Cảnh giác

Nỗi lo tiền ảo Onecoin

10:49, 21/08/2018 (GMT+7)

TIN LIÊN QUAN

(Congannghean.vn)-Sau đồng tiền ảo Bitcoin, Hcoin…, vài năm trở lại đây, trên địa bàn tỉnh Nghệ An đã xuất hiện thêm đồng tiền ảo Onecoin. Cũng như các loại tiền ảo khác, Onecoin không phải là một loại đồng tiền có sẵn, mặc dù chưa được bất kỳ cơ quan chức năng nào thừa nhận, song thời gian qua, nhiều doanh nghiệp đã âm thầm tổ chức nhiều cuộc “hội thảo” để lôi kéo người chơi, tiềm ẩn rủi ro cao và nhiều hệ lụy.

 1 công ty đầu tư tiền ảo lôi kéo người chơi thông qua chiêu trò chấp nhận thanh toán cà phê bằng tiền ảo Onecoin
1 công ty đầu tư tiền ảo lôi kéo người chơi thông qua chiêu trò chấp nhận thanh toán cà phê bằng tiền ảo Onecoin

Đầu tư tiền ảo, mất tiền thật

Cách đây khoảng 3 tháng, chị N.N.T. (SN 1974) trú tại phường Hưng Dũng, TP Vinh - một nạn nhân của đồng tiền ảo Onecoin - tá hỏa khi phát hiện tài khoản mà bản thân chị này được tạo ra để tham gia Onecoin bị hacker, đồng nghĩa với việc toàn bộ số tiền (nếu có) từ đầu tư tiền ảo trong suốt 2 năm qua bị mất trắng mà chẳng biết kêu ai.

Theo lời kể của chị T., năm 2016, nghe theo lời rủ rê của 1 người bạn từ TP Hồ Chí Minh về TP Vinh tổ chức hội thảo về tiền ảo Onecoin, chị bắt đầu tìm hiểu và đầu tư vào tiền ảo. Cho rằng “không phải làm gì nhưng vẫn có tiền”, chị T. giấu chồng, đầu tư hơn 20 triệu đồng từ những đồng lương ít ỏi vào Onecoin - một loại tiền ảo vừa xuất hiện ở Việt Nam. Tuy nhiên, sau 1 đêm thức dậy, tài khoản của chị T. bị đánh cắp toàn bộ dữ liệu, số tiền đầu tư hàng chục triệu đồng trong thời gian dài mất trắng.

Được biết, trường hợp của chị N.N.T. không phải là cá biệt, duy nhất ở Nghệ An. Hiện nay, mặc dù không rầm rộ như Hà Nội hay TP Hồ Chí Minh nhưng trên địa bàn tỉnh đang có hàng trăm người đầu tư vào tiền ảo, trong đó có không ít người đã phải lâm vào cảnh nợ nần vì mất trắng tiền.

Vài năm gần đây, nhiều doanh nghiệp có trụ sở tại TP Hồ Chí Minh, Hà Nội… đã âm thầm tới Nghệ An để tổ chức hội thảo, lôi kéo người dân tham gia đầu tư vào tiền ảo, đặc biệt là loại tiền ảo Onecoin. Loại tiền có xuất xứ từ Bulgaria, với giá trị mà những người chơi tự mặc định, mỗi đồng khoảng 0,2 euro này hoạt động theo hình thức đa cấp, người chơi sẽ có được một khoản “hoa hồng” nếu lôi kéo được người tham gia. Thậm chí, theo nguồn tin mà phóng viên có được, hiện nay tại Nghệ An đang có 1 nhóm người do H.T.N. (SN 1983) trú tại TP Vinh làm trưởng nhóm, thường xuyên la cà ở các quán ăn, café để tiếp xúc, lôi kéo người dân tham gia.

