Phó Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc yêu cầu mỗi cán bộ tiếp dân phải đặt mình vào vị trí của người dân đi khiếu nại, tố cáo để tích cực, chủ động tìm các biện pháp xử lý dứt điểm, mạnh dạn sửa sai, không đùn đẩy trách nhiệm lên cấp trên.
Phó Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc phát biểu tại Hội nghị toàn quốc triển khai thực hiện Chỉ thị 35-CT/TƯ của Bộ Chính trị, Luật Tiếp công dân, Nghị định 64/NĐ-CP của Chính phủ, ngày 19/9. Ảnh: VGP/Lê Sơn |
Sáng 19/9, tại Hà Nội, diễn ra Hội nghị toàn quốc triển khai thực hiện Chỉ thị 35-CT/TƯ của Bộ Chính trị, Luật Tiếp công dân, Nghị định 64/NĐ-CP của Chính phủ.
Ủy viên Bộ Chính trị, Phó Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc; Tổng Thanh tra Chính phủ Huỳnh Phong Tranh; Bộ trưởng-Chủ nhiệm VPCP Nguyễn Văn Nên và Phó Trưởng Ban Nội chính Trung ương Phan Đình Trạc chủ trì Hội nghị.
Số đoàn KNTC đông người vẫn tăng
Báo cáo của Thanh tra Chính phủ cho biết tính đến thời điểm hiện tại, tình hình khiếu nại, tố cáo (KNTC) năm nay có xu hướng giảm so với năm 2013. Tuy nhiên số lượt đoàn đông người tiếp tục tăng 12,1% so với năm trước.
Nội dung khiếu nại về đất đai chiếm gần 68,2%; nội dung tố cáo trong lĩnh vực hành chính hơn 60%, chủ yếu là tố cáo cán bộ, công chức vi phạm pháp luật trong quản lý sử dụng đất đai, tài chính, ngân sách, đầu tư xây dựng cơ bản và thực hiện chính sách xã hội; tố cáo tham nhũng chiếm hơn 5,2%.
Qua giải quyết KNTC, có khoảng 59% trường hợp khiếu nại sai và 63,2% tố cáo sai, điều này cho thấy nhận thức và hiểu biết pháp luật của công dân còn hạn chế nhất định.
Từ đầu năm đến nay, các cơ quan hành chính Nhà nước đã tiếp hơn 370.000 lượt công dân đến KNTC; tiếp nhận 234.281 đơn thư các loại (tăng 2,68%), trong đó 101.156 đơn KNTC (giảm 3,39%), với 44.426 vụ việc KNTC thuộc thẩm quyền (giảm 9,5%).
Các cơ quan hành chính Nhà nước đã giải quyết 37.716/44.426 vụ việc KNTC thuộc thẩm quyền, đạt tỷ lệ 84,9%. Qua đó kiến nghị thu hồi 24,8 tỷ đồng, 106 ha đất; trả lại cho tập thể, cá nhân 86 tỷ đồng và 202 ha đất; bảo vệ quyền lợi chính đáng cho 2.131 người; kiến nghị xử lý vi phạm hành chính 594 người (đã xử lý 446 người); chuyển cơ quan điều tra 83 vụ, 39 người.
Nêu cao trách nhiệm giải quyết KNTC của chính quyền địa phương
Tuy nhiên, một số địa phương chưa thực hiện nghiêm túc tiếp công dân định kỳ, chưa gắn việc tiếp dân với giải thích pháp luật để dân hiểu và chấm dứt khiếu kiện. Chất lượng tiếp dân ở một số địa phương chưa cao, còn những sai sót trong trình tự, thủ tục, giải quyết chậm. Công tác thanh tra trách nhiệm thực hiện pháp luật về KNTC chưa được quan tâm đúng mức, hiệu quả chưa cao.
