Warning: include(/export/home2/WebData/baocongannghean//an-ninh-trat-tu/canh-giac/201811/canh-bao-toi-pham-gia-danh-cong-an-de-lua-dao-821755/index.txt): failed to open stream: No such file or directory in /export/home2/WebData/baocongannghean/index.php on line 72

Warning: include(): Failed opening '/export/home2/WebData/baocongannghean//an-ninh-trat-tu/canh-giac/201811/canh-bao-toi-pham-gia-danh-cong-an-de-lua-dao-821755/index.txt' for inclusion (include_path='.:/usr/local/php/lib/php') in /export/home2/WebData/baocongannghean/index.php on line 72
Cảnh báo tội phạm giả danh Công an để lừa đảo - Báo Công An Nghệ An điện tử
Thứ Sáu, 02/11/2018, 09:05 [GMT+7]

Cảnh báo tội phạm giả danh Công an để lừa đảo

(Congannghean.vn)-Báo Công an Nghệ An đã nhiều lần phản ánh chi tiết chiêu trò lừa đảo qua điện thoại khi những kẻ giả danh Công an gọi điện “dọa” nạn nhân có liên quan đến tội phạm ma tuý, đường dây rửa tiền hoặc các hoạt động phạm pháp khác do chúng tự bịa đặt ra, rồi yêu cầu nạn nhân phải di chuyển vào TP Hồ Chí Minh để làm việc. Tuy nhiên, do nhẹ dạ cả tin, một số người dân vẫn bị các đối tượng lừa đảo chiếm đoạt một khoản tiền không nhỏ.

Cán bộ điều tra Phòng Cảnh sát Hình sự Công an Nghệ An lấy lời khai 2 đối tượng giả danh Công an lừa đảo chiếm đoạt hàng tỉ đồng
Cán bộ điều tra Phòng Cảnh sát Hình sự Công an Nghệ An lấy lời khai 2 đối tượng giả danh Công an lừa đảo chiếm đoạt hàng tỉ đồng

Mới đây nhất, vào ngày 30/10/2018, Phòng Cảnh sát Hình sự (CSHS) Công an Nghệ An nhận được đơn tố giác tội phạm của bà N.T.T. trú tại TP Vinh về việc bà bị các đối tượng lừa đảo chiếm đoạt 127 triệu đồng.

Theo đó, vào ngày 20/7/2018, một số đối tượng sử dụng số điện thoại 840028113 gọi vào điện thoại  di động của bà T. tự xưng là Công an và thông báo bà sẽ bị bắt vào TP Hồ Chí Minh theo giấy triệu tập của cơ quan Công an. Các đối tượng đe doạ bà mua bán trái phép chất ma tuý, sim thẻ điện thoại và rửa tiền hàng tỉ đồng. Bên cạnh đó, đối tượng còn khai thác các thông tin cá nhân của bà T. như CMND, số thẻ ngân hàng, tài khoản, tiền gửi ngân hàng rồi yêu cầu chuyển 127 triệu đồng vào Ngân hàng Techcombank tại Lạng Sơn. Do lo lắng liên quan đến pháp luật nên bà T. đã rút tiền tiết kiệm và chuyển khoản cho các đối tượng.

Đến thời gian gần đây, khi các phương tiện thông tin đại chúng thông báo về việc cơ quan Công an bắt giữ 5 đối tượng lừa đảo bằng công nghệ cao tại Lạng Sơn và TP Hồ Chí Minh thì bà T. giật mình nghĩ lại thấy sự việc giống như mình đã từng mắc phải nên đã làm đơn tố giác tội phạm lên cơ quan điều tra.

Thiếu tá Hà Huy Đức, Đội trưởng Đội Phòng chống tội phạm công nghệ cao, Phòng CSHS cho biết, thời điểm giữa năm 2017, đơn vị liên tiếp nhận được đơn tố giác tội phạm về hành vi giả danh Công an, giả danh nhà mạng viễn thông để lừa đảo chiếm đoạt tài sản. Tuy nhiên, sau đó, Phòng CSHS đã triệt xoá nhiều đường dây chuyên giả danh Công an, mạng viễn thông để lừa đảo chiếm đoạt tài sản; đồng thời, phối hợp với các cơ quan truyền thông tăng cường công tác tuyên truyền cho người dân nên không còn nhận được phản ánh nào về việc bị lừa đảo. Sau một thời gian im ắng thì gần đây, các đối tượng đã bắt đầu hoạt động trở lại với các phương thức tinh vi hơn.

Cũng trong tháng 10/2018, mạng viễn thông VNPT đã gửi cho Phòng CSHS bảng danh sách các số điện thoại bàn có hoạt động gọi đến cho khách hàng của nhà mạng để đe doạ, đòi nợ cước viễn thông. Tuy nhiên, do khách hàng cảnh giác cao nên không bị mắc bẫy, sau đó họ đã phản ánh đến nhà mạng. Chỉ duy nhất trường hợp của bà T. vì nhẹ dạ cả tin nên đã “sập bẫy”. Hiện, cơ quan chức năng đang phối hợp với các đơn vị khác để tiến hành điều tra, làm rõ.

Hiện nay, các đối tượng không chỉ dừng lại ở mức độ đe doạ nạn nhân có hành vi liên quan đến pháp luật mà còn doạ dẫm bằng “lệnh tạm giam” giả mạo. Cụ thể, vào ngày 21/5, 1 người phụ nữ (45 tuổi) ở TP Hà Nội nhận cuộc điện thoại thông báo có 1 bưu phẩm gửi từ TP Hồ Chí Minh nhưng vì lý do nào đó nên bưu phẩm không thể gửi đến người nhận như dự định. Từ bưu phẩm “lạ” này, nhân viên tổng đài cho biết, chị sẽ phải trao đổi với “Công an TP Hồ Chí Minh” để làm rõ rồi tiến hành chuyển máy. Một lúc sau, có người tự xưng là Công an ở TP Hồ Chí Minh trao đổi, dọa nạt rằng chị có liên quan đến đường dây rửa tiền cho nhóm tội phạm ma túy và sẽ bị bắt tạm giam. Sau đó, người này chuyển máy cho chị gặp “Viện trưởng Viện Kiểm sát nhân dân TP Hồ Chí Minh”.

Để tăng sự tin tưởng nhằm khiến nạn nhân hoảng sợ, hoang mang, nhóm lừa đảo còn gửi 1 tờ “lệnh tạm giam” giả mạo, trong đó ghi rõ họ tên, ngày tháng năm sinh, số CMND, địa chỉ của nạn nhân. Tuy nhiên, người phụ nữ này đã tỉnh táo trước chiêu trò lừa đảo nên đã không chuyển tiền cho đối tượng.

Cũng theo Thiếu tá Hà Huy Đức, từ vụ việc của bà N.T.T. và danh sách số điện thoại lừa đảo được nhà mạng VNPT cung cấp cho Phòng CSHS cho thấy, các đối tượng lừa đảo vẫn đang tiếp tục chiêu trò cũ nhằm giăng bẫy những người nhẹ dạ cả tin. Chính vì thế, lực lượng chức năng mong muốn người dân hết sức cảnh giác trước những cuộc điện thoại có đuôi số 113 (số ảo) hoặc các cuộc gọi từ máy bàn đe doạ đòi tiền cước viễn thông. Khi nhận được những cuộc gọi có nội dung tương tự cần thông báo cho gia đình, người thân và cơ quan chức năng để tránh “sập bẫy” các đối tượng lừa đảo.

.

Nhật Minh

.