Ý kiến chuyên gia cho rằng trong 20 năm qua, được tiến hành quyết liệt, mạnh mẽ là đợt cải cách thủ tục hành chính những năm 2000 - 2003 dưới thời Thủ tướng Phan Văn Khải và đợt cải cách hiện nay, được bắt đầu từ năm 2016.
TS Nguyễn Đình Cung phát biểu tại buổi kiểm tra. - Ảnh: VGP/Nhật Bắc |
Phát biểu tại buổi làm việc sáng 16/10 của Tổ công tác của Thủ tướng với 4 Bộ về cắt giảm, đơn giản hóa các thủ tục, điều kiện kinh doanh, TS Nguyễn Đình Cung, Viện trưởng Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương cho rằng, trong 20 năm qua, cùng với đợt cải cách thủ tục hành chính những năm 2000 - 2003, thì đợt cải cách hiện nay bắt đầu từ năm 2016 cũng rất quyết liệt với những thay đổi lớn.
“Cộng đồng doanh nghiệp đang rất kỳ vọng vào nỗ lực cải cách của Chính phủ, nhưng cũng có phần lo lắng, nghi ngờ là có làm thật không, có làm được không. Phải làm thực chất như Bộ trưởng, Chủ nhiệm VPCP Mai Tiến Dũng đã nói”, TS Nguyễn Đình Cung phát biểu.
Trước đó, Bộ trưởng, Chủ nhiệm VPCP Mai Tiến Dũng, Tổ trưởng Tổ công tác đã đề nghị tại buổi làm việc, các bộ phải báo cáo công khai tiến độ thực hiện nhiệm vụ, “bao giờ làm được, cắt hay không cắt, tại sao không giảm, vướng chỗ nào”. Tinh thần là cùng ngồi lại để tìm giải pháp tốt nhất tháo gỡ các vướng mắc, theo đúng tinh thần nói đi đôi với làm, chuyển mạnh sang phục vụ người dân và doanh nghiệp.
“Chúng ta đã làm được nhiều việc, nhưng hôm nay mời nhiều hiệp hội, doanh nghiệp, chuyên gia để minh chứng việc cắt giảm có thực chất không hay gom 2 thành 1 hoặc cắt cái nọ mọc cái kia. Tất nhiên tình trạng này nếu có thì cũng là số rất ít, nhưng tinh thần là phải rất minh bạch”, Bộ trưởng cho biết.
Các nghị quyết của Chính phủ đã yêu cầu cắt giảm, đơn giản hóa 50% các điều kiện kinh doanh và 50% các thủ tục, mặt hàng xuất nhập khẩu phải kiểm tra chuyên ngành. Tuy nhiên, trong tổng số 6.191 điều kiện kinh doanh, đến nay mới cắt được 1.517 điều kiện. Còn trong 9.926 dòng hàng mới cắt giảm được 1.700 dòng hàng.
Theo Viện trưởng Nguyễn Đình Cung, trong đợt cải cách này, có nhiều điều kiện được cắt bỏ, đơn giản không tác động nhiều đến doanh nghiệp, doanh nghiệp không được hưởng lợi, vì còn phụ thuộc vào việc thực thi ở cấp dưới. Nhưng bên cạnh đó, nhiều nội dung cắt giảm phải được đánh giá cao. Ví dụ như những điều kiện kinh doanh gas, xuất khẩu gạo đã được Bộ Công Thương cắt bỏ đều rất thực chất, tác động mạnh mẽ đến doanh nghiệp.
“Chúng ta rất quyết liệt, các Bộ đã thực sự quan tâm đến cải cách nhưng kết quả chưa được như mục tiêu, tác động chưa được như kỳ vọng. Cải cách là liên tục và thường xuyên và không dừng lại ở đây, sang năm, sang năm nữa vẫn phải tiếp tục. Về phần chúng tôi, sau ngày 30/10, khi các nghị định cắt giảm các điều kiện, thủ tục đã được ban hành xong, chúng tôi sẽ đánh giá kỹ, công bố để công luận biết và Chính phủ có cơ sở để tiếp tục cải cách. Tổ công tác của Thủ tướng cũng cần có đánh giá đầy đủ về mức độ cải cách lần này”, vị chuyên gia kiến nghị.
PGS.TS. Bùi Quang Tuấn, Viện trưởng Viện Kinh tế Việt Nam cho biết: “Lâu nay tôi nghe nói Chính phủ nóng còn các Bộ ngành đang lạnh, nhưng qua báo cáo thì thấy nhiều Bộ đã chuyển động và kết quả cũng rất tích cực. Tuy nhiên, ngoài việc số lượng chưa đạt yêu cầu thì tôi cũng lo ngại nhiều hơn về chất lượng, các báo cáo chưa đi sâu vào chất lượng cải cách”.
Viện trưởng Bùi Quang Tuấn kiến nghị, giải pháp dài hạn cho môi trường kinh doanh là xây dựng Chính phủ điện tử như chỉ đạo của Thủ tướng, từ đó mới phục vụ tốt nhất cho người dân và doanh nghiệp, mặc dù nhiệm vụ này không dễ dàng.
Đại diện Hiệp hội doanh nghiệp phần mềm và công nghệ thông tin cũng kiến nghị các Bộ cần tiếp tục cắt giảm thủ tục, mặt hàng kiểm tra chuyên ngành, ví dụ pin điện thoại. “Như trong vụ Samsung có thu hồi Galaxy Note 7, thì cũng là do doanh nghiệp tự phát hiện, chứ chúng ta không kiểm tra ra”, vị này nói.
Theo Bộ Kế hoạch và Đầu tư, báo cáo của các Bộ cho thấy hầu hết đạt hoặc vượt chỉ tiêu cắt giảm 50% số điều kiện kinh doanh. Tuy nhiên, nội dung cắt giảm và hiệu quả cắt giảm điều kiện kinh doanh là vấn đề cần tiếp tục thảo luận.
“Vẫn còn những điều kiện kinh doanh không phù hợp, không cần thiết, không đạt hiệu quả quản lý. Cùng với đó, các quy định về đào tạo, cấp chứng chỉ bởi các cơ quan quản lý nhà nước vẫn tồn tại khá phổ biến. Các điều kiện kinh doanh được ẩn dưới quy định “thực hiện theo quy định của Bộ quản lý” chưa được cắt bỏ. Cá biệt một số nội dung thay đổi thực hiện mang tính hình thức hơn là mục tiêu vì cải cách, vì doanh nghiệp”, Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Văn Hiếu cho biết. Đặc biệt, vẫn có tình trạng các dự thảo nghị định sửa đổi riêng từng bghị định có bổ sung thêm điều kiện kinh doanh mới.