(Congannghean.vn)-Fake news (hay còn gọi là tin tức giả mạo, tin đồn hay tin vịt) vốn không phải là khái niệm mới. Tuy nhiên, trong nhiều năm trở lại đây, lợi dụng sự phát triển mạnh mẽ của các trang mạng xã hội, “đất sống” của fake news được mở rộng không gian hoạt động, gây tác động không nhỏ đến công tác đảm bảo ANTT.
Thông tin máy bay rơi từng khiến cộng đồng hoang mang thực ra là một nội dung bịa đặt |
Việt Nam sắp đổi tiền, Ebola xuất hiện, rơi máy bay ở sân bay Nội Bài…, những thông tin động trời đã từng khiến không ít người hoang mang. Thế nhưng, khi tìm hiểu, nhiều người mới vỡ lẽ khi mình trở thành nạn nhân của tin đồn nhảm trên các trang mạng xã hội. Những thông tin trên vô hình chung khiến mọi người có thêm cái nhìn tiêu cực về xã hội hiện tại. Còn nhớ cách đây không lâu, thông tin về việc bắt cóc trẻ con lấy nội tạng từng khiến cộng đồng mạng, nhất là các bậc phụ huynh lo lắng đứng ngồi không yên. Để tăng thêm độ tin cây của thông tin, nhiều trang còn trích dẫn các ảnh, các video đi kèm. Từ đó, người dân càng có thái độ kích động, thiếu kiểm soát bản thân.
Điển hình, vào giữa năm 2017, mạng xã hội Facebook lan truyền với tốc độ chóng mặt clip người dân vây bắt 1 người phụ nữ vì cho rằng người này có hành vi bắt cóc trẻ em trên địa bàn huyện Nam Đàn. Trong clip, 1 người đàn ông ngồi đè lên người phụ nữ, kề con dao nhọn gần cổ rồi bắt đầu tra hỏi người này về việc bắt cóc trẻ em như thế nào, đã bắt được bao nhiêu người. Qua xác minh làm rõ, người đàn bà này tên là Nguyễn Thị Hường trú tại huyện Hải Hậu, tỉnh Nam Định nhưng không rõ ở xóm, xã nào. Ngay sau đó, chính quyền xã đã liên lạc với một số cơ quan chức năng tỉnh Nam Định để làm rõ nội dung thông tin.
Sáng 25/6, khi nhận được thông tin, gia đình bà Hường đã trực tiếp vào làm việc với Công an xã Nam Thái, xuất trình đầy đủ các giấy tờ liên quan đến người đàn bà trên. Bà là Nguyễn Thị Hường, vợ ông Nguyễn Văn Chiến ở xóm 8, xã Hải Trung, huyện Hải Hậu, tỉnh Nam Định, bỏ nhà đi cách đây 2 năm do bị bệnh thần kinh, người nhà đã đi tìm nhiều lần nhưng không thấy. May mắn có sự vào cuộc kịp thời của lực lượng chức năng, sự việc đã không bị đẩy đi quá xa và không để lại hậu quả, thiệt hại nặng nề nào.
Những hành vi gây phẫn nộ cho người dân như bắt cóc trẻ em, trộm chó cần phải xử lý nghiêm minh. Tuy nhiên, hành xử như thế nào để theo tinh thần “thượng tôn pháp luật” lại là câu chuyện khác. Những thông tin trên khiến người dân càng bức xúc, dễ dẫn đến hành vi vi phạm pháp luật. Trong khi trên thực tế, những vụ việc chỉ xảy ra ở một số địa phương theo diện hẹp và đều đã được các cơ quan chức năng vào cuộc, xử lý kịp thời. Không ít người, vì bị nghi ngờ mà bị hành hung, gây hoảng loạn. Điển hình như thông tin “2 nữ sinh hiếp dâm 1 nam thanh niên dẫn đến tử vong” được chia sẻ “chóng mặt” trên mạng xã hội hồi đầu tháng 7/2017. Thông tin thất thiệt này đã khiến 2 nữ sinh bị vu khống suy sụp tinh thần nghiêm trọng, làm xáo trộn đến cuộc sống sinh hoạt thường ngày của họ.
