1. Với nhiều người thuộc thế hệ thập niên 70, 80 của thế kỷ trước, ký ức về vị Trưởng phòng Cảnh sát Hình sự Công an Nghệ Tĩnh - Thượng tá Phạm Thanh Long (tên đồng đội vẫn thân gọi là “Long bạc”) vẫn còn rất rõ ràng.
Đại tá Phạm Hoài Nam, Trưởng phòng Cảnh sát Hình sự bên bức ảnh của bố mình |
Trong trí nhớ của mọi người, mỗi khi có án hay địa bàn nảy sinh vụ việc phức tạp về ANTT, ông và đồng đội luôn kịp thời có mặt tại hiện trường, thu thập thông tin để nhanh chóng điều tra, truy bắt đối tượng phạm tội. Thời điểm đó, phương tiện kỹ thuật không hiện đại như bây giờ, giao thông đi lại rất khó khăn, nhất lại ở vùng sâu, vùng xa. Vì thế, để khám phá một vụ án, đòi hỏi nỗ lực rất lớn của người lính Hình sự.
Nhưng cũng từ trong vất vả, gian khó đó, phẩm chất, năng lực của người chiến sỹ CAND càng rõ nét. Nhiều vụ án đã được điều tra kịp thời, tình hình ANTT trên địa bàn được đảm bảo. Và, lúc bấy giờ, Phòng Cảnh sát Hình sự với những cái tên như Thượng tá Phạm Thanh Long đã trở thành “thương hiệu”, khiến những đối tượng cộm cán phải e dè, sợ hãi.
31 năm sau, hình ảnh về người Trưởng phòng Cảnh sát Hình sự lại được nhắc đến nhưng ở trong một hoàn cảnh khác, rất ý nghĩa và thiêng liêng. Trong dịp Phòng Cảnh sát Hình sự đón nhận Huân chương Chiến công hạng Ba, Đại tá Phạm Hoài Nam, Trưởng phòng Cảnh sát Hình sự Công an Nghệ An đã dành nhiều thời gian để nhắc đến người bố của mình. Sau nhiều năm phấn đấu, nỗ lực không ngừng, Đại tá Phạm Hoài Nam đã tiếp nối vị trí mà trước đây bố mình đã thực hiện rất xuất sắc.
Bên chiếc bàn làm việc ngăn nắp, gọn gàng, Đại tá Nam rưng rưng chia sẻ kỷ niệm về người bố thân yêu. Do tính chất công việc, ông thường xuyên phải đi công tác xa, thỉnh thoảng mới ghé thăm nhà, nhưng khi có thời gian rảnh rỗi, ông lại tranh thủ kể cho các con về hình ảnh đẹp của người chiến sỹ CAND luôn biết hy sinh cho Tổ quốc, vì cuộc sống bình yên, hạnh phúc của nhân dân.
Trong cuộc chiến dữ dội và khốc liệt với các đối tượng tội phạm nguy hiểm, có những lúc máu của đồng đội ông đã đổ. Hình ảnh bố ôm chú Đặng Bá Hoa khi chú ấy bị thương trong lúc truy bắt Hồ Viết Hà - đối tượng hình sự đặc biệt nguy hiểm vào những năm 80 vẫn còn in đậm trong tâm trí anh. Những câu chuyện, vụ án “như phim” mà bố kể đã nuôi dưỡng trong anh ước mơ trở thành người lính Cảnh sát Hình sự luôn đấu tranh với cái xấu, cái ác để mang lại cuộc sống bình yên, hạnh phúc cho nhân dân.
Anh nhớ, mỗi dịp cuối năm, bố thường mời đồng đội về nhà để tổ chức bữa cơm tất niên. Những lúc đó, anh rất sung sướng vì được hòa mình giữa rất nhiều lính Hình sự, được nghe kể về những kinh nghiệm trong cuộc chiến khốc liệt giữa thời bình. Các đồng đội của bố ân cần hỏi thăm chuyện học hành, động viên anh học tập tốt để sau này thực hiện ước mơ trở thành người lính Hình sự giỏi, xứng đáng với truyền thống của gia đình. Mâm cơm tất niên ngày cuối năm dù rất đạm bạc nhưng chứa chan tình cảm đã thật sự làm cho anh xúc động, khắc sâu trong anh hình ảnh những người lính Hình sự mạnh mẽ, kiên cường với tội phạm nhưng rất đỗi gần gũi, thân thương trong cuộc sống hàng ngày.
Tiếp nối truyền thống gia đình cùng với nhiệt huyết của bản thân, anh luôn cố gắng trau dồi kiến thức, chịu khó học tập, nâng cao trình độ, góp phần đấu tranh với các loại tội phạm hình sự trong tình hình mới. Bằng sự nỗ lực phấn đấu của bản thân, tháng 4/2015, Đại tá Phạm Hoài Nam được bổ nhiệm chức vụ Trưởng phòng Cảnh sát Hình sự Công an Nghệ An.
Sau 31 năm cống hiến và 18 năm sau khi bố anh nghỉ hưu, anh đã được đứng vào vị trí mà trước đây bố anh đã từng đảm nhận. Với anh, đây là niềm tự hào về truyền thống gia đình, đồng thời cũng là một trọng trách lớn lao.
