Thứ Ba, 14/01/2020, 10:03 [GMT+7]
Những y, bác sĩ Công an nhân dân trại tạm giam

Vững vàng trên trận tuyến thầm lặng

(Congannghean.vn)-Không chỉ làm việc trong môi trường tiềm ẩn nhiều hiểm nguy khi hàng ngày phải tiếp xúc can, phạm nhân với đủ loại bệnh tật, trong đó có nhiều căn bệnh xã hội nguy hiểm như AIDS, lao phổi, bệnh mãn tính (Viêm gan B, đái tháo đường…). Song với bản lĩnh, ý chí kiên định và tinh thần “thầy thuốc như mẹ hiền”, những y, bác sĩ của Trại Tạm giam Công an tỉnh Nghệ An đã vượt qua khó khăn, giúp can phạm nhân có sức khỏe, có nghị lực vươn lên, cải tạo tốt để làm lại cuộc đời. Bên cạnh chức năng của nghề y, họ còn là chiến sĩ Công an nhân dân (CAND) làm nhiệm vụ cảm hóa,  giáo dục hướng thiện cho những bệnh nhân đặc biệt này.
 
Những hiểm nguy, vất vả và khó khăn
 
Chúng tôi đến Bệnh xá Trại Tạm giam Công an tỉnh Nghệ An đứng chân tại xã Nghi Kim, TP Vinh vào những ngày giáp Tết Nguyên đán Canh Tý trong tiết trời lạnh thấu da thịt. Chứng kiến sự vất vả, tận tụy của các y, bác sĩ nơi đây, chúng tôi mới cảm nhận được hết những hy sinh thầm lặng của họ ở môi trường đặc thù này. Mặc dù chỉ có 13 người, thế nhưng hàng ngày, các y, bác sĩ của Bệnh xá phải đảm đương theo dõi, thăm khám, điều trị, cấp phát thuốc cho khoảng 1.100 can phạm nhân trong toàn Trại. Bên cạnh đó, họ còn thường xuyên kiểm tra sức khỏe mỗi khi can phạm nhân xuất hay nhập Trại; thực hiện tốt công tác vệ sinh an toàn thực phẩm; vệ sinh môi trường, phòng, chống các dịch bệnh... Những ngày cuối năm, công việc lại càng vất vả, khó khăn bội phần, khi mà Công an các đơn vị, địa phương đang ra quân đợt cao điểm tấn công, trấn áp tội phạm trước, trong và sau Tết Nguyên đán thì số lượng can phạm nhân ngày càng tăng hơn. 
Thiếu tá Nguyễn Văn Nghĩa, Bệnh xá trưởng Bệnh xá                         Trại Tạm giam Công an tỉnh Nghệ An chia sẻ với phóng viên
Thiếu tá Nguyễn Văn Nghĩa, Bệnh xá trưởng Bệnh xá Trại Tạm giam Công an tỉnh Nghệ An chia sẻ với phóng viên
Bên cạnh công tác thăm khám, chẩn đoán, điều trị, cấp phát thuốc cho can phạm nhân tại buồng giam (ngoại trú) và tại Bệnh xá (nội trú) thì các y, bác sĩ còn phải nắm bắt được diễn biến tâm lý, tư tưởng của can phạm nhân để kịp thời động viên, thuyết phục, khuyên nhủ, hỗ trợ họ chấp hành tốt nội quy của Trại, nhất là những can phạm nhân ở khu tạm giam, tạm giữ. Bởi, những người ở khu này mới nhập Trại, tâm lý chưa ổn định, đa số nghiện ma túy nên khi lên cơn nghiện thì vật vã, la hét; một số can phạm nhân ranh mãnh, xảo quyệt khi giả vờ bệnh nặng hoặc dùng thủ đoạn, mánh khóe như nuốt thuốc lào hay móc họng gây chảy máu… để được đến bệnh viện điều trị… 
 
Theo số liệu, tại Trại Tạm giam Công an tỉnh, trung bình mỗi năm có hơn 42.000 lượt can phạm nhân được khám, cấp phát thuốc; trong đó có gần 200 lượt can phạm nhân bị nhiễm HIV; hơn 6.000 lượt can phạm nhân nhập trại được khám sức khỏe. Hiện tại, trong Trại đang có từ 30 - 35 can phạm nhân bị nhiễm HIV. Song song với công tác chăm sóc sức khỏe cho can phạm nhân, các y, bác sĩ ở Bệnh xá Trại Tạm giam Công an tỉnh còn kiểm tra sức khỏe, tham gia chăm sóc cho những đứa trẻ được sinh ra và theo mẹ ở trong Trại. Theo Thiếu tá Nguyễn Văn Nghĩa, Bệnh xá trưởng Trại Tạm giam Công an tỉnh thì những can phạm nhân là nữ đang mang thai hoặc nuôi con nhỏ dưới 36 tháng tuổi thuộc trường hợp phạm tội đặc biệt nguy hiểm, tái phạm nhiều lần… không thể áp dụng lệnh cấm đi khỏi nơi cư trú nên buộc phải đưa về Trại Tạm giam. Vì vậy, y, bác sĩ bên cạnh chăm sóc sức khỏe cho người mẹ thì còn phải chăm sóc cho những đứa trẻ này.  
 
