CCHC

Cải cách thuế, hải quan: Nhiều 'chướng ngại vật'

09:14, 23/08/2014 (GMT+7)
"Doanh nghiệp được thông quan điện tử, nhưng do vận chuyển hàng hoá bằng đường bộ, quản lý thị trường kiểm tra lại yêu cầu xuất các loại chứng từ truyền thống", Thứ trưởng Đỗ Hoàng Anh Tuấn nói về những điểm tréo ngoe khi cải cách hải quan, thuế.
 
Đầu xuôi, đuôi chưa lọt
 
Chỉ thị mới đây của Thủ tướng yêu cầu, đến 31/12/2014, thủ tục thuế, hải quan, bảo hiểm xã hội phải giảm 50% số giờ so với mức 872 giờ hiện nay. Đến 30/9/2015, Việt Nam phải đạt mục tiêu mất 171 giờ các thủ tục trên, bằng mức trung bình trong ASEAN - 6.
 
Tuy nhiên, chiến dịch cải cách của các ngành này vẫn chưa đủ đáp ứng mục tiêu cải thiện môi trường kinh doanh nói chung.
 
Chia sẻ tại cuộc họp hôm 19/8, Thứ trưởng Bộ Tài chính Đỗ Hoàng Anh Tuấn ví dụ: "Hàng hoá sau thông quan điện tử xong, đi trên đường, quản lý thị trường vẫn yêu cầu xuất trình giấy tờ truyền thống, doanh nghiệp sẽ lại phải in ra, đóng dấu. Nếu như vé điện tử thì đã khác".
 
Cắt giảm hàng trăm giờ liên quan đến thủ tục khiến bộ máy ngành thuế, hải quan phải hoạt động hết công suất
Cắt giảm hàng trăm giờ liên quan đến thủ tục khiến bộ máy ngành thuế, hải quan phải hoạt động hết công suất
 
Ông cho biết, hải quan đã áp dụng cơ chế hải quan điện tử từ 20/7 năm nay trên toàn quốc, ở 34 cục và 170 cửa khẩu. Doanh nghiệp không cần xuất trình nhiều giấy tờ như trước, cán bộ hải quan phải chịu trách nhiệm tra cứu. Luật Hải quan sửa đổi cũng đã quy định, hàng luồng xanh thông quan không quá 5 phút, hàng luồng vàng không quá 1 giờ và hàng luồng đỏ, phải kiểm tra thực tế cũng không quá 10 giờ. Hiện, đã có 38.000 doanh nghiệp có hoạt động xuất nhập khẩu tham gia, chỉ còn vận động thêm 9.000 doanh nghiệp nữa.
 
"Tuy nhiên, dù hải quan cải cách đi chăng nữa, nhưng các thủ tục khác liên quan không đồng bộ thì vẫn khó đạt mục tiêu", ông Tuấn nhấn mạnh.
 
Một ví dụ khác là khâu kiểm tra, kiểm dịch hàng hoá đang làm thủ công. Cán bộ ra cửa khẩu, trèo lên ô tô lấy vài mẫu hàng hoá rồi mang về tận Hà Nội kiểm định. Làm vậy vừa mất công sức, vừa không đảm bảo thời gian, nhất là với thực phẩm. DN phải chờ mất 2-3 ngày.
 
Ông Tuấn nói thêm, Bộ Tài chính đã bàn với các bộ KHCN, Công Thương để xây dựng đề án về trình Chính phủ về vấn đề này, trong đó, chọn 5 địa bàn trọng điểm về thương mại qua biên giới như Quảng Ninh, Hà Nội, Lào Cai... để thực hiện. Đối với ngành hàng chiếm tỷ trọng cao, kim ngạch lớn, số lượng tờ khai lớn... thì phải được kiểm tra ngay tại cửa khẩu trước khi thông quan. Việc này giao cho địa bàn thực hiện mới phù hợp thông lệ quốc tế.
 
