Warning: include(/export/home2/WebData/baocongannghean//gia-dinh-xa-hoi/201205/19986-dien-bien-phu-qua-hoi-uc-cua-vi-tuong-gia-397553/index.txt): failed to open stream: No such file or directory in /export/home2/WebData/baocongannghean/index.php on line 72

Warning: include(): Failed opening '/export/home2/WebData/baocongannghean//gia-dinh-xa-hoi/201205/19986-dien-bien-phu-qua-hoi-uc-cua-vi-tuong-gia-397553/index.txt' for inclusion (include_path='.:/usr/local/php/lib/php') in /export/home2/WebData/baocongannghean/index.php on line 72
Điện Biên Phủ qua hồi ức của vị tướng già - Báo Công An Nghệ An điện tử
Thứ Hai, 07/05/2012, 14:09 [GMT+7]
19986

Điện Biên Phủ qua hồi ức của vị tướng già

Thiếu tướng Bùi Đức Tùng năm nay đã bước sang tuổi 84. Căn nhà của vợ chồng ông nằm lặng lẽ và khiêm nhường trong khu gia binh ở xóm 24, xã Nghi Phú, thành phố Vinh. Sau bao năm chinh chiến trên khắp các mặt trận từ Nam ra Bắc, giờ đây ông đang thụ hưởng cuộc sống gia đình ấm êm, hạnh phúc cùng với người vợ đảm và 6 đứa con với 13 cháu, chắt nội ngoại.
 
Với tướng Tùng, 50 năm binh nghiệp đã để lại cho cuộc đời ông nhiều kỷ niệm vui buồn, nhưng ký ức sâu đậm nhất có lẽ là trận đánh Điện Biên Phủ với “56 ngày đêm khoét núi ngủ hầm mưa dầm cơm vắt” của 58 năm về trước.
 
Thiếu tướng Bùi Đức Tùng sinh năm 1928 ở xã Thạch Sơn, huyện Anh Sơn trong một gia đình trí thức nghèo có 3 người con trai. Ông bắt đầu tham gia các hoạt động cách mạng tại địa phương từ năm 15 tuổi, là thành viên tích cực trong Đoàn Thanh niên Cứu quốc và Đoàn tự vệ của phủ. Năm 1945, Bùi Đức Tùng đã chính thức ghi tên mình vào cách mạng khi tham gia cướp chính quyền tại đồn Kim Nhan (phủ Anh Sơn).
 
Sau khi cướp chính quyền thành công, anh lính trẻ Bùi Đức Tùng cùng hai người anh em ruột của mình được tuyển chọn vào Tiểu đoàn Cảnh vệ tỉnh Nghệ An. Cuối năm 1946, Bùi Đức Tùng được tuyển chọn vào lực lượng Chiến binh Quân khu 10 đóng ở Chiến khu Việt Bắc, sau đó vào bộ đội chủ lực, thuộc Đại đội 924, Tiểu đoàn 542, Trung đoàn 165. Và từ đây, ông đã tham gia một loạt các chiến dịch lớn của đất nước kéo dài từ Nam chí Bắc.
 
Thiếu tướng Bùi Đức Tùng
 
Trong đó, đáng nhớ nhất là trận đánh vào đồi Độc Lập, do Trung đoàn 165 của thiếu tướng Tùng và Trung đoàn 88 thuộc Đại đoàn 308 trực tiếp tham chiến. Trận đánh quyết định vào đồi Độc Lập được đưa ra vào đêm 14/3/1954, sau khi ta đã tiến công trong 3 đợt với hàng chục mũi vào các vị trí trọng yếu của địch từ phân khu Bắc (gồm các cứ điểm Him Lam, Độc Lập, Bản Kéo), phân khu Trung tâm (gồm cứ điểm đồi A1, C1, D1) và cuối cùng là dãy cao điểm quan trọng phía Đông.
 
