Warning: include(/export/home2/WebData/baocongannghean//gia-dinh-xa-hoi/201201/17953-anh-ngu-dan-tuyen-chien-voi-ha-ba-song-lam-399252/index.txt): failed to open stream: No such file or directory in /export/home2/WebData/baocongannghean/index.php on line 72

Warning: include(): Failed opening '/export/home2/WebData/baocongannghean//gia-dinh-xa-hoi/201201/17953-anh-ngu-dan-tuyen-chien-voi-ha-ba-song-lam-399252/index.txt' for inclusion (include_path='.:/usr/local/php/lib/php') in /export/home2/WebData/baocongannghean/index.php on line 72
Anh ngư dân tuyên chiến với "hà bá sông Lam" - Báo Công An Nghệ An điện tử
Thứ Bảy, 21/01/2012, 11:00 [GMT+7]
17953

Anh ngư dân tuyên chiến với "hà bá sông Lam"

Người mà chúng tôi muốn nói tới là anh Nguyễn Văn Sáng (1970) trú ở xóm 7, xã Thạch Sơn, huyện Anh Sơn. Khi chúng tôi vừa tìm được nhà thì anh đang chuẩn bị chài lưới tiếp tục một ngày đánh bắt cá trên sông Lam. Cứ ngỡ sẽ được gặp một anh ngư dân vạm vỡ, ăn sóng nói gió nhưng ngược lại hoàn toàn, đón tôi là một người đàn ông nhỏ bé, có vẻ già hơn nhiều so với cái tuổi 41, chỉ có giọng nói là thâm trầm, nụ cười đôn hậu luôn nở trên môi khiến ai tiếp xúc với anh Sáng cũng cảm thấy gần gũi.
 
Vóc dáng gầy và đen nhẻm, chẳng ai nghĩ được anh đủ sức vật lộn với dòng nước, băng mình cứu sống nhiều người bị lật thuyền. Nghe tôi hỏi chuyện cứu người, anh cười: “Chuyện tui nhỏ tí như cái móng tay. Ai trong trường hợp tui cũng cứu người thôi mà. Có chi mà kể. Thấy người sắp chết sao không cứu được". Anh không nhớ lần đầu tiên mình đã cứu ai, lúc nào, chỉ nhớ rằng, lúc lên đây dựng cơ nghiệp đi làm cá trên sông cứ thấy người chết đuối là anh lao mình ra cứu.
 
Rít điếu thuốc lào một hơi dài anh Sáng tâm sự: Vốn sinh ra và lớn lên trong một gia đình có truyền thống làm nghề chài lưới ở huyện Nam Đàn. Đến năm 1994, anh lấy vợ quê ở xã Thạch Sơn, huyện Anh Sơn, do gia đình anh gắn bó với sông nước không có đất đai cho vợ chồng dựng nhà cửa ở quê mình, nên anh quyết định lên quê vợ làm ăn. Mặc dù những năm tháng lên đây vợ chồng anh cũng đã kiếm đủ nghề nhưng rồi không có nghề nào đảm bảo cuộc sống gia đình, một phần vì nơi đất khách quê người nhưng phần nữa là trong tay anh không có vốn để xây dựng cơ nghiệp.
 
Rồi anh quyết định trở lại cái nghề cũ mà thời trai trẻ thường làm. Đó là nghề chài lưới bắt cá trên sông. Đây cũng là nghề chính mà anh gắn bó cho đến giờ. Thu nhập không mấy ổn định nhưng dù sao đây cũng là công việc đã nuôi sống gia đình anh mấy chục năm nay. Và cũng chính cái nghề sông nước này mà đã bao năm nay, anh Sáng xả thân cứu được 14 người thoát chết đuối trên sông Lam. Mặc dù theo quan niệm mê tín của nhiều người làm nghề chài lưới trên sông thường e ngại, né tránh việc cứu người chết đuối. Thế nhưng anh Sáng lại không nghĩ vậy: "Mình làm việc thiện, giúp đời, giúp người thì có chi phải lo sợ".
 
