Anh là Vi Văn Mồn sinh năm 1964 quê ở bản Thanh Bình, xã Thạch Ngàn, huyện Con Cuông, Nghệ An. Khi học lớp 2 anh bị biến chứng của bệnh viêm khớp khiến đôi chân teo tóp dần và bị liệt, mọi sinh hoạt đời thường trở nên khó khăn, cuộc sống của anh phải dựa hoàn toàn vào gia đình. Tuổi thơ không được chạy nhảy vui đùa với bạn bè, anh rơi vào trạng thái mặc cảm, buồn chán, không còn niềm tin vào cuộc sống.
Nhưng rồi năm 16 tuổi, trong một lần anh thấy người hàng xóm đan lát các đồ dùng sinh hoạt trong gia đình bằng mây tre đan rất đẹp trong đó có cái lồng chim xinh xắn, anh Mồn thích lắm. Vậy là anh nhờ người thân trong gia đình mượn mẫu về xem và lấy tre nứa đan thử, làm đi làm lại rồi cũng thành.
Mọi người ngạc nhiên vì thấy anh làm rất khéo nên ai cũng muốn mua. Ban đầu anh chỉ nghĩ đan cho vui nhưng rồi từ khi bán được chiếc lồng chim anh đã nảy ra ý định đan tiếp để kiếm sống, sản phẩm vừa bền lại đẹp nên có nhiều người đến đặt hàng.
Sau này anh còn đan nhiều đồ dùng sinh hoạt hằng ngày của người dân tộc Thái như: mâm mây, ghế mây, gùi, bế, ép xôi, giỏ cá, thúng, rổ, rá và một số đồ mây tre đan khác. Chẳng mấy chốc, đôi tay lành nghề của anh được nhiều người biết đến. Bất kể mẫu gì khi khách hàng đặt theo yêu cầu, anh làm rất tốt. Từ nguyên liệu có sẵn tre, luồng một mình anh làm tất cả từ công đoạn đo, chẻ, chuốt nan và đan thành sản phẩm hoàn chỉnh.
Mặc dù trên thị trường có đầy đủ mọi thứ đồ nhựa vừa đẹp vừa rẻ nhưng đồ dùng truyền thống đan bằng chất liệu mây tre thủ công vẫn được nhiều người ưa chuộng hơn cả, bởi nó gần gũi với thiên nhiên, với con người lại bền đẹp, an toàn.
Anh Mồn đã vượt qua tật nguyền bằng đôi tay tài hoa
Tuy bị liệt hai chân nhưng bù lại anh Mồn lại có bàn tay khéo léo và trí nhớ tuyệt vời. Anh đã biến những nguyên vật liệu sẵn có của gia đình thành những đồ vật tinh xảo khéo léo, những vật dụng cần thiết cho cuộc sống của người dân nông thôn và được mọi người chấp nhận yêu thích.
Lòng say mê và tâm huyết với nghề đan lát của anh Mồn thật đáng khâm phục. Anh Mồn đã biết vượt lên hoàn cảnh của mình để tự kiếm sống và giúp đỡ gia đình. Đôi bàn tay khéo léo đã bù đắp lại cho anh những thiệt thòi trong cuộc sống. Anh Mồn là tấm gương sáng của người khuyết tật biết vượt lên chính mình.
Thiết nghĩ, hiện nay huyện Con Cuông đang mở các lớp tập huấn mây tre đan để phát triển làng nghề truyền thống. Cần lắm những người như anh Mồn có đôi bàn tay tài hoa để vừa truyền tải kỹ thuật làm đồ thủ công truyền thống của người Thái không bị mai một vừa giúp anh Mồn hòa nhập với cuộc sống cộng đồng một cách tốt nhất.
Tường Vi
.