Bình yên xứ Nghệ

Tiếng mõ giới nghiêm

09:57, 18/06/2015 (GMT+7)
TIN LIÊN QUAN
(Congannghean.vn)-Suốt hơn 20 năm qua, người dân xóm 7A, làng Bui, xã Nghĩa Mai, huyện Nghĩa Đàn đã gắn bó với tiếng mõ báo giờ giới nghiêm, đây giống như món ăn tinh thần không thể thiếu của người dân mỗi khi đêm xuống.
 
Từ xa xưa, tiếng mõ làng được cha ông sử dụng để gọi họp làng, đi làm đồng hay báo động việc khẩn cấp… Thời gian trôi qua, cùng với sự phát triển của công nghệ thông tin, các phương tiện truyền thanh hiện đại ra đời, tiếng mõ dần bị lãng quên. Thế nhưng, riêng với người dân làng Bui, tiếng mõ ấy vẫn được lưu giữ qua các thế hệ. Trò chuyện với người dân nơi đây, từ người cao niên đến trung niên, không ai biết tiếng mõ có từ bao giờ, chỉ biết từ khi lớn lên đã thấy các cụ đánh mõ để gọi nhau đi làm đồng, hội họp hay làm công việc chung của làng.
Người dân gõ mõ báo giờ giới nghiêm
Người dân gõ mõ báo giờ giới nghiêm
 
Bây giờ, ở làng, xã đã có loa phát thanh dùng để thông báo hội họp, thông báo việc làng, việc xã nên tiếng mõ không còn được sử dụng. Tuy nhiên, vốn dĩ tiếng mõ đã trở nên quá quen thuộc với cuộc sống của người dân làng Bui nên dân làng vẫn duy trì tiếng mõ hàng đêm để báo giờ giới nghiêm. Ông Lê Văn Chí, Xóm trưởng xóm 7A cho biết: “Thời trước, tiếng mõ được hợp tác xã dùng để gọi dân đi làm đồng, sau này dùng để báo động, thông báo khi làng có việc gấp, nhưng nay có loa phát thanh nên tiếng mõ không còn được sử dụng.
 
Vì muốn lưu giữ tiếng mõ nên người dân trong làng đã nghĩ ra cách sử dụng nó mỗi đêm để báo giờ giới nghiêm. Cứ đến 22 giờ, trưởng thôn hoặc dân quân thôn lại cử người đánh mõ. Sau khi tiếng mõ kết thúc, dân làng sẽ tắt đèn, tắt tivi rồi đóng cửa, nếu nhà nào có đám ma hay đám cưới thì phải tự động tắt nhạc. Còn nếu có thanh niên làng khác đến chơi thì sẽ nhanh chóng ra về, cùng lúc đó, tổ dân quân chia thành các tổ đi kiểm tra, thấy ai còn ở ngoài đường thì nhắc nhở, nếu có biểu hiện nghi vấn thì sẽ kiểm tra”.
 
Tiếng mõ với dân làng Bui không chỉ để báo giờ giới nghiêm mà nó đã trở thành tiếng mõ “an ninh”. Năm 2008, sau khi tiếng mõ kết thúc, cả làng tắt điện đi ngủ thì có hai đối tượng lạ mặt đi xe máy vào xóm. Thấy có biểu hiện nghi vấn, dân quân đã cử người theo dõi và phát hiện hai đối tượng đang câu trộm chó, ngay lập tức, tiếng mõ được vang lên, báo động cho người dân. Biết có chuyện, dân làng đã ùa ra và vây bắt được hai đối tượng này. Cũng kể từ đó, trong xóm không còn xảy ra vụ trộm chó nào nữa, các đối tượng trộm cắp cũng trở nên “e dè” hơn.
 
Anh Đặng Trọng Hậu, thành viên của tổ dân quân xóm 7A cho biết: “Dù trời mưa hay nắng, anh em trong tổ cũng cử người đi đánh mõ vào giờ giới nghiêm. Mãi thành quen, cứ đến giờ là tự động cắt cử người đi đánh mõ và đi tuần”. Ông Lê Văn Chí là thành viên của tổ dân quân đã hơn 20 năm. Đêm đêm, ông cùng các thành viên trong tổ đi đánh mõ và tuần tra. Nhờ vậy, cuộc sống của dân làng ngày càng yên bình, đó là động lực để những người như ông tiếp tục công việc. Ông Chí tâm sự: “Đó vừa là bản sắc, vừa là để gìn giữ truyền thống của ông cha nên tôi luôn động viên anh em và bà con cố gắng lưu giữ tiếng mõ làng. Với dân làng, tiếng mõ đã quá đỗi quen thuộc, nhiều người dân phải chờ đến khi tiếng mõ được gõ lên mới tắt đèn đi ngủ”.
 
Ông Lê Văn Tiện, Trưởng Công an xã Nghĩa Mai cho biết: “Tiếng mõ của người dân làng Bui thực sự rất hiệu quả và có ý nghĩa xã hội. Năm nào làng Bui cũng được UBND xã tặng Giấy khen về công tác đảm bảo ANTT. Hiện, xã đang đề xuất nhân rộng mô hình đánh mõ hàng đêm tại nhiều địa bàn khác”. 

Phương Thủy

Các tin khác