1. Vài ngày trước, trong phiên Tòa phúc thẩm Tòa án Nhân dân Tối cao tại TP HCM, Chủ tọa phiên Tòa đã tuyên gã mức án tử hình cho hai tội danh “Giết người” và “Cướp tài sản”.
Cha gã bị tuyên án 2 năm tù giam về hành vi “Không tố giác tội phạm”.
Gã ra Tòa, mặc áo sơ mi xanh, quần tây đen, khuôn mặt ráo hoảnh, mắt khi nào cũng nhắm nghiền. Tướng gã loắt choắt.
Quê gã ở huyện Đức Hòa, tỉnh Long An. Một trong những địa phương nuôi nhiều ngựa đua nhất cả nước. Đức Hòa là một huyện nghèo, thuần nông.
Gã sinh năm 1988, học đến lớp 6 thì gã nghỉ học. Những cậu nhóc quê ở cùng khốn khó như gã, nghỉ học thì chỉ biết cắm mặt vào mảnh ruộng gần nhà. Lớn lên chút xíu, gã lập gia đình. Vào cái năm gã gây ra vụ án nghiêm trọng ấy, vợ gã vừa sinh cho gã đứa con đầu lòng.
Trên đường ra ruộng, gã hay đi ngang nhà cô gái cùng xóm. Tôi thay đổi tên của cô gái là Quỳnh. Quỳnh sinh năm 1992, năm đó Quỳnh vừa tròn 19 tuổi. Cái tuổi nhan sắc đủ độ chín tươi.
Gã hay tán tỉnh Quỳnh, những câu đại loại: “Khi nào anh cũng nhớ em”, hay “Anh lấy vợ nhưng không hạnh phúc. Em thương tình cứu vớt đời anh”, hoặc “Anh hận nhiều năm trước, đã không gặp em sớm hơn, cho tình anh đừng dang dở”. Không hiếm những gã đàn ông có vợ, nhại đi nhại lại như vậy khi muốn tán tỉnh một cô gái nào đó.
Quỳnh từ chối những lời ong ve của gã. Mặc, gã vẫn tấn công Quỳnh dồn dập, tấn công nhiều đến mức, từ chối lời mời đi uống nước với gã nhiều Quỳnh đâm ra ngại ngần.
Quỳnh đồng ý cho gã số điện thoại của mình và vài lần ngồi nghe gã ra rả về nỗi bất hạnh hôn nhân. Kết bài ca bi thương gia đình không trọn vẹn ấy, bao giờ gã cũng hỏi: “Em có thương anh không?”. Đáp lại, Quỳnh luôn luôn lắc đầu.
Một lần, gã bắt gặp Quỳnh ngồi sau yên xe của người con trai khác. Tự dưng như điên như loạn, gã dùng xe gắn máy, cắm đầu đuổi theo. Có lẽ, trong thâm tâm của gã, gã luôn coi Quỳnh chính là vật sở hữu của riêng gã. Gã không cho phép bất cứ ai đến gần Quỳnh. Gã đuổi theo Quỳnh, bởi gã ghen. Một sự ghen tuông vô cùng bệnh hoạn.
Gã ghen với người con gái từ chối tình cảm của gã. Gã tán tỉnh cô thôn nữ ấy khi vợ gã đang mang thai đứa con đầu lòng của gã. Gã đưa ra lời hẹn hò với Quỳnh khi vợ gã đang ở cữ…
Cha gã phát hiện ra hành vi quái đản ấy của gã. Cha gã chất vấn: “Con đuổi theo Quỳnh làm gì? Con phải biết rằng con đã có gia đình, có con rồi chứ”. Gã lầm lì, im lặng. Mãi rất lâu sau, gã mới nói như rít: “Cái thứ quỷ đó, có ngày cũng bị vặn họng”.
Cha gã thở dài, chính vào thời điểm này, ông đã ngờ ngợ một sự chẳng lành sẽ xảy ra. Vì hơn ai hết, ông hiểu rất rõ tính khí thất thường của gã.
