CCHC
Thước đo của cải cách hành chính là gì?
16:50, 08/09/2014 (GMT+7)
Công cuộc cải cách hành chính đang được thực hiện quyết liệt, đồng bộ từ trung ương đến địa phương, nhằm tạo điều kiện thuận lợi nhất cho người dân và doanh nghiệp mỗi khi đến cơ quan Nhà nước. Nhiều “con số đẹp” về cải cách hành chính do các Bộ, ngành và địa phương chấm điểm đã được công bố, nhưng thước đo của cải cách hành chính là ngày càng tốt hơn cho người dân.
Bộ Nội vụ vừa công bố chỉ số cải cách hành chính năm 2013, theo đó, Bộ Giao thông Vận tải và UBND thành phố Đà Nẵng xếp đầu bảng. Chỉ số cải cách hành chính được thực hiện ở 19 Bộ, ngành và 63 địa phương được hình thành trên cơ sở điều tra xã hội học và các Bộ, ngành, địa phương tự chấm điểm, có sự thẩm định cuối cùng của Bộ Nội vụ về cải cách hành chính ở bảy lĩnh vực, 31 tiêu chí đối với cấp bộ, tám lĩnh vực, 34 tiêu chí đối với cấp tỉnh.
Đây là lần thứ 2 Bộ Nội vụ công bố chỉ số cải cách hành chính, điều đáng mừng là đã có việc “chấm điểm” nên các Bộ, ngành và địa phương phải tự soi mình để phục vụ người dân và doanh nghiệp tốt hơn. Việc nhiều Bộ, ngành và địa phương đạt chỉ số cải cách hành chính cao hơn năm 2012 đã khẳng định sự quyết tâm chính trị, tinh thần vì nhân dân phục vụ của bộ máy hành chính Nhà nước.
Ảnh minh hoạ |
Tuy nhiên, nhiều người vẫn phân vân, chưa thực sự yên tâm khi chỉ số cải cách hành chính được chấm với thang điểm 100, trong đó 60 điểm do Bộ, ngành tự chấm và 40 điểm do điều tra xã hội học chấm; cấp tỉnh tự chấm 62 điểm và 38 điểm do điều tra xã hội học chấm. Khi tự chấm điểm cho mình liệu có ổn không? cũng chưa thấy ai tự chê "thơ" của mình. Điều tra xã hội học là việc làm cần thiết, nhưng không phải là con số tuyệt đối đúng trong mọi hoàn cảnh.
Cũng đo đếm mức độ hài lòng về cải cách hành chính, mới đây Bộ Nội vụ phối hợp với Ngân hàng Thế giới công bố kết quả khảo sát thí điểm về chỉ số hài lòng của người dân đối với dịch vụ hành chính công ở tỉnh Phú Thọ, Thanh Hóa và Bình Định, với một con số “siêu đẹp”, đó là 80% số người dân hài lòng.
Nhìn vào con số 80% người dân hài lòng, có nghĩa là công cuộc cải cách hành chính ở 3 địa phương “đại thành công”, là hình mẫu cho nhiều địa phương khác học tập (!?). Nhìn vào con số thì thấy vui nhưng cách tiến hành “khảo sát” để đưa ra những “con số đẹp” phải trả bằng tiền dưới hình thức “thù lao” cho người được phỏng vấn thì không thể vui được. Cũng thấy ngay sự "khách quan" khi phỏng vấn, 46% số người ở Phú Thọ họ thừa nhận là người thân quen của công chức.
Chỉ số tín nhiệm về cải cách hành chính không chỉ là những “con số đẹp” trong báo cáo, mà phải là những con số thật từ nền hành chính công phục vụ người dân và doanh nghiệp. Việc cải cách hành chính là việc lớn, ngoài việc sửa đổi cơ chế, chính sách pháp luật, cần sự nêu gương, tinh thần phục vụ của mỗi cán bộ, công chức, viên chức thực sự là "công bộc" của dân.
Nguồn: dangcongsan.vn