(Congannghean.vn)-Phải hẹn rất nhiều lần, tôi mới có dịp gặp Đại tá Trần Sỹ Phàng, hiện là Giám thị Trại tạm giam Công an tỉnh. Với cách nói chuyện nhẹ nhàng, anh kể lại những ký ức về một thời từng gắn bó với nghiệp điều tra và kể cho tôi nghe về một số chuyên án lớn nhỏ mà anh đã cùng đồng đội khám phá. Ít ai ngờ người đàn ông hiền từ, bao dung ấy từng là “khắc tinh” của rất nhiều đối tượng cộm cán tại TP Vinh và các “đầu nậu” ma túy trên địa bàn tỉnh; từng cùng đồng đội chặt đứt hàng chục đường dây mua bán trái phép chất ma túy xuyên quốc gia và khiến nhiều đối tượng phạm tội liều lĩnh phải cúi đầu nhận tội, tra tay vào còng...
Người ta vẫn nói “người chọn nghề nhưng nghiệp chọn người”. Lời nói này có lẽ đúng với Đại tá Trần Sỹ Phàng khi nói về sự gắn bó giữa công việc điều tra và quá trình công tác của anh. Quê tại xã Thanh Giang, huyện Thanh Chương, năm 1976, anh vào ngành Công an và học chuyên ngành điều tra. Sau thời gian thử thách với nhiều nhiệm vụ khác nhau, năm 1994, anh được bổ nhiệm giữ chức Trưởng Công an phường Nghi Tân, TX Cửa Lò. Với tinh thần ham học hỏi, lại được trau dồi, rèn giũa, khẳng định qua thực tế công tác, đến tháng 12/1999, anh được đề bạt giữ chức Phó Trưởng Công an TX Cửa Lò, phụ trách công tác điều tra.
Đồng chí Lê Xuân Đại, Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh trao thưởng cho Đại tá Trần Sỹ Phàng (thứ 3 từ phải sang) về thành tích phá vụ án gài mìn trên xe khách |
Đến năm 2004, anh về nhận công tác tại Phòng Cảnh sát ĐTTP về Ma túy Công an tỉnh Nghệ An với cương vị là Phó Trưởng phòng. Trong khoảng thời gian này, anh đã thể hiện năng lực của bản thân với nhiều chuyên án lớn nhỏ, gắn bó với nghiệp điều tra, khám phá án. Và hiện tại, dù đã trải qua không biết bao nhiêu lần đấu trí, đối mặt với nhiều nguy hiểm cận kề nhưng anh vẫn nhớ như in chuyên án bắt giữ đối tượng Lô Văn Tuấn, “đầu nậu” ma túy khét tiếng vùng miền Tây Nghệ An lúc bấy giờ.
Từ năm 2000 - 2005, tình hình mua bán trái phép chất ma túy qua biên giới tại Nghệ An bắt đầu diễn biến phức tạp, xuất hiện nhiều tụ điểm ma túy gây nhức nhối trong quần chúng nhân dân. Trong đó, bản Xốp Mạt, xã Lượng Minh, huyện Tương Dương nổi lên như một “trạm trung chuyển ma túy” giữa biên giới 2 nước Việt - Lào. Trước tình hình đó, lãnh đạo Công an tỉnh đã yêu cầu các lực lượng nghiệp vụ, chủ công là Phòng Cảnh sát ĐTTP về Ma túy phải đề ra kế hoạch, phương án chủ động tấn công. Các đối tượng nghi vấn liên quan đến hoạt động mua bán trái phép chất ma tuý được cơ quan Công an dựng lên và đưa vào “tầm ngắm”, trong đó trọng tâm là phải bắt bằng được “ông trùm” Lô Văn Tuấn.
Lô Văn Tuấn (SN 1954) nguyên là bộ đội phục viên. Ở bản Xốp Mạt heo hút này, từ lâu, Tuấn sống cuộc sống “vương giả” nhờ lợi nhuận kếch xù từ những phi vụ vận chuyển "hàng" qua biên giới. Với vỏ bọc là một trưởng bản mẫn cán, Tuấn dùng nhiều chiêu bài để che đậy hành vi phạm pháp của mình. Một số lần, hắn còn chủ động cung cấp thông tin về một số điểm bán lẻ ma túy trên địa bàn. Tuy nhiên, Tuấn không hề biết rằng, mọi hành vi của hắn đã bị lực lượng trinh sát Phòng Cảnh sát ĐTTP về Ma túy Công an tỉnh theo dõi.
