Bình yên xứ Nghệ
Đấu tranh quyết liệt với tội phạm ma túy sử dụng vũ khí
(Congannghean.vn)-Thời gian qua, tình hình tội phạm và tệ nạn ma túy diễn biến phức tạp cả về tính chất, mức độ và thủ đoạn hoạt động. Để đối phó, đối tượng thường dùng vũ khí “nóng” chống trả lực lượng truy bắt. Đã có trường hợp bị thương, thậm chí hy sinh trong “cuộc chiến” với tội phạm này.
Cam go đấu tranh với tội phạm ma túy sử dụng vũ khí
Từ nhiều năm qua, công tác phòng ngừa, đấu tranh với các loại tội phạm được cả hệ thống chính trị và các lực lượng quan tâm vào cuộc. Trên mặt trận đấu tranh với các loại tội phạm, lực lượng Công an các cấp đã chủ động trong mọi tình huống để trấn áp, đảm bảo trật tự an toàn xã hội. Tuy nhiên, trong quá trình đối mặt với tội phạm, tình hình đối tượng phạm tội sử dụng các loại vũ khí, công cụ hỗ trợ chống lại người thực thi nhiệm vụ còn diễn ra phức tạp.
Đối tượng Và Bá Pó (X) sử dụng vũ khí để chống trả lực lượng Công an trong Chuyên án 616H, bị Phòng Cảnh sát ĐTTP về Ma túy bắt giữ |
Đáng chú ý, trên lĩnh vực đấu tranh phòng, chống tội phạm về ma túy đã xảy ra nhiều vụ việc đối tượng sử dụng các loại vũ khí “nóng” để chống lại lực lượng truy bắt, làm CBCS ở các đơn vị bị thương (ở một số tỉnh còn có CBCS hy sinh), hoặc bị phơi nhiễm HIV.
Đến nay, trên địa bàn tỉnh, tình hình đối tượng phạm tội về ma túy sử dụng vũ khí chống lại người thi hành công vụ đã và đang trở thành mối quan tâm của các cấp cũng như các đơn vị, lực lượng chức năng. Với đối tượng phạm tội, mặc dù nhận thức được các quy định của pháp luật liên quan đến ma túy luôn “gắn” với những bản án nghiêm khắc cho từng hành vi phạm tội nhưng vì “siêu” lợi nhuận, nhiều đối tượng vẫn bất chấp tất cả, thực hiện hoạt động phi pháp, gây ra tác hại cho nhân loại và xã hội; nếu bị lực lượng chức năng phát hiện, bắt giữ, chúng sẵn sàng chống trả quyết liệt nhằm phi tang, tẩu thoát.
Trên địa bàn tỉnh ta, tình hình tội phạm liên quan đến ma túy tiếp tục diễn biến phức tạp, được Chính phủ, Bộ Công an xác định là 1 trong 18 địa bàn trọng điểm, phức tạp về ma túy, trong đó nổi lên là các địa phương ở địa bàn biên giới, địa hình hiểm trở, ít dân cư và người qua lại. Đây là điều kiện thuận lợi cho đối tượng ma túy thực hiện các “công đoạn” sản xuất, mua bán, trung chuyển và tiêu thụ ma túy.
Thực tế, vũ khí mà các đối tượng phạm tội ma túy sử dụng để chống trả, gây thương vong cho lực lượng truy bắt trong thời gian qua chủ yếu là vũ khí quân dụng, các loại súng tự chế, súng thể thao, súng săn hoặc lựu đạn… Các đối tượng thường sử dụng vũ khí phần lớn là các tên “trùm” hoạt động phạm tội nhiều năm chưa bị sa lưới pháp luật, các đối tượng truy nã, truy nã đặc biệt nguy hiểm và các đối tượng nằm trong đường dây mua bán, vận chuyển ma túy xuyên tỉnh, xuyên quốc gia.
Tăng cường quản lý vũ khí, chủ động đấu tranh
Tội phạm và tệ nạn xã hội nói chung, tội phạm về ma túy nói riêng đang để lại nhiều hệ lụy cho xã hội, vì thế đấu tranh với tội phạm này luôn là mặt trận cam go, bền bỉ.
Với phương châm “chặn cung, giảm cầu” tiến tới đẩy lùi tội phạm và tệ nạn ma túy ra khỏi cộng đồng, tỉnh Nghệ An đã tập trung nhiều giải pháp quan trọng mang tính chiến lược, lâu dài. Đặc biệt là Chỉ thị số 13-CT/TU ngày 7/5/2013 của Ban Thường vụ Tỉnh ủy về tăng cường lãnh đạo, chỉ đạo công tác phòng, chống ma túy trong tình hình mới; Chỉ thị số 28/2013 và Chỉ thị 15/2015 CT của UBND tỉnh về phối hợp giải quyết tình hình phức tạp về ma túy trên tuyến biên giới Việt - Lào; Nghị quyết về “Tăng cường lãnh đạo công tác phòng, chống và kiểm soát ma túy”; các Đề án “Nâng cao hiệu quả xóa bỏ địa bàn phức tạp về ma túy giai đoạn 2016 - 2020, tầm nhìn đến năm 2025”; Đề án “Tăng cường công tác phòng, chống tội phạm và tệ nạn ma túy miền Tây Nghệ An”…
Lực lượng chức nămg tiêu hủy vũ khí, vật liệu nổ, công cụ hỗ trợ |
Trên mặt trận đấu tranh, triệt xóa các tụ điểm, ổ nhóm tội phạm ma túy, để góp phần hạn chế tình trạng đối tượng phạm tội sử dụng vũ khí thực hiện hành vi chống người thi hành công vụ, cũng như nhằm hạn chế, giảm thiểu thương vong cho CBCS tham gia, các đơn vị nghiệp vụ đã xây dựng kế hoạch và đề xuất, phối hợp với các ban, ngành liên quan cùng hành động, ngăn chặn có hiệu quả mọi hành vi chống trả của đối tượng phạm tội.
Đó là tăng cường công tác quản lý các loại vũ khí, vật liệu nổ, công cụ hỗ trợ. Đây được xem là nguyên nhân quan trọng và cần có giải pháp để tập trung giải quyết, bởi ở các địa bàn vùng biên giới, miền núi nhận thức pháp luật về vấn đề này còn hạn chế.
Vì vậy, để hạn chế việc đối tượng dùng vũ khí, hung khí và công cụ hỗ trợ chống đối lực lượng chức năng thì cần phối hợp làm tốt công tác quản lý, kiểm soát chặt chẽ vũ khí; đồng thời thường xuyên tổ chức tuyên truyền cho người dân để tự giác giao nộp vũ khí, công cụ hỗ trợ, gắn với phát động phong trào toàn dân bảo vệ ANTQ.
Cùng với đó là chủ động triển khai các biện pháp nghiệp vụ để nắm chắc tình hình, chủ động lên phương án, kế hoạch đấu tranh… nhằm hạn chế những thiệt hại trong quá trình đối mặt với tội phạm.
Xuân Thống