Bình yên xứ Nghệ
74 NĂM NGÀY TRUYỀN THỐNG LỰC LƯỢNG TRUY NÃ (21/2/1946 - 21/2/2020)
Lính tầm nã, những câu chuyện chưa kể
11:12, 21/02/2020 (GMT+7)
(Congannghean.vn)-Đằng sau những chuyến đi kéo dài cả tháng trời, di chuyển khắp các tỉnh thành, lực lượng truy nã luôn phải đối mặt với muôn vàn tình huống hiểm nguy khi đối diện với những tên tội phạm truy nã nguy hiểm, đặc biệt nguy hiểm. Thế nhưng sâu thẳm trong trái tim người chiến sĩ vẫn luôn mong muốn có thể vận động, thu phục được các đối tượng để họ được hưởng sự khoan hồng của pháp luật.
Cán bộ truy nã Phòng Cảnh sát Hình sự dẫn giải các đối tượng lẩn trốn ở phía Nam về quy án |
Những chuyến tầm nã xuyên rừng
Trở về sau chuyến công tác truy bắt các đối tượng phía Nam, Tây Nguyên, sự mệt mỏi hiện rõ trên gương mặt của Đại úy Vũ Vinh Quỳnh, Đội truy nã, Phòng Cảnh sát Hình sự. Để truy bắt thành công các đối tượng truy nã trong đợt này, Đại úy Quỳnh và cán bộ trong tổ công tác đã trải qua một hành trình đầy gian nan. Đại úy Quỳnh kể lại: “Cũng như những chuyến tầm nã ở các tỉnh phía Nam trước đây, chúng tôi nhận mệnh lệnh tức tốc lên đường mà không kịp chuẩn bị gì nhiều, nhiều lúc còn chẳng kịp tạm biệt gia đình. Khi vừa đáp máy bay xuống sân bay Buôn Mê Thuật, tôi đột nhiên bị sốt cao, toàn thân run lẩy bẩy, người nóng bừng rồi ớn lạnh. Các đồng chí trong tổ đưa tôi về chỗ nghỉ ngơi cho uống thuốc hạ sốt. Mọi người mất nguyên cả tối hôm đó để lo cho tôi. Khi đó tôi chỉ lo mình làm ảnh hưởng công việc, có khi chuyến đi này công cốc, thế mà sáng hôm sau khi hạ sốt, nhận thông tin về đối tượng, tôi và đồng đội lại tức tốc đi Đắk Nông”.
Đó chỉ là một trong những tình huống bất ngờ xảy ra đối với CBCS khi làm nhiệm vụ. Còn việc đối mặt với nhiều tình huống nguy hiểm khác là lẽ thường tình. Bởi những chuyến tầm nã, các trinh sát luôn phải di chuyển nhiều địa điểm khác nhau, đối mặt với nhiều loại đối tượng nhất là những đối tượng đặc biệt nguy hiểm. Có một thực tế rằng, nhiều đối tượng sau khi gây án đã chọn các tỉnh phía Nam làm nơi tá túc, lẩn trốn và tạo vỏ bọc mới để tránh sự truy bắt của cơ quan chức năng. Vì vậy, có những chuyến đi kéo dài cả tháng trời, lang thang từ tỉnh này tới tỉnh khác. Trong chuyến đi đó, tổ công tác của Đại úy Quỳnh đã di chuyển 10 ngày, đi qua 6 tỉnh, thành như Đắk Lắk, Đắk Nông, Bình Phước, Bình Dương, Kiên Giang, Đồng Nai truy bắt thành công 6 đối tượng, trong đó có một đối tượng đã trốn nã 13 năm.
