(Congannghean.vn)-Dù còn gặp rất nhiều khó khăn, song với tinh thần trách nhiệm tận tâm, tận tụy với công việc và bằng tấm lòng vì đồng bào, trong năm 2018, Công an huyện Kỳ Sơn đã cấp, đổi được gần 6.000 chứng minh nhân dân (CMND) cho người dân; trong đó, khoảng 5.000 CMND được CBCS trong đơn vị trực tiếp xuống tận các bản, tại các nhà dân của 21 xã, thị trấn để làm thủ tục cấp, đổi cho bà con.
Cán bộ Đội Cảnh sát QLHC về TTXH Công an huyện Kỳ Sơn đến làm thủ tục cấp, đổi CMND tại nhà cho các hộ dân ở bản Huồi Giảng 3, xã Tây Sơn |
Kỳ Sơn là huyện miền núi, rẻo cao cực Tây của Nghệ An, có 11 xã giáp Lào, chạy dài trên 192 km đường biên, tiếp giáp với 5 huyện, 3 tỉnh của nước bạn Lào. Trước đây, người dân sinh sống trong những ngôi nhà sàn vắt vẻo trên những sườn núi cao của các bản làng huyện biên giới Kỳ Sơn vẫn sống cuộc sống với “ba thiếu”: Thiếu giấy khai sinh, thiếu hộ khẩu và thiếu CMND. Nhiều bản làng cách xa trung tâm đến cả trăm cây số, đường sá đi lại hiểm trở, hiểu biết pháp luật của người dân còn hạn chế nên ít người để ý đến việc làm giấy khai sinh cho con, làm CMND cho bản thân. Một lý do khác khiến số lượng người dân ở huyện Kỳ Sơn không có giấy tờ tùy thân chiếm tỉ lệ khá cao là do hiện tượng di cư tự do của đồng bào Mông.
Việc người dân không có hoặc thiếu giấy tờ tùy thân đã ảnh hưởng đến công tác quản lý hộ khẩu, hộ tịch của lực lượng chức năng; đồng thời, gây khó khăn trong việc kiểm soát tình hình ANTT trên địa bàn, nhất là phòng, chống tội phạm và tệ nạn xã hội. Ngoài ra, làm ảnh hưởng tới chính quyền lợi của người dân để được hưởng các chính sách ưu đãi của Nhà nước như BHYT, vay vốn ngân hàng để phát triển kinh tế…
Trước tình hình trên, với phương châm hướng về cơ sở, tạo điều kiện thuận lợi cho nhân dân tiết kiệm thời gian, chi phí, Đội Cảnh sát QLHC về TTXH Công an huyện Kỳ Sơn liên tục phân công các tổ công tác lội suối, vượt đèo trực tiếp đến tận thôn, bản để làm thủ tục cấp, đổi CMND hoàn toàn miễn phí cho người dân.
Đại úy Nguyễn Văn Thắng, Đội trưởng Đội Cảnh sát QLHC về TTXH cho biết: Trước mỗi lần về cơ sở, Đội chủ động phối hợp với lực lượng Công an xã thông báo trên loa đài, rà soát công dân thuộc diện hộ nghèo, người tàn tật, neo đơn, gia đình chính sách…, rồi thống kê, lập danh sách cụ thể. Sau đó, lựa chọn các ngày chợ phiên, ngày nông nhàn - thời gian mà đồng bào thường ở nhà nhất, Đội phân công Tổ công tác xuống cơ sở hướng dẫn các thủ tục hồ sơ và triển khai cấp, đổi CMND. Đặc biệt, những đối tượng là người già, người tàn tật, không nơi nương tựa, hộ gia đình khó khăn sẽ được Đội đến trực tiếp làm thủ tục ngay tại nhà.
“Rất nhiều bà con bị sai lệch về ngày tháng năm sinh và họ tên, thậm chí có nhiều hộ dân tự ý sửa chữa hộ khẩu khiến quá trình tra cứu tàng thư, xác minh thông tin gặp nhiều khó khăn. Bên cạnh đó, đa số bà con nói tiếng phổ thông không rõ, cách phát âm họ tên cũng không chuẩn và thậm chí có nhiều trường hợp không biết chữ. Vì vậy, cán bộ trực tiếp viết phiếu thông tin cá nhân và hướng dẫn bà con làm các thủ tục khác; lúc nào không hiểu thì chúng tôi phải nhờ Trưởng bản, giáo viên ở bản “phiên dịch” giúp”, Đại úy Nguyễn Văn Thắng chia sẻ.
Có những cụm bản xa xôi, hẻo lánh như bản Khe Linh, bản Quyết Thắng, xã Keng Đu; bản Kéo Bắc, xã Na Ngoi; bản Cha Nga, xã Mỹ Lý; bản Kéo Nam, xã Bắc Lý…, CBCS phải cơm đùm, cơm nắm vác ba lô vượt qua những con đường lầy lội bùn đất, lội qua các con suối với lởm chởm mỏm đá trơn trượt… mới vào được nhà dân làm CMND, thời gian mất khoảng 5 ngày đến 1 tuần lễ mới trở về được đơn vị. Khó khăn là vậy, song khi đến nơi, được bà con đón tiếp bằng sự nhiệt tình, tình cảm nồng hậu, thắm thiết thì bao mệt mỏi đều tan biến. Mỗi CBCS trong Đội luôn động viên nhau phải nỗ lực, cố gắng hơn nữa để phục vụ nhân dân ngày một tốt hơn, góp phần tô thắm hình ảnh người chiến sỹ CAND “bản lĩnh, nhân văn, vì nhân dân phục vụ”.