Cảnh giác

Cảnh giác với các chiêu lừa tinh vi qua điện thoại

11:22, 06/01/2019 (GMT+7)

TIN LIÊN QUAN

Lợi dụng sự nhẹ dạ, cả tin và thậm chí có phần thiếu hiểu biết của một bộ phận người dân, các đối tượng lừa đảo đã luôn thay đổi các phương thức hoạt động. Không chỉ thông báo trúng thưởng lớn, mà chúng còn giả danh, công an dọa các nạn nhân họ đang dính líu tới pháp luật, khiến những người này hoảng sợ mà răm rắp nghe theo lời chúng. Chỉ mất vài cuộc điện, thoại hoặc là đem đến "tin vui" hoặc là đe dọa cũng khiến các đối tượng lừa đảo chiếm đoạt được số tiền lên tới vài trăm triệu đồng.

Vào tận rừng sâu để gọi điện lừa đảo

Ngày 13-12-2018, Cơ quan Cảnh sát điều tra huyện Tiên Lữ (Hưng Yên) nhận được đơn trình báo của chị Nguyễn Thị Liên (tên nạn nhân đã được thay đổi), 33 tuổi, trú tại huyện Văn Giang, Hưng Yên, về việc chị này bị một nhóm đối tượng lừa đảo, chiếm đoạt số tiền lên đến 126 triệu đồng.

Theo lời chị Liên khai tại cơ quan cảnh sát điều tra, trước đó chị nhận được điện thoại của một người lạ nói chị đã trúng giải nhì trong chương trình bốc thăm trúng thưởng nhân kỷ niệm 35 năm ngày thành lập ngân hàng Vietcombank. Giải thưởng gồm một sổ tiết kiệm trị giá 250 triệu đồng và một chiếc xe máy hãng Honda trị giá 42 triệu đồng.

Tang vật của vụ án.
Tang vật của vụ án.

"Người đó nói nếu tôi muốn nhận thưởng thì phải chuyển tiền bằng hình thức qua thẻ cào điện thoại và chuyển khoản qua ngân hàng. Vì nghĩ đấy là nhân viên ngân hàng thật và có giải thưởng thật nên tôi đã chuyển tổng cộng số tiền là 126 triệu đồng nhưng mãi không thấy được gọi đến lĩnh thưởng. Khi tôi kể chuyện này với bạn bè và người thân thì mọi người mắng tôi ngu dốt và khẳng định tôi chắc chắn đã bị lừa nên khuyên tôi lên cơ quan công an trình báo lại toàn bộ sự việc" - chị Liên kể lại.

Nhận được đơn trình báo, Công an huyện Tiên Lữ xác lập chuyên án đấu tranh và tiến hành điều tra. Bằng các biện pháp nghiệp vụ, lực lượng chức năng đã làm rõ các đối tượng gây ra vụ việc trên gồm: Trương Công Pháp (21 tuổi); Nguyễn Văn Đức (24 tuổi) và Nguyễn Văn Nhật (19 tuổi), cùng trú tại xã Kỳ Sơn, huyện Kỳ Anh (Hà Tĩnh).

Để thực hiện được hành vi lừa đảo, các đối tượng lên mạng tìm hiểu kỹ về ngày lễ kỷ niệm  35 năm của Ngân hàng Vietcombank và gọi ngẫu nhiên vào các số điện thoại. Tiếp đó, chúng giả là nhân viên của ngân hàng này thông báo chương trình trúng thưởng. Ban đầu một người trong số chúng sẽ giới thiệu mình là nhân viên của ngân hàng Vietcombank.

Trong quá trình gọi điện thông báo trúng thưởng mà chưa thuyết phục được "con mồi" chúng sẽ cho "con mồi" gặp cấp cao nhất của chúng là Tổng giám đốc ngân hàng. Người này tiếp tục chém gió với "con mồi" mình chính là Tổng giám đốc và đem uy tín của mình ra để đảm bảo. Lúc đó hầu hết những người nhẹ dạ cả tin đều rơi vào cái bẫy mà bọn chúng giăng sẵn.

