện tích khu vườn. Anh trồng thêm nhiều tre, nứa, bạch đàn, xà cừ và các loại cây ăn quả để chim có thêm nơi cư trú và sinh sản.
Ông chủ vườn chim Vũ Văn Ngân
Diện tích vườn chim mỗi ngày lại càng mở rộng và xanh tươi trù phú hơn nhờ bàn tay vun trồng không biết mệt mỏi của anh. Sự kỳ lạ là ở giữa một vùng đồng bằng rộng lớn như vậy, nhưng đàn chim chỉ chọn khu vườn của anh định cư và làm tổ, mặc dù xung quanh đó cũng có rất nhiều khu vườn cây cối xanh tươi.
Kỳ lạ hơn nữa là cây cối các nhà bên cạnh ở sát vườn chim nhưng đàn chim chỉ làm tổ trên đất nhà anh chứ không làm nơi khác. Giải thích về sự kỳ lạ này, anh Ngân cho biết: “Khu vườn rất yên tĩnh, trong vườn lại có nhiều tre nứa, cây cối rậm rạp, bao bọc và bảo vệ quanh khu vườn là một con kênh nhỏ dẫn nước từ một cái đập ở gần đó là nơi an toàn, thuận lợi cho việc trú ngụ và sinh sản của đàn chim. Thêm nữa là xung quanh vườn chim là vùng đồng ruộng rộng lớn, nơi chứa nhiều thức ăn cho quần thể chim trong khu vườn”.
Hàng ngày, anh Ngân vẫn vào khu vườn để phát quang dọn dẹp, chống lại cây gãy đổ do mưa bão, trồng thêm cây mới. Những lúc mưa bão, chim non bị rơi ra khỏi tổ cũng được anh nhặt bỏ lại tổ như cũ.
Mong ước của ông chủ vườn chim
Bỏ rất nhiều thời gian và công sức để chăm sóc vườn chim nhưng gia đình anh Ngân không hề tính chuyện thu lợi từ khu vườn. Nguồn thu nhập chính của gia đình anh vẫn là từ nông nghiệp. Ngoài việc làm mấy sào ruộng, anh còn chăn nuôi lợn, gà để phát triển kinh tế. Anh Ngân còn làm đủ thứ việc để có thể trang trải thêm cho cuộc sống gia đình. Chị Ánh là giáo viên mầm non ở trong xã, lương chẳng được bao nhiêu, nhưng hàng ngày gia đình anh vẫn phải dành phần lớn thời gian để chăm sóc và canh chừng bảo vệ cho đàn chim khỏi phường săn bắt trộm.
Lúc trước, có rất nhiều người tới săn bắn đàn chim. Đứng trước nguy cơ đàn chim bị săn bắn và phá tổ có thể bỏ đi hết, anh chị phải cắt cử người trông coi rất vất vả. Có những người trong xóm đến săn bắn trộm bị anh nhắc nhở nhiều lần mà vẫn tái phạm, khiến anh chị phải thường xuyên đến nhà làm công tác “tư tưởng”. Để bảo vệ vườn chim tốt hơn, anh chị đã nuôi rất nhiều chó béc-giê để giúp canh giữ khu vườn.
Đã có rất nhiều người đến tham quan và đặt vấn đề mua lại khu vườn của anh với giá cao nhưng anh nhất quyết không bán. Anh quan niệm rằng, gia đình mình từ thời ông nội đến đời anh đã phải bỏ bao mồ hôi, công sức để trồng vườn, chăm chim. Cả đời anh đã gắn bó với nó rồi. Anh không muốn vì đồng tiền đánh đổi lấy sự yên bình của bầy chim.
Mong ước lớn nhất của anh Ngân giờ đây là nếu được sự quan tâm của chính quyền các cấp và những ngành liên quan, có sự đầu tư thích đáng, anh sẽ trồng thêm cây, mở mang thêm diện tích của vườn chim. Xây dựng khu vườn này thành một khu du lịch sinh thái, vừa có điều kiện bảo vệ đàn chim tốt hơn vừa là nơi du lịch tham quan cho du khách.
Bạch Long
.