(Congannghean.vn)-Hơn 20 năm công tác trong lực lượng Công an, dù ở bất kỳ lĩnh vực và cương vị nào, Trung tá Lê Xuân Hạnh, Đội trưởng Đội Cảnh sát Bảo vệ và Hỗ trợ tư pháp (BV&HTTP), Trại Tạm giam Công an tỉnh Nghệ An không chỉ luôn hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ được giao mà còn là người “thầy” được can, phạm nhân tin tưởng, chia sẻ tâm tư, nguyện vọng.
Trung tá Lê Xuân Hạnh luôn tận tụy, cần mẫn với công việc |
Chia sẻ với phóng viên, Trung tá Lê Xuân Hạnh cho biết, bản thân anh xuất phát điểm là 1 chiến sỹ nghĩa vụ, năm 1994, anh làm bảo vệ tại Cục V26 (nay là Tổng cục VIII), Bộ Công an. Cái duyên với việc trông giữ và cải tạo những con người lầm lỗi đến với anh từ đây. Yêu nghề, yêu ngành nên năm 2003, anh thi đỗ vào Khoa Quản lý và Cải tạo phạm nhân, Học viện Cảnh sát nhân dân. Từ năm 2008, sau khi tốt nghiệp ra trường, anh về nhận nhiệm vụ tại Trại Tạm giam Công an tỉnh Nghệ An, được phân công công tác tại Đội Quản giáo phụ trách nhà giam và trong thời gian từ năm 2009 - 2012, anh là cán bộ quản giáo, làm nhiệm vụ canh giữ tử tù chốn biệt giam.
Trung tá Lê Xuân Hạnh cho biết, tử tù là những người phạm các trọng tội, bị kết án tử, đối diện với cái chết nên tâm lý thường có những diễn biến khó lường, nhất là những tử tù phạm các tội giết người, cướp của, hiếp dâm. Những tháng ngày làm công tác canh giữ và quản lý những người bị kết án tử, nằm chốn biệt giam chờ đợi ngày ra pháp trường, anh đã đóng vai người bạn, người cha, người thầy để tâm sự, trò chuyện, giúp họ suy nghĩ tích cực hơn, tránh có những suy nghĩ và hành vi tiêu cực.
Có thể kể đến trường hợp tử tù Lê Ngọc Quân (28 tuổi) trú tại xã Nghĩa Dũng, huyện Tân Kỳ. Đem lòng yêu say đắm 1 sinh viên đại học y, tuy nhiên tình cảm không được đáp lại, tối 20/2/2011, Quân đã ra tay sát hại cô gái tại phòng trọ. Trung tá Hạnh kể, trong quá trình quản lý, giam giữ, đối tượng này thường có biểu hiện chán nản, tuyệt vọng và thời kỳ đầu bất hợp tác với cán bộ quản giáo. Quân thường xuyên la hét, hoảng sợ khi đêm xuống bởi những ám ảnh về tội lỗi của mình. Sau khi tìm hiểu hoàn cảnh gia đình, biết Quân là người con có hiếu nên anh đã dùng liệu pháp tâm lý, tác động, khơi gợi đến trách nhiệm và chữ hiếu của phận làm con đối với bố mẹ nên đối tượng đã hợp tác, ngoan ngoãn chấp hành nội quy trại giam.
Cũng nhờ sự động viên của Trung tá Hạnh mà Quân đã viết đơn xin tha tội chết, cùng với lá đơn có chữ ký tập thể của hơn 50 người trong xóm nơi đối tượng cư trú, Lê Ngọc Quân đã được Chủ tịch nước ân xá, hiện đang thụ án tại Trại giam Đồng Sơn (Quảng Bình).
Thời kỳ làm cán bộ quản giáo, có thời điểm Trung tá Lê Xuân Hạnh phụ trách 8 tử tù và hơn 50 can, phạm nhân, là những đối tượng gây ra các vụ án rúng động xã hội. Như Nguyễn Văn Thành (28 tuổi) trú tại xã Diễn Lâm, huyện Diễn Châu, là đối tượng sau khi giết chết mợ dâu đang mang thai đã hiếp dâm, cướp của; Lê Văn Tuấn, Phan Huy Đạt đều trú tại xã Diễn Nguyên, huyện Diễn Châu, cùng phạm tội cướp tài sản và giết người… Những đối tượng này có chung tâm lý ám ảnh, ân hận và cắn rứt lương tâm.
Tháng 3/2012, do yêu cầu công tác và đặc thù công việc nên Trung tá Lê Xuân Hạnh được bổ nhiệm chức vụ Phó Đội trưởng Đội Cảnh sát BV&HTTP; tháng 6/2013 thì được giữ chức Đội trưởng.
Trung tá Hạnh chia sẻ, đặc thù của công việc hiện tại thường phải công tác xa, như áp giải các bị cáo đến phiên tòa xét xử, áp giải người bị kết án tù có thời hạn đến các cơ sở cải tạo, giam giữ của Bộ Công an, quản lý người điều trị giám định tại các bệnh viện… Có những chuyến áp giải phạm nhân trong đêm, vào các trại giam ở các tỉnh khác như Trại giam Nghĩa An (Quảng Trị), Trại giam Cây Cầy (Tây Ninh)… nên thường xuyên phải di chuyển trên những tuyến đường dài. Tuy nhiên, bằng sự nhiệt tình với công việc cùng kinh nghiệm của bản thân, Trung tá Lê Xuân Hạnh đã cùng đồng đội hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ được giao.