Khi "con mồi" đã thực sự tin tưởng vào việc mình trúng thưởng bọn chúng sẽ yêu cầu chuyển tiền kích hoạt hồ sơ trúng thưởng hay chọn biển số và đăng ký xe để nạn nhân gửi tiền. Sau nhiều lần chuyển tiền bằng hình thức nạp thẻ cào điện thoại với 96 triệu đồng, chị Liên tiếp tục chuyển 30 triệu vào tài khoản của Đào Văn Đạt (Hà Nội) - là người cùng chơi game với Đức.

Tuy nhiên, nhận thấy số tiền nạn nhân chuyển cho mình không bình thường nên Đạt chuyển lại 30 triệu đồng cho chị Liên. Đại diện Công an huyện Tiên Lữ thông tin, nhóm đối tượng này vào sâu trong rừng của huyện Kỳ Anh (Hà Tĩnh) để gọi điện tìm "con mồi".

Nếu bị bắt các đối tượng sẽ nhanh chóng vứt toàn bộ điện thoại xuống suối để phi tang. Tuy nhiên, mọi tính toán đã không qua mắt được lực lượng công an.

Sau khi củng cố hồ sơ, Cơ quan CSĐT Công an huyện Tiên Lữ đã ra quyết định khởi tố Nguyễn Văn Đức, Trương Công Pháp về tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản và Nguyễn Văn Nhật về tội không tố giác tội phạm để tiếp tục điều tra, mở rộng vụ án. Tại cơ quan công an, các đối tượng trong vụ án này khai, toàn bộ số tiền lừa đảo, chiếm đoạt được của chị Liên đã được chúng dùng vào chơi game và ăn chơi thác loạn.

Giả danh công an dọa nạn nhân phạm pháp

Mới đây, Công an TP Hải Phòng đã bắt giữ một nhóm đối tượng lừa đảo, chiếm đoạt tài sản dưới hình thức giả danh công an gọi điện dọa nạt người dân.

3 đối tượng giả danh nhân viên ngân hàng chiếm đoạt 126 triệu.
3 đối tượng giả danh nhân viên ngân hàng chiếm đoạt 126 triệu.

Cụ thể, ngày 14-12, Phòng Cảnh sát điều tra tội phạm về trật tự xã hội, Công an TP Hải Phòng tiếp nhận đơn trình báo của bà Phạm Thị Đẩu, SN 1952 (trú tại phường Anh Dũng, quận Dương Kinh, Hải Phòng) với nội dung: Khoảng 15 giờ ngày 13-12-2018 bà Đẩu nhận được một cuộc điện thoại gọi đến số máy bàn nhà mình. Đầu dây bên kia giới thiệu mình là Hoàng Thị Nghĩa, làm trong ngành công an.

Người này hỏi bà Đẩu về một số vấn đề liên quan đến tài khoản ngân hàng. Cũng với thủ đoạn tương tự như nhóm tội phạm kể trên, người phụ nữ này lại nối máy cho bà Đẩu gặp thủ trưởng của mình là đại tá công an Trần Tuấn Bình. Vị đại tá công an này nói với bà Đẩu bằng một giọng rất nghiêm trọng rằng bà Đẩu đang liên quan đến một vụ mua bán trái phép chất ma túy.

Đồng thời tài khoản của bà tại ngân hàng đã được các đối tượng trong đường dây mua bán, vận chuyển trái phép chất ma túy chuyển vào hàng trăm tỉ đồng để thực hiện giao dịch. Bà Đẩu kể lại: "Lúc bị họ dọa như vậy chân tay tôi bủn rủn. Lúc đó tôi đã nghĩ nếu dính dáng vào ma túy thì chỉ có nước ở tù mọt gông.

Tôi hỏi người đàn ông đó là bây giờ tôi phải làm gì để chứng minh mình trong sạch thì ông ta bảo tôi phải chuyển hết số tiền tiết kiệm đang gửi ở ngân hàng vào tài khoản mang tên Hoàng Thị Nghĩa, mở tại Agribank chi nhánh huyện Phục Hòa, tỉnh Cao Bằng, số tài khoản: 8312205104166, để "hợp tác" với "công an" điều tra vụ án. Thực sự lúc đó tôi chẳng còn nghĩ gì khác ngoài việc làm mọi cách để mình không phải ở tù nên họ bảo gì tôi làm theo hết. Ngay lúc đó tôi đã chuyển số tiền 283 triệu mình tiết kiệm được vào tài khoản mà họ yêu cầu".

