CCHC

Thực hiện Đề án vị trí việc làm

Phải khách quan, công khai và phù hợp với thực tiễn

07:50, 24/08/2017 (GMT+7)

TIN LIÊN QUAN

(Congannghean.vn)-Xác định cán bộ, công chức, viên chức là nhân tố quyết định đến hiệu lực, hiệu quả công vụ, thời gian qua, với tinh thần đổi mới, quyết liệt, sáng tạo, công tác tổ chức xây dựng Đảng nói chung, sắp xếp tổ chức lại bộ máy, tinh giản biên chế nói riêng được tỉnh Nghệ An chú trọng. Đặc biệt, thực hiện Nghị định 36/2013 của Chính phủ về vị trí việc làm và cơ cấu lại ngạch công chức, viên chức, đến nay, trên toàn tỉnh đã có nhiều chuyển biến tích cực.

Cán bộ, công chức hướng dẫn người dân giải quyết thủ tục hành chính tại “Bộ phận một cửa” của UBND thị trấn Con Cuông
Cán bộ, công chức hướng dẫn người dân giải quyết thủ tục hành chính tại “Bộ phận một cửa” của UBND thị trấn Con Cuông

Nhằm giúp cơ quan quản lý, sử dụng nhân lực có thể xác định được số lượng, cơ cấu, chất lượng nhân lực đảm bảo cho việc thực hiện các nhiệm vụ của cơ quan, đơn vị mình, tại Hội nghị lần thứ 7, BCH TW Đảng khóa XI đã ban hành Kết luận 64/KL/TW “Một số vấn đề về tiếp tục đổi mới, hoàn thiện hệ thống chính trị từ Trung ương đến cơ sở”, căn cứ Nghị quyết 39/2015 của Bộ Chính trị về tinh giản biên chế và cơ cấu lại đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức và Nghị định 108 của Chính phủ về chính sách tinh giản biên chế, trên cơ sở Hướng dẫn của Ban Tổ chức Trung ương, Tỉnh ủy Nghệ An đã ban hành Quyết định 800/QĐTU ngày 31/10/2016 về thành lập Ban chỉ đạo xây dựng Đề án “Sắp xếp tổ chức bộ máy, tinh giản biên chế và cơ cấu lại đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức nhằm nâng cao hiệu lực, hiệu quả hoạt động của hệ thống chính trị tỉnh Nghệ An” (gọi tắt là Đề án 800). Ngay sau khi thành lập, Ban Thường vụ Tỉnh ủy đã xây dựng kế hoạch, quyết định thành lập ban chỉ đạo, tổ giúp việc, tổ thư ký, hội đồng thẩm định Đề án và phân công nhiệm vụ cụ thể cho các thành viên để chỉ đạo, hướng dẫn triển khai xây dựng Đề án.

Theo ông Đậu Văn Thanh, Giám đốc Sở Nội vụ, thành viên Ban chỉ đạo xây dựng Đề án 800 cho biết: Thực hiện Luật Cán bộ, Công chức; Luật Viên chức, các nghị định của Chính phủ và Thông tư Bộ Nội vụ quy định về vị trí việc làm trong các đơn vị sự nghiệp công lập và các văn bản pháp quy khác có liên quan, Sở Nội vụ đã ban hành Hướng dẫn 145 ngày 4/2/2013 xây dựng đề án vị trí việc làm trong các cơ quan hành chính, đơn vị sự nghiệp công lập và tổ chức Hội (gọi tắt là vị trí việc làm công chức, viên chức).

Theo các văn bản này, vị trí việc làm của công chức là công việc gắn với chức danh, chức vụ, cơ cấu và ngạch công chức để xác định biên chế và bố trí công chức trong cơ quan, đơn vị. Vị trí việc làm của viên chức là công việc hoặc nhiệm vụ gắn với chức danh nghề nghiệp hoặc chức vụ quản lý tương ứng. Đây được xem là căn cứ xác định số lượng người làm việc, cơ cấu viên chức để thực hiện tuyển dụng, sử dụng và quản lý viên chức trong đơn vị sự nghiệp công lập.

