(Congannghean.vn)-Bão số 10 đổ bộ vào các tỉnh miền Trung khi thiệt hại từ cơn bão số 2 vẫn chưa được khắc phục hoàn toàn. Sức tàn phá của thiên nhiên vẫn dữ dội như bao đời, xới tung từng ngôi nhà, từng mảnh đất mới được người dân chằng cố, tạm dựng lại sau những cơn bão dữ vừa qua. Trước từng cơn quần thảo liên hồi của thiên tai, trong sự tàn phá của mưa bão, tình người, tình quân dân lại sáng ngời, thắm đượm hơn bao giờ hết.
Thanh niên Công an huyện Quỳ Hợp vận chuyển tấm lợp vào bản giúp dân lợp lại mái nhà bị tốc sau bão. Ảnh: FB Công an Nghệ An |
Cơn bão được dự báo mạnh nhất trong 10 năm gần đây
Bão số 10 có tên quốc tế là Doksuri. Theo Trung tâm Khí tượng thuỷ văn Trung ương đánh giá, đây là cơn bão rất mạnh, nguy hiểm trong nhiều năm trở lại đây, bão cấp 11, 12 giật cấp 15. Lần đầu tiên, mức cảnh báo cấp độ 4 được đưa ra, chỉ sau cấp thảm họa. Ngay sau khi có thông tin về bão số 10, sáng 14/9, Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng chủ trì phiên họp trực tuyến cùng các bộ, ngành, địa phương triển khai công tác ứng phó với bão số 10. Yêu cầu các địa phương tập trung lực lượng, phương tiện triển khai công tác ứng phó với bão số 10. Phó Thủ tướng cũng nhắc nhở những địa phương nằm trong tâm bão và các tỉnh lân cận tuyệt đối không được chủ quan, nhanh chóng có biện pháp bảo vệ tính mạng người dân và tài sản trước lúc bão vào.
Cán bộ chiến sĩ Công an Nghệ An vận chuyển lương thực giúp dân trong bão số 10. Ảnh: Mạnh Cường |
Và đúng như dự đoán, cơn bão số 10 đã hoành hành, gây hậu quả nghiêm trọng về người và tài sản tại các tỉnh miền Trung. Theo thống kê đến ngày 16/9, bão số 10 đã làm 4 người thiệt mạng, 21 người bị thương, 33 nhà bị sập, hơn 120.000 nhà bị tốc mái, hư hỏng; hơn 6.200 nhà bị ngập. Ngoài ra, nhiều trường học, công trình công cộng bị tốc mái, hư hỏng. Một cột phát sóng truyền hình tại thị xã Kỳ Anh, tỉnh Hà Tĩnh bị đổ; hàng nghìn cột điện hạ thế bị nghiêng, gãy đổ; 37 tàu thuyền, ghe máy bị chìm.
Một đoàn viên phải đi chân trần để bám xuống lối mòn trơn trượt. Ảnh: FB Công an Nghệ An |
Tại Nghệ An, tuy không nằm trong tâm bão nhưng thiệt hại cũng rất nặng nề. Đã có 1 người chết, 1 người bị thương, hơn 210 ngôi nhà bị tốc mái… Bão số 10 với sức gió giật mạnh và triều cường dâng cao đã gây nhiều thiệt hại về tài sản, nhất là cây màu và diện tích nuôi trồng thủy sản ở các địa phương trên địa bàn tỉnh. Đã có hơn 1.700 ha hoa màu bị ngập, thiệt hại; hơn 270 ha nuôi trồng thủy sản bị ngập. Toàn tỉnh có 4 điểm trường ở Quỳnh Lưu, TX Cửa Lò bị tốc mái, 200 m tường rào bị đổ.