2. Cảnh tượng Quỳnh ngồi sau lưng người đàn ông khác ám ảnh gã trong giấc mơ, gã hằn học Quỳnh, gã nguyền rủa Quỳnh, gã nghĩ ra tất cả những ngôn từ chát chúa nhất để nói về Quỳnh. Đương nhiên, gã nói cho chính gã nghe.
Trong cơn bí bức quái đản, gã gọi điện thoại cho Quỳnh. Gã gọi lần đầu, Quỳnh ngắt máy. Lần thứ hai, Quỳnh vẫn ngắt máy. Lần thứ ba, vẫn vậy. Lần thứ tư, không có gì thay đổi.
Gã cúp điện thoại, vào nhà sau tìm lấy con dao Thái Lan nhét vào người rồi ngồi đợi đêm xuống.
Trời quê, tối rất nhanh.
Gã mò ra bãi đất trống phía sau nhà Quỳnh, gọi điện thoại cho Quỳnh thêm lần nữa. Lần này, vận rủi ám vào, nên Quỳnh nghe máy. Gã van xin Quỳnh hãy ra phía sau nhà gặp gã. Gặp một lần rồi thôi, nghe gã nói một lần rồi thôi, cho gã ngắm Quỳnh thêm một lần rồi thôi. Gã hứa, sau cái lần này, mãi mãi gã sẽ chẳng làm phiền Quỳnh nữa.
Có khi là trò đùa của số phận, cũng có thể là nợ nần nhau từ kiếp trước. Hay đơn giản chỉ là, cô thôn nữ ấy nghĩ: “Thôi thì gặp nhau một lần, coi như trả cái nợ tình cảm mà gã đã dành cho mình”. Nên, Quỳnh đồng ý ra phía sau nhà gặp gã.
Vừa thấy Quỳnh, gã hấp tấp bước đến. Miệng nói những lời tình ái: “Quỳnh ơi, em nghĩ lại. Không có em, anh thiết sống làm gì”.
Vẫn nhận được cái lắc đầu từ chối và quay lưng bước vào nhà. Chỉ chờ có thế, như con thú dữ trúng đạn vào phần mềm, gã lồng lên lao vào Quỳnh từ phía sau. Một tay giữ chặt lấy Quỳnh, tay còn lại gã rút dao kề vào cổ Quỳnh cứa mạnh…
Quỳnh gục xuống. Gã kéo Quỳnh quẳng xuống ao nước bên cạnh. Trước đó, gã đã lục lấy điện thoại di động của Quỳnh.
Sau khi gây án, gã bỏ ra quán cà phê, ngồi hút thuốc lá vặt mãi đến gần khuya mới mò về nhà.
Vừa về đến nhà, chuẩn bị lục cơm nguội ăn thì gã nghe có tiếng hàng xóm nháo nhào gọi nhau, bảo cạnh cái ao nhà của Quỳnh vừa phát hiện có một xác người chết. Quẳng tô cơm đang cầm trên tay, gã lấy xe gắn máy chạy nhanh đến nơi mà gã vừa ra tay sát hại Quỳnh để xem cán bộ điều tra khám nghiệm hiện trường.
Gần 2h sáng, gã chứng kiến cảnh Quỳnh được vớt từ dưới ao lên. Gã lẳng lặng quay về nhà. Bất thần lúc này, chiếc điện thoại gã lấy của Quỳnh đang để yên trong túi bỗng đổ chuông dồn dập. Hoảng sợ, gã khóa máy, tháo sim điện thoại.
Sáng, khi gã vừa lồm cồm chui ra khỏi mùng, thì cha gã đã chờ sẵn. “Vụ án đó, có phải mày làm không?”, cha gã hỏi. “Án từ gì đâu. Nó chảnh quá, nên tui cắt cổ nó thôi”, gã đáp trống không, rất dửng dưng.
