Warning: include(/export/home2/WebData/baocongannghean//gia-dinh-xa-hoi/201205/20148-bap-benh-cuoc-song-vung-long-ho-thuy-dien-ban-ve-397409/index.txt): failed to open stream: No such file or directory in /export/home2/WebData/baocongannghean/index.php on line 72

Warning: include(): Failed opening '/export/home2/WebData/baocongannghean//gia-dinh-xa-hoi/201205/20148-bap-benh-cuoc-song-vung-long-ho-thuy-dien-ban-ve-397409/index.txt' for inclusion (include_path='.:/usr/local/php/lib/php') in /export/home2/WebData/baocongannghean/index.php on line 72
Bấp bênh cuộc sống vùng lòng hồ thuỷ điện Bản Vẽ - Báo Công An Nghệ An điện tử
Thứ Ba, 15/05/2012, 07:48 [GMT+7]
20148

Bấp bênh cuộc sống vùng lòng hồ thuỷ điện Bản Vẽ

Dân ồ ạt bỏ tái định cư vì… đói
 
Tính đến nay (10/5) gần 200 hộ với hơn 500 nhân khẩu đã rời các khu tái định cư thủy điện Bản Vẽ (huyện Thanh Chương và Tương Dương) để về vùng lòng hồ nhà máy thủy điện Bản Vẽ sinh sống.
 
Ông Lê Thanh Nghệ, Trưởng bản Nhạn Pá, xã Ngọc Lâm (huyện Thanh Chương) thở dài cho biết: "Khu tái định cư không đủ đất để sản xuất. Đất đai chia cho người dân quá ít. Ngoài ra, đất ở khu tái định cư toàn đất cằn sỏi đá không thu hoạch được cây gì nên dân thiếu đói phải về quê cũ tìm kế sinh nhai. Không chỉ thiếu đất sản xuất, mà Ngọc Lâm còn thiếu đủ thứ. Các bản đều có bể nước nhưng hầu hết không sử dụng được. Nguồn nước dùng chung cho cả bản là một chiếc giếng nhỏ. Hàng trăm con người trong bản chỉ có mấy cái nhà vệ sinh quây bằng nilon tạm bợ. Một trận mưa, tất cả rác rưởi và phân người, phân gia súc đều trôi xuống giếng. Vì thiếu đói nên hàng chục học sinh ở bản Pá, Kim Hồng cũng bỏ học để theo bố mẹ mưu sinh".
 
Ông Lô Hoài Dung, Chủ tịch UBND xã Ngọc Lâm xác định những điều trên là có thật. "Thiếu đất sản xuất nên nhiều hộ thiếu ăn đến 10/12 tháng. Đói lương thực khiến người dân đã làm nhiều việc vi phạm pháp luật. Thời gian gần đây, số người vi phạm pháp luật vùng biên ngày càng tăng. Số lượng súng săn tự tạo ngày càng nhiều, số người chặt gỗ trong rừng tăng mạnh. Đặc biệt, tình trạng người nghiện ma tuý tăng chóng mặt. Khi bị bắt, nhiều người cho rằng không có việc làm nên phải làm như vậy. Chúng tôi nhiều lần kiến nghị lên các cấp có thẩm quyền về những vấn đề trên nhưng vẫn chưa được giải quyết” - Ông Dung buồn bã cho biết.
 
Bấp bênh cuộc sống lòng hồ
 
Hiện nay, Nhà máy Thủy điện Bản Vẽ liên tục phát điện cả 2 tổ máy, mực nước trên lòng hồ rút xuống trên 30 mét. Lòng hồ cạn, bùn lắng có nơi dày hơn 1m nên chúng tôi phải cất hết đồ đạc, chỉ vận độc chiếc quần đùi vất vả đi bộ vượt hơn 20 km đường đầy bùn mới tới được bản Kim Hồng, xã Kim Tiến trước đây. Những ngôi “làng nổi” cứ mở ra trước mắt, trên mặt nước mênh mông. Những túp lều được làm rất đơn sơ, dựng trên những bè nứa nổi lềnh bềnh trên lòng hồ, cuộc sống mong manh, tạm bợ.
 
