Cảnh giác
Làm gì để không bị lừa tiền từ các cuộc gọi giả danh Công an?
Thời gian qua, các địa phương xảy ra nhiều vụ đối tượng giả danh lực lượng Công an để lừa đảo chiếm đoạt tài sản. Vậy, cần làm gì để không bị lừa tiền từ các cuộc gọi giả danh Công an?
Thủ đoạn được các đối tượng thường xuyên sử dụng là: gọi điện vào thuê bao cố định và thuê bao di động của công dân, giới thiệu là cán bộ Công an đang điều tra các vụ án liên quan đến tài khoản trong ngân hàng của công dân và yêu cầu phải rút tiền chuyển vào tài khoản của đối tượng để giải quyết, nếu không sẽ bị xử lý; gọi điện đến các cơ quan, ban ngành, doanh nghiệp… trên địa bàn tỉnh tự xưng là lực lượng Công an như: Cảnh sát PCCC và CNCH, Cảnh sát kinh tế, Cảnh sát môi trường,… hỏi một số giấy tờ liên quan đến công tác chuyên ngành của cơ quan, cơ sở và cho thông tin sắp có đoàn kiểm tra tại cơ quan, doanh nghiệp; sau đó, gợi ý để cơ quan, doanh nghiệp mua các loại tài liệu, phương tiện liên quan. Phương thức thanh toán được các đối tượng sử dụng là gửi giấy tờ qua đường bưu điện và cơ quan, doanh nghiệp thanh toán tiền trực tiếp cho người giao khi nhận được bưu phẩm hoặc chuyển tiền vào tài khoản của đối tượng.
Điển hình, vào sáng ngày 05/7/2018, bà L.T.A.N (ở tổ 13, phường Trần Hưng Đạo, thành phố Quảng Ngãi) nhận được cuộc gọi từ số điện thoại +28398120150 và số 01882572125 của 02 đối tượng tự xưng là Công an thành phố Hồ Chí Minh đang điều tra vụ lừa đảo và nói bà đang có tài khoản 3 tỷ đồng tại Hà Nội là số tiền lừa đảo cần phong tỏa, yêu cầu bà rút hết tiền trong tài khoản hiện có chuyển qua cho đối tượng để phục vụ điều tra. Bà L.T.A.N đã đến Ngân hàng Viettin Bank rút toàn bộ số tiền tiết kiệm 91.080.000đ (Chín mươi mốt triệu không trăm tám mươi nghìn đồng) và chuyển vào số tài khoản 108867921354 mang tên Lê Minh Dũng.
Đây là hình thức lừa đảo tuy không mới nhưng lợi dụng tâm lý e ngại bị lực lượng Công an kiểm tra của một số cơ quan, doanh nghiệp…, các đối tượng đã thực hiện trót lọt nhiều vụ lừa đảo chiếm đoạt tài sản, gây thiệt hại đến tài sản của cơ quan, tổ chức, cá nhân và nhất là đã ảnh hưởng xấu đến uy tín của ngành Công an. Thực tế, các đối tượng chỉ gửi cho cơ quan, doanh nghiệp các loại sách như: Luật Phòng cháy và chữa cháy và các văn bản pháp luật liên quan (do các đối tượng tự in); các phương tiện PCCC có xuất xứ không rõ ràng; số tiền cơ quan, cơ sở phải thanh toán cao gấp nhiều lần so với số tiền niêm yết của tài liệu và phương tiện nêu trên.
Trực ban hình sự Công an tỉnh tiếp nhận tin báo, tố giác tội phạm |
Tuy nhiên, cho dù thủ đoạn của bọn tội phạm tinh vi như thế nào đi nữa, nếu người dân có kỹ năng và ý thức cảnh giác, chắc chắn hậu quả sẽ không xảy ra. Vậy, cần làm gì để không bị lừa tiền từ các cuộc gọi giả danh Công an?
