Cảnh giác
Ẩn họa xe khách chở hàng: Còn nhiều lỗ hổng trong quản lý
(Congannghean.vn)-Xe khách, xe buýt là những phương tiện vận tải được thiết kế dùng chỉ để vận chuyển khách và hành lý hạn chế đi cùng. Tuy nhiên, vì lợi nhuận, nhiều chủ xe đã nhận vận chuyển, ký gửi hàng hóa. Thậm chí, còn tự chế ra các thùng, hầm bí mật để lén lút vận chuyển hàng cấm, hàng lậu dẫn đến những hậu quả khôn lường khi có biến cố xảy ra.
Kỳ 2: Còn nhiều lỗ hổng trong quản lý
Từ hậu quả nhãn tiền xuất phát từ dịch vụ ký gửi hàng hóa qua xe khách, xe buýt mang lại, phóng viên đã thực tế quy trình gửi hàng hóa qua các phương tiện này và không khỏi “giật mình” vì phương thức ký gửi quá sơ sài, thủ công. Trong khi để quản lý được loại hình dịch vụ có nhiều biến tướng này, cơ quan chức năng cũng gặp không ít khó khăn, hạn chế về quyền hạn, thủ đoạn đối phó lại tinh vi.
Dễ như gửi hàng hóa qua xe buýt, xe khách
Những ngày đầu tháng 11/2017, có mặt tại “thủ phủ” của xe Lào ở Nghệ An ở các xã như Diễn Kỷ, Diễn Hồng (Diễn Châu), không khó để bắt gặp cảnh hàng chục chiếc xe khách đang đỗ bên đường để bốc, dỡ hàng chuẩn bị hành trình. Điều đáng nói, trong đăng ký vận tải liên vận, hầu như tất cả các xe khách này đều được cấp phép chở khách, song trên thực tế chủ yếu dùng để chở hàng.
Đơn cử, tại Khu công nghiệp Diễn Hồng, xe khách 45 chỗ BKS UN-9009 (Lào) của nhà xe Hồng Chi, để chuẩn bị cho chuyến hành trình Diễn Châu - Vinh - Lào, thay vì bán vé, đón, trả khách thì chủ xe đã dành phần lớn thời gian để nhận và sắp xếp hàng hóa, từ trên trần xe đến dưới khoang gầm, thậm chí là để cả lên hàng ghế vốn chỉ dành cho hành khách. Mặt hàng chủ yếu là sắt, thép, ống kẽm, gạch ốp lát và hàng tạp hóa.
Xe khách chạy tuyến Diễn Châu - Lào đang “ăn hàng” tại Khu công nghiệp Diễn Hồng |
Thực tế của nhà xe Hồng Chi cũng là tình trạng hiện nay của các tuyến vận tải liên vận, lách luật bằng cách đăng ký vận tải ở Lào, các chủ xe này đã lợi dụng danh nghĩa xe khách để chở hàng hóa nhằm hợp thức hóa lộ trình từ nội địa ra các cửa khẩu. Sau vụ xe khách Khánh Đơn chở pháo và gỗ lậu gây cháy nổ làm 8 người Việt tử vong, cơ quan chức năng đã quyết liệt vào cuộc để tổng kiểm tra xe khách liên vận chạy tuyến Việt - Lào. Số liệu thực tế cho thấy, trong số 60 xe khách biển số Lào, chỉ có 20 xe có đầy đủ giấy tờ hợp lệ được cấp phép hoạt động, còn lại 40 xe hoạt động chui.
Thực tiễn xe khách biển số Lào chở hàng hóa, trong đó có hàng lậu, hàng cấm từ trước đến nay diễn biến rất phức tạp, song điều khó khăn trong việc quản lý các xe vận tải khách này là do các quy định trong Nghị định thư về hoạt động vận tải khách liên vận quốc tế giữa Lào và Việt Nam còn có những kẽ hở để chủ xe lách luật và ngang nhiên hoạt động lâu nay.
Cũng không riêng gì xe khách liên vận, hiện nay các tuyến xe khách liên huyện, liên tỉnh và xe buýt, hoạt động ký gửi hàng hóa theo xe cũng diễn ra công khai. Theo quy định là không được phép, nhưng các doanh nghiệp, hợp tác xã vận tải, chủ xe cũng như tài xế vì lợi nhuận nên đã chở thêm hàng hóa trong khoang chở khách. Điều này sẽ không đảm bảo an toàn giao thông, vệ sinh môi trường, thậm chí ảnh hưởng đến sức khỏe, tính mạng của hành khách trên xe.