Việc phối hợp trong giải quyết KNTC nói chung và những vụ tồn đọng, phức tạp, kéo dài chưa chặt chẽ, thường xuyên, hiệu quả chưa cao làm ảnh hưởng đến tiến độ giải quyết. Một số trường hợp chưa mạnh dạn sửa sai khi có tới 12% tố cáo, khiếu nại của dân là đúng; có đến gần 40% tố cáo, khiếu nại của dân có đúng, có sai. Điều này nói lên trách nhiệm của chính quyền địa phương trong quản lý Nhà nước và giải quyết ngay từ ban đầu.
Các ý kiến tại hội nghị cho rằng, năm 2015 tình hình KNTC có thể vẫn diễn biến phức tạp, vì vậy cần tiếp tục thực hiện Chỉ thị 35-CT/TƯ của Bộ Chính trị về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng với công tác tiếp công dân và giải quyết KNTC; Luật Tiếp công dân và nghị định hướng dẫn thi hành luật này.
Đặc biệt, cần nâng cao trách nhiệm của người đứng đầu trong công tác tiếp dân, giải quyết KNTC, không để công dân phải chờ đợi lâu, bức xúc dẫn đến khiếu nại vượt cấp, ổn định tình hình ngay tại địa phương.
Quang cảnh Hội nghị. Ảnh: VGP/Lê Sơn |
Phát biểu chỉ đạo Hội nghị, Phó Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc yêu cầu các cấp, các ngành phải thống nhất nhận thức, quan điểm, cách làm trong giải quyết KNTC bởi có gần 70% KNTC liên quan đến đất đai, cho thấy việc quản lý các cấp trong việc này còn nhiều hạn chế. Quá trình tiếp công dân cần có sự vào cuộc tham gia của các đoàn thể chính trị-xã hội, các hội nghề nghiệp như Hội Luật gia, Liên đoàn Luật sư Việt Nam…
Kiện toàn bộ máy tiếp công dân
Phó Thủ tướng đánh giá cao sự cố gắng của cả hệ thống chính trị làm tốt công tác giải quyết KNTC, bảo đảm quyền và lợi ích hợp pháp công dân, góp phần ổn định an ninh trật tự và phát triển đất nước. Cụ thể có 39/63 tỉnh, thành phố đã giảm số vụ KNTC; số vụ giải quyết theo thẩm quyền đạt cao; các vụ KNTC kéo dài được tập trung giải quyết.
Tuy nhiên, Phó Thủ tướng cũng lưu ý tình hình khiếu nại đông người tăng, chất lượng giải quyết KNTC chưa cao, còn chậm, áp dụng pháp luật không đúng dẫn đến khiếu nại kéo dài. Nhiều lãnh đạo địa phương chưa thực sự quan tâm để giải quyết dứt điểm, cán bộ làm công tác này vừa yếu, vừa thiếu, một bộ phận dân cư bị kích động khi tham gia KNTC.
Phó Thủ tướng yêu cầu mỗi cán bộ tiếp dân phải đặt mình vào vị trí của người dân đi KNTC để tích cực, chủ động tìm các biện pháp xử lý dứt điểm, mạnh dạn sửa sai, không đùn đẩy trách nhiệm lòng vòng hay lên cấp trên. Từng bộ, ngành, địa phương phải xác định nguyên nhân khách quan, chủ quan để khắc phục.
Các bộ, ngành, địa phương phải quán triệt và thực hiện nghiêm túc Chỉ thị 35-CT/TW của Bộ Chính trị, Luật Tiếp công dân, Nghị định 64/NĐ-CP, sâu sát công việc, chấn chỉnh yếu kém với việc Bộ trưởng, Chủ tịch UBND các tỉnh, thành phố phải lãnh đạo, chỉ đạo việc tiếp công dân và kiện toàn bộ máy tiếp công dân. Không được quan liêu, xa dân, cửa quyền.
Tới đây, Bộ trưởng-Chủ nhiệm VPCP và Tổng Thanh tra Chính phủ sẽ đến các địa phương trực tiếp tiếp công dân.
.