Chiều 18-4, Uỷ ban Thường vụ Quốc hội (UBTVQH) tiếp tục Phiên họp thứ 33, cho ý kiến về dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Tổ chức Chính phủ và Luật Tổ chức chính quyền địa phương.
Hai loại ý kiến
Theo Tờ trình do Bộ trưởng Bộ Nội vụ Lê Vĩnh Tân trình bày, dự thảo Luật quy định giảm số Phó Chủ tịch Hội đồng nhân dân (HĐND) cấp tỉnh, cấp huyện, số Phó Trưởng Ban chuyên trách của HĐND cấp tỉnh từ 2 người xuống còn 1 người; tăng số Phó Chủ tịch UBND cấp xã loại II từ 1 người lên 2 người.
Bộ trưởng Bộ Nội vụ Lê Vĩnh Tân |
Trong đó, việc giảm số Phó Chủ tịch HĐND cấp tỉnh, cấp huyện còn có hai loại ý kiến khác nhau. Loại ý kiến thứ nhất: Giảm số lượng 2 Phó Chủ tịch HĐND cấp tỉnh, cấp huyện hiện nay xuống còn 1 Phó Chủ tịch ở tất cả các đơn vị hành chính cấp tỉnh, cấp huyện nhằm thực hiện Nghị quyết số 18-NQ/TW, đồng thời bảo đảm tính thống nhất, đồng bộ về cơ cấu tổ chức HĐND cấp tỉnh, cấp huyện trong phạm vi cả nước.
Loại ý kiến thứ hai: Thành phố trực thuộc Trung ương và đơn vị hành chính cấp tỉnh loại I giữ nguyên 2 Phó Chủ tịch HĐND; các tỉnh loại II, loại III và tất cả đơn vị hành chính cấp huyện giảm chỉ còn 1 Phó Chủ tịch HĐND nhằm thực hiện Nghị quyết số 18-NQ/TW, đồng thời có tính đến đặc thù của các thành phố trực thuộc Trung ương và các tỉnh có quy mô dân số, diện tích lớn, có đặc thù về vị trí địa lý và trình độ phát triển kinh tế - xã hội cao hơn.
Bộ trưởng Lê Vĩnh Tân cho biết, qua lấy ý kiến các thành viên thì Chính phủ thống nhất với Loại ý kiến thứ nhất, tuy nhiên do còn ý kiến khác nhau nên Chính phủ xin ý kiến của UBTVQH.
Chủ nhiệm Uỷ ban Pháp luật Nguyễn Khắc Định |
Thay mặt Cơ quan thẩm tra dự thảo Luật, Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật Nguyễn Khắc Định thấy rằng, Luật Tổ chức chính quyền địa phương năm 2015 quy định HĐND cấp tỉnh, cấp huyện có 2 Phó Chủ tịch nhằm tăng cường hiệu lực, hiệu quả cho hoạt động của HĐND với tính chất là cơ quan quyền lực nhà nước ở địa phương, quyết định những vấn đề quan trọng của địa phương.
Quy định này không làm tăng thêm biên chế ở địa phương vì thực chất được nâng từ chức danh “Ủy viên Thường trực” của HĐND theo quy định của Luật Tổ chức HĐND và UBND năm 2003. Đây là những vấn đề đã được báo cáo và được sự đồng ý của Bộ Chính trị trước khi đưa vào Luật.
Vì vậy, đề nghị Chính phủ có đánh giá tác động thật kỹ đối với các vấn nêu trên để vừa đáp ứng yêu cầu của thực tiễn nhưng cũng phù hợp với kết luận của Bộ Chính trị. Việc đánh giá tác động cần làm rõ, nếu giảm số Phó Chủ tịch HĐND cấp tỉnh, cấp huyện, số Phó Trưởng Ban chuyên trách của HĐND cấp tỉnh thì trên toàn quốc sẽ giảm được bao nhiêu và sẽ sắp xếp, bố trí vào vị trí công việc nào cho phù hợp; nếu tăng số lượng Phó Chủ tịch UBND cấp xã loại II thì toàn quốc sẽ tăng bao nhiêu, có phù hợp với chủ trương tinh giản biên chế không cũng cần được làm rõ...
Cũng theo ông Định, do chưa có đánh giá tác động kỹ nên ý kiến trong Ủy ban Pháp luật còn khác nhau: Một số ý kiến đề nghị giữ nguyên như Luật hiện hành để tăng cường, nâng cao hiệu quả hoạt động của HĐND; một số ý kiến đề nghị chuyển số Phó Chủ tịch HĐND sang làm Phó Chủ tịch UBND để tăng cường hoạt động chỉ đạo, điều hành cho UBND; một số ý kiến đề nghị chỉ giảm số Phó Chủ tịch HĐND ở cấp huyện, còn giữ nguyên số Phó Chủ tịch HĐND, số Phó Trưởng Ban chuyên trách của HĐND cấp tỉnh.
