Cảnh giác
Vẫn nhiều người bị lừa đảo qua điện thoại và mạng xã hội
Trước diễn biến các vụ lừa đảo qua điện thoại và mạng xã hội xảy ra trong thời gian vừa qua, Công an quận Hoàn Kiếm (Hà Nội) đã có khuyến cáo người dân không nên cung cấp thông tin cá nhân lên mạng xã hội; không giao dịch tài sản với người, cơ quan mà không biết rõ nhân thân, lai lịch; không làm thuê các loại giấy tờ, thẻ ATM, visa… mang danh của mình để tránh bị lợi dụng lừa đảo.
Ngày 25-1, chị N. tới Công an quận Hoàn Kiếm trình báo việc một đối tượng đã “hack” tài khoản facebook của chị ruột chồng chị, hiện đang sống tại Cộng hòa Séc. Đối tượng đã “chát” với chị để tạo lòng tin, sau đó nhờ chị chuyển tiền vào một tài khoản ngân hàng tại Nghệ An.
Do tin tưởng là người nhà, chị N. đã sử dụng ứng dụng chuyển tiền trên điện thoại để chuyển 40 triệu đồng vào một tài khoản theo yêu cầu. Sau khi chuyển tiền, chị N. thông báo cho người chị sống ở nước ngoài thì biết là đã bị lừa.
“Lang thang” trên facebook, chị H. ở phố Tràng Tiền, quận Hoàn Kiếm đã kết bạn với một người đàn ông nước ngoài. Người đàn ông này giới thiệu tên là Harrison Wall, là sĩ quan quân đội Mỹ, hiện đang chiến đấu chống IS ở Syria.
Qua trò chuyện trên ứng dụng messenger, Harrison Wall khen phụ nữ Việt Nam rất đẹp và nhờ chị H. giới thiệu… Một thời gian sau, Harrison Wall nhã ý muốn gửi về cho chị H. một bưu kiện nặng 9kg. Do chị H. đi vắng nên có nhờ một người bạn nhận giùm.
Vài ngày sau, có một số điện thoại gọi cho chị H., yêu cầu chị chuyển 56 triệu đồng vào một tài khoản mở tại Ngân hàng Sacombank TP Hồ Chí Minh là lệ phí nhận quà. Chị H. vừa chuyển tiền vào tài khoản theo yêu cầu thì đối tượng ngay lập tức rút tiền ra để chiếm đoạt.
Tương tự như trường hợp của chị H., chị T. ở quận Tây Hồ cũng nhận được một cuộc điện thoại thông báo có một người nước ngoài gửi quà về cho chị. Để nhận được số quà này, chị T. phải nộp thuế và lệ phí cho “hải quan”. Chị T. đã 3 lần chuyển tiền theo yêu cầu của một người tự xưng là “cán bộ hải quan sân bay Tân Sơn Nhất”, với số tiền là 218 triệu đồng.
Hiện Công an quận Hoàn Kiếm đã nhận được đơn trình báo của 10 bị hại khác với thủ đoạn tương tự. Các bị hại thường nhận được tin nhắn, điện thoại lừa đảo vào ngày cuối tuần, nên sau khi bị hại thực hiện giao dịch chuyển tiền, sau đó biết mình bị lừa thì ngân hàng đang trong ngày nghỉ nên cũng không có cách nào để ngăn chặn.
Tình trạng lừa đảo qua điện thoại và mạng xã hội đã diễn ra nhiều năm nay, cơ quan chức năng đã thông tin, tuyên truyền nhưng vẫn có người mắc bẫy.
Được biết, Cục An toàn thông tin – Bộ Thông tin và Truyền thông đã công bố 700 website lừa đảo, phục vụ cho việc trộm cắp thông tin người dùng trên mạng xã hội. Cục cũng đã có cảnh báo về một “chiến dịch” tấn công lừa đảo thông qua các chương trình khuyến mại, giảm giá, tặng quà tri ân cho khách hàng, đặc biệt với người dùng mạng xã hội facebook, zalo. Vì vậy, đề nghị người dân khi sử dụng các thiết bị viễn thông và mạng xã hội cần nâng cao cảnh giác.
Theo Báo CAND