Warning: include(/export/home2/WebData/baocongannghean//an-ninh-trat-tu/canh-giac/201811/canh-giac-voi-hanh-vi-mao-danh-can-bo-canh-sat-phong-chay-chua-chay-de-lua-dao-823690/index.txt): failed to open stream: No such file or directory in /export/home2/WebData/baocongannghean/index.php on line 72

Warning: include(): Failed opening '/export/home2/WebData/baocongannghean//an-ninh-trat-tu/canh-giac/201811/canh-giac-voi-hanh-vi-mao-danh-can-bo-canh-sat-phong-chay-chua-chay-de-lua-dao-823690/index.txt' for inclusion (include_path='.:/usr/local/php/lib/php') in /export/home2/WebData/baocongannghean/index.php on line 72
Cảnh giác với hành vi mạo danh cán bộ Cảnh sát phòng cháy chữa cháy để lừa đảo - Báo Công An Nghệ An điện tử
Thứ Tư, 14/11/2018, 08:42 [GMT+7]

Cảnh giác với hành vi mạo danh cán bộ Cảnh sát phòng cháy chữa cháy để lừa đảo

(Congannghean.vn)-Thời gian qua, tại một số địa phương xuất hiện tình trạng các đối tượng mạo danh là cán bộ Phòng Cảnh sát Phòng cháy chữa cháy và Cứu nạn cứu hộ (PCCC&CNCH) gọi điện thoại cho các chủ cơ sở, doanh nghiệp thuộc diện quản lý về PCCC để lừa đảo chiếm đoạt tài sản, ảnh hưởng nghiêm trọng đến uy tín của lực lượng Công an Nghệ An.

Các tài liệu về quy định PCCC mà đối tượng bán cho các cơ sở có giá thành cao gấp 5 - 7 lần so với thực tế
Các tài liệu về quy định PCCC mà đối tượng bán cho các cơ sở có giá thành cao gấp 5 - 7 lần so với thực tế

Qua theo dõi, thời gian gần đây, tại một số địa phương như TP Vinh, Yên Thành, Thanh Chương, Quỳnh Lưu, Hoàng Mai… xuất hiện tình trạng các đối tượng mạo danh là cán bộ Phòng Cảnh sát PCCC&CNCH, Công an tỉnh Nghệ An gọi điện thoại cho chủ các cơ sở thuộc diện quản lý về PCCC, nhất là các cơ sở kinh doanh xăng dầu, khí hóa lỏng, cơ quan, trường học… đặt vấn đề nhận trọn gói làm hồ sơ thẩm duyệt, nghiệm thu về PCCC; đề nghị chủ các cơ sở mua sách Luật PCCC để bổ sung vào hồ sơ quản lý, theo dõi hoạt động PCCC hoặc đề nghị các cơ quan, tổ chức, doanh nghiệp mua tài liệu phục vụ tập huấn nghiệp vụ PCCC với giá thành cao gấp nhiều lần… Điều đáng nói, các đối tượng không trực tiếp gặp mà chỉ thực hiện giao dịch qua điện thoại và dịch vụ bưu điện.

Vì tâm lý của các chủ cơ sở muốn hoàn thiện các hồ sơ, thủ tục giấy tờ đúng quy định hoặc các cơ quan, doanh nghiệp để đối phó với các đợt kiểm tra PCCC nên nhiều cơ sở đã “sập bẫy”. Thực tế tại các địa phương như Hoàng Mai, Quỳnh Lưu, Yên Thành, Thanh Chương, nhiều doanh nghiệp đã chuyển tiền cho đối tượng để mua sách Luật và tài liệu tập huấn với giá thành cao hơn 5 - 7 lần.

Anh Nguyễn Hữu Vịnh, Giám đốc Công ty TNHH xăng dầu Thảo Thắng (phường Quỳnh Thiện, TX Hoàng Mai), 1 nạn nhân của trò lừa đảo này cho biết: Lần đầu đối tượng gọi điện cho anh tự xưng là cán bộ Phòng Cảnh sát PCCC&CNCH Công an tỉnh, thông báo hiện có một số văn bản mới liên quan đến Luật PCCC yêu cầu anh mua để tìm hiểu. Anh Vịnh đồng ý mua và thanh toán gần 1.700.000 đồng với hình thức thanh toán qua bưu điện. Sau đó vài ngày, anh Vịnh có nhận được một số cuốn sách như đối tượng đã nói.

Lần thứ 2, đối tượng gọi điện tự xưng là lãnh đạo Công an tỉnh, nói rằng mấy hôm trước có cán bộ địa bàn đã gọi điện giới thiệu các tài liệu, văn bản, quy định mới nên thúc giục anh mua thêm. Lần này anh Vịnh có chút nghi ngờ nên đã đề nghị để anh trực tiếp vào TP Vinh mua nhưng đối tượng này từ chối và nói chỉ cần chuyển tiền qua bưu điện thì sẽ gửi tài liệu về. Mặc dù nghi ngờ nhưng thấy đối tượng đã gửi tài liệu nên anh Vịnh vẫn đồng ý tiếp tục gửi tiền cho đối tượng. Tổng cộng 2 lần mua sách hết hơn 3 triệu đồng. Tuy nhiên, lần này anh Vịnh không nhận được hàng nên đã gọi điện cho lực lượng Cảnh sát PCCC kiểm tra.