Tiếp xúc với Đại tá Phạm Hoài Nam, nhiều người đều có thể cảm nhận, anh không chỉ giống Đại tá Phạm Thanh Long ở ngoại hình, mái tóc bạc đã trở thành “thương hiệu”, mà tính cách quyết đoán, sự dí dỏm, thái độ kiên quyết đấu tranh với tội phạm của anh cũng được thừa hưởng rất đậm nét từ ông. Giữa những giờ phút đánh án vất vả, căng thẳng, anh lại lật giở những tấm ảnh, kỷ niệm về bố mình để tiếp tục nhắc nhở bản thân vững vàng và kiên định trên con đường mà 2 bố con đã lựa chọn và quyết gắn bó.
Đồng chí Trần Thị Nhung thắp nén hương cho bố tại Nghĩa trang huyện Yên Thành |
2. Với những độc giả quen thuộc của Báo Công an Nghệ An, bài viết “Gửi bố, người đồng đội của con” của tác giả Trần Nhung đã để lại ấn tượng sâu sắc. Ấn tượng không chỉ bởi những chi tiết, câu chuyện về bố mà tác giả chia sẻ với độc giả mà còn bởi những xúc động, tình cảm mà người nữ chiến sỹ CAND - Trung úy Nguyễn Thị Nhung, cán bộ Phòng Xây dựng phong trào Toàn dân bảo vệ ANTQ Công an Nghệ An dành cho bố. Cũng giống Đại tá Nam, Trung úy Nhung nối nghiệp bố công tác trong Công an Nghệ An nhưng hoàn cảnh, nỗi niềm có những nét riêng, đặc biệt hơn.
Bố của Trung úy Trần Thị Nhung mất năm chị mới lên 4 tuổi. Ở cái tuổi bi bô tập nói, bi bô học cười, chị đã phải thiếu vắng tình cảm của người bố thân yêu. Bố chị hy sinh trong một lần truy bắt đến cùng nhóm tội phạm cướp tài sản. Ngày 17/11/1992 đã trở thành ngày định mệnh đối với gia đình chị. Dù được đồng đội, các y bác sĩ hết lòng cứu chữa nhưng ông đã không thể qua khỏi. Mùa đông năm đó cũng là mùa đông khắc nghiệt nhất trong cuộc đời chị... Không có bố chở tới trường, không được bố dẫn đi chơi mỗi lần hội trại, cũng chẳng được sà vào lòng người bố thân yêu để nũng nịu như bao cô bé khác, đã có lúc chị rất tủi thân. Mãi sau này, khi chị lớn lên và đủ trải nghiệm để hiểu hơn về cuộc đời, mẹ mới kể cho chị nghe về khoảnh khắc dữ dội, đau lòng nhưng rất dũng cảm của ông...
Nối nghiệp bố, bằng sự cố gắng, nỗ lực của bản thân, chị đã được đứng trong hàng ngũ của lực lượng CAND. Công tác ở Phòng Xây dựng phong trào Toàn dân bảo vệ ANTQ Công an Nghệ An, được chứng kiến rất nhiều tấm gương anh dũng của đồng đội, chị càng thấu hiểu và cảm phục với quyết định dũng cảm của bố năm xưa.
Trung úy Trần Thị Nhung cho biết: Mỗi lần nghe tin CBCS hy sinh khi làm nhiệm vụ, mỗi lần thắp nén hương cho đồng đội, mình lại nhớ về bố. Mình cũng không tủi thân nữa vì đã hiểu được sự ra đi của bố là để đem lại sự bình yên cho mọi người. Mình rất tự hào là con gái của một cán bộ Công an đã anh dũng hy sinh vì dân như bố. Mình chỉ ước một điều là giá như có thể làm gì đó để xoa dịu bớt cơn đau trong lúc bố bị thương. Và giá như ngày ấy, mình đủ lớn để mang vết thương đó, đau thay cho bố để bố được sống...
Tâm sự của Trung úy Nhung trong bài viết “Gửi bố, người đồng đội của con” cũng chính là lời nhắc nhở mà chị tự hứa với bản thân: “Con ý thức rất rõ trọng trách lớn lao nhưng vô cùng vinh quang đó. Vì thế, bố hãy yên tâm an nghỉ, bố nhé. Con gái của bố sẽ cố gắng sống, làm việc tốt và thay bố chăm sóc mẹ, chăm sóc em thật tốt. Bên con, bố luôn là ngọn lửa rực sáng, thiêng liêng, sưởi ấm tâm hồn con; hướng cho con phải biết vượt lên hoàn cảnh, biết đứng dậy sau những khó khăn của cuộc đời”…
3. Với Đại tá Nam và Trung úy Nhung, ước mơ trở thành người chiến sỹ CAND đều bắt nguồn từ những câu chuyện bố kể trong mỗi lần làm nhiệm vụ, từ màu áo rất đỗi gần gũi và thiêng liêng lúc nào cũng ướt đẫm mồ hôi, từ những lần đi sớm về khuya, chấp nhận xa gia đình, xa vợ con để hoàn thành nhiệm vụ. Và tôi biết, trong tập thể Công an Nghệ An nói riêng và lực lượng CAND nói chung, còn có rất nhiều trường hợp các thế hệ trong gia đình nối tiếp nhau viết nên những câu chuyện đẹp về truyền thống cách mạng đó. Ai cũng có câu chuyện của riêng mình, với những kỷ niệm, xúc cảm khác nhau, nhưng tựu chung lại là lòng tự hào và trân quý công việc, nhiệm vụ mà bố mẹ, ông bà đã từng đảm nhận. Và chính truyền thống đó đã tạo nên sức mạnh, là động lực để các thế hệ sau giữ vững và phát huy những thành quả mà cha ông mình để lại. Cứ thế, sợi dây gắn kết giữa các thế hệ cứ nối tiếp, chảy mãi không ngừng…