Nghề báo được xem là nghề nguy hiểm. Thời gian làm việc của nhà báo không thể tính bằng giờ hành chính, mà ở đâu xảy ra sự việc là ở đó phải có mặt của nhà báo.
Hầu hết những người bước vào nghề đều chấp nhận dấn thân, vượt qua mọi gian khó để có được những “đứa con tinh thần” phục vụ bạn đọc. Phóng viên Báo Công an Nghệ An cũng vậy, họ đã và đang khẳng định mình, đối mặt với bao nguy hiểm, nhọc nhằn... để đi, nghe và viết.
Còn nhớ, cuối năm 2011 và đầu năm 2012 khi tình trạng vận chuyển gỗ và khai thác vàng trái phép tại địa bàn các huyện phía Tây Nghệ An nóng lên, tôi và phóng viên Ngọc Hùng cùng làm chuyên đề về hai đề tài này.
Để lấy được hình ảnh vận chuyển gỗ và những thước phim về tình trạng khai thác vàng, chúng tôi phải kiên trì vào các bản xa, mặc dù trước đó đã được lãnh đạo chính quyền cảnh báo về mức độ an toàn khi đến những địa điểm này. Nhưng cuối cùng, chúng tôi đã có được cái mình cần cần và có những tác phẩm có giá trị trong lòng bạn đọc.
Trong cuộc sống, có nhiều cám dỗ khiến không ít những người cầm bút vấp ngã, nhưng đó chỉ là những khoảng lặng buồn trong cuộc sống sôi động và chân thực của người làm báo. Điều mà người làm báo lo sợ và buồn nhất chính là tác phẩm của mình bị bạn đọc đón nhận hời hợt, đọc rồi lãng quên…
Nhà báo cũng không hề vô cảm, cũng biết vui cùng niềm vui cuộc sống, biết "vui cùng thiên hạ, lo cùng đồng bào", biết lo lắng trước những giây phút sinh tử đời người. Tôi không thể nào quên những giây phút hồi hộp khi chứng kiến mọi người cứu các nạn nhân bị tai nạn trên dòng sông Lam xảy ra trên địa bàn tỉnh Hà Tĩnh; cũng thấy ái ngại khi chứng kiến những đứa trẻ người Khơ mú, người Mông ở Kỳ Sơn vận trên mình chiếc áo khoác, không có quần dưới tiết trời lạnh cắt da, cắt thịt mỗi mùa đông về và không cầm lòng khi chứng kiến những em bé, những thanh niên ngày đêm chống chọi với những căn bệnh quái ác đã cướp đi tuổi xuân của họ... Rất nhiều câu chuyện vui buồn được dệt nên từ tình thương và nghị lực sống của không ít con người.
Nhà báo Nguyễn Như Phong - Nguyên Phó Tổng biên tập Báo CAND, một trong những "cây đa, cây đề" của làng báo từng tâm sự: Người làm báo phải có năng khiếu và niềm đam mê, năng khiếu để người ta viết hay hơn, nhưng đam mê là để người làm báo tiếp cận, theo đuổi tường tận vấn đề, sự việc. Có năng khiếu mà không có đam mê thì đó cũng chỉ là cuộc rong chơi... Nói như thế để thấy được rằng, đã dấn thân vào nghề báo là còn phải “lên đường”.
Làm báo gian nan, vất vả, sự thật ấy ai cũng hiểu, nhưng đã vào nghề là phải dấn thân, tờ báo là sản phẩm lao động của cả một tập thể, từ lãnh đạo BBT đến anh thư ký, cô biên tập viên, chị vi tính - morát, ban trị sự - phát hành...
Tác giả trong lúc tác nghiệp
Với chúng tôi, những phóng viên của một tờ báo trong lực lượng CAND vẫn thường tâm sự, nhắc bảo lẫn nhau phải không ngừng phấn đấu trong công việc. Tôn chỉ mục đích của tờ báo là góp phần cùng lực lượng CAND cả nước trong sự nghiệp bảo vệ Đảng, bảo vệ chính quyền, bảo vệ sự bình yên cho nhân dân, góp phần biểu dương, nhân rộng các nhân tố điển hình, cá nhân tiêu biểu; động viên, cổ vũ phong trào toàn dân bảo vệ ANTQ của lực lượng Công an, của chính quyền và các ngành, đoàn thể các cấp. Với phương châm: Nhiệt huyết, dấn thân, phản ánh trung thực, chúng tôi, những người làm Báo CANA sẵn sàng lên đường, "đi bất cứ nơi đâu, làm bất cứ việc gì" để hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ.
Thấm thoát đã gần một thập kỷ có lẻ, kể từ ngày là cộng tác viên đến phóng viên, có điều kiện tác nghiệp nhiều nơi, tiếp xúc nhiều tầng lớp nhân dân, "kho tư liệu" của những phóng viên trẻ như chúng tôi mỗi một dày thêm.
Ngẫm lại quá khứ, từ lúc mới vào nghề tôi cảm thấy mình còn thiếu quá nhiều thứ, từ vốn sống đến kỹ năng tác nghiệp. Trong khoảng thời gian ấy, hỉ, nộ, ái, ố cũng đã kinh qua, những bài viết hay được bạn đọc đón nhận và cả những "đứa con tinh thần" chưa được đầy đủ, vẹn tròn, bị phản ánh, phê bình, nghề báo cho tôi nhiều cơ hội tiếp cận cuộc sống.
Những chuyến đi cơ sở lấy tin, viết bài đã để lại những ấn tượng khó phai trong tôi. Tình cảm mà các cán bộ cơ sở, của bà con sau những đêm ngày "3 cùng" với họ đã giúp tôi vững tin hơn trên con đường hoạt động báo chí.
Nghề báo giúp tôi có trách nhiệm hơn với bản thân, với gia đình và với xã hội. Chính nó đã làm mới tôi qua nhiều hoàn cảnh, tạo cho tôi động lực sống, phấn đấu vì nghề và cống hiến cho quê hương. Nhân ngày "sinh nhật", có những phút giây trải lòng về nghề, những bước trăn trở, âu đó cũng là tâm huyết để phấn đấu làm tốt hơn nữa vai trò "thư ký của thời đại".
Trịnh Xuân Thống
.