CCHC
'Siết' thế nào để kỷ cương, kỷ luật hành chính hiệu quả?
15:31, 10/08/2014 (GMT+7)
Một khi kỷ cương tiếp tục lỏng lẻo thì hiệu quả điều hành sẽ không thể nâng cao, lòng tin của người dân và doanh nghiệp với cơ quan nhà nước sẽ không thể cải thiện.
Từ trước đến nay, vấn đề kỷ cương và kỷ luật hành chính được nêu khá thường xuyên, đặc biệt từ khi chúng ta tiến hành công cuộc cải cách nền hành chính Nhà nước.
Cùng với việc đẩy mạnh thực hiện Chương trình tổng thể cải cách hành chính giai đoạn 1 (2001-2010) và giai đoạn 2 (2011-2020), nhiều kế hoạch đã được đưa ra nhằm giảm bớt các tầng nấc trung gian, giảm bớt thủ tục hành chính rườm rà với mục tiêu nâng cao tính hiệu lực, hiệu quả trong thực thi công vụ, cải thiện môi trường, điều kiện làm việc. Và trên thực tế, chúng ta đã đạt được một số kết quả bước đầu đáng ghi nhận, góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế-xã hội, bảo đảm quốc phòng an ninh trong tình hình mới của đất nước.
Tuy nhiên, bên cạnh đó vẫn còn tồn tại nhiều mặt hạn chế, thậm chí còn nhiều vấn đề bức xúc làm cho dư luận không thể không quan tâm.
Cải cách hành chính còn nặng về định tính, chủ quan
Về thủ tục hành chính trong điều hành của các cơ quan, có thể nói chắc chắn rằng cho dù đã có nhiều cải cách quan trọng, đặc biệt là từ khi chúng ta triển khai Quyết định số 30/QĐ-TTg ngày 10/4/2007 của Thủ tướng Chính phủ về việc phê duyệt Đề án Đơn giản hoá thủ tục hành chính trên các lĩnh vực quản lý Nhà nước giai đoạn 2007-2010 (Đề án 30) và Nghị quyết số 25/NQ-CP ngày 2/6/2010 của Chính phủ về việc đơn giản hóa thủ tục hành chính, thì đến nay đây vẫn là điều còn nhiều bức xúc.
Kết quả rà soát thủ tục hành chính theo Đề án 30 do các tổ thực hiện Đề án 30 của các bộ, ngành và địa phương công bố cho biết có hàng trăm thủ tục hành chính đã được đơn giản hóa, nhưng đến nay chúng ta vẫn còn chứng kiến nhiều thủ tục hành chính rườm rà, thậm chí rất vô lý nhưng chưa được sửa đổi, đặc biệt trong lĩnh vực xây dựng và đất đai.
Một bằng chứng là việc cấp sổ đỏ cho dân dù đã có kế hoạch trong nhiều năm thì đến nay nhiều địa phương vẫn chưa hoàn thành do quá nhiều thủ tục phức tạp.
Điều quan trọng là cho đến nay cải cách thủ tục hành chính vẫn nặng về định tính, chủ quan và chưa đáp ứng được kỳ vọng của đông đảo người dân.
Thực hiện và giám sát nhiệm vụ chưa nghiêm
Một vấn đề nữa cũng không thể không nhấn mạnh, đó là năng lực, phẩm chất, trách nhiệm và ý thức phục vụ nhân dân của một số cán bộ, công chức chưa đáp ứng được yêu cầu mới.
Tình trạng "cửa quyền" chậm được khắc phục; kỷ luật, kỷ cương hành chính, chấp hành sự chỉ đạo điều hành chưa nghiêm; công tác kiểm tra, đôn đốc việc thực hiện dù đã được quan tâm nhưng chưa thể nói là đúng mức đã làm cho hiệu lực, hiệu quả quản lý Nhà nước bị ảnh hưởng.
Có cơ quan, thủ trưởng còn dễ dãi, chưa gương mẫu, chỉ đạo thiếu quyết liệt làm cho không ít trường hợp dù đã có nội quy, quy chế làm việc nhưng việc chấp hành rất hạn chế.
Một vấn đề đặt ra là vì sao kỷ cương, kỷ luật trong hoạt động quản lý Nhà nước trong nhiều trường hợp, ở nhiều cấp, nhiều ngành đã không được tuân thủ nghiêm túc? Giải pháp nằm ở đâu? Làm thế nào để các quy chế, quy định của Chính phủ được thực hiện có kết quả?