Từ những tài liệu thu thập được, cơ quan Công an đã quyết định khởi tố bị can đối với Tuấn về hành vi mua bán trái phép chất ma túy. Sau khi biết hành vi của mình bị bại lộ, Tuấn đã bỏ trốn và bị truy nã trên toàn quốc. Tuy nhiên, liều lĩnh hơn, dù bị truy nã nhưng Tuấn vẫn tiếp tục duy trì đường dây này và chuyển hoạt động từ đỉnh núi Pù Lôm sang Pù Canh. Nơi hắn trú ngụ là một vách núi thẳng đứng, có thể bao quát toàn bộ khu vực phía dưới nên rất khó tiếp cận. Hắn còn nuôi một đàn chó săn quanh trang trại để báo hiệu khi có “động”. Hiếm hoi lắm Tuấn mới đi ra ngoài. Mỗi tuần một lần, vợ Tuấn lên núi để cung cấp nhu yếu phẩm và thông báo những thông tin quan trọng cho hắn.
Tổ công tác Phòng CSĐTTP về Ma túy bắt giữ Lô Văn Tuấn |
Sau khi xác định rõ vị trí ẩn nấp của Tuấn, Đại tá Trần Sỹ Phàng với tư cách là Trưởng ban chuyên án đã cùng đồng chí Nguyễn Mạnh Hùng, Đội trưởng (nay là Trưởng Công an huyện Anh Sơn) tiến hành khảo sát và lên phương án cụ thể để bắt Tuấn. Tuy nhiên, việc chọn thời điểm để phá án mà không bị lộ, lại vừa đảm bảo an toàn cho các trinh sát là “bài toán” không hề đơn giản. Cuối cùng, Đại tá Phàng quyết định tung “mẻ lưới” bắt giữ “đầu nậu” Tuấn vào đêm 10/8 Âm lịch (tức ngày 14/9/2005). Thời tiết trong những ngày này thường có mưa, áp thấp nhiệt đới. Theo nhận định của Trưởng ban chuyên án, thời điểm đó, nếu thực hiện việc bắt giữ Lô Văn Tuấn vào ban đêm thì hắn và đàn em sẽ ít đề phòng hơn.
Vì vậy, việc “hành quân” diễn ra một cách thầm lặng. 19 giờ ngày 14/9, tổ công tác gồm 9 đồng chí xuất phát từ thị trấn Hòa Bình (Tương Dương) đến trung tâm xã Lượng Minh để thực hiện nhiệm vụ. Con đường dẫn đến “sào huyệt” của Tuấn trơn trượt vì bùn lầy, việc di chuyển vô cùng khó khăn. Người trước bước lên, người sau phải đỡ, cứ thế, 9 người trong tổ công tác đặc biệt dần dần nhích lên đỉnh đồi. 1 giờ sáng, tổ công tác có mặt tại đỉnh Pù Canh, cách nơi Tuấn đang ẩn náu khoảng 30 phút đi bộ. Theo kế hoạch từ trước, 9 CBCS trong Ban chuyên án được bố trí tại ba vị trí, cách nhau từ 2 - 3 m. 1 giờ 50 phút, giữa bóng tối của cánh rừng Pù Canh hiểm trở, văng vẳng tiếng bước chân.
Dáng người nhỏ nhắn, rắn rỏi của Lô Văn Tuấn xuất hiện mờ ảo trong đêm, trên tay hắn cầm một khẩu súng. Như phương án đã vạch ra từ trước, sau khi Tuấn đi qua vị trí của tổ trinh sát đầu tiên, lúc hắn đang dò dẫm bước đi dưới ánh sáng yếu ớt của chiếc đèn pin, đồng chí Phàng và trinh sát Cường bất ngờ xông lên khống chế đối tượng. Với bản năng sẵn có và sự chai sạn, Tuấn lồng lên như một con thú, chống cự quyết liệt. Hắn quờ tay, ườn mình vớ lấy khẩu súng thì bị đôi bàn tay rắn chắc của đồng chí Phàng khoá chặt. Trong lúc vật lộn, quả lựu đạn mỏ vịt trên người Tuấn rơi ra, nằm lẫn giữa bùn đất.
