Cảnh giác
Cảnh báo tình trạng trộm cắp, làm giả giấy tờ tiêu thụ xe gian
Trộm cắp xe máy hay mua xe máy trộm cắp rồi về làm giả giấy tờ, sau đó mang đi cầm cố; một số băng nhóm ở TP HCM đã lừa hàng loạt tiệm cầm đồ với số tiền lên tới hàng trăm triệu đồng. Kẻ gian lắm chiêu trò, trong khi các chủ tiệm cầm đồ phải ôm cả đống xe máy không chính chủ và hậu quả đằng sau đó kéo theo nhiều hệ lụy…
Triệt phá đường dây mua xe gian và làm giấy tờ giả quy mô lớn
Ngày 24-8-2018, Công an quận Tân Bình, TP Hồ Chí Minh triệt phá một băng nhóm chuyên trộm xe rồi làm giả giấy tờ đem đến các tiệm cầm đồ cầm cố.
Theo Công an quận Tân Bình, vào sáng ngày 2-8, chị Lê Phạm Huy Châu (24 tuổi, tạm trú tại một nhà trọ phường 3, quận Tân Bình) đã đến Công an phường 3, quận Tân Bình trình báo vụ việc lúc 22 giờ đêm ngày 1-8, chị điều khiển xe máy tay ga Vision BKS: 75K1-267.37 về phòng trọ. Nhưng đến sáng hôm sau chị Châu phát hiện chiếc xe đã không cánh mà bay.
Tiếp nhận vụ việc, cơ quan Công an vào cuộc và ngày 3-8, đã bắt giữ khẩn cấp hai đối tượng: Quách Kim Uyên (24 tuổi, ngụ quận 3) và Tô Ngọc Quang (17 tuổi, quê Đắk Nông, sống lang thang) để điều tra về hành vi trộm cắp tài sản.
Tại cơ quan Công an, Quyên khai do quen biết một cô gái ở xóm trọ và hay qua ngủ lại nên nắm quy luật hoạt động ở đây và nảy sinh ý định trộm cắp. Trưa 1-8, khi được người bạn ở xóm trọ giao chìa khóa nhờ mua cơm, Quyên đi đánh thêm một chìa khóa cổng để chờ cơ hội trộm cắp. Do lo sợ trong xóm trọ có camera và có người biết mặt nên Quyên ra cầu số 7 kênh Nhiêu Lộc - Thị Nghè tìm gặp Quang để mướn đi ăn trộm… với giá 500.000 đồng.
Khuya 1-8, Uyên và Quang đến xóm trọ. Uyên đưa chìa khóa để đồng bọn vào bên trong trộm xe. Trước đó, Uyên đã liên lạc với Trần Ngọc Hùng (25 tuổi, ngụ quận 3) để liên hệ bán xe. Điều đáng nói, Hùng biết là xe ăn cắp nhưng vẫn đồng ý tới điểm hẹn để mua bán.
Sau khi xem xe, Hùng trả giá 10 triệu đồng và đưa trước cho Uyên 5 triệu, hẹn đến 16 giờ hôm sau sẽ đưa hết số tiền còn lại. Tuy nhiên sau đó, Hùng chỉ đưa thêm cho Uyên 3,8 triệu đồng.
Và đúng như thỏa thuận, Uyên đã chi trả cho Quang 500.000 đồng. Chiếc xe sau đó được đưa về nhà Hùng để cất giấu. Hôm sau, Hùng lên mạng Facebook với tài khoản "Trần Hùng" rao bán chiếc xe với giá 14,5 triệu đồng.
Số phương tiện được Công an quận Tân Bình thu hồi. |
Cơ quan điều tra nhanh chóng xác định được người đã liên hệ với Hùng qua mạng xã hội để mua chiếc xe này là Phạm Ngọc Sơn (28 tuổi, ngụ Hóc Môn). Theo đó, Sơn từng làm tiệm game bắn cá nên quen biết với Lê Xuân Hiệp (25 tuổi, ngụ quận Phú Nhuận). Trưa 4-8, cả hai hẹn Hùng ra chợ Hòa Hưng giao dịch mua bán xe trộm cắp này với giá 12,5 triệu đồng bằng tiền của Hiệp.
Sau khi mua được xe, Sơn đã lên mạng xã hội liên hệ với Bùi Vũ Hoàng (27 tuổi, ngụ quận Thủ Đức) qua tài khoản Facebook là "Khói Trắng" (hoặc bạn của Hoàng là Nguyễn Đăng Khoa (25 tuổi, ngụ quận Bình Thạnh) chuyên làm giấy tờ giả); Sơn đặt Hoàng làm giả hồ sơ giấy tờ xe với giá 2,8 triệu đồng.
Đến trưa 7-8, khi đã có giấy tờ "hợp pháp" từ Hoàng, Hiệp đã mang chiếc xe Vision này giao cho hai đàn em (chưa xác định được lai lịch) tới một tiệm cầm đồ ở quận Bình Thạnh và cầm xe được với giá 25 triệu đồng.