Đây quả thật là vấn đề không đơn giản, mặc dù các quy định, quy chế do Chính phủ và các bộ, ngành ban hành từ trước đến nay có rất nhiều và khá chi tiết. Nếu không có những giải pháp hữu hiệu thì tình hình có thể sẽ lặp lại: Quy chế, chỉ thị cứ ra nhưng thực tế thì các chuyển biến của đời sống quản lý không như mong đợi, thậm chí không có chuyển biến gì đáng kể.
Một khi kỷ cương tiếp tục lỏng lẻo thì hiệu quả điều hành sẽ không thể nâng cao, lòng tin của người dân và doanh nghiệp với cơ quan Nhà nước sẽ không thể cải thiện.
Khi bàn về nguyên nhân của tình trạng vừa nói ở trên, có ý kiến cho đó là vì bộ máy hành chính của chúng ta quá cồng kềnh, thiết kế thiếu khoa học; vì đội ngũ cán bộ năng lực điều hành kém; vì tiền lương làm ảnh hưởng đến thái độ làm việc không tích cực của cán bộ, công chức; vì chế tài của chúng ta quá lỏng lẻo. Cũng có ý kiến nói là do cơ chế điều hành của chúng ta không thích hợp với thời kinh tế thị trường, cơ chế giám sát lỏng lẻo…
Mỗi ý kiến nêu trên đều có cơ sở thực tế của nó và khi tổng hợp lại thì chúng ta đang thấy một hệ lụy chung rất đáng lo ngại cần được khắc phục một cách rốt ráo, đó là trong quá trình hoạt động, bộ máy quản lý Nhà nước chúng ta đã lãng phí rất nhiều thời gian, tiền bạc và cả niềm tin của nhân dân, làm chậm sự phát triển của đất nước trên nhiều lĩnh vực.
Nếu không khắc phục được hệ lụy đó thì chắc chắn đất nước sẽ đứng trước nguy cơ khó lường trước được.
Xây dựng bộ máy quản lý vững mạnh cần quyết tâm lớn
Chính vì thế, việc Chính phủ đặt vấn đề tiếp tục siết chặt kỷ cương, kỷ luật trong hoạt động quản lý Nhà nước là hoàn toàn có cơ sở và cấp thiết hiện nay.
Với mục đích thực hiện tốt nhiệm vụ này, ngày 27/7/2014, Thủ tướng Chính phủ đã ký Quyết định số 42/2014/QĐ-TTg ban hành bản Quy chế mới về theo dõi, đôn đốc, kiểm tra việc thực hiện các nhiệm vụ do Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ giao.
Đồng thời, gần như song song với quy chế này, tại Quyết định số 1246/QĐ-TTg, Thủ tướng Chính phủ cũng đã ban hành Kế hoạch triển khai thực hiện Nghị quyết số 75/2014/QH13 của Quốc hội về chất vấn và trả lời chất vấn tại kỳ họp thứ 7, Quốc hội khóa XIII, liên quan đến việc thi hành Hiến pháp mới, công tác xây dựng, thẩm định, kiểm tra văn bản quy phạm pháp luật và kiểm soát thủ tục hành chính.
Chắc chắn đó là một quyết tâm rất lớn của Chính phủ để làm cho bộ máy hành chính Nhà nước hoạt động hiệu lực và hiệu quả hơn.
Hiệu quả điều hành của bộ máy Nhà nước có cả phần hữu hình và phần vô hình, tức là phải tạo được sự đồng thuận trong xã hội, sự tin tưởng đối với người điều hành, với cơ quan Nhà nước. Phải đề cao cơ chế chịu trách nhiệm cá nhân về công việc được giao phó.
Đã đến lúc chúng ta cần có những tiêu chí cụ thể để đánh giá kết quả thực thi công vụ và sử dụng kết quả đó vào nhiệm vụ xây dựng đội ngũ cán bộ có năng lực thực sự. Cần thiết phải đưa ra khỏi các cơ quan nhà nước những người không đạt các tiêu chí đề ra, không có khả năng hoàn thành công việc cụ thể được giao, đồng thời trả lương cao cho những ai hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ, kiểm tra và đưa họ vào những vị trí quản lý cần thiết.
Điều này không khó và hoàn toàn có thể thực hiện được nếu chúng ta thực sự có quyết tâm xây dựng một bộ máy quản lý vững mạnh.
Cũng không nên quên giải pháp bồi dưỡng cán bộ, như Bác Hồ đã từng dạy, có cán bộ tốt việc gì cũng xong. Chúng ta cần chọn một mô hình thích hợp để xây dựng chế độ công vụ Việt Nam. Từ đó đặt ra và thực hiện nhiệm vụ đào tạo và bồi dưỡng cán bộ, công chức cho phù hợp.
Nguồn: Chinhphu.vn