Cảm giác an cư lạc nghiệp dường như càng trở nên xa xôi khi phần đông, người dân ở hai thành phố lớn này liên tục gồng mình lên để thích nghi với hoàn cảnh mới. Xem ra, những giải pháp, chính sách của Nhà nước, ngoài cái lợi ích thiết thực cho người dân còn chưa rõ ràng thì cái sự ảnh hưởng nặng nề tới đời sống dân sinh của xã hội là không nhỏ và vô cùng nguy hiểm.
Những tổn thương vì liên tục xảy ra thảm họa
Năm 2011 được xem là năm kinh hoàng nhất của những vụ tử vong tập thể gây rúng động dư luận. Mở đầu của sự bất ổn về an ninh trật tự được dự báo bởi vụ 9 thanh niên tử vong ở Hải Phòng vào mùng 4 tết. Tiếp theo là vụ 12 người chết chìm trong vụ chìm tàu du lịch Trường Hải ở đảo Ti Tốp Quảng Ninh.
Ngày 30/3, tai nạn giữa ôtô 16 chỗ chở người đi ăn hỏi với tàu hỏa tại Thường Tín đã cướp đi sinh mạng của 9 người, trong đó nạn nhân nhỏ tuổi nhất mới 3 tuổi. Sau đó là vụ 18 công nhân bỏ mạng tại mỏ đá Lèn Cờ, Yên Thành, Nghệ An đúng vào ngày cá tháng 4. Tai nạn thương tâm trên tàu Dìn Ký làm 16 người chết chìm khi đang dự tiệc sinh nhật vào tối 20/5. Vụ hỏa hoạn xảy ra ngày 29/7 tại xưởng giày da tư nhân ở thôn Đại Hoàng An Lão, Hải Phòng làm 13 người bị thiêu sống.
Ngay những ngày cuối năm 2011, thảm họa vẫn chưa hết khi đầu tháng 11 vụ 6 công nhân ôm cột điện chết cháy trong khi đang thi công lắp cột điện tại xã Thăng Long, Nông Cống, Thanh Hoá. Ngày 7/11 vụ tai nạn giao thông thảm khốc giữa xe khách và container trên quốc lộ 1A thuộc địa phận tỉnh Bình Thuận đã làm 10 hành khách bị chết và 22 hành khách bị thương.
Đúng 1 tháng sau vụ cháy xe khách thương tâm ngày 7/12 trên địa bàn huyện Con Cuông, Nghệ An đã xảy ra vụ lật xe chở gỗ lậu làm 10 người chết và 5 người bị thương. Ngay cả những ngày cuối cùng của năm 2011, những tưởng sẽ kết thúc một năm có nhiều thảm họa thương tâm thì tai nạn trong vụ chìm tàu Vinalines Queen ngày 25/12 đã cướp đi 22 sinh mạng thủy thủ trong nỗi đau tột cùng của người thân.
Những thảm hoạ nối tiếp bởi những vụ nổ bình gas khiến hai cháu bé tử vong, bố mẹ bị nguy kịch ở phố Nguyễn An Ninh quận Hai Bà Trưng Hà Nội làm cho người dân bấn loạn, sợ hãi vì hầu hết người dân đều sử dụng bình ga trong gia đình. Tiếp theo là nạn cháy xe, đầu tiên là cháy xe máy, tiếp theo là cháy ôtô, ôtô cũ, và cả những dòng ôtô cao cấp như xe Mercedes, BMW v.v...
Rồi đến kinh hoàng công nghệ pha xăng giả, thực phẩm giả, hay bón dung dịch nhớt, và dầu rửa bát cho rau xanh, trứng gà giả.v.v. chưa kể đến các vụ giết người cướp của vô cùng manh động, dã man gần đây đã làm cho đời sống người dân bị tổn thương nghiêm trọng cả về mặt vật chất lẫn tinh thần. Chưa lúc nào, người dân ở các thành phố lớn sống trong quá nhiều nỗi lo sợ, sự đe dọa an toàn từ rất nhiều phía của cuộc sống.
Stress bởi các giải pháp thay đổi
Bên cạnh sự bất an trong đời sống vật chất và tinh thần của con người thì cuối năm 2011 đầu năm 2012, người dân ở hai thành phố lớn liên tục đón nhận những thay đổi quyết liệt từ phía Nhà nước khi đưa ra những giải pháp mạnh trong việc giảm tải giao thông và ổn định cuộc sống của nhân dân. Những giải pháp được đưa ra liên tục, từ việc phân làn đường trên những tuyến phố. Đặc điểm giao thông của thành phố Hà Nội là giao thông ô bàn cờ khiến cho các con phố vốn chật hẹp nhiều ngõ ngách nay càng bấn loạn bởi những dải phân cách cứng rất nguy hiểm. Giải pháp này chưa triệt để, chưa biết tốt hay không có tác dụng thì người dân lại phải gồng mình để thích nghi với các giải pháp mới liên tục được đưa ra.