Một trong những thiệt hại nặng nề của Nghệ An là hư hỏng các công trình thủy lợi, trong đó sạt lở 10 mái đập, 1.675 m đê biển (huyện Quỳnh Lưu, TX Hoàng Mai), 750 m đê sông Mai Giang, TX Hoàng Mai; sạt lở 900 m bờ sông. Ngoài ra, bão số 10 còn làm hư hỏng, sạt lở 7,5 km đường giao thông nông thôn, trôi 11 cống nhỏ… Ước thiệt hại ban đầu về kinh tế do bão số 10 tại Nghệ An là khoảng hơn 500 tỉ đồng.
Công an huyện Quỳnh Lưu giúp dân dọn dẹp sau bão. Ảnh: Mạnh Cường |
Chủ động ứng phó, giảm thiểu thiệt hại, khắc phục hậu quả cơn bão
Cùng với các địa phương nằm trong vùng cơn bão số 10 đi qua, Nghệ An đã nhanh chóng triển khai các biện pháp chủ động ứng phó trước sức tàn phá dữ dội của cơn bão. Chiều 13/9, UBND tỉnh Nghệ An đã có công điện khẩn cấm tàu thuyền ra khơi kể từ 7 giờ ngày 14/9. Lãnh đạo tỉnh Nghệ An cũng yêu cầu các đơn vị, lực lượng vũ trang sử dụng mọi phương tiện, bằng mọi biện pháp thông báo cho tàu thuyền trên biển biết diễn biến của bão, hướng dẫn, kêu gọi tàu thuyền về nơi tránh trú an toàn hoặc thoát ra khỏi vùng nguy hiểm. Hướng dẫn neo đậu tàu thuyền tại nơi tránh trú (bao gồm cả tàu du lịch, tàu vận tải); tổ chức di dời, neo đậu lồng bè nuôi trồng thủy sản, nhà nối đảm bảo an toàn.
Lợp lại mái nhà cho người dân trước những cơn mưa sắp tới. Ảnh: FB Công an Nghệ An |
Ngay trong sáng 14/9, Công an Nghệ An đã nhanh chóng tổ chức cuộc họp triển khai công tác ứng phó với cơn bão số 10 do đồng chí Đại tá Nguyễn Hữu Cầu, Giám đốc Công an tỉnh chủ trì. Đồng chí Giám đốc Công an tỉnh yêu cầu Công an các đơn vị, địa phương khẩn trương triển khai công tác phòng, chống bão tại đơn vị; chủ động tham mưu cấp ủy, chính quyền triển khai phương án phòng, chống bão tại địa phương. Trước mắt, các đơn vị phải làm tốt công tác phòng, chống bão ngay tại trụ sở của mình, tránh các thiệt hại không đáng có; đồng thời phải bảo vệ các khu vực trọng điểm, xung yếu, các đơn vị đặc thù như Trại Tạm giam Công an tỉnh, các kho tàng, kho hồ sơ lưu trữ..., tuyệt đối không được xảy ra sự cố nào trong thời gian bão đi qua.
Ngay trong chiều 14/9, Công an tỉnh đã thành lập 5 đoàn kiểm tra và huy động hơn 350 CBCS tăng cường cho các địa bàn trọng điểm để ứng phó với diễn biến của cơn bão số 10 gồm TX Hoàng Mai, các huyện Quỳnh Lưu, Diễn Châu, Nghi Lộc và TX Cửa Lò. Lãnh đạo Công an tỉnh cũng yêu cầu các đơn vị thường trực 100% quân số để chủ động phòng, chống cơn bão số 10.
Công an Nghệ An tăng cường nhiều CBCS hỗ trợ các địa phương phòng, chống và khắc phục hậu quả do bão số 10 gây ra |
Thắm đượm tình quân dân
Thực hiện ý kiến chỉ đạo của đồng chí Giám đốc Công an tỉnh, hàng trăm CBCS được huy động xuống các địa bàn xung yếu, các địa phương ven biển. Một mặt, nhanh chóng di dời người dân, nhất là những người già yếu, neo đơn đến nơi an toàn, mặt khác, khẩn trương bảo vệ các công trình thủy lợi, đê điều, không để gây hậu quả nghiêm trọng về người và tài sản cho nhân dân. Với phương châm 4 tại chỗ, Công an Nghệ An cùng các lực lượng vũ trang đã phát huy vai trò nòng cốt trong hình thành điểm tựa vững chắc cho người dân trong thiên tai, hoạn nạn.
