CCHC
Cải cách hành chính chưa trợ lực đáng kể cho phòng, chống tham nhũng
Sáng 19-9, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã cho ý kiến về các báo cáo công tác của Chánh án Tòa án nhân dân tối cao, Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân tối cao; các báo cáo của Chính phủ về công tác phòng, chống tội phạm và vi phạm pháp luật, công tác thi hành án và công tác phòng, chống tham nhũng năm 2017.
Cán bộ vô cảm, nhũng nhiễu vẫn gây bức xúc trong nhân dân
Thẩm tra Báo cáo của Chính phủ về công tác phòng, chống tham nhũng (PCTN) năm 2017, Ủy ban Tư pháp nhận cho rằng: Năm 2017, Chính phủ, các bộ, ngành, địa phương đã có nhiều nỗ lực trong công tác PCTN và đạt được kết quả trên nhiều mặt, góp phần tạo chuyển biến rõ nét trong công tác phát hiện, xử lý hành vi tham nhũng.
Thể chế về PCTN tiếp tục được hoàn thiện. Đặc biệt, trong năm 2017, dưới sự chỉ đạo sát sao của Ban Chỉ đạo Trung ương về PCTN, nhiều vụ án tham nhũng nghiêm trọng, phức tạp, gây thất thoát lớn vốn và tài sản nhà nước được phát hiện và xử lý kịp thời. Đồng thời, qua công tác kiểm tra, giám sát, Ủy ban Kiểm tra Trung ương đã phát hiện nhiều vụ việc liên quan đến một số cá nhân vi phạm, đã thi hành kỷ luật, xử lý nghiêm, được dư luận nhân dân đồng tình, đánh giá cao.
Phó Chủ tịch Quốc hội Uông Chu Lưu điều hành phiên thảo luận 19-9 |
Tuy nhiên, Ủy ban cũng cho rằng: “Báo cáo chưa phản ánh thật đầy đủ thực trạng công tác PCTN năm 2017 và chưa nêu được một số chuyển biến nổi bật của công tác phát hiện và xử lý hành vi tham nhũng so với năm 2016”. “Một số tồn tại, hạn chế nêu còn sơ lược, thiếu các thông tin, địa chỉ cụ thể. Chưa đề ra giải pháp mang tính đột phá và lộ trình cụ thể để khắc phục những hạn chế của công tác PCTN đã tồn tại qua nhiều năm”.
Cũng như nhiều nhận định của các cơ quan khác, Ủy ban Tư pháp cũng cho rằng cải cách thủ tục hành chính trên một số lĩnh vực còn chưa phát huy hiệu quả. Ở một số nơi, mặc dù đã thực hiện cơ chế “một cửa”, “một cửa liên thông” nhưng vẫn còn tình trạng thiếu trách nhiệm, vi phạm thời hạn trong giải quyết công việc của người dân, doanh nghiệp. Ủy ban dẫn đánh giá PAPI 2016 cho thấy: vẫn có tới 10% người đi làm thủ tục cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất phải chờ từ 100 ngày trở lên. Khoảng 23% cho biết họ đã phải đưa “lót tay” mới làm xong thủ tục, 10% phải đi qua môi giới và 20% phải đi lại hơn 5 lần mới xong việc.
Nhiều thủ tục hành chính còn bất cập, mức độ cải thiện các thủ tục hành chính còn hạn chế, nhất là về các lĩnh vực như cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, thuế, hải quan… Một trong những nguyên nhân của tình trạng này là việc thực hiện chủ trương cải cách thủ tục hành chính chưa nghiêm; một bộ phận cán bộ công chức, viên chức còn hạn chế về ý thức trách nhiệm và năng lực; cá biệt theo phản ánh của cử tri thì vẫn còn một bộ phận cán bộ làm công tác tiếp xúc trực tiếp với người dân, doanh nghiệp có thái độ vô cảm, nhũng nhiễu, tham nhũng nhưng vẫn chậm được khắc phục và đang là vấn đề gây bức xúc đối với nhân dân, doanh nghiệp.