Theo thống kê, mỗi phút có khoảng 360 nghìn người dùng đăng ký mới trên Facebook, 150 nghìn tin nhắn được trao đổi, 300 nghìn status được cập nhật, 50 nghìn link được chia sẻ, 133.300 ảnh được đăng tải và 100 nghìn đề nghị kết bạn mới. Trong khi đó, trên Youtube, mỗi phút có hơn 400 giờ nội dung được đăng tải. Cuối năm 2017, Facebook thừa nhận có tới 270 triệu tài khoản trên mạng xã hội này là không hợp pháp.
|
Theo tâm lý chung, những thông tin đánh vào sự sợ hãi hay bôi nhọ cá nhân, an toàn sức khỏe cộng đồng… mang lại hiệu ứng chia sẻ rộng lớn hơn so với các tin có nội dung tốt. Nắm bắt nhu cầu đó, các đối tượng xấu thường tung ra những nội dung mang tính chất câu kéo như ảnh thương tâm, ảnh cảm động, thông tin giật gân, giả tạo nhằm khuyến khích nhiều người chia sẻ, tương tác để trục lợi bất chính. Không kể lợi dụng điều này, nhiều đối tượng còn gia tăng hành vi xuyên tạc, chống đối nhằm khiến mọi người hoang mang về đời sống hiện tại, gây mất niềm tin vào chính quyền, gây mất ổn định ANTT. Từ từ từng chút một, bằng cách trên, các đối tượng tác động dần dần vào nhận thức của người dân, nhất là các thanh, thiếu niên.
Theo nghiên cứu, tin giả mạo thường được đăng trên các trang web có địa chỉ kỳ quặc, vô nghĩa… Khi click vào trang này sẽ hiện lên rất nhiều mục quảng cáo hoặc link sang một trang khác. Cũng có thể, ngay trong đó lại hiển thị nhiều đường link bài viết có mục đích từ trước. Nhằm đa dạng hóa “thông tin” ảo, một số đối tượng còn lấy những câu chuyện sốc đã từng xảy ra trước đó hoặc đổi ngày để chia sẻ. Giá xăng, thảm họa hay dịch bệnh thường là ưu tiên hàng đầu nhằm thu hút sự chú ý của mọi người.
Câu like bằng mọi cách, thế nên, có không ít trường hợp nhận hậu quả nhãn tiền vì hành vi trên. Vào tháng 8/2017, cơ quan điều tra Công an tỉnh Thái Nguyên bắt giữ đối tượng tung tin đồn vỡ đập hồ Núi Cốc. Trước đó, 1 cô gái 9X ở Thanh Hóa bị cơ quan chức năng phạt hành chính 5 triệu đồng vì đăng tải thông tin bắt cóc trẻ con để câu like. Theo quy định, người nào bịa đặt, loan truyền những điều biết sẽ là bịa đặt nhằm xúc phạm danh dự hoặc gây thiệt hại đến quyền, lợi ích hợp pháp của người khác hoặc bịa đặt là người khác phạm tội và tố cáo họ trước cơ quan có thẩm quyền thì bị phạt cảnh cáo, cải tạo không giam giữ đến 2 năm hoặc phạt tù từ 3 tháng đến 2 năm.
Với sự phát triển của công nghệ, người ta có thể dễ dàng tạo lập 1 website, 1 trang blog hay tài khoản hoặc fanpage trên các mạng xã hội với chi phí gần như bằng không. Tin tức giả thường được phát tán rất nhanh, hơn gấp nhiều lần so với khả năng ngăn chặn và xử lý chúng. Trong dòng chảy vô tận của hàng loạt nội dung trên mạng xã hội, mỗi người hãy chủ động, văn minh hơn trong việc tiếp nhận, chia sẻ thông tin. Đừng biến mình thành người lĩnh hậu quả vì thông tin giả, câu like.