Trung đội 3 được giao đảm nhận mũi tấn công chủ lực từ hướng Đông Nam để đánh đồi Độc Lập. Đúng 3 giờ sáng ngày 15/3/1954, trong tình thế mưa gió lầy lội, lệnh khai hỏa đã được bắt đầu. Sau 40 phút, bộc phá đã mở xong cửa, tiểu đội mũi nhọn ào ạt xông lên. Hai bên giành đi giật lại từng mét chiến hào, từng lô cốt. Trước tình huống thương vong nhiều, một tổ mũi nhọn cùng Đại đội 501 đánh thọc sâu vào trận địa cối và tiến thẳng vào sở chỉ huy của địch.
 
Đến 6 giờ 30 phút cùng ngày, quân ta làm chủ hoàn toàn đồi Độc Lập, tiêu diệt 483 tên địch, trong đó có 2 tên quan ba, bắt sống 200 tên, xóa sổ tiểu đoàn 5 Bắc Phi. Sau cứ điểm đồi Độc Lập, Bùi Đức Tùng tiếp tục đào hầm vào sân bay Mường Thanh rồi đánh chiếm nơi này từ trong ra. Đến ngày 7/5/1975, toàn bộ Điện Biên Phủ đã được giải phóng hoàn toàn.
 
Chiến thắng Điện Biên Phủ năm 1954 - Ảnh tư liệu
 
Sau chiến thắng Điện Biên Phủ, Bùi Đức Tùng tham gia nhiều chiến dịch quan trọng như chiến dịch Đông Dương, chiến dịch Hiệp Đức, Ba Tơ, Hà Thành, Vạn Tường… Đặc biệt, cuộc tổng tiến công và nổi dậy mùa Xuân năm 1968, chiến dịch Đường 9 Nam Lào, giải phóng Cao nguyên Bôlôven (Lào) và cả những trận đánh giải phóng Sa Huỳnh, Ba Tơ đều in đậm chiến công của đơn vị do ông phụ trách.
 
Cuối năm 1976, Bùi Đức Tùng được chuyển ra công tác tại Quân khu 4 với cương vị mới là Chính ủy Sư đoàn 37, Phó ban Kiểm tra Đảng bộ Quân khu, sau đó được điều chuyển sang làm Chỉ huy Trưởng Bộ chỉ huy Quân sự tỉnh Nghệ Tĩnh và đến năm 1995 thì nghỉ hưu với quân hàm Thiếu tướng.
 
Trong số những ký ức ngọt ngào về thời bom lửa, thiếu tướng Bùi Đức Tùng nhớ nhất là một vài kỷ niệm nhỏ vẫn còn lưu giữ về người anh cả của quân đội nhân dân Việt Nam, đại tướng Võ Nguyên Giáp. Trong chiến dịch Điện Biên Phủ, sau khi đánh xong đồi Độc Lập, kịp nhìn thấy tên lính cuối cùng đầu hàng, anh em chiến sỹ trong trung đoàn chưa kịp thỏa niềm vui lớn thì được đón nhận niềm vinh hạnh khác, ấy là được tướng Giáp đến thăm và động viên tinh thần chiến đấu.
 
Với Bùi Đức Tùng, tướng Giáp là người rất ân cần và sâu sắc, ở cương vị là người chỉ huy nhưng Võ Nguyên Giáp luôn khích lệ, động viên tinh thần mọi người. Lần thứ hai Trung đoàn được vinh hạnh đón tướng Giáp thăm là vào dịp giải phóng xong sân bay Đà Nẵng.
 
Lần thăm này, sau chuyến thăm, đại tướng Võ Nguyên Giáp còn gửi cả quà tặng cho trung đoàn nói chung và cho bản thân Bùi Đức Tùng bởi trung đoàn cũng là một trong những đơn vị chiến đấu tốt nhất, có đến 2 người được phong Anh hùng. Hòa bình lập lại, Bùi Đức Tùng chuyển về Bộ Tư lệnh Quân khu 4 và những lần về thăm cũng như làm việc tại đây, đại tướng luôn có cuộc gặp thân tình với tướng Tùng như thể hai người bạn tri âm tri kỷ.

Thành Thảo
.