Theo lời khai của các đối tượng thì Hoàng và Khoa là bạn thân. Để làm giả giấy tờ đăng ký xe, CMND, Hoàng lấy giấy đăng ký thật ra làm mẫu rồi làm giấy giả. Khách đặt hàng giấy tờ giả sẽ báo cho Hoàng biết các thông tin để Hoàng đánh lên máy vi tính. Còn Khoa khai phụ giúp việc làm giả giấy tờ cho Hoàng bằng cách cắt và ép plastic giấy CMND giả, giấy đăng ký xe giả sau khi Hoàng làm xong.
Trong khi đó, Hiệp cùng Sơn tham gia mua xe gian thông qua các nguồn trên mạng Facebook, đồng thời nhận các bộ hồ sơ giấy tờ xe giả do nhóm Hoàng làm và trực tiếp mang xe và hồ sơ giả đi cầm cố hoặc nhờ đối tượng khác đi cầm cố.
Ngoài chiếc xe Vision bị mất kể trên, cơ quan điều tra xác định nhóm Sơn, Hiệp đã mua 17 chiếc xe máy không giấy tờ, thuê Hoàng làm giả rồi thế chấp tại các tiệm cầm đồ với giá cao.
"Hiện đã xác định, thu thập được 10 bộ hồ sơ cùng xe máy thế chấp tại tiệm cầm đồ; qua đó xác định có ba xe bị mất trộm tại khu vực quận 1, quận 3, TP. Hồ Chí Minh và tỉnh Đắk Lắk", một cán bộ điều tra cho biết thêm.
Điều đáng nói, Hoàng khai nhận trong khoảng sáu tháng đã làm giả đến 150 bộ giấy tờ đăng ký xe, thu lợi số tiền khoảng 250 triệu đồng. Hiện hơn 30 xe máy có liên quan đến đường dây này đã được cơ quan Công an tạm giữ để phục vụ điều tra.
Từ những chứng cứ thu thập được, Cơ quan CSĐT Công an quận Tân Bình đã bắt khẩn cấp Trần Ngọc Hùng, Phạm Ngọc Sơn, Lê Xuân Hiệp để điều tra về hành vi tiêu thụ tài sản do người khác phạm tội mà có. Bùi Vũ Hoàng, Nguyễn Đăng Khoa bị bắt để điều tra làm rõ về hành vi làm giả con dấu, tài liệu của cơ quan, tổ chức.
Với thủ đoạn tương tự, cách đây gần hai tháng, Phòng Cảnh sát hình sự Công an TP Hồ Chí Minh cũng đã triệt phá một đường dây tiêu thụ xe gian quy mô lớn do đối tượng Nguyễn Hoài Nhân (tự Phúc, 30 tuổi, ngụ quận Bình Tân) cầm đầu. Đường dây này chuyên thu mua xe của các băng nhóm trộm cắp chuyên nghiệp, trong đó có nhiều băng trộm nổi tiếng ở nhiều tỉnh thành rồi đưa đi tiêu thụ một cách tinh vi.
Kết quả điều tra cho thấy, để tiêu thụ những chiếc xe được xem là có nguồn gốc không hợp pháp, băng nhóm của Nhân đã không từ thủ đoạn nào, thậm chí là làm giả cả CMND, giấy tờ xe để lừa các tiệm cầm đồ.
Trộm cắp, tiêu thụ xe gian diễn biến phức tạp
Một đường dây tiêu thụ xe máy trộm cắp rồi tiêu thụ chủ yếu bằng cách đưa sang Campuchia do một phụ nữ cầm đầu cũng vừa bị Công an quận Thủ Đức (TP. Hồ Chí Minh) triệt phá ngày 22-7-2018.
Theo đó, cơ quan CSĐT Công an quận Thủ Đức đã tạm giữ hình sự 9 đối tượng gồm: Bùi Thị Thương (38 tuổi), Võ Minh Tài (19 tuổi), Nguyễn Thị Huỳnh Trang (20 tuổi), Trần Hữu Duy (18 tuổi), Phan Văn Trí (36 tuổi, cùng quê tỉnh Long An), Phạm Thị Hồng (24 tuổi, quê Tây Ninh), Lê Hoàng Vương (24 tuổi, ngụ quận Thủ Đức), Quách Văn Bé (29 tuổi, quê Bạc Liêu) và Phạm Văn Ngọc (22 tuổi, quê tỉnh Quảng Bình). Đây là các đối tượng trong đường dây đưa xe gian sang Campuchia tiêu thụ do "nữ quái" Thương cầm đầu.