Giải pháp đổi giờ học giờ làm và những bất cập đã được chỉ rõ. Sự khắc phục kịp thời những bất cập của thành phố Hà Nội đối với giải pháp này đã được thực thi nhưng tầm ảnh hưởng và di chứng của việc đưa ra một giải pháp lớn, quan trọng, tới đời sống của cả một cộng đồng dân cư lớn như thành phố Hà Nội quả là không hề đơn giản. Tiếp đến, là việc cấm đỗ xe trên hơn 200 tuyến phố cũng là một cú sốc lớn trong đời sống dân cư. Sự thông thoáng nhìn thấy trên một số tuyến phố, nhưng cùng với đó là sự nháo nhác, hoang mang của các phương tiện khi tham gia giao thông là một bức tranh hiện thực.
Đã đành rằng, các giải pháp Nhà nước đưa ra là nhằm mục đích đưa lại cho người dân một cuộc sống ổn định, bình yên và tốt đẹp nhất, và mục đích, ý nghĩa cũng như kết quả của những giải pháp nêu trên là CHO DÂN và VÌ DÂN. Nhân dân cũng sẵn sàng tiếp nhận và tuân thủ thực hiện các giải pháp trên với một tinh thần ích nước, lợi nhà. Tuy nhiên cái mong ước, tiêu chí đề ra của các giải pháp trên chưa biết đạt được đến đâu nhưng sự bấn loạn trong xã hội do những giải pháp thiếu đồng bộ, thiếu cơ sở thực tiễn, thiếu điều tra xã hội học dẫn đến hiệu quả chưa cao, mà phản ứng xã hội lớn là điều chúng ta thấy rõ.
Những ngày này, đi ra đường, taxi, ôtô, xe máy bị bốc lên xe công vụ của những đơn vị được phép xử lý xe vi phạm giao thông cho thấy một nỗi trăn trở đáng suy nghĩ. Cánh taxi than thở, bây giờ mưu sinh thật khó khăn. Không được đỗ xe, không biết đỗ xe ở đâu, lỗi vi phạm giao thông một lần phạt tiền triệu thì taxi chắc chắn đứng trước nguy cơ phá sản, bỏ nghề vì không kham nổi sự khắc nghiệt. Người dân buôn bán ở các thành phố lớn, trên những tuyến phố lớn thì lo sợ hàng hoá không bán được vì thông thương đi lại bị hạn chế...
Một loạt dự án thu phí giao thông đối với các phương tiện tham gia giao thông cho thấy người dân đang phải gồng mình gánh các loại phí, thuế. Một số các trang mạng xã hội đã bình luận sự kiện này là Nhà nước nên cấm nhập khẩu ôtô, cấm mua bán ôtô thì may ra mới triệt tiêu được nhu cầu đi lại bằng ôtô. Giải pháp không từ gốc mà chỉ giải quyết phần ngọn, khiến người dân khó khăn. Bây giờ, người nghèo khổ vì mưu sinh khó khăn hơn đã đành, nhưng người giàu cũng có nỗi khổ trong điều kiện như hiện nay. Xem ra vấn đề an cư lạc nghiệp, hướng tới một cuộc sống bình yên, ổn định đang trở nên bức thiết trong người dân ở các thành phố lớn như lúc này.
PGS.TS Trịnh Hòa Bình - GĐTT Dư luận xã hội (Viện XHH): Vẫn là câu chuyện chiếc chăn hẹp
- Ông đánh giá thế nào về các giải pháp xã hội đang được đưa ra tại các thành phố lớn như Hà Nội, TP Hồ Chí Minh?
- Những giải pháp vừa qua của cơ quan chức năng cho thấy nỗ lực và sự quyết liệt, như một sự vận động xã hội nhằm thay đổi nền nếp, hướng tới một trật tự văn minh đô thị khả quan hơn. Đó là mong muốn của các lực lượng chức năng. Vấn đề đặt ra ở đây là giải pháp có đồng bộ không, tính hiệu quả đến đâu, liệu nó có rơi vào tình trạng mang tính nhiệm kỳ, hoặc bị áp đặt phải thay đổi. Ở đây cũng mở ngoặc đơn để nói thêm rằng, sở dĩ Hà Nội quyết liệt như vậy cũng có tác động không nhỏ của Bộ Giao thông Vận tải, đi lại là của Bộ Giao thông Vận tải, họ đã đi trước một nước cờ, đặt Hà Nội vào tình thế đó, cũng phải thay đổi. Phân làn đường, thay đổi giờ, đình chỉ cấp phép trông xe ở 262 tuyến phố… xét đến cùng chỉ là các giải pháp xem như đi trước, ưu tiên và "dễ" làm hơn, vì nó không huy động tiền của quá lớn, mà nó đánh thức được ý thức của cộng đồng. Tuy nhiên, trên thực tế nó ảnh hưởng đến lợi ích nhóm của bộ phận này, bộ phận khác, làm đảo lộn nền nếp sinh hoạt, nhịp sinh học của người dân và ảnh hưởng đến túi tiền của một bộ phận… Và họ cho rằng, nó giải được ách tắc ở khâu này, lại ách tắc ở khâu kia, hết ùn tắc chỗ này, lại ùn tắc chỗ kia.