Anh Vịnh chỉ là 1 trong rất nhiều nạn nhân đã “sập bẫy” trò lừa đảo của các đối tượng bày ra. Thời gian qua, trên địa bàn cả nước nói chung và tỉnh Nghệ An nói riêng xảy ra nhiều vụ cháy lớn, gây thiệt hại về người và tài sản. Bộ Công an đã chỉ đạo Công an các tỉnh, thành tăng cường công tác kiểm tra, xử lý các trường hợp vi phạm quy định về PCCC. Lợi dụng điều này, các đối tượng đã đánh vào tâm lý các chủ cơ sở, doanh nghiệp muốn hoàn thiện các hồ sơ PCCC theo đúng thủ tục pháp lý. Vì vậy, chúng đã mạo danh cán bộ Phòng Cảnh sát PCCC&CNCH để thực hiện hành vi lừa đảo chiếm đoạt tài sản.

Thượng tá Nguyễn Đình Hạnh, Phó Trưởng phòng Cảnh sát PCCC&CNCH Công an tỉnh cho biết: Các đối tượng là người am hiểu các quy định pháp luật về PCCC, nắm bắt tâm lý của các chủ cơ sở, doanh nghiệp. Thủ đoạn của đối tượng vô cùng tinh vi. Ban đầu là điện thoại cho chủ cơ sở hướng dẫn, nhắc nhở các hồ sơ liên quan đến PCCC, sau đó thông báo sắp tới có kế hoạch thanh, kiểm tra điều kiện an toàn về PCCC hoặc mở lớp tập huấn nghiệp vụ về PCCC, đề nghị chủ cơ sở mua các tài liệu, văn bản pháp luật mới bổ sung vào hồ sơ quản lý, theo dõi hoạt động PCCC, mua tài liệu phục vụ tập huấn... Trung bình mỗi hồ sơ, tài liệu như vậy có giá từ 1 - 3 triệu đồng. Do số tiền không nhiều nên các chủ cơ sở không hề nghi ngờ mà đều sẵn sàng chi tiền để giao dịch. Ban đầu đối tượng vẫn gửi sách, tài liệu cho các chủ cơ sở, tuy nhiên, sau này thì không.

Qua công tác theo dõi, nhận được tin báo của một số chủ cơ sở, để chủ động phòng ngừa, ngăn chặn hành vi lừa đảo tài sản, trong thời gian qua, lực lượng Cảnh sát PCCC&CNCH đã tổ chức tuyên truyền, hướng dẫn đến chủ các cơ sở thuộc diện quản lý về PCCC và các cơ quan, doanh nghiệp, trường học trên địa bàn về các quy định pháp luật về PCCC cũng như phương thức, thủ đoạn hoạt động của các đối tượng để người dân nâng cao cảnh giác.

Nhận thấy hành vi của mình nguy cơ bị lộ nên các đối tượng chuyển hướng hoạt động sang các cơ sở kinh doanh nhỏ lẻ, không thuộc diện quản lý PCCC. Cũng với phương thức, thủ đoạn trên, nhiều cơ sở đã chi từ 1 - 2 triệu đồng để đối tượng lo liệu các hồ sơ, thủ tục liên quan đến PCCC. Bên cạnh đó, đối tượng còn nhắm vào các cơ sở chuẩn bị kinh doanh xăng dầu, khí hỏa lỏng cần làm hồ sơ thẩm duyệt, nghiệm thu về PCCC. Đơn cử như doanh nghiệp tư nhân Thư Hường ở xã Mã Thành, huyện Yên Thành, đang làm thủ tục kinh doanh xăng dầu thì nhận được điện thoại của 1 người phụ nữ xưng tên là Mai Lan, cán bộ Cảnh sát PCCC có số điện thoại là 0962.856.000 để yêu cầu làm hồ sơ.

Đây là hành vi lừa đảo chiếm đoạt tài sản, mặc dù chưa gây thiệt hại lớn về tài sản nhưng ảnh hưởng nghiêm trọng đến uy tín của lực lượng Công an. Trước tình trạng này, trao đổi với phóng viên, Thượng tá Nguyễn Đình Hạnh đề nghị chủ các cơ sở cũng như người dân cần hết sức cảnh giác với các hoạt động mạo danh cán bộ Cảnh sát PCCC; khi có dấu hiệu nghi ngờ cần điện thoại cho cơ quan Công an gần nhất để kiểm tra, ngăn chặn các đối tượng này. Hằng năm, lực lượng Cảnh sát PCCC đều có công văn thông báo đến chủ cơ sở thuộc diện quản lý PCCC về cán bộ địa bàn phụ trách. Vì vậy, khi có các hoạt động liên quan đến PCCC, chủ cơ sở nên gọi điện, làm việc trực tiếp với cán bộ địa bàn.

Ngoài ra, mọi thủ tục hành chính liên quan đến các hồ sơ quy định về PCCC đều được giao dịch tại “Bộ phận một cửa liên thông” UBND tỉnh và “Bộ phận một cửa” của Phòng Cảnh sát PCCC&CNCH (xóm 3, xã Nghi Ân, TP Vinh), tuyệt đối không làm việc qua điện thoại.

Để chủ động phòng ngừa, ngăn chặn, đấu tranh hiệu quả với các hành vi lừa đảo chiếm đoạt tài sản, lãnh đạo Công an tỉnh đã ban hành công văn yêu cầu Công an các đơn vị, địa phương tổ chức làm tốt công tác tuyên truyền, thông báo phương thức, thủ đoạn, hành vi của các đối tượng nhằm nâng cao ý thức cảnh giác cho các cơ quan, doanh nghiệp, nhân dân; kiên quyết không để các đối tượng thực hiện các hành vi phạm tội và vi phạm pháp luật làm ảnh hưởng đến uy tín của ngành Công an.

 

.

Huyền Thương

.