Bình yên xứ Nghệ

Cứu nạn trong mùa lũ: Những câu chuyện chưa kể

08:41, 11/11/2020 (GMT+7)
TIN LIÊN QUAN
(Congannghean.vn)-Công việc của người lính cứu nạn cứu hộ (CNCH) trên cạn đã khó, cứu nạn dưới nước, nhất là trong mùa mưa bão lại càng khó khăn gấp bội. Thế nhưng, tính mạng của nhân dân là mệnh lệnh thiêng liêng thôi thúc trái tim CBCS. Ở đó, họ không ngại hiểm nguy, sẵn sàng hy sinh, lao vào lũ dữ để cứu dân.
Lực lượng cứu nạn cứu hộ dầm mình trong nước, giúp đỡ người dân tại Hà Tĩnh
Lực lượng cứu nạn cứu hộ dầm mình trong nước, giúp đỡ người dân tại Hà Tĩnh
1. Trận lũ lụt lịch sử tại Hà Tĩnh trong những ngày giữa tháng 10 vừa qua được người dân địa phương ví như cơn “đại hồng thủy” chưa từng có. Mưa lớn kéo dài liên tục trong nhiều ngày kèm với việc hồ Kẻ Gỗ xả lũ khiến nhiều nơi trên địa bàn Hà Tĩnh chìm trong biển nước. Tại TP Hà Tĩnh, nhiều nơi bị ngập sâu, cô lập, tính mạng của người dân rơi vào tình thế nguy hiểm. Trước tình hình đó, với truyền thống và tình cảm của người bạn có chung dải núi Hồng, sông Lam, lãnh đạo Công an Nghệ An đã quyết định điều động lực lượng, phương tiện “chia lửa” với Công an Hà Tĩnh, phối hợp với lực lượng chức năng triển khai các phương án CNCH, kịp thời giúp đỡ nhân dân. 
 
Trung tá Lê Thanh Bình, Phó Trưởng phòng Cảnh sát PCCC&CNCH, người trực tiếp chỉ huy công tác cứu nạn tại Hà Tĩnh vẫn nhớ như in thời điểm nhận mệnh lệnh lên đường. “Lúc ấy là buổi sáng, mọi người đang ở đơn vị thì nhận được lệnh, tôi cùng 12 CBCS trong Đội Cảnh sát PCCC&CNCH trên sông tức tốc lên đường, chẳng kịp mang thêm quần áo hay bất cứ đồ dùng nào khác. Đoàn xe chúng tôi gồm xe cứu nạn, xe bán tải và 2 chiếc xuồng máy lên đường sang Hà Tĩnh. Vừa đến nơi, nhìn đâu cũng mênh mông nước, lại không biết đường xá, địa hình nên có phần hơi bỡ ngỡ. Tôi trấn an tinh thần anh em, rồi bắt tay ngay vào việc. Ưu tiên cứu người già, trẻ nhỏ tại các vùng bị ngập sâu, cô lập, sau nữa là vận chuyển, tiếp tế lương thực cho người dân”, Trung tá Lê Thanh Bình chia sẻ.
 
Do không thông thạo địa bàn, địa hình nên việc di chuyển cũng như định vị dòng chảy để triển khai CNCH gặp khá nhiều khó khăn, nhất là những khu vực nằm trên dòng chảy hồ Kẻ Gỗ xả lũ, nước dâng cao, chảy xiết. Tại những khu vực này, nước dâng cao đến ngang ngực, tổ công tác phải đi dọc hai bên đường, men theo tường, buộc dây vào xuồng để kéo. Thượng úy Lê Quốc Phúc, Đội trưởng Đội Cảnh sát PCCC&CNCH trên sông nhớ lại: “Có những nơi tổ công tác phải tiếp cận đến 4 lần mới vào được nhà dân. Đó là trường hợp gia đình của một đồng chí trong Công an Hà Tĩnh. Trong lúc đồng chí ấy đang thực hiện nhiệm vụ thì ngôi nhà của mình cũng bị nước vào ngập trên đầu gối, tất cả thành viên trong gia đình trong đó có người già, trẻ nhỏ đang rất lo lắng, hoảng sợ. Nước chảy xiết, xuồng máy bị chết máy liên tục, cứ nổ một vài tiếng lại khựng lại, chúng tôi phải kết hợp cả máy móc, vừa đẩy, dùng cả mái chèo mới vào được ngôi nhà để đưa mọi người ra ngoài”. 
 