Ngày nào cũng vậy công việc chính của anh Sáng là đi đánh bắt cá trên sông Lam
 
Hàng trăm thuyền chài trên khúc sông này nể phục anh đã nhiều lần quên mình cứu người chết đuối. Gần đây nhất là vào buổi chiều muộn 26/11/2011, anh đã dũng cảm cứu sống 6 người dân bị lật thuyền dưới dòng sông Lam. Hôm đó cũng như mọi ngày, anh đang trên đường trở về nhà sau buổi chài lưới bắt cá trên sông để kiếm cơm gạo cho cả gia đình. Vào thời điểm đó trời có mưa và gió lạnh nên rất vắng người qua lại, khi thuyền anh gần cập bến thì bỗng dưng nghe thấy tiếng kêu cứu ở giữa dòng sông.
 
Do trời mưa nên tầm nhìn xa rất kém, chỉ nghe tiếng gọi thất thanh vọng vào từ gần đó. Anh đoán chắc là có thuyền gặp nạn, nên đã lao nhanh con thuyền đến chỗ xảy ra tai nạn. Trước cảnh tượng con đò bị nạn đang chìm, không nghĩ đến trời lạnh hay nước lớn, anh vội lao xuống nước và tìm được từng người kéo lên thuyền, lần lượt cả 6 người được cứu.
 
Sáu nạn nhân được anh Sáng cứu sống gồm có bà Phan Thị Mai (52 tuổi), bà Hồ Thị Lý (50 tuổi), Thái Văn Bình (20 tuổi), em Thái Thị Hương (18 tuổi), anh Trần Cao Thế (20 tuổi - lái thuyền) và bà Nguyễn Thị Thành (55 tuổi) đều trú ở xã Thạch Sơn (Anh Sơn). Được biết những người này đưa thuyền sang xã Đức Sơn chặt ngọn mía về.
 
Tuy nhiên, do thuyền nhỏ, ngoài 6 người ngồi trên còn chất quá nhiều ngọn mía nên khi ra giữa dòng sông Lam gặp nước xoáy đã bị chìm. Giờ đây 6 con người được cứu sống, họ xem anh Sáng như là ân nhân, như vị cứu tinh cuộc đời họ... Chưa hết bàng hoàng, chị Hồ Thị Lý một trong những người thoát chết khỏi bàn tay tử thần nhớ lại: “Con đò lật sấp xuống, tiếng kêu la náo động cả lòng sông. Trên đò hầu hết là phụ nữ, trong đó có 3 mẹ con tôi. Lúc đó tôi cố ngóc đầu nổi lên mặt nước nhiều lần nhưng không được và nghĩ cả ba mẹ con cùng mọi người đã chết chắc rồi. Bỗng từ đâu có một bàn tay nắm chặt lôi tôi lên thuyền, rồi đưa vào bờ, sau đó tôi bất tỉnh. Khi tỉnh dậy thì thấy mình nằm trong bệnh viện, toàn thân đau ê ẩm. Lúc đó mọi người bảo nhờ có anh Sáng mà tôi thoát chết”.
 
Đây không phải là lần đầu anh Sáng dũng cảm cứu người chết đuối trên sông Lam. Những năm trước đây anh đã cứu được 8 người chết đuối. Đó là tháng 8/2006, do mưa bão, lũ lớn tại đây đã xảy ra vụ chìm đò đưa khách qua sông. Mặc dù nước sông dữ dội nhưng anh bất chấp hiểm nguy lao ra dòng sông cứu sống 3 người ở xã Hùng Sơn đang trên đường đi giỗ về. Cũng trong năm 2006, anh cứu 2 em học sinh ở xã Lạng Sơn ngồi ở bờ sông bị trượt chân chìm xuống sông. Năm 2007 - 2009, thêm một lần nữa anh Sáng cứu sống 3 người đều ở xã Thạch Sơn khi đi làm về qua đò, do sơ sẩy làm đò bị chênh vênh khiến 3 người rơi xuống sông.
 
Và nghĩa cử cao đẹp, dũng cảm, quên đi mạng sống của chính mình cứu người bị nạn giữa dòng nước dữ... anh đã được UBND tỉnh tặng Bằng khen và UBND huyện Anh Sơn tặng Giấy khen. Đặc biệt, sắp tới UBND huyện Anh Sơn sẽ đề nghị tỉnh biểu dương tấm gương sáng của anh Sáng để mọi người noi theo.
 
Mặc dù, cuộc sống gia đình vẫn đang còn là diện hộ nghèo, nhưng mỗi khi chính quyền xã, thôn, dân làng cần đến anh sẵn sàng phục vụ. Đặc biệt vào những ngày mưa, lũ lụt anh luôn là người tiên phong ra tay cứu giúp những người mỗi khi gặp hoạn nạn.

Trường Khuyên
.