(Congannghean.vn)-Luật Hộ tịch được Quốc hội nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam khóa XIII, Kỳ họp thứ 8 thông qua ngày 20/11/2014, có hiệu lực thi hành kể từ ngày 1/1/2016. Sau hơn 3 năm triển khai thực hiện trên địa bàn tỉnh, Luật đã từng bước đi vào cuộc sống, tạo điều kiện thuận lợi cho người dân.
Người dân đến đăng ký các vấn đề liên quan đến hộ tịch tại UBND xã Diễn Thịnh (Diễn Châu) được cán bộ tư pháp hướng dẫn tận tình |
Tạo thuận lợi cho người dân
Để Luật đi vào cuộc sống, thời gian qua, UBND tỉnh đã tổ chức các lớp tập huấn, bồi dưỡng nghiệp vụ; kiện toàn đội ngũ cán bộ làm công tác tư pháp trên toàn tỉnh; đẩy mạnh tuyên truyền, lồng ghép với nhiều hình thức phong phú, đa dạng như: Tổ chức các cuộc họp, hội nghị, các buổi sinh hoạt của các câu lạc bộ “Thời sự pháp luật”, hỏi đáp về Luật Hộ tịch phát trên sóng phát thanh và loa truyền thanh ở cơ sở.... Qua đó, nâng cao nhận thức của người dân về việc đăng ký hộ tịch vừa là quyền, nghĩa vụ của mình nên đã tự giác chấp hành.
Sau 3 năm thực hiện Luật Hộ tịch trên địa bàn tỉnh đã đạt được những kết quả bước đầu quan trọng. Công tác đăng ký, quản lý hộ tịch từng bước ổn định, đi vào nề nếp, cơ sở vật chất từng bước được cải thiện. Các cơ quan thực hiện việc đăng ký hộ tịch đã ý thức được trách nhiệm của mình, cũng như người dân đã nhận thức được tầm quan trọng của giấy tờ hộ tịch nên không tùy tiện sửa chữa, thêm, bớt, tự giác thực hiện đi đăng ký các sự kiện hộ tịch theo đúng thời gian quy định của pháp luật, hạn chế tình trạng “sinh không khai, tử không báo” như trước đây.
Công chức làm công tác hộ tịch cấp xã đã tuân thủ trình tự, thủ tục của Luật Hộ tịch và các văn bản hướng dẫn thi hành; tham gia đầy đủ các lớp đào tạo nghiệp vụ, luôn nghiên cứu tìm tòi, học hỏi, nâng cao khả năng, trình độ, nghiệp vụ, tích cực ứng dụng công nghệ thông tin nên công tác giải quyết nhanh chóng, chính xác, theo đúng quy định của pháp luật.
UBND tỉnh cũng đã triển khai thí điểm ứng dụng phần mềm hộ tịch điện tử trong việc đăng ký khai sinh và cấp số định danh cá nhân tại 14/14 xã, thị trấn của huyện Quế Phong. Đến nay, 21/21 huyện, thành phố, thị xã đã triển khai ứng dụng công nghệ thông tin nói chung, ứng dụng phần mềm hộ tịch nói riêng đồng bộ, bài bản, bước đầu đạt được một số kết quả đáng ghi nhận. Việc triển khai thử nghiệm, đăng ký khai sinh và cấp số định danh cá nhân đã thu được những thành công đáng khích lệ, đảm bảo công tác quản lý Nhà nước về hộ tịch được thực hiện nhanh chóng, khoa học, đáp ứng được yêu cầu của người dân.