Vận chuyển đồ đạc lên vị trí cao hơn để tránh ngập nước. Ảnh: Mạnh Cường |
Ngay sau khi bão tan, Công an Nghệ An đã nhanh chóng triển khai lực lượng đến các địa bàn bị thiệt hại nặng để giúp dân khắc phục hậu quả bão lụt. Tại các địa bàn chịu nhiều hậu quả do bão gây ra như các huyện Nghi Lộc, Quỳnh Lưu, Diễn Châu và TX Hoàng Mai, CBCS các đơn vị đã giúp dân sửa chữa nhà cửa, nạo vét khơi thông cống rãnh, thu dọn vệ sinh môi trường; giúp đỡ các gia đình có hoàn cảnh khó khăn, neo người, gia đình chính sách, thương binh, liệt sỹ sửa lại nhà tốc mái, dọn dẹp vườn…; đồng thời huy động lực lượng, phương tiện phối hợp với các lực lượng đảm bảo ANTT cho nhân dân, đề phòng các đối tượng lợi dụng bão, lũ để trộm cắp tài sản, đảm bảo ANTT trên địa bàn, giúp nhân dân sớm ổn định cuộc sống.
CSGT Công an Nghệ An khắc phục hậu quả bão số 10 |
Đề phòng lũ quét sau bão, lãnh đạo Công an tỉnh cũng yêu cầu Công an các huyện miền núi tích cực tuyên truyền, vận động, hướng dẫn, giúp nhân dân ở những vùng bị sạt lở đất chủ động sơ tán; khắc phục sạt lở trên các tuyến giao thông, đảm bảo cho các phương tiện và người dân qua lại.
Thiên tai khắc nghiệt và dữ dội như thế nào, với người dân miền Trung, họ hiểu rõ hơn bao giờ hết. Trước sự biến đổi của khí hậu như hiện nay, trong tương lai, mức tàn phá sẽ còn dữ dội gấp bội lần. Trong bối cảnh đó, tinh thần chủ động, tích cực ứng phó trước khi bão đến, sự gắn kết, sẻ chia tình quân dân đã góp phần quan trọng để giảm thiểu mức thiệt hại của bão lũ. Chính trong hoàn cảnh đó, phẩm chất người CBCS Công an nhân dân lại càng tỏa rạng - vừa là lực lượng tiên phong trong mặt trận đấu tranh phòng, chống tội phạm, đảm bảo ANTT, vừa là chỗ dựa, điểm tựa tin cậy, vững chắc với người dân xứ Nghệ giữa gian lao.
Trưa 16/9, đồng chí Nguyễn Xuân Phúc, Ủy viên Bộ Chính trị, Thủ tướng Chính phủ cùng đoàn công tác đã thị sát tình hình bão số 10 tại TX Cửa Lò. Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã biểu dương công tác lãnh đạo, chỉ đạo, ứng phó với bão số 10 của tỉnh Nghệ An, góp phần giảm thiểu thiệt hại do bão gây ra. Thủ tướng yêu cầu tỉnh Nghệ An huy động cả hệ thống chính trị, lực lượng tại chỗ cùng các đơn vị hỗ trợ sớm dựng và lợp lại nhà cửa để giúp nhân dân sớm ổn định cuộc sống; đồng thời, tập trung tu sửa lại trường lớp, trụ sở UBND bị hư hỏng để ngay tuần tới có thể tổ chức học tập và làm việc trở lại bình thường. Thủ tướng cũng đồng ý hỗ trợ Nghệ An lắp đặt hệ thống theo dõi thời tiết, báo động lũ trên thượng nguồn sông Cả, sông Hiếu cũng như việc nghiên cứu nâng cấp hệ thống đê biển và đê sông trên địa bàn Nghệ An. |