Cứ 4 công chức của Bộ Công Thương thì có 3 người là phó phòng trở lên
Cải cách bộ máy hành chính cũng chưa đạt yêu cầu. Tình trạng tăng đầu mối các cơ quan ở nhiều bộ, ngành, địa phương, tổ chức còn cồng kềnh, nhiều tầng nấc trung gian; số lượng biên chế được tuyển dụng vượt số được cấp có thẩm quyền giao còn diễn ra phổ biến. Theo Báo cáo số 1167/BC-KTNN ngày 1/9/2017 của Tổng Kiểm toán Nhà nước, qua kiểm toán tại 23 địa phương phát hiện việc giao chỉ tiêu biên chế cao hơn chỉ tiêu Bộ Nội vụ giao là 1.672 biên chế; sử dụng hợp đồng lao động làm công việc chuyên môn nghiệp vụ không đúng quy định là 8.280 lao động.
Tình trạng bổ nhiệm số lượng lãnh đạo nhiều hơn quy định, thậm chí có nơi lãnh đạo nhiều hơn công chức vẫn còn diễn ra. Theo Đoàn Giám sát của Quốc hội: Tỷ lệ công chức giữ chức danh lãnh đạo từ cấp phó phòng trở lên/công chức ở Bộ Công thương là 3/4, Bộ Tài chính, Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội, Văn phòng Chính phủ, Bộ Nội vụ là 3/5… Ngoài ra, tỷ lệ này cũng cao ở một số địa phương như Hà Giang, Đà Nẵng, Hải Phòng, Cần Thơ, Kiên Giang…
Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp Lê Thị Nga |
Ủy ban Tư pháp cũng dẫn thông tin từ báo chí cho biết: trong số 45 công chức của Sở Giáo dục-Đào tạo tỉnh Vĩnh Phúc thì có tới 38 người làm lãnh đạo từ ban Giám đốc Sở tới lãnh đạo các phòng ban (chiếm 85%); Sở Y tế tỉnh Bình Định có 30 công chức thì có tới 19 người là lãnh đạo từ Ban giám đốc Sở tới lãnh đạo các phòng, ban (chiếm gần 2/3 số lượng công chức).
Chất lượng đội ngũ cán bộ, công chức tuy đã được nâng lên nhưng chưa đáp ứng yêu cầu phát triển và đòi hỏi của xã hội.
Quà tặng chỉ được trả lại khi bị phát hiện
Việc công khai, minh bạch hoạt động của một số cơ quan, tổ chức, đơn vị cũng được Ủy ban cho rằng “vẫn còn nhiều hạn chế, bất cập”. Ủy ban Tư pháp dẫn việc kê khai tài sản của ông Phạm Sỹ Quý, Giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường tỉnh Yên Bái làm ví dụ. Tình trạng lạm dụng yêu cầu bảo mật thông tin để không công khai hoặc có công khai nhưng nội dung không cụ thể, thiếu minh bạch, công khai trong phạm vi hẹp, nhất là trong công tác tổ chức cán bộ, tài chính công, tài sản công, đấu thầu, công tác quy hoạch, lập dự án... Bên cạnh đó, hiệu quả công tác thanh tra, kiểm tra việc thực hiện các quy định về công khai, minh bạch còn hạn chế. Dư luận cử tri cho rằng, số lượng vi phạm được phát hiện còn ít, chưa phản ánh đúng tình hình vi phạm về công khai, minh bạch đang có chiều hướng diễn ra phổ biến.
Dù Chính phủ đã có chỉ đạo sát sao, nhưng việc nộp lại quà tặng “hầu như chỉ được thực hiện sau khi có phát hiện sai phạm”. Đơn cử việc tặng quà của Oceanbank và chi hoa hồng cho bác sỹ của Công ty Cổ phần VN Pharma (các bị cáo khai trong vụ VN Pharma nhận đã chi tiền "hoa hồng" cho bác sĩ tại nhiều bệnh viện lên tới 7,5 tỷ đồng để được bác sĩ kê đơn thuốc cho bệnh nhân; trong vụ đại án xảy ra tại Oceanbank, ông Ninh Văn Quỳnh đã thừa nhận và nộp lại 20 tỷ đồng đã nhận của Nguyễn Xuân Sơn. Cơ quan điều tra đã thu giữ tại nhà Nguyễn Trường Duy, cán bộ Hải quan thành phố Hồ Chí Minh 64 phong bì với tổng cộng gần 1 tỉ đồng, là số tiền hối lộ của các doanh nghiệp). UBTP cho rằng, đây là vấn đề lớn, liên quan đến đạo đức nghề nghiệp, đạo đức công vụ và PCTN cần được Chính phủ đánh giá, nghiên cứu để có quy định ngăn chặn tình trạng này.
Theo Báo CAND