Nêu cao ý thức bảo mật thông tin cá nhân
Thực tế, chúng ta thường vô tình để lộ thông tin cá nhân trên các giao dịch trực tuyến, phiếu mua hàng, thẻ khách hàng, chứng từ giao địch dân sự…
Khi mua bất kỳ mặt hàng có giá trị cao nào, thông thường đơn vị cung cấp thường đề nghị khách hàng làm thẻ thành viên để được cộng điểm, ưu đãi chế độ khuyến mãi. Tuy nhiên, đây là kênh thông tin khổng lồ để tội phạm khai thác, nhiều đối tượng xấu chuyên bán thông tin cá nhân khách hàng để trục lợi. Vì vậy, khi được đề nghị làm thẻ thành viên, khách hàng cần cân nhắc có thật sự cần thiết hay không, nếu không cần thiết tuyệt đối không tham gia để tránh lộ lọt thông tin cá nhân.
Khi thực hiện các giao dịch dân sự, đặc biệt là các hợp đồng kinh tế, giao dịch liên quan đến tài sản lớn… không nên in hoặc photocopy ở dịch vụ mà cần phải in bằng máy in cá nhân bởi vì tất cả các máy in, photocopy dịch vụ hiện nay đều có chế độ lưu giữ thông tin, rất dễ bị lộ thông tin cá nhân.
Không tùy tiện cung cấp thông tin cá nhân cho bất kỳ cá nhân, tổ chức nào khai thác qua điện thoại hoặc email
Không cho người khác mượn thẻ ATM, đứng tên tài khoản ngân hàng hộ người khác. Thực tế, do hám lợi, chưa nhận thức được tính chất nguy hiểm của hành vi phạm tội, nhiều đối tượng, chủ yếu là thanh niên đã mở nhiều tài khoản ở các ngân hành khác nhau hoặc nhờ người thân đứng tên chủ tài khoản sau đó dùng thể ATM đứng tên của hộ rút tiền chuyển cho các đối tượng thực hiện hành vi lừa đảo, chiếm đoạt tiền của nạn nhân.
Chỉ làm việc với cơ quan công an khi có thông báo về kế hoạch kiểm tra hoặc khi có giấy mời, giấy triệu tập hoặc làm việc trực tiếp với cán bộ Công an
Đối với lực lượng Công an, khi thực hiện công tác kiểm tra cơ quan, ban ngành, doanh nghiệp… cơ quan Công an sẽ lên lịch và kế hoạch kiểm tra, gửi thông báo bằng văn bản về nội dung, thời gian kiểm tra cho cơ quan, doanh nghiệp trước thời điểm kiểm tra 03 ngày làm việc; tuyệt đối không có trường hợp thông báo kiểm tra, thanh tra bằng điện thoại. Ngoài ra, cơ quan Công an có thể kiểm tra, thanh tra đột xuất khi phát hiện cơ quan, doanh nghiệp có vi phạm hoặc có dấu hiệu vi phạm pháp luật; có đơn khiếu nại, tố cáo của tổ chức, cá nhân về vi phạm pháp luật liên quan đến cơ quan, doanh nghiệp…
Vì vậy, chúng ta chỉ làm việc với cơ quan công an khi có thông báo về kế hoạch kiểm tra, thành tra hoặc khi có giấy mời, giấy triệu tập hoặc làm việc trực tiếp với cán bộ công an.
Khéo léo xử lý tình huống khi có nghi vấn đối tượng giả danh công an; tuyệt đối không chuyển khoản theo yêu cầu của đối tượng
Khi nghi vấn đối tượng giả danh công an, cần phải ghi âm lại toàn bộ cuộc gọi để cung cấp cho cơ quan chức năng, gợi mở cho đối tượng nói càng nhiều càng tốt, vì càng nói nhiều đối tượng càng bộc lộ sơ hở.
Khi đối tượng yêu cầu chuyển khoản để phục vụ điều tra, cần phải lấy lý do trì hoãn việc chuyển khoản vì chưa đủ tiền hoặc sợ người thân phát hiện… để cho đối tượng tin là thật. Yêu cầu đối tượng cung cấp thông tin tài khoản để chuyển khoản.
Ngay sau đó, phải thông báo ngay cho cơ quan Công an nơi gần nhất để xác minh làm rõ; tuyệt đối không thực hiện theo các yêu cầu của đối tượng như: cung cấp số tài khoản, địa chỉ cơ quan, doanh nghiệp hoặc chuyển tiền qua tài khoản mà chúng cung cấp./.
Nguồn: Công an Quảng Ngãi