Theo mây vượt đỉnh Puxailaileng
Theo chân anh Thái Thanh Quý (Bí thư Tỉnh đoàn Nghệ An), từ Đồn Biên phòng Nậm Càn, chúng tôi mất non nửa ngày mới vượt qua đỉnh Puxailaileng. Mùa này, dù nắng hay mưa trên đỉnh Puxailaileng luôn phủ kín sương mù. Với độ cao gần 1.500m, gặp phải trời mưa thì rất vất vả mới vượt qua.
Thế mà hằng ngày, rất nhiều chiến sỹ bộ đội biên phòng và lực lượng thanh niên xung phong cũng như người dân trong thung lũng Na Ngoi vẫn băng qua cửa ải. Trưa trên đỉnh nhìn ra bốn phía đều mịt mù vì sương muối.
Một chiến sỹ biên phòng tâm sự, vì địa hình hiểm trở, dân cư thưa thớt nên trước đây rất nhiều đường dây buôn bán, vận chuyển ma túy trái phép từ nước bạn Lào về qua con đường này. Nơi đây không ít lần lực lượng biên phòng phải đấu súng để triệt phá các đường dây, băng nhóm ma túy lớn.
Thời gian gần đây, nhờ có Làng thanh niên biên giới Na Ngoi được xây dựng, có thêm lực lượng khá mạnh cùng với bộ đội biên phòng kiểm soát khu vực nên không mấy khi nạn buôn bán ma túy về qua khu vực này nữa.
Thẳng tiến lên vùng biên giới, rất kỳ lạ đó là những bản làng bắt đầu xuất hiện những vườn rau xanh mướt trong tiết trời lạnh giá. Tiếp đến là những đồi chè, nương ngô dọc theo các con khe, con suối và cả dưới triền đồi.
Điều đáng nói, trên rẻo cao băng giá này nhưng nhiều đàn trâu, bò thong thả gặm cỏ trông con nào cũng béo tốt một cách kỳ lạ. Một người dân Mông cho biết, đó là rau màu của bà con bản Ka Trên, trâu bò của bản Buộc Mú (thuộc khu vực dự án Làng thanh niên lập nghiệp Na Ngoi đóng trên địa bàn xã Na Ngoi, huyện biên giới Kỳ Sơn).
Khi làng thanh niên ra đời
Anh Phan Xuân Lịch, Chỉ huy phó Làng thanh niên lập nghiệp Na Ngoi tâm sự, có được màu xanh núi rừng tận miền biên ải này không dễ chút nào. Anh Lịch nhớ lại, cuối năm 2008, dự án được Chính phủ phê duyệt, nhờ Trung ương Đoàn hướng dẫn cùng với sự giúp đỡ của Ban Thường vụ Tỉnh đoàn Nghệ An, một số anh em thanh niên được tách từ Tổng đội TNXP- XDKT8 (đóng ở Huồi Tụ, Kỳ Sơn) đã quyết tâm vượt đèo vào Na Ngoi lập làng.
Nhiệm vụ ban đầu là xây dựng khuôn viên làng, mở đường, đặc biệt phải có nhiệm vụ hướng dẫn bà con đồng bào các dân tộc nơi đây biết áp dụng khoa học kỹ thuật trong sản xuất và chăn nuôi. Trước lúc vào với địa phương để giúp bà con phát triển kinh tế, anh em không được họ ủng hộ. Vì tư tưởng đồng bào Mông, Thái nơi đây còn quá lạc hậu.
Để bà con thấy và làm theo, trước mắt anh em phải làm mô hình sản xuất ngay trong đại bản doanh của làng. Rất may, sau vụ lúa lai đầu tiên, làng thanh niên đã sản xuất thành công nên những vụ tiếp sau đó rất đông đảo bà con trong thung lũng đã làm theo. Anh em phải xuống từng hộ, đến từng bản làng để hướng dẫn bà con thực hiện một cách tỉ mỉ.
Cổng làng thanh niên Na Ngoi đóng ở khu vực biên giới giáp nước bạn Lào
Sau khi lúa lai thành công, anh em Làng thanh niên lập nghiệp Na Ngoi tiếp tục hướng dẫn bà con trồng chè, rau màu và chăn nuôi. Để bà con thấy được giá trị sản xuất, hằng năm anh em trồng được khoảng 2.000 cây bắp cải, xu hào, trồng hơn 2.000 cây hoa ly và nuôi thành công trên 2.000 con gà đen (gà đặc sản của Kỳ Sơn), hàng trăm con lợn đen, trâu, bò và cá hồi.
Đến nay, Làng thanh niên còn trồng được trên 5 ha chè. Thấy hiệu quả thiết thực của làng thanh niên, bà con khắp các bản làng của xã Na Ngoi cũng như chính quyền địa phương nơi đây mới bắt đầu tham quan mô hình, học tập và làm theo.
Vì vậy, ngoài hướng dẫn kỹ thuật, làng thanh niên còn cung cấp giống rau các loại, chè, gia súc, gia cầm để sản xuất và chăn nuôi một cách hiệu quả nhất. Một số bản làng từ nghèo đói, nay đã bắt đầu thay da đổi thịt rõ rệt. Ngược theo các bản Ka Trên, Xiêng Xí, Buộc Mú… thay nghề săn bắn, rất nhiều hộ gia đình đồng bào Mông đã biết tăng gia sản xuất và chăn nuôi có hiệu quả lớn.
Vườn rau của Làng thanh niên Na Ngoi cho thu nhập cao
Anh Phan Xuân Lịch, Chỉ huy phó Làng thanh niên Na Ngoi cho biết thêm, để bà con đi lại bớt khó khăn, thời gian qua anh em đã giúp bản Thắng Phăn mở một con đường từ bản đi ra gần trung tâm xã. Và từ khi lập làng, anh em làng thanh niên đã hướng dẫn đưa bà con sống rải rác trong khe suối, núi đồi ra sống tập trung quây quần hai bên tuyến đường chính nối từ biên giới ra vùng trung tâm.
Nhờ vậy, suốt tuyến đường từ khu vực làng thanh niên Na Ngoi ra đến chân đỉnh Puxailaileng, nhiều nếp nhà của đồng bào Mông xinh xắn mọc lên đan quyện một màu xanh cây cối, rau màu bên triền núi trông rất dồi dào sức sống.
Phan Sáng
.