Hơn 2 ngày túc trực, tham gia cứu dân tại Hà Tĩnh, những CBCS dầm mình trong nước lũ, túc trực xuyên đêm để kịp thời hỗ trợ nhân dân. Ở đâu có thông tin, cuộc gọi cần giúp đỡ là các anh tức tốc lên đường. Trung tá Lê Thanh Bình vẫn nhớ như in cuộc gọi cầu cứu của gia đình sản phụ mới sinh. Lúc đó chị mới sinh được hơn 1 tháng,  sức khỏe còn yếu nên không được tiếp xúc với nước lạnh, nhất là thời tiết mưa gió nên tổ công tác đã vào nhà cõng người phụ nữ và bế em bé ra ngoài rồi chở đến nơi an toàn. Cả ngày dầm mình trong nước lũ, quần áo của các anh luôn trong tình trạng ướt nhẹp. “Do làm việc liên tục quần áo cũng không kịp khô, chúng tôi được đơn vị bạn cho mượn thêm một bộ đồ cứu hỏa, lúc nào về chỗ nghỉ, ăn cơm thì thay bộ đồ khô, còn lúc đi làm mặc lại bộ đồ ướt. Khi thiên tai bão lũ, càng trong khó khăn, hoạn nạn, lại càng cảm nhận rõ tình cảm quân dân như cá với nước. Chúng tôi may mắn khi nhận được sự giúp đỡ của lãnh đạo, cán bộ Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn chi nhánh Hà Tĩnh. Thấy chúng tôi từ Nghệ An sang, mọi người đã tình nguyện nấu ăn, cho chúng tôi sử dụng nhà làm việc để nghỉ ngơi”, Trung tá Lê Thanh Bình chia sẻ. 
Trung tá Lê Thanh Bình giúp đỡ đưa trẻ nhỏ từ nơi ngập sâu đến khu vực an toàn
Trung tá Lê Thanh Bình giúp đỡ đưa trẻ nhỏ từ nơi ngập sâu đến khu vực an toàn
2. Khi thiên tai, bão lũ đổ xuống dải đất miền Trung ruột thịt không chỉ tàn phá tài sản  mà còn khiến tính mạng của người dân gặp nguy hiểm. Đó cũng là lúc CBCS Công an nhân dân nhận thức rõ trách nhiệm của mình, tiên phong, xung kích tại những nơi xung yếu, đưa người dân ra khỏi nơi nguy hiểm, bảo vệ tài sản của nhân dân. Họ cũng là con người, nhiều đồng chí nhà cũng bị ngập sâu nhưng vì nhiệm vụ, vì nhân dân mà gác lại những lo toan để tập trung cứu dân trong hoạn nạn. Do ảnh hưởng hoàn lưu cơn bão số 9, liên tục trong 2 ngày 29 - 30/10, tại Nghệ An đã xảy ra mưa to đến rất to khiến nhiều địa phương bị ngập nặng như Hưng Nguyên, Đô Lương, Thanh Chương… Nước dâng lên quá nhanh khiến nhiều người dân không kịp trở tay. Tại TP Vinh, khu vực phường Bến Thủy bị ngập sâu nhất, hàng trăm hộ dân mắc kẹt, không thể ra khỏi nhà. Phòng Cảnh sát PCCC&CNCH đã tăng cường lực lượng, phương tiện khẩn trương có mặt để giúp đỡ nhân dân. Đội Cảnh sát PCCC&CNCH trên sông đã triển khai công tác cứu nạn tại 3 khu vực ngập sâu nhất ở khối 13, phường Bến Thủy, TP Vinh; xã Quang Sơn, huyện Đô Lương và xã Khánh Thành, huyện Yên Thành và tham gia tìm kiếm 3 trường hợp bị đuối nước. 
 
3. Đội Cảnh sát PCCC&CNCH trên sông được thành lập gần 3 năm với quân số 15 CBCS, trong đó 12 cán bộ là nam. Do đặc thù, tính chất công việc đã tôi luyện những người lính rắn rỏi, khỏe mạnh, đầy bản lĩnh và đam mê nghề nghiệp. Bởi nếu không có lòng yêu nghề, chẳng ai có thể gắn bó và hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ đầy hiểm nguy đến thế. Được đào tạo trong môi trường PCCC&CNCH chuyên nghiệp, đến nay Trung tá Lê Thanh Bình đã có 17 năm trong ngành, tuy nhiên, anh chỉ mới được tiếp cận và phụ trách công tác PCCC&CNCH trên sông 3 năm nay. Trung tá Bình vẫn nhớ như in vụ cứu nạn đầu tiên anh chỉ huy tìm kiếm thi thể nam thanh niên nhảy cầu Bến Thủy tự vẫn.
 
Đó cũng là lần đầu tiên anh trực tiếp tham gia tìm kiếm. Trung tá Lê Thanh Bình chia sẻ, khi đó Đội mới thành lập, năng lực cũng như kinh nghiệm của CBCS chưa nhiều nên anh đã trực tiếp nhảy xuống sông để động viên tinh thần anh em. So với công tác PCCC, huấn luyện và đào tạo CNCH trên sông chưa được triển khai bài bản và chuyên nghiệp, chủ yếu là anh em tự học hỏi, tích lũy kinh nghiệm, người đi trước bày cho người đi sau. Những năm gần đây, dưới sự quan tâm của Bộ Công an, Cục Cảnh sát PCCC&CNCH nên CBCS mới thường xuyên được tập huấn, nâng cao trình độ nghiệp vụ để đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ.   
Ghi nhận thành tích xuất sắc của các tập thể, cá nhân trong công tác CNCH và khắc phục hậu quả thiên tai trên địa bàn tỉnh Hà Tĩnh, đồng chí Giám đốc Công an tỉnh Nghệ An vừa ký Quyết định tặng Giấy khen cho 30 cá nhân thuộc Phòng Cảnh sát PCCC&CNCH và Phòng Cảnh sát giao thông, đồng thời biểu dương 2 đơn vị này. Trong đó, Phòng Cảnh sát PCCC&CNCH có 13 đồng chí trực tiếp tham gia CNCH tại Hà Tĩnh. Trước đó đồng chí Giám đốc Công an tỉnh Hà Tĩnh cũng đã gửi thư cảm ơn tới đồng chí Giám đốc Công an Nghệ An, ghi nhận tình cảm chân thành, sâu sắc của Công an Nghệ An đã dành cho nhân dân Hà Tĩnh nói chung và lực lượng Công an Hà Tĩnh nói riêng trong đợt mưa lũ vừa qua. 

 

Huyền Thương

Các tin khác