Kết quả, từ ngày 1/1/2016 - 30/6/2018, tại 480 xã trên địa bàn tỉnh Nghệ An đã giải quyết 495.907 sự kiện hộ tịch, trong đó: Đăng ký khai sinh 273.881 trường hợp; đăng ký khai tử 52.098 trường hợp; đăng ký kết hôn 74.669 trường hợp; thay đổi hộ tịch 1.925 trường hợp; cải chính hộ tịch 1.226 trường hợp; bổ sung thông tin hộ tịch 302 trường hợp; đăng ký nhận cha, mẹ, con 487 trường hợp; đăng ký giám hộ 177 trường hợp; cấp giấy xác nhận chứng nhận tình trạng hôn nhân 90.162 trường hợp…
Ông Hoàng Quốc Hào, Giám đốc Sở Tư pháp cho biết: Thời gian qua, công tác đăng ký và quản lý hộ tịch tại “Bộ phận một cửa” đã tiếp nhận và trả kết quả theo đúng thời gian quy định. Các thủ tục hành chính về hộ tịch liên quan trực tiếp đến người dân được niêm yết công khai tại trụ sở. Nhiều thủ tục hành chính về hộ tịch được cắt giảm về thành phần hồ sơ, mẫu đơn, tờ khai, rút ngắn thời gian giải quyết, loại bỏ những thủ tục rườm rà, tạo điều kiện thuận lợi cho công dân khi có yêu cầu. Đặc biệt, công tác đăng ký, quản lý hộ tịch đã tạo thuận lợi cho người dân trong quá trình làm hồ sơ, giảm thiểu thời gian, chi phí đi lại, đặc biệt là ở các xã vùng sâu, vùng xa, vùng đặc biệt khó khăn.
Nhiều vướng mắc, bất cập
Mặc dù sau 3 năm triển khai Luật Hộ tịch đã đạt được nhiều kết quả quan trọng, nhưng thực tế tại một số địa phương trên địa bàn tỉnh vẫn gặp nhiều bất cập. Việc tổ chức triển khai thi hành Luật còn chậm, chưa đồng bộ tại một số địa phương xa trung tâm TP Vinh, do chưa có cộng tác viên dịch thuật nên gặp nhiều khó khăn trong việc giao tiếp với người nước ngoài, khi giải quyết việc đăng ký kết hôn có yếu tố nước ngoài; một số địa bàn có đường biên giới giáp Lào, khi yêu cầu đăng ký các sự kiện hộ tịch không có các giấy tờ tùy thân như: Giấy khai sinh, chứng minh nhân dân, hộ chiếu...
Một số quy định của Luật Hộ tịch và các văn bản hướng dẫn thi hành chưa rõ ràng, phù hợp, nhiều quan hệ xã hội phát sinh trong thực tế nhưng Luật và các văn bản hướng dẫn thi hành chưa điều chỉnh đến, nên địa phương rất lúng túng trong việc hướng dẫn nghiệp vụ cũng như giải quyết. Nhiều sự việc chỉ căn cứ vào hướng dẫn trực tiếp hoặc bằng văn bản (công văn), chưa đủ cơ sở pháp lý để công chức làm công tác hộ tịch giải quyết cho công dân.
Bên cạnh đó, nhận thức của một bộ phận nhân dân về vấn đề hộ tịch chưa đầy đủ, chưa thực hiện đúng thời gian, nhất là khai sinh, khai tử, kết hôn làm phát sinh những hệ quả về sau. Đội ngũ công chức tư pháp - hộ tịch thường xuyên biến động, thay đổi vị trí, phải kiêm nhiệm nhiều công việc khác nhau nên chưa dành nhiều thời gian cho công tác hộ tịch, làm ảnh hưởng đến hiệu quả quản lý Nhà nước trong lĩnh vực hộ tịch.
Để tiếp tục nâng cao hiệu quả công tác đăng ký và quản lý hộ tịch, thời gian tới, cần tăng cường sự lãnh đạo của các cấp ủy Đảng, chính quyền địa phương. Đẩy mạnh công tác tuyên truyền, phổ biến Luật Hộ tịch và các văn bản liên quan sâu rộng đến nhân dân, đặc biệt là người dân ở vùng núi, vùng sâu, vùng xa, vùng biên giới hải đảo, nhằm nâng cao nhận thức của người dân về quyền và nghĩa vụ của mình trong công tác đăng ký hộ tịch.
Tăng cường đào tạo, bồi dưỡng, tập huấn nghiệp vụ hộ tịch cho công chức làm công tác hộ tịch cấp huyện và cấp xã. Quan tâm bố trí cán bộ, biên chế đảm bảo số lượng, chất lượng, đầu tư kinh phí, trang thiết bị, cơ sở vật chất đáp ứng tiêu chuẩn được quy định trong Luật Hộ tịch. Bộ Tư pháp sớm xây dựng và hoàn thiện phần mềm đăng ký và quản lý hộ tịch phục vụ kết nối toàn quốc để đáp ứng công tác đăng ký và quản lý hộ tịch trong thời gian tới.