Trưởng ban Dân nguyện Nguyễn Thanh Hải |
Giảm nhưng phải hợp lý và cần thiết
Thảo luận tại phiên họp, Trưởng ban Dân nguyện Nguyễn Thanh Hải đề cập thực tiễn thời gian vừa qua được tháp tùng các đồng chí Phó Chủ tịch Quốc hội dự các cuộc giao ban HĐND của các tỉnh ở 3 miền Bắc, Trung, Nam thì tất cả lãnh đạo HĐND các tỉnh đều rất băn khoăn về việc giảm Phó Chủ tịch HĐND cấp tỉnh.
Bà dẫn lại ý của một đồng chí Phó Chủ tịch HĐND cấp tỉnh nêu rằng, mỗi ngày họp HĐND ông phải thông qua hàng chục dự án, duyệt quyết định khung giá đất, dự toán đầu tư, quyết toán thu chi… trong khi bộ máy tham mưu giúp việc ít, mà tới đây lại cắt như vậy thì việc ký phê duyệt “rất run”. Nhưng ngược lại nếu xem xét kỹ quá, chậm một ngày không thông qua thì lại ảnh hưởng tới chủ trương thu hút đầu tư của tỉnh nhà. Do đó, đồng chí Phó Chủ tịch HĐND ấy đề nghị xin được giữ nguyên như bây giờ để thực hiện tốt chức năng, nhiệm vụ được giao.
Chủ tịch Hội đồng Dân tộc Hà Ngọc Chiến |
Một ý nữa theo Trưởng ban Dân nguyện là hoạt động giám sát, chất vấn của Quốc hội, UBTVQH vừa qua rất mạnh mẽ, được cử tri quan tâm, đánh giá cao. Các phiên giải trình, chất vấn có tính lan toả xuống HĐND các cấp, nhiều HĐND các tỉnh như Hải Phòng, TP.Hồ Chí Minh, Hà Nội, Đà Nẵng… tổ chức các phiên giải trình truyền hình trực tiếp rất “nóng”, được cử tri và người dân quan tâm theo dõi.
“Như phiên giải trình ở Đà Nẵng tôi đi ngoài đường thấy bà con ở chợ còn bật ti vi lên xem. Mà muốn làm được điều đó thì phải có người chuyên trách, đủ trình độ để làm. Tới đây cắt một vị trí Phó Chủ tịch HĐND như vậy thì việc thu hút người có khả năng, đủ độ tuổi, sức khoẻ về cơ quan dân cử để làm là rất khó”, bà phân tích.
Trưởng ban Dân nguyện Nguyễn Thanh Hải mong muốn UBTVQH cân nhắc vấn đề này, cũng như mong Chính phủ sớm có quan điểm để các đồng chí hoạt động trong HĐND yên tâm về việc sắp xếp chức danh, nhiệm vụ của mình trong thời gian tới. Chủ tịch Hội đồng Dân tộc Hà Ngọc Chiến cũng cùng quan điểm. Ông cho rằng cần phải giữ nguyên 2 Phó Chủ tịch HDND tại các cấp vì hiện nay chúng ta đang thực hiện nhất thể hóa chức danh Bí thư kiêm Chủ tịch HĐND.
“Bí thư Tỉnh uỷ mà đồng thời là Chủ tịch HĐND thì chỉ còn 1 Phó Chủ tịch HĐND chuyên trách, điều hành công việc là rất khó. Tôi từng làm Bí thư nên tôi biết, Bí thư bận bao nhiêu việc nên HĐND gần như chỉ trông vào ông Phó Chủ tịch điều hành công việc hàng ngày là chính”, ông nói. Do đó ông đề nghị giữ nguyên 2 Phó Chủ tịch HĐND tại các cấp; giữ nguyên 2 Phó Trưởng Ban chuyên trách của HĐND cấp tỉnh để làm sao nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động của HĐND.
Cho ý kiến về vấn đề này, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân khẳng định, việc sửa đổi luật này là nhằm thể chế các quan điểm của Đảng trong các Nghị quyết Trung ương. Trong đó nghiên cứu chức năng nhiệm vụ, bộ máy tổ chức làm sao cho tinh gọn, nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động, đồng thời giảm một cách hợp lý, cần thiết. Tuy nhiên theo Chủ tịch Quốc hội, nếu qua nghiên cứu mà thấy việc giảm đi không hợp lý, không cần thiết thì cần báo cáo lại.
“Ban soạn thảo ở đây đã cụ thể hoá Nghị quyết của Trung ương, nhưng trước đây qua tổng kết thực tiễn để xây dựng Hiến pháp 2013 thì yêu cầu đặt ra là làm sao nâng cao hiệu lực, hiệu quả hoạt động HĐND các cấp. Và sau 10 năm thí điểm bỏ HĐND ở một số đơn vị thì chúng ta đã khôi phục trở lại tất cả, chính quyền địa phương đã có UBND là phải có HĐND” – Chủ tịch Quốc hội lý giải. Chủ tịch Quốc hội đề nghị Chính phủ cần có báo cáo đánh giá tác động rõ hơn về vấn đề này.
Quỳnh Vinh
.