Cha gã lạc giọng: “Mày ra Công an xã đầu thú ngay”. “Thủng thẳng, qua đám tang nó rồi tui sẽ đầu thú”, gã trả lời. Vừa nói, gã vừa lắp lại sim vào điện thoại của Quỳnh để nhắn tin cho cha và em trai của Quỳnh. Nội dung tin nhắn, gã không còn nhớ rõ.
Nói hoài mà gã không ra đầu thú, thương con đến mê muội, cha gã lếch thếch ra cơ quan công an xã nhận mình là hung thủ trong vụ sát hại Quỳnh.
Thế nhưng, người đàn ông học đến lớp 7, cả ngày chỉ biết ruộng đồng thì lấy đâu ra lời nói dối hợp lý trước nghiệp vụ của các điều tra viên.
Vài ngày sau, gã bị bắt giữ.
Về sau, Tòa nhận định, hành vi này của ông đã gây khó khăn cho quá trình điều tra của Cơ quan Công an. Đồng thời, gây ảnh hưởng xấu đến trật tự xã hội.
3. Trong phiên Tòa sơ thẩm tại Tòa án Nhân dân tỉnh Long An, Chủ tọa phiên tòa tuyên gã hình phạt tử hình. Gã gào lên: “Tui không giết người, cha tui mới là hung thủ!”.
Kết thúc phiên tòa, gã vội vã soạn thảo gửi đơn lên Tòa phúc thẩm, nội dung vẫn là “Cha tôi giết người, tôi bị hàm oan”.
Người đàn ông bị con vu vạ cho cái tội giết người, gục đầu khóc ngay tại tòa án.
Trong phiên Tòa phúc thẩm, Chủ tọa bác đơn kháng cáo của gã, giữ nguyên mức hình phạt mà Tòa sơ thẩm đã tuyên.
Hội đồng xét xử nhận định, hành vi phạm tội của gã có động cơ đê hèn, không còn khả năng cải tạo hay giáo dục. Vì vậy, mức án cao nhất dành cho gã là hoàn toàn hợp lý.
Thật ra, nội với việc luôn miệng vu vạ cho cha mình đã đủ hiểu gã đê hèn đến mức nào.
Hai năm là khoảng thời gian không dài không ngắn. Nhưng hai năm bị biệt lập với xã hội, sẽ là thăm thẳm. Hai năm, tức hơn 700 ngày đêm, cha gã sẽ nhìn bốn bức tường mà thở dài mong chóng xóa một đêm thâu.
Mức án 2 năm cho hành vi “Không tố giác tội phạm” dành cho cha gã, là mức án hợp tình hợp lý.
Chỉ xót lòng câu nói sau cùng của cha gã: “Con vu vạ cho mình tội giết người, nỗi đau này trời xanh không thấu được. Con dâu trách mình sao không nhận tội thay cho chồng, để chồng nhận án tử hình. Hàm oan này không sao gỡ hết được. Tôi đã nhận tội thay con mình rồi, mà cơ quan công an có chịu đâu”. Chắc là ông thương con thì ít, mà xót cháu nội thì nhiều, nên ông nghĩ đơn giản, mình ra nhận tội, con mình sẽ được bình yên, cháu mình sẽ có nơi nương tựa.
Gã chịu án tử hình, cha gã chịu cảnh tù tội, cô thôn nữ khép mắt vĩnh viễn khi đang xuân xanh, con gã mồ côi cha, vợ gã mất chồng, mẹ gã mất con… tất cả hậu quả ấy có căn nguyên từ cái thói trăng hoa mê muội, từ sự ích kỷ của bản năng.
Thật lòng, tôi không hề tin trong gã còn chút ánh sáng thiện tâm để có hy vọng bấu víu mà tìm về.
Trách cho kỷ cương gia đình, trách về sự buông lỏng giáo dục con cái đối với người đàn ông quê ấy thì không đành đoạn.
Thế nên, chỉ biết nhủ thầm… Cha mẹ chỉ có thể sinh con, chứ có ai sinh được tính đâu?
Gã tên là Trương Minh Hải, con đầu lòng của ông Trương Văn Lưa, người bị tuyên án 2 năm tù giam trong vụ trọng án mà gã gây ra