Qua phút hoảng loạn ban đầu, bà Đẩu đem chuyện kể lại với gia đình thì mọi người nhận định bà đã bị kẻ xấu lừa đảo để chiếm đoạt tài sản. Ngày hôm sau bà Đẩu quyết định làm đơn trình báo lên cơ quan công an.

Nhận được đơn trình báo, Phòng cảnh sát điều tra tội phạm về trật tự xã hội đã tiến hành điều tra xác minh về chủ nhân tài khoản Hoàng Thị Nghĩa, trú tại xóm Phia Khoang, thị trấn Tà Lùng, huyện Phục Hòa, tỉnh Cao Bằng.

Đồng thời lực lượng cảnh sát điều tra cũng đã phối hợp với ngân hàng kịp thời phong tỏa số tiền còn lại trong tài khoản hiện có của Nghĩa là 258 triệu đồng. Ngay trong đêm, một tổ trinh sát của Phòng Cảnh sát điều tra tội phạm về trật tự xã hội, Công an TP Hải Phòng đã đến Cao Bằng, kịp thời phối hợp với Công an tỉnh Cao Bằng triệu tập các đối tượng để làm rõ vụ việc.

Bốn đối tượng trong vụ án bị bắt giữ gồm: Nông Văn Việt, Hoàng Văn Lâm (SN 1993, ở thị trấn Hòa Thuận, huyện Phục Hòa, tỉnh Cao Bằng), Hoàng Thị Nghĩa (SN 1975, ở thị trấn Tà Lùng, huyện Phục Hòa, tỉnh Cao Bằng) và Zhou Ren (SN 1993, quốc tịch Trung Quốc, ở thị trấn Thủy Khẩu, huyện Long Châu, tỉnh Quảng Tây, Trung Quốc).

Tại cơ quan điều tra, bước đầu các đối tượng khai nhận: Zhou Ren trước đó được một người bạn ở Trung Quốc tên A Lão nhờ tìm tài khoản ngân hàng của Việt Nam để chuyển tiền và hứa sẽ trả công 15% số tiền lấy được. Zhou Ren gọi điện nhờ Nông Văn Việt tìm người có tài khoản ở ngân hàng và hứa sẽ trả công cho Việt 10% số tiền lấy được.

2 trong số 4 đối tượng giả danh Công an chiếm đoạt tài sản của bà Đẩu.
2 trong số 4 đối tượng giả danh Công an chiếm đoạt tài sản của bà Đẩu.

Việt lại nhờ đến Sầm Đức Văn và hứa trả công cho Văn 3 triệu đồng. Nhưng Văn không cho số tài khoản mà lại tìm đến Nghĩa. Nghĩa thấy chỉ cần cho mượn số tài khoản mà có tiền nên đã gật đầu đồng ý. Sau khi có số tài khoản của Nghĩa, Zhou Ren chuyển thông tin cho A Lão rồi sau đó các đối tượng đã thực hiện cuộc gọi để lừa đảo bà Phạm Thị Đẩu.

Sau khi đã lừa được bà Đẩu chuyển tiền vào tài khoản của Nghĩa, ngay chiều 13-12, Nghĩa đến cây ATM của Ngân hàng Agribank tại thành phố Cao Bằng để rút tiền nhưng chỉ rút được 25 triệu đồng. Ngày hôm sau Nghĩa tiếp tục ra ngân hàng với ý định rút hết số tiền còn lại nhưng lúc này tài khoản đã bị phong tỏa. Không thể rút được thêm tiền, trong khi số tiền 25 triệu rút trước đó 1 ngày đã được chúng ăn tiêu, đập phá hết chỉ qua một đêm.

Qua các vụ việc trên, người dân cần tỉnh táo, cảnh giác mỗi khi nhận được điện thoại của người lạ, nhất là khi có yêu cầu chuyển tiền. Nếu thấy có nghi vấn cần báo ngay cho cơ quan công an để tránh xảy ra hậu quả nghiêm trọng.

Nguồn: Phong Anh/Báo CAND

Các tin khác