Thoáng nhưng bịt chặt kẽ hở
 
Doanh nghiệp tới đây sẽ giống như "thượng đế" đi mua hàng, cán bộ thuế, hải quan sẽ phải hỗ trợ tối đa, chăm sóc tận tình. Nếu cần giấy tờ chứng từ, thông tin gì ở doanh nghiệp thì các "công bộc" sẽ phải tự tra cứu, tự tìm hiểu. Tinh thần cải cách này sẽ tạo lập một môi trường kinh doanh lý tưởng.
 
Các DN tới đây sẽ là
Các DN tới đây sẽ là "thượng đế" của ngành thuế, hải quan
 
Ngược lại, thủ tục thông thoáng nhưng không có nghĩa là cào bằng và tạo kẽ hở cho gian lận thuế hay hàng hoá kém chất lượng xâm nhập vào nội địa.
 
Năm 2013, kim ngạch xuất nhập khẩu của Việt Nam là 264 tỷ USD, với 5,7 triệu tờ khai tương ứng 5,7 triệu lô hàng. Số lượng hàng hoá phải kiểm tra theo 8 luật, 33 nghị định, 133 thông tư nhưng vẫn rất chung chung.
 
Ông Tuấn nhận xét, đối với lĩnh vực thuế, không thể đối xử như nhau giữa những doanh nghiệp đã chấp hành tốt pháp luật với các doanh nghiệp đã từng vi phạm. Do đó, chính sách thuế cần phân loại giữa doanh nghiệp được ưu tiên và doanh nghiệp bị kiểm soát rủi ro.
 
Bên cạnh đó, mặc dù tốn nhiều thời gian kiểm tra (chiếm 34%), nhưng cũng không thể cào bằng ở mọi mặt hàng. Sẽ có những mặt hàng như tiêu dùng, nông sản kiểm soát chặt, nhưng chuyên biệt, như than cho điện chẳng hạn, thì phải ưu tiên.
 
Hoặc, "những khu vực thị trường tiềm ẩn rủi ro xấu về chất lượng, kim ngạch thì vẫn phải kiểm tra, ví như hoa quả Trung Quốc. Không thể đánh đồng táo Mỹ, táo Úc với táo Trung Quốc được", ông Tuấn nói.
 
Rõ ràng, Việt Nam cần phải có các biện pháp mạnh như công nhận đơn phương hoặc song phương tiêu chuẩn của nhau đối với hàng nhập khẩu, các bộ liên quan xây dựng quy trình quản lý rủi ro, lập hàng rào kỹ thuật thì cải cách mới triển khai đồng bộ và vẫn đảm bảo hiệu quả quản lý.
 
Tuy nhiên, một khối lượng công việc lớn như vậy cũng mới chỉ thực hiện được một nửa mục tiêu. Hết năm 2014, ngành thuế vẫn tốn còn 225 giờ và ngành bảo hiểm giảm còn tốn 68 giờ. Đến năm 2015, ngành thuế còn phải giảm tiếp 104 giờ và bảo hiểm xã hội giảm 18,5 giờ nữa mới đạt mục tiêu ngang bằng ASEAN - 6. Nếu đạt được, Việt Nam sẽ chỉ đứng sau Malaysia và vượt Thái Lan, Indonesia.
 
Để giảm chỉ số thời gian nộp thuế xuống 171 giờ vào năm 2015, Bộ Tài chính cho biết đến 30/9/2015, ngành thuế phải giảm 415,5 giờ hiện nay để chỉ còn 121,5 giờ, bảo hiểm xã hội phải cắt bỏ 285,6 giờ để chỉ còn 49,5 giờ.
 
Liên quan đến hải quan, Việt Nam sẽ phải giảm từ 21 ngày xuống còn 14 ngày xuất khẩu và 13 ngày nhập khẩu mới đạt mục tiêu đề ra.

 

Nguồn: vef.vn

Các tin khác