Cảnh giác
Cảnh giác: Thủ đoạn lừa đảo qua mạng xã hội
Chiếm tài khoản Facebook rồi lừa nạp thẻ cào; làm quen qua facebook để lừa tình, chiếm tài sản; lập chương trình khuyến mại ảo, mạo danh nhà mạng,.. là những thủ đoạn mà tội phạm mạng sử dụng để lừa đảo, chiếm đoạt tài sản của những người nhẹ dạ cả tin trong thời gian qua. Đâu là nguyên nhân cũng như làm thế nào để phòng tránh loại tội phạm này?
Bấm play để xem video. Mở loa để nghe thuyết minh.
Sử dụng mạng xã hội facebook để chiếm đoạt hàng trăm triệu đồng của các khách hàng nhẹ dạ, đối tượng Chu Văn Thế (Sinh năm 1998, trú tại xã Cương Gián, huyện Nghi Xuân) vừa bị Cục cảnh sát phòng chống tội phạm sử dụng công nghệ cao, Bộ Công an phối hợp với Công an huyện Nghi Xuân, tỉnh Hà Tĩnh bắt giữ về hành vi lừa đảo chiếm đoạt tài sản thông qua Facebook.
Với thủ đoạn này, từ tháng 8/2016 đến nay, Chu Văn Thế đã lừa đảo, chiếm đoạt số tiền hàng trăm triệu đồng của khách hàng.
Tiềm ẩn rủi ro bị lừa đảo trong thế giới ảo?
Cũng trên mạng facebook nhưng lại ở thủ đoạn khác. Đối tượng sử dụng hình thức lừa đảo người dùng trúng thưởng qua tin nhắn facebook. Với hình thức lừa đảo đánh vào lòng tham của người dùng nên dù đã được cảnh báo nhưng vẫn có không ít người sập bẫy.
Chính vì thủ đoạn lừa đảo tinh vi, biến tướng qua mạng xã hội, người dân cần nâng cao tinh thần cảnh giác, tránh tình trạng mắc lừa của các đối tượng trên.
Nhận diện tội phạm
Trong vụ án tại Hà Tĩnh, đối tượng Chu Văn Thế đã lập nhiều tài khoản giả mạo để đăng các bài viết dịch vụ mà Thế có thể cung cấp như: chạy quảng cáo trên Facebook, nhận tăng lượt like, share, follow cho các bài viết, tài khoản cá nhân cho khách hàng có nhu cầu thông qua mạng xã hội facebook.
Khi khách hàng liên hệ để sử dụng dịch vụ thì đối tượng Thế gửi cho khách hàng chứng minh nhân dân giả đồng thời yêu cầu khách hàng chuyển tiền vào tài khoản có tên Chu Văn Thể tại ngân hàng Vietcombank. Sau khi khách hàng nộp tiền, đối tượng Chu Văn Thế đã lấy lý do tài khoản quảng cáo bị khóa và yêu cầu khách hàng nộp thêm tiền mới chạy quảng cáo được.
Sau khi đạt được ý đồ Thế đã chặn liên lạc facebook và điện thoại với khách hàng nhằm tránh bị phát hiện. Bằng thủ đoạn lừa đảo trên, từ khoảng tháng 8/2016 đến nay đối tượng Chu Văn Thế đã chiếm đoạt hàng trăm triệu đồng của các khách hàng nhẹ dạ.
Những tin nhắn lừa đảo trúng thưởng xe máy SH, điện thoại iphone…mà người dùng facebook Việt Nam liên tục nhận được trong một tuần trở lại đây. Để nhận giải, kẻ xấu đã hướng dẫn người dùng truy cập đến một trang web giống hệt với giao diện facebook. Sau khi đăng nhập tài khoản và thông tin cá nhân, một giao diện mới được hiển thị rất bắt mắt với các sản phẩm như xe máy SH, điện thoại… và đi kèm đó là chứng minh nhân dân của một số người đã trúng thưởng trước đó. Thậm chí kẻ xấu còn đã đăng cả chứng nhận của Bộ Công thương để tăng độ tin cậy cho người dùng. Cuối cùng người dùng phải gửi mã thẻ cào điện thoại để được nhận thưởng.
Không chỉ có nhắn tin qua tin nhắn, gần đây kẻ xấu còn lập ra các fanpage của các hãng ô tô để thực hiện hành vi lừa đảo đảo. Chúng nghiên cứu rất kỹ thông tin của các doanh nghiệp kinh doanh ô tô. Bọn chúng thường lợi dụng sự kiện kỷ niệm thành lập của các hãng ô tô để đưa thông tin khuyến mại đến người dùng.
Các chuyên gia bảo mật cho biết, hình thức lừa đảo phán tán mã độc và trúng thưởng các đồ vật giá trị qua tin nhắn facebook không mới. Tuy nhiên với hình thức lừa đảo tinh vi, có đầu tư tính toán đánh vào lòng tham của người dùng nên vẫn có không ít người sập bẫy.
Lưu ý:
- Hạn chế việc đăng tải quá nhiều thông tin cá nhân như: Ngày sinh số CMND, bằng lái xe, tài khoản ngân hàng, gia đình, cơ quan… lên mạng xã hội tranh việc bị các đối tượng lợi dụng.
- Khi nhận được các thông tin thông báo của những cơ quan, tổ chức, cá nhân về việc nợ cước, trúng thưởng, khuyến mãi… cần tiến hành kiểm tra lại thật kỹ thông tin tại website chính thức của đơn vị thông báo.
- Không vội vàng thực hiện theo các yêu cầu của đối tượng. Nếu người thân nhắn tin qua các ứng dụng Facebook, Zalo, Viber… nhờ giúp đỡ thì cần trực tiếp gọi điện thoại lại để nói chuyện, xác nhận để tránh bị các đối tượng lừa đảo.
- Đối với hành vi giả danh cơ quan tư pháp không chuyển tiền qua tài khoản ngân hàng theo yêu cầu của đối tượng. Các cơ quan Nhà nước không tiến hành làm việc, thu giữ qua điện thoại, việc tạm giữ tài sản, đồ vật luôn được lập biên bản theo quy định.
Theo ANTV