Trong số này, tổ công tác đã phải đi bộ xuyên rừng hàng chục cây số để bắt được đối tượng Nguyễn Văn Hướng (SN 1992) trú tại xã Hưng Yên Bắc, huyện Hưng Nguyên bị truy nã về tội đánh bạc. Bằng các biện pháp nghiệp vụ, tổ công tác xác định đối tượng đang lẩn trốn trong rẫy thuộc địa phận Khu bảo tồn Nam Nung, Đắk Nông, là địa bàn giáp ranh với nhiều huyện, nằm sâu trong rừng. Muốn vào được khu vực này chỉ di chuyển được bằng xe máy, có những nơi phải xuống đi bộ và rất dễ bị lạc đường. Với sự giúp đỡ của lực lượng kiểm lâm, các đồng chí trong tổ công tác đã đi bộ xuyên rừng gần 30 km để tiếp cận được nơi lẩn trốn của đối tượng. Hơn một ngày trời tìm kiếm ở trong rừng, tổ công tác đã vây bắt thành công đối tượng Hướng.
Nỗ lực kéo giảm số đối tượng truy nã
Do đặc thù công việc thường xuyên phải di chuyển để truy tìm dấu vết của những tội phạm bị truy nã, nên đồng đội thường ví lực lượng truy nã như “những cánh chim không mỏi”. Nhiệm vụ là như thế nhưng tất cả các CBCS làm công tác truy nã vẫn nằm lòng phương châm “Lấy nhân tâm thu phục lòng người”, bên cạnh việc sử dụng các biện pháp nghiệp vụ, lực lượng truy nã đặc biệt chú trọng tới công tác tuyên truyền, vận động đầu thú, để các đối tượng được hưởng sự khoan hồng của pháp luật, có cơ hội làm lại cuộc đời. Trên thực tế, vận động tội phạm có lệnh truy nã ra đầu thú là một hành trình đầy cam go, song kết quả sẽ giảm bớt sức người, sức của. Tuy nhiên, công tác này đòi hỏi trinh sát phải kiên trì, khéo léo để thuyết phục, tạo lòng tin của chính đối tượng bị truy nã cũng như gia đình, người thân của đối tượng để họ cùng hợp tác.
Nghệ An là một trong những địa bàn trọng điểm, phức tạp về ANTT. Bình quân mỗi năm Cơ quan Cảnh sát điều tra 2 cấp khởi tố gần 3.000 vụ án, 4.000 bị can. Sau khi gây án, đối tượng thường bỏ trốn vào các tỉnh miền Nam và Tây Nguyên, đặc biệt lẩn trốn ra nước ngoài (chủ yếu là sang Lào, Campuchia, Trung Quốc) ngày càng gia tăng. Qua công tác xác minh, rà soát của Công an các đơn vị, địa phương, xác định có 110 đối tượng truy nã lẩn trốn ra nước ngoài, chiếm 36% tổng số đối tượng truy nã, chủ yếu là các đối tượng phạm tội đặc biệt nghiêm trọng. Thời gian qua, Công an tỉnh đã triển khai nhiều biện pháp nghiệp vụ, góp phần nâng cao hiệu quả công tác truy nã tội phạm, nhất là trong tình hình mới. Công an tỉnh đã ban hành nhiều văn bản, kế hoạch chỉ đạo Công an các đơn vị, địa phương tiếp tục quán triệt, đẩy mạnh công tác truy bắt, vận động đối tượng truy nã đầu thú; mở nhiều đợt cao điểm, giao chỉ tiêu cụ thể cho từng đơn vị…
Đặc biệt, thực hiện kế hoạch của Bộ Công an, Công an tỉnh đã mở đợt cao điểm rà soát, truy bắt, vận động đầu thú và thanh loại đối tượng, qua đó đã truy bắt được 35 đối tượng, trong đó có 2 đối tượng nguy hiểm và đặc biệt nguy hiểm. Với những nỗ lực không mệt mỏi, số đối tượng truy nã đã giảm 27 đối tượng so với thời điểm cuối năm 2018, vượt 1.13% chỉ tiêu Bộ Công an giao. Đây là số đối tượng truy nã thấp nhất của tỉnh Nghệ An trong 10 năm trở lại đây. Cũng trong tháng 1/2020, đặc biệt là thực hiện đợt cao điểm tấn công, trấn áp tội phạm, Công an Nghệ An đã bắt, vận động đầu thú 24 đối tượng, trong đó có 3 đối tượng nguy hiểm và đặc biệt nguy hiểm.
Huyền Thương