Lương tâm của nghề y - trách nhiệm của người chiến sĩ CAND
 
Gắn bó với công tác y tế tại Trại giam tròn 20 năm, Thiếu tá Cao Bá Tú cũng như các y, bác sĩ khác đều xác định công việc của mình là khó khăn, vất vả, thậm chí nguy hiểm. Bệnh nhân ở đây, nhất là những bệnh nhân nặng, bệnh nhân mắc các bệnh AIDS, lao phổi… giai đoạn cuối chủ yếu đều có hoàn cảnh khó khăn hoặc bị người thân bỏ rơi, phó mặc cho Trại. Bởi vậy, các y, bác sĩ vừa phải chăm sóc về sức khỏe, vừa an ủi, động viên tinh thần để vực họ tiếp tục sống, cải tạo tốt. Nhờ những “liều thuốc tinh thần” ấy đã giúp sưởi ấm biết bao mảnh đời lầm lỗi, giúp họ có thêm nghị lực vượt qua mặc cảm, nỗi đau bệnh tật, kéo dài sự sống.
Y, bác sĩ Trại Tạm giam Công an tỉnh Nghệ An thăm,                                              khám cho các trẻ dưới 36 tháng tuổi (con của nữ phạm nhân                                   không được áp dụng lệnh cấm đi khỏi nơi cư trú)
Y, bác sĩ Trại Tạm giam Công an tỉnh Nghệ An thăm, khám cho các trẻ dưới 36 tháng tuổi (con của nữ phạm nhân không được áp dụng lệnh cấm đi khỏi nơi cư trú)
Nếu ở ngoài xã hội, bệnh nhân tìm đến y, bác sĩ để khám, chữa bệnh thì trong môi trường Trại giam, nhiều can phạm nhân có bệnh nhưng lại giấu nên y, bác sĩ phải khám thật kỹ để phát hiện được bệnh, thuyết phục, động viên họ hợp tác chữa bệnh. “Đó là nghịch lý, song đội ngũ y, bác sĩ Trại Tạm giam vẫn luôn tâm huyết, trăn trở để chăm sóc những bệnh nhân đặc biệt này. Với phương châm, can phạm nhân cũng là người bệnh bình thường như bao bệnh nhân khác, chúng tôi không nề hà bất cứ việc gì, vượt lên trên mọi khó khăn, làm tốt công tác chăm sóc sức khỏe, cảm thông, chia sẻ tạo điều kiện để họ chấp hành tốt án phạt tù, phấn đấu cải tạo để sớm trở về làm lại cuộc đời. Đó không chỉ là lương tâm của một bác sĩ mà còn là trách nhiệm, tình thương của một chiến sỹ CAND”, Thiếu tá Cao Bá Tú bộc bạch. 
 
Những ngày thường, thời gian dành cho gia đình, chăm sóc con cái của các y, bác sĩ Bệnh xá Trại Tạm giam đã ít, vào dịp lễ, Tết lại càng hiếm hoi hơn. Bởi đặc thù của Trại là càng vào dịp lễ, Tết công việc của đội ngũ cán bộ trong Trại Tạm giam nói chung và cán bộ y tế nói riêng càng căng thẳng, vất vả gấp nhiều lần so với ngày thường. Mặt khác, can phạm nhân khi ấy hay có tâm lý dễ nổi loạn, gây mất trật tự, dễ dẫn đến xô xát, gây thương tích cho nhau. Vì thế, bên cạnh tăng cường lực lượng xuống từng buồng giam theo dõi tình hình, thì các y, bác sĩ cũng sẵn sàng dụng cụ y tế và cơ số thuốc ứng cứu khi cần thiết. Bên cạnh hậu phương vững chắc là gia đình, người thân hiểu và chia sẻ thì khi can phạm nhân chiến thắng nỗi đau bệnh tật, sống khỏe, yêu đời, sống hướng thiện trở lại - là niềm vui, niềm hạnh phúc, là “quả ngọt” kết quả công tác của những y, bác sĩ CAND tại Trại Tạm giam. 
 
Mặc dù phải đối mặt với bao khó khăn, áp lực và muôn vàn hiểm nguy, đã có trường hợp y, bác sĩ phải điều trị chống phơi nhiễm HIV, điều kiện cơ sở vật chất tại Bệnh xá chưa được đảm bảo nhưng chưa lúc nào các y, bác sĩ mang trang phục CAND nản lòng, chùn bước. Họ vẫn hàng ngày tận tụy bên những bệnh nhân “mang áo số”. Họ vẫn luôn vững vàng trên trận tuyến thầm lặng của người thầy thuốc trong môi trường đặc thù - trại tạm giam. Các y, bác sĩ mang trang phục CAND đang lặng lẽ viết lên bài ca đẹp về tình người, cách đối xử nhân văn với những can phạm nhân đang phải trả giá cho những lầm lỗi do chính họ gây ra; góp phần tô thắm thêm hình ảnh đẹp về người chiến sỹ CAND trên quê hương Bác Hồ, góp phần trong công tác hướng thiện, giúp đỡ những mảnh đời lầm lỡ có cơ hội trở về đoàn tụ với gia đình, người thân, hòa nhập với cộng đồng, xã hội… 
.

Thu Thủy

.