Theo hướng dẫn trên, phân loại vị trí việc làm gồm: Vị trí việc làm do một người đảm nhận; vị trí việc làm do nhiều người đảm nhận; vị trí việc làm kiêm nhiệm. Để thực hiện nhiệm vụ này, nguyên tắc, căn cứ xác định và quản lý vị trí việc làm phải tuân thủ quy định của pháp luật về quản lý công chức, viên chức; đồng thời được điều chỉnh phù hợp với chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của cơ quan, đơn vị trong từng giai đoạn, đảm bảo tính khoa học, khách quan, công khai, minh bạch và phù hợp với thực tiễn.

Sau 4 đơn vị được Tỉnh ủy chọn làm điểm gồm: Ban Tổ chức Tỉnh ủy, Báo Nghệ An, Liên đoàn Lao động tỉnh và Huyện ủy Tân Kỳ, đến tháng 6/2017, trên toàn tỉnh có 20/54 đơn vị xây dựng đề án vị trí việc làm. Nghệ An là địa phương được Trung ương đánh giá cao trong việc xây dựng đề án vị trí việc làm và cơ cấu ngạch công chức trong các cơ quan Đảng, Mặt trận Tổ quốc và các đoàn thể chính trị - xã hội.

Tuy nhiên, trong quá trình xây dựng Đề án cũng đã phát hiện những chồng chéo, trùng lặp trong thực hiện chức năng, nhiệm vụ của một số cơ quan, tổ chức, đơn vị trực thuộc, xác định được số lượng vị trí việc làm và cơ cấu ngạch công chức. Qua đó, các ngành, địa phương đề xuất xây dựng tổ chức bộ máy tinh gọn, phù hợp, có tính ổn định, hoạt động có hiệu lực, hiệu quả, góp phần làm giảm biên chế theo tinh thần Nghị Quyết số 39, đảm bảo đến năm 2021, tỉ lệ tinh giản tối thiểu là 10% tổng biên chế hưởng lương ngân sách Nhà nước.

Trên cơ sở thực tiễn đặt ra, tại Hội nghị trực tuyến do Ban Tổ chức Trung ương tổ chức, nhiều tỉnh, thành trong cả nước đã đề cập nhiều vướng mắc, khó khăn trong công tác tổ chức xây dựng Đảng, đề nghị Trung ương cần có giải pháp tháo gỡ. Trong đó, vấn đề được nhiều địa phương đề cập chủ yếu liên quan đến tinh gọn bộ máy gắn với xây dựng vị trí việc làm. Qua thẩm định đề án vị trí việc làm của các cơ quan, đơn vị, cho thấy ở một số địa phương, việc triển khai đề án vị trí việc làm còn lúng túng, tiến độ chậm, chất lượng chưa đảm bảo.

Theo Bộ Nội vụ và Bộ Tư pháp, Đề án vị trí việc làm ngoài những thuận lợi, trong quá trình xây dựng và áp dụng còn có những khó khăn. Đó là: Việc xác định hạng chức danh nghề nghiệp viên chức hoặc ngạch công chức tương ứng với vị trí việc làm cũng gặp nhiều khó khăn do chưa có văn bản hướng dẫn cụ thể; việc xây dựng khung năng lực của vị trí việc làm cũng mang tính chất định tính và bị chi phối bởi số lượng, chất lượng, kỹ năng làm việc của đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức.

Đối với vị trí việc làm trong đơn vị sự nghiệp công lập, việc xác định tên sản phẩm đầu ra và kết quả thực hiện trong năm để làm căn cứ xác định số lượng người làm việc tương ứng với vị trí việc làm còn gặp nhiều khó khăn, vì không có căn cứ thực tế để xác định số lượng người làm việc cần thiết để hoàn thành khối lượng công việc được giao hàng năm. Đối với việc xác định số lượng người làm việc sau khi đã xác định số lượng vị trí việc làm hiện nay còn đang gặp nhiều khó khăn trong quá trình triển khai vì việc xác định này phụ thuộc vào phương pháp phân tích công việc kết hợp với chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn của cơ quan, đơn vị.

Xuân Thống

Các tin khác