Các cuộc hội thảo được tổ chức ở các khách sạn lớn như Mường Thanh Phương Đông, Giao Tế, Vinh Plaza, Mường Thanh Cửa Lò… với hàng trăm người dân tham dự. Tại những cuộc hội thảo này, người của công ty thường dùng những lời lẽ “mật ngọt” để giới thiệu về lịch sử đồng tiền ảo, về nhu cầu thanh toán điện tử thay thế tiền giấy, giới thiệu về những người thành công khi tham gia đầu tư vào tiền ảo trên địa bàn Nghệ An. Sau đó, nếu có người tham gia, họ sẽ hướng dẫn cách tạo tài khoản, cách đầu tư.

Trên địa bàn tỉnh, phần lớn người chơi tiền ảo tập trung ở các địa phương như TP Vinh, Nghi Lộc, Hưng Nguyên, Quỳnh Lưu… Có những người đang đầu tư hàng tỉ đồng vào tiền ảo, đặc biệt là Onecoin. Đại tá Ngô Xuân Đề, Trưởng phòng An ninh Kinh tế Công an tỉnh Nghệ An cho biết, trên thực tế thì không được phép nhưng cũng không có văn bản nào cấm các hoạt động này. Vì vậy, sau khi nhận được thông tin các công ty tổ chức hội thảo ở khách sạn, cũng chỉ có thể đẩy đuổi họ mà không thể xử lý.

Người dân cần cảnh giác

Cũng theo Đại tá Đề, việc sở hữu, mua bán, sử dụng các loại tiền ảo như là một loại tài sản tiềm ẩn rất nhiều rủi ro cho người dân và không được pháp luật bảo vệ. Tuy nhiên, các quy định hiện hành vẫn chưa có chế tài xử lý đối với hoạt động hội thảo, kinh doanh, sử dụng tiền ảo. Việc khung pháp lý về tiền ảo chưa hoàn thiện gây khó khăn cho hoạt hoạt động quản lý.

“Sau khi nộp một khoản tiền lớn để được tham gia và giao dịch trên hệ thống, nhiều người đã trắng tay vì không mời gọi được thành viên mới hoặc không được hệ thống chuyển từ tiền ảo qua tiền thật. Ngoài ra, các đồng tiền ảo có nguy cơ cao bị  hacker tấn công, đánh cắp dữ liệu hoặc bị ngừng giao dịch. Người tham gia tiền ảo dễ bị hack tài khoản, nhưng khi gặp rủi ro hoặc tranh chấp sẽ không được pháp luật bảo vệ. Hoạt động kinh doanh tiền ảo không chỉ gây thiệt hại về tài chính mà còn tạo ra sự mất đoàn kết trong nội bộ người dân, khi những người thân, bạn bè cùng lôi kéo nhau. Thời gian qua, Công an Nghệ An đã tham mưu cho chính quyền các địa phương tăng cường tuyên truyền, vận động người dân không tham gia kinh doanh tiền ảo”, Trưởng phòng An ninh Kinh tế Công an tỉnh Nghệ An khuyến cáo.

Trong khi đó, bà Nguyễn Thị Thu Thu, Giám đốc Ngân hàng Nhà nước Chi nhánh Nghệ An cho rằng, theo các quy định của pháp luật hiện hành về tiền tệ và ngân hàng, các loại tiền ảo không phải là tiền tệ và không phải là phương tiện thanh toán hợp pháp tại Việt Nam. Do vậy, việc sử dụng tiền ảo làm phương tiện thanh toán không được pháp luật thừa nhận và bảo vệ. Các tổ chức tín dụng không được phép sử dụng tiền ảo như một loại tiền tệ để cung cấp dịch vụ cho khách hàng. Các giao dịch bằng đồng tiền ảo có tính “ẩn danh” cao, thanh toán không qua hệ thống ngân hàng, không được kiểm soát nên tội phạm dễ lợi dụng để hoạt động rửa tiền, mua bán ma túy, trốn thuế, giao dịch, thanh toán bất hợp pháp. Không chỉ Việt Nam, hiện nay nhiều quốc gia trên thế giới cũng đã ra văn bản không chấp nhận tiền ảo là phương tiện thanh toán hợp pháp và đưa ra nhiều cảnh báo rủi ro tới người dân.

Thiện Thành

Các tin khác