Bình yên xứ Nghệ

Công an tỉnh Nghệ An

Kết quả nổi bật qua 10 năm thực hiện Luật Phòng, chống tham nhũng

08:40, 04/08/2016 (GMT+7)

TIN LIÊN QUAN

(Congannghean.vn)-Trong 10 năm (từ 2006 - 2016), công tác phòng, chống tham nhũng (PCTN) đã được Đảng ủy, lãnh đạo Công an tỉnh quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo triển khai đồng bộ, quyết liệt nhiều biện pháp, giải pháp, qua đó thu được nhiều kết quả quan trọng.

Nổi bật như: Kịp thời triển khai thực hiện có hiệu quả các chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước về công tác PCTN; ban hành nhiều văn bản chỉ đạo công tác PCTN, lãng phí trong nội bộ và đấu tranh phòng, chống tội phạm tham nhũng ngoài xã hội; quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo công tác kiểm tra, giám sát của Đảng và thanh, kiểm tra trên các lĩnh vực nhạy cảm, dễ xảy ra tham nhũng, tiêu cực...

Cảnh sát Kinh tế đọc lệnh bắt giữ đối tượng tham nhũng - Ảnh minh họa
Cảnh sát Kinh tế đọc lệnh bắt giữ đối tượng tham nhũng - Ảnh minh họa

Ban Chỉ đạo PCTN Công an tỉnh và Công an các đơn vị, địa phương được kiện toàn và hoạt động có hiệu quả hơn. Chuyển biến rõ nét trong cải cách hành chính trên hầu hết các lĩnh vực công tác Công an có liên quan đến quyền lợi của người dân và doanh nghiệp đã góp phần quan trọng vào sự phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh.

Công tác giáo dục chính trị, tư tưởng được tăng cường, tạo chuyển biến quan trọng về nhận thức của CBCS, nhất là lãnh đạo, chỉ huy đối với công tác PCTN. Hiệu lực, hiệu quả của việc thực hiện các biện pháp PCTN được nâng lên so với thời điểm tổng kết 5 năm thực hiện Luật PCTN năm 2011.

Tham mưu Tỉnh ủy, UBND tỉnh nhiều văn bản chỉ đạo công tác phòng, chống tội phạm, trong đó có nội dung chỉ đạo công tác phòng ngừa, đấu tranh với tội phạm về tham nhũng, góp phần huy động sức mạnh của cả hệ thống chính trị tham gia PCTN; đồng thời, tham mưu Thường trực Tỉnh ủy kịp thời chỉ đạo 3 ngành: cơ quan CSĐT - Viện Kiểm sát nhân dân - Tòa án nhân dân về đường lối xử lý một số vụ án phức tạp, nhạy cảm, dư luận quan tâm và liên quan đến đảng viên thuộc cấp ủy quản lý.

Công tác điều tra, xử lý tội phạm về tham nhũng được tập trung chỉ đạo thực hiện quyết liệt, tuân thủ nghiêm túc các quy định của pháp luật; phát hiện kịp thời, xử lý nghiêm nhiều vụ án tham nhũng gây được tiếng vang trong dư luận, được cấp ủy, chính quyền và nhân dân ghi nhận, đánh giá cao. Qua công tác điều tra đã kịp thời phát hiện những vấn đề bất cập, sơ hở, thiếu sót để tham mưu cho cấp uỷ, chính quyền các cấp hoàn thiện các quy định, quy chế để PCTN.

Đảng uỷ, lãnh đạo Công an tỉnh Nghệ An đã chỉ đạo các đơn vị: Thanh tra, Tổ chức cán bộ và Ủy ban kiểm tra Đảng uỷ tăng cường công tác thanh, kiểm tra, gắn với việc giải quyết kịp thời các đơn thư tố cáo hành vi tiêu cực, tham nhũng của CBCS. Tập trung thanh tra, kiểm tra ở các lĩnh vực nhạy cảm, dễ phát sinh tiêu cực, tham nhũng.

Qua công tác thanh, kiểm tra, giải quyết khiếu nại, tố cáo đã phát hiện các vụ việc tiêu cực, sai phạm; xử lý kỷ luật CBCS với các hình thức. Tiếp nhận 181 đơn tố cáo liên quan đến tham nhũng, qua công tác nghiệp vụ và giải quyết đơn tố cáo đã phát hiện, xử lý 86 vụ án tham nhũng với 185 bị can, bị cáo, gây thiệt hại 24.245.723.185 đồng, 78.389,98 m2 đất và nhiều tài sản, hàng hóa khác.

Thời gian tới, tình hình tội phạm tham nhũng trên địa bàn tỉnh còn tiềm ẩn phức tạp, chủ yếu liên quan đến lĩnh vực quản lý đất đai, quản lý tài chính, tài sản, thu, chi ngân sách... Trong đó nổi lên là các hành vi tham ô tài sản, lợi dụng chức vụ, quyền hạn trong khi thi hành công vụ, nhận hối lộ... của đội ngũ cán bộ, công chức cơ sở và một số ngành chức năng.

Bên cạnh đó, vẫn còn tình trạng tiêu cực, lãng phí, nhũng nhiễu của một số cán bộ trong cơ quan quản lý Nhà nước; thiếu minh bạch trong quá trình cổ phần hóa các doanh nghiệp; phương thức, thủ đoạn hoạt động của tội phạm về tham nhũng cơ bản không mới so với những vụ việc đã được phát hiện và xử lý trước đây.

Để tiếp tục thực hiện hiệu quả Luật PCTN, trong thời gian tới cần có một số giải pháp: Các bộ, ngành ở Trung ương sớm tham mưu sửa đổi, bổ sung các quy định của pháp luật về PCTN, có văn bản hướng dẫn cụ thể để áp dụng thống nhất các tình tiết định tội, định khung hình phạt đối với tội phạm về tham nhũng. Qua đó góp phần tháo gỡ khó khăn, vướng mắc và nâng cao hiệu quả áp dụng pháp luật trong thực tiễn.

Tổ chức bồi dưỡng nghiệp vụ chuyên sâu theo từng chuyên đề và liên ngành cần rút kinh nghiệm trong công tác điều tra, truy tố, xét xử đối với các vụ án lớn, dư luận đặc biệt quan tâm hoặc các vụ án có khó khăn, vướng mắc để nâng cao hiệu quả công tác điều tra, xử lý tội phạm về tham nhũng.

Thực hiện quy chế liên ngành trong quan hệ, phối hợp giải quyết các vụ án có khó khăn, vướng mắc về tội phạm tham nhũng để thống nhất đường lối xử lý. Kịp thời chỉ đạo xử lý các vụ án tham nhũng lớn, phức tạp, nhạy cảm đảm bảo các yêu cầu chính trị, pháp luật và phòng ngừa, răn đe tội phạm.

Quan tâm thực hiện chế độ, chính sách bảo vệ và đãi ngộ cho người tố giác tội phạm, khuyến khích quần chúng nhân dân tố giác tội phạm; cần có văn bản hướng dẫn việc áp dụng chính sách pháp luật đối với những người phạm tội mà đã tố giác tội phạm tham nhũng, như: Được xét xử dưới khung hình phạt và áp dụng các chính sách khoan hồng khác của pháp luật trong quá trình điều tra truy tố, xét xử và thi hành án; đồng thời, quan tâm đầu tư kinh phí, phương tiện cho lực lượng trực tiếp làm công tác PCTN nhằm tạo điều kiện để hoàn thành tốt nhiệm vụ trong giai đoạn hiện nay.

Ngô Trí Tưởng

Các tin khác