Kết quả điều tra ban đầu cho thấy, Thương không trực tiếp mua bán xe máy của các đối tượng trộm cắp mà thuê em chồng là Trí và Hồng đứng ra giao dịch. Theo đó, khi Trí có mối bán xe gian hoặc có khách đến bán xe thì chúng hẹn gặp tại bãi xe thuộc khu lưu trú công nhân trên địa bàn phường Linh Trung, quận Thủ Đức. Tại đây, khi mua được xe, Thương giao lại cho Hồng trông giữ. Người bán xe sẽ trả cho Hồng 200.000 đồng/chiếc; ngoài ra đối tượng này còn được Thương trả thêm tiền công giữ xe.
Sau đó, Thương cho đàn em là Tài và Trang đến bãi giữ xe nói trên đưa xe về Long An giao lại cho một người tên Ron (quốc tịch Campuchia, chưa rõ lai lịch) với tiền công là 600.000 đồng/chiếc. Mỗi chiếc xe bán lại, Thương thu lời từ 2-4 triệu đồng, tùy loại. Ngoài ra, Thương còn thuê Vương và Bé với vai trò tương tự, mỗi chiếc xe mua được, Thương sẽ trả 300.000 đồng tiền công cho Vương và Bé.
Các đối tượng trộm cắp và tiêu thụ xe gian bị Công an quận Tân Bình bắt giữ. |
Sau quá trình điều tra, nắm bắt được phương thức hoạt động của đường dây này, sáng ngày 16-7, các Trinh sát hình sự Công an quận Thủ Đức đã ập vào bãi xe bắt quả tang Trí, Thương, Hồng cùng nhiều chiếc xe không rõ nguồn gốc. Chiều cùng ngày, cơ quan Công an tiếp tục bắt giữ các đối tượng còn lại là Vương, Tài, Bé và Trang.
Theo lời khai ban đầu của các đối tượng, mỗi ngày có hàng chục chiếc xe máy trộm cắp, không rõ nguồn gốc được các đối tượng mang đến chỗ của Thương để tiêu thụ…
Có thể nói, qua các vụ việc kể trên đã cho thấy việc trộm cắp, làm giả giấy tờ, tài liệu để tiêu thụ xe gian đang diễn biến rất phức tạp và nhiều hệ lụy. Riêng việc các tiệm cầm đồ có thể đang "ôm" cả trăm chiếc xe máy không giấy tờ, giấy tờ giả, mua bán qua nhiều đời chủ nhưng không sang tên đã khiến nhiều chủ tiệm "ngậm bồ hòn làm ngọt". Bởi giữ lại xe thì rất dễ gặp rủi ro, dính đến pháp luật còn tìm cách bán tháo đi thì chắc chắn lỗ to…
Trước tình hình phức tạp kể trên, Công an TP. Hồ Chí Minh đã cảnh báo việc trộm cắp xe máy chỉ mất từ 5-10 giây là các đối tượng đã có thể vô hiệu hóa các loại khóa bảo vệ xe máy. Hiện nay, nạn trộm cắp xe máy không chỉ đơn lẻ, chúng còn kết thành băng nhóm, lập đường dây khép kín, từ trộm cắp đến làm giả giấy tờ và tiêu thụ; đặc biệt là mang qua thị trường Campuchia tiêu thụ.
Qua kết quả những chuyên án đã khám phá, có thể thấy, các đối tượng trộm cắp thường lợi dụng sơ hở của nạn nhân sau khi lấy được xe máy trong chớp nhoáng, chúng dùng các thủ đoạn tinh vi, xảo trá như làm giả giấy chứng nhận đăng ký xe, gắn biển số xe giả… rồi đem đi cầm ở các tiệm cầm đồ, mang qua Campuchia tiêu thụ hay lợi dụng sự thiếu hiểu biết, hoặc tâm lý nhiều người "ham rẻ" để bán xe gian.
Để hạn chế tình trạng trên, cơ quan Công an cần thực hiện nghiêm túc, đồng bộ các giải pháp phòng, chống tội phạm trộm cắp tài sản, tập trung công tác tuyên truyền, giáo dục nhằm nâng cao ý thức tự bảo vệ tài sản của người dân; vận động người dân tích cực tham gia tố giác tội phạm; triển khai thực hiện tốt các biện pháp nghiệp vụ và phát huy hiệu quả công tác tuần tra để phòng, chống tội phạm trộm cắp tài sản ở các tuyến, địa bàn trọng điểm…
Ngoài ra, cần hướng dẫn, khuyến khích người dân tự trang bị các thiết bị phòng, chống trộm như khóa phụ, thiết bị báo động… cho chiếc xe của mình. Với người mua bán xe máy, cần đến cơ quan đăng ký xe gần nhất để được hướng dẫn về các thủ tục giấy tờ mua bán xe cũng như xác minh làm rõ nguồn gốc xe trước khi mua bán, tránh mua nhầm xe gian, vừa mất tiền còn chịu ảnh hưởng về mặt pháp lý.
Nguồn: Phú Lữ/Báo CAND