Những "ngôi làng nổi" bấp bênh trên lòng hồ
 
Anh Vi Văn Dung đem theo cả gia đình 4 đứa con sống chui rúc trên chiếc bè nứa bé tin hin để đánh cá trên sông cho biết: "Sống ở khu tái định cư thiếu đất sản xuất, suốt ngày ngồi nhìn trời không biết làm gì. Biết là về đây cũng rất khó khăn, nhưng cũng phải về để kiếm sống chứ ở dưới đó (khu tái định cư) thì chết đói”. Chúng tôi hỏi anh Dung về việc các con của anh phải bỏ học thì như thế nào? Anh lắc đầu: "Đói thì học mần răng được, phải kiếm ăn cái đã. Chuyện học thì tính sau".
 
Men theo, vách núi Pù Lũng dưới trời nóng trên 400C, chúng tôi thấy xót xa cho hàng trăm người dân ở đây phải sống chui rúc trong những túp lều tạm không điện nước. Hàng chục học sinh không được đến trường, hàng ngày phải vào rừng hái măng, đào củ và xuống sông mò tôm, bắt cá mưu sinh. Ông Lương Văn Xân bản Kim Hồng tâm sự: "Bám trụ vùng lòng hồ này nhiều nguy hiểm lắm. Mùa mưa thì sợ lũ quét, mùa nắng thì như thiêu như đốt. Nhiều dịch bệnh như đau mắt, tiêu chảy, sốt vi rút đã phát sinh. Mấy ngày nay, nhà máy phát điện, mực nước xuống thấp nên hơn 30 nhà bè của dân chúng tôi bị mắc kẹt ở Bản Tổm không thể về được. Lật thuyền ở đây cũng xảy ra thường xuyên, tài sản, tính mạng phập phù như con nước lên xuống.
 
Hàng trăm người dân hồi cư chui rúc trong những ngôi nhà như thế này ở vùng lòng hồ
 
Năm trước một cháu bé ba tuổi từ trên nhà bè bị rơi xuống hồ chết đuối. Ở đây cuộc sống bà con rất vất vả chẳng khác gì bộ lạc thời nguyên thuỷ, nhưng vẫn còn hơn ở dưới khu tái định cư. Nếu chính quyền làm căng, đuổi ráo riết thì sau một, hai tháng bà con chúng tôi vẫn sẽ tiếp tục quay lại lòng hồ thủy điện kiếm sống.
 
Chính quyền… bó tay
 
Ông Vi Tân Hợi, Phó Chủ tịch UBND huyện Tương Dương cho biết: “Trong thời gian qua huyện nỗ lực tuyên truyền thuyết phục bà con đến nơi ở mới, không sống trong lòng hồ nữa nhưng vì các khu tái định cư chưa đáp ứng được nguyện vọng của dân nên bà con vẫn quay lại. Về lý, như vậy là vi phạm công tác quản lý hành chính; nhưng xét về tình, việc họ rời bỏ quê hương đến vùng xa xôi trong điều kiện rất khó khăn, đất không đủ để canh tác, nhu cầu sinh hoạt không đảm bảo, chính quyền lại không thể phạt”.
 
Theo ông Hợi thì đến nay có gần 200 hộ với hơn 500 nhân khẩu đã rời các khu tái định cư thủy điện Bản Vẽ (huyện Thanh Chương và Tương Dương) để về vùng lòng hồ Nhà máy thủy điện Bản Vẽ sinh sống. Trong đó, 36 hộ đã bán nhà và không có ý định quay trở lại khu tái định cư.
 
Dự báo sắp tới, số hộ bỏ về sẽ còn tăng lên khi mùa đốt nương làm rẫy đang đến. Việc người dân bỏ khu tái định cư, vượt hàng trăm cây số về sinh sống trong lòng hồ thủy điện Bản Vẽ sẽ gây khó khăn trong quản lý hành chính, giáo dục và nguy hiểm cho tính mạng người dân khi mùa mưa bão đến.
 
"Thực tế các hộ dân còn cố thủ và số hộ dân đã di dời trở về lòng hồ là những hộ dân không còn hộ khẩu tại huyện Tương Dương, mọi quyền lợi đã thuộc về nơi ở mới. Thời gian qua, họ không được hỗ trợ lương thực, con em không có trường học chữ và thiệt thòi nhiều quyền lợi khác” - Ông Vi Tân Hợi cho hay.

Tiến Dũng
.