- Nhiều người cho rằng, giờ sống ở các thành phố lớn quá khổ và người dân phải chịu quá nhiều áp lực? - Báo chí nói vui, học trò là chuột bạch. Nhưng tôi nghĩ, đó chỉ là giải pháp nhất thời, chứ chưa nhất loạt được. Người ta vẫn thường lấy hình ảnh, anh nhà giàu và anh nhà nghèo đến kỳ trả lương được giao nhiệm vụ đắp lên mình cái chăn ngắn hơn cơ thể, đắp đầu này, thì hụt đầu kia. Nhưng xung quanh câu chuyện quản lý văn minh đô thị, không thể dùng các biện pháp nhất thời được, mà phải có một tầm nhìn chiến lược, đường dài. Phạt là cốt để giữ nghiêm. Nhưng nhằm chỉnh trang đô thị, mà ai cũng thực thi quyền năng, sẽ gây nên một sự rối loạn mới, sử dụng quyền lực, cũng phải chọn. Có thể xu hướng đó thành tùy tiện, lạm quyền, dẫn đến sự bất mãn trong xã hội. Bởi xã hội mình chịu ảnh hưởng nhiều của nền văn minh lúa nước, người dân vô tổ chức quen rồi, cho nên những giải pháp nghiêm như vậy, chưa chắc đã thuyết phục. Những hiệu quả của nó, phải có kiểm chứng, chúng ta đang làm thử trên quy mô quá lớn, là thành làm thật. Mà chúng ta không có cái tiền khả thi, lấy ý kiến làm mẫu. Chúng ta đã có nhiều bài học xung quanh cái này. Đấy vẫn là chuyện tấm chăn hẹp, hết chặt cho vuông góc, để đi vòng, chán thì lại khâu để trở lại như nguyên bản, không ổn lại tháo tung ra, luẩn quẩn vậy thôi. Học kinh nghiệm từ các nước là tốt, những không thể cái nào cũng đem áp dụng cho mình được. Việc xử phạt ở Singapore làm tốt và nghiêm, vì họ là một quốc đảo, phụ thuộc vào số ít, vào lề thói sinh hoạt của cả cộng đồng, dân tộc đã rèn thành nếp. Cho nên các giải pháp vẫn là mạnh ai nấy làm, cục bộ, về khoa học, người ta tán thành các phép thử, thử sai thì làm lại, nhưng với các biện pháp xã hội, thì phải thận trọng. Về mặt xã hội, nó có tác động tiêu cực đến nhịp sinh học của người dân. Như bữa cơm tối của gia đình bị đảo lộn, ảnh hưởng sâu xa đến giáo dục xã hội, giáo dục nhân cách.
- Không ít người lo ngại, cuộc sống giờ quá nhiều nỗi bất an, tội phạm thì càng ngày càng phức tạp, và nhiều hiểm họa luôn rình rập? Từ góc độ xã hội ông có những lý giải như thế nào ạ? - Câu chuyện áp lực, rối loạn vì tắc đường, kẹt xe, vì những thay đổi trong xã hội chỉ là phần bề nổi của tảng băng mà thôi. Còn sâu xa của nó là những ẩn ức, căng thẳng trong xã hội hiện đại, câu chuyện thiếu việc làm, câu chuyện thực thi dân chủ, câu chuyện lợi ích nhóm. Một sự việc hàm chứa nhiều ý nghĩa, đây là giai đoạn nhạy cảm, dễ bùng phát những sự việc như Đoàn Văn Vươn. Không phải biện minh và phải trừng phạt thật nghiêm những kẻ cướp tiệm vàng, giết người dã man trong thời gian gần đây, nhưng rõ ràng, có những căn nguyên từ xã hội. Bọn trẻ lúc nào cũng tàng trữ vũ khí trong xe, vì bọn nó cho rằng, chỉ nó đưa lại công bằng cho nó. Và việc chống người thi hành công vụ ngày một rộ lên. Vì một số người đã lạm quyền, các hình phạt răn đe thiếu hiệu lực. Tất cả những cái đó, là môi trường kích thích cho những hành vi lệch chuẩn. - Xin cảm ơn ông. |