Rất nhanh sau đó, các trinh sát ở các vị trí đã tiến lên hỗ trợ bắt gọn Tuấn, tước súng và thu giữ lựu đạn, đảm bảo an toàn cho đội hình vây bắt. Tiếp tục dẫn Tuấn lên chòi nơi hắn ở, lực lượng Công an thu giữ thêm 1 khẩu súng và 2 con dao. Với thành tích xuất sắc của Ban chuyên án, Đại tá Phàng đã được nhận Bằng khen của Thủ tướng Chính phủ. Tuy nhiên, niềm vui lớn nhất của những trinh sát ma túy và Đại tá Phàng lúc đó là đã chặt đứt đường dây vận chuyển ma túy trái phép xuyên quốc gia, trả lại sự bình yên cho miền sơn cước Lượng Minh, huyện Tương Dương.
Năm 2006, anh được điều động về giữ chức Phó Trưởng Công an TP Vinh. Lúc này, tình hình tội phạm diễn biến phức tạp hơn, với nhiều thủ đoạn ngày càng tinh vi, xảo quyệt... Để những đối tượng vi phạm pháp luật tự tra tay vào còng, ngoài tinh thần kiên quyết đấu tranh, các chiến sỹ điều tra còn phải có khả năng thuyết phục khéo léo và trái tim bao dung. Trong gần 20 năm gắn bó với nghiệp điều tra, từ Phòng Cảnh sát ĐTTP về Ma túy rồi Phó Trưởng Công an TP Vinh và Trưởng Công an huyện Nghi Lộc, trong nhiều chuyên án, Đại tá Phàng đã thuyết phục thành công nhiều đối tượng “sừng sỏ”.
Đó là Nguyễn Quang Sáu (còn gọi là Sáu Trọng), một tay anh chị khét tiếng đất thành Vinh, phải quy hàng sau hàng giờ đấu trí ngoan cường; là những khi vận động đối tượng trộm chó liều lĩnh bắt cóc cháu bé 5 tuổi ở xã Nghi Liên, TP Vinh để uy hiếp cán bộ làm nhiệm vụ; là sự kiên trì, theo đuổi đến cùng để giải cứu bé Na Na ở huyện Nghi Lộc sau nhiều ngày đấu tranh... Với Đại tá Phàng, việc khơi dậy tình người, sự hướng thiện của các đối tượng để được hưởng sự khoan hồng của pháp luật chính là chìa khóa giúp anh giải quyết thành công các vụ việc tưởng chừng rất phức tạp.
Sau nhiều năm “đánh án”, giờ đây, Đại tá Trần Sỹ Phàng lại gắn bó với công tác giáo dục, cảm hóa những đối tượng đã từng phạm tội để họ có cơ hội làm lại cuộc đời. Hiện, anh là Giám thị Trại tạm giam Công an tỉnh. Và, những kinh nghiệm trong các lần đấu tranh với đối tượng “đầu sỏ” là nền tảng để anh cảm thông, thấu hiểu và thắp sáng niềm tin cho nhiều thân phận lầm lỡ... Khi tôi hỏi xin tấm ảnh về một chuyên án mà anh từng tham gia, sau một thời gian tìm khá lâu, Đại tá Trần Sỹ Phàng đưa cho tôi một tấm ảnh lưu niệm khi được anh được phong Đại tá. Anh nói: “Chẳng có thời gian mà chụp ảnh chuyên án đâu nhà báo ạ!”. Tôi chợt nhận ra: “Phải rồi, những người như anh, khi có vụ việc xảy ra thì chỉ tập trung lên kế hoạch đấu tranh, phá án chứ ít ai nghĩ tới những phút giây nghỉ ngơi hay lưu giữ thành tích...”.