Trong vai một người dân cần gửi món hàng, trước đó đã được đóng gói kỹ càng để gửi cho người nhà tại thị trấn Mường Xén (Kỳ Sơn), chúng tôi đến bến xe Vinh, trao cho phụ xe của nhà xe H.D. Người này không quan tâm vật bên trong là gì mà chỉ hỏi số điện thoại của người nhận, sau đó lấy 50.000 đồng tiền cước rồi nhanh chóng để gói hàng vào dưới ghế hành khách. Quan sát tại đây, trong khoảng thời gian 1 giờ đồng hồ, chúng tôi nhận thấy có rất nhiều nhà xe nhận vận chuyển hàng theo hình thức này, tất cả đều không cần giấy tờ, thủ tục giao nhận, cũng không quan tâm hàng hóa được gửi kèm là cái gì.
Nhiều lỗ hổng trong công tác quản lý
Thực tế tại một số tuyến xe buýt của các hãng Thọ Lam, Đông Bắc, Thạch Thành, Sự Chuyên và hãng xe buýt của Công ty CP vận tải ôtô Hà Tĩnh đang khai thác, kinh doanh vận tải khách công cộng trên địa bàn, phóng viên nhận thấy gần như tuyến nào cũng có hình thức nhận vận chuyển hàng hóa, chỉ cần người dân có nhu cầu. Từ hồ sơ, giấy tờ, các vật dụng sinh hoạt hàng ngày đến những hàng hóa lớn hơn được đóng gói, bọc kín trước khi gửi như quần áo, rau quả, thậm chí cả vật liệu xây dựng. Cũng giống như ký gửi hàng hóa ở các tuyến liên vận, liên tỉnh, đối với xe buýt cũng không quan tâm hàng hóa được gửi chứa đựng bên trong là cái gì, mà lái xe và phụ xe chỉ quan tâm đến người nhận và số tiền khách phải trả.
Xe buýt chạy tuyến TP Vinh - TP Hà Tĩnh trả hàng cho khách |
Cũng bởi vậy, khi bị cơ quan chức năng phát hiện, kiểm tra, mở ra bên trong mới tá hỏa vì những hàng hóa gửi kèm là không được phép, hàng cấm. Đơn cử, trưa 5/8, xe buýt BKS 37B-018.99 chạy hướng Vinh - Quỳ Hợp, khi đến địa phận huyện Diễn Châu thì có một người đứng vẫy, nhờ gửi 6 thùng xốp đã bọc kín lên thị trấn Quỳ Hợp. Sau khi xếp toàn bộ số hàng này lên xe và nhận 300.000 đồng tiền cước, xe buýt này di chuyển đến địa phận TX Thái Hòa thì bị Đội CSGT 1-48, Phòng CSGT đường bộ, đường sắt Công an tỉnh Nghệ An kiểm tra. Khi cơ quan chức năng mở 6 thùng xốp, phát hiện bên trong chứa 200 kg nội tạng động vật đã bốc mùi hôi thối thì cả phụ xe và lái xe mới ngã ngửa.
Ông Vũ Hoàng Huynh, Trưởng bến xe Vinh cho rằng, nếu phát hiện hành khách hoặc nhà xe vận chuyển hàng cấm, hàng dễ cháy nổ thì kiên quyết không cho vào bến. Đội ngũ làm công tác đảm bảo ANTT tại bến xe cũng thường xuyên nhắc nhở lái xe không chở hàng hóa cồng kềnh. Tuy nhiên, do không có máy móc hỗ trợ mà chỉ quan sát bằng mắt thường nên cũng khó phát hiện, bởi hàng hóa được chủ xe ngụy trang rất tinh vi.
Trong khi đó, ông Nguyễn Viết Hùng, Trưởng phòng Quản lý vận tải, Sở GTVT Nghệ An thì cho rằng, công tác quản lý xe khách vận chuyển hàng hóa luôn được cơ quan chức năng quan tâm. Từ trước đến nay, Sở đã ban hành nhiều công văn, chỉ thị tăng cường kiểm tra, kiểm soát việc vận chuyển hàng hoá trên xe khách, ngăn chặn tình trạng vận chuyển chất dễ cháy, nổ, chất độc hại đến 33 doanh nghiệp, HTX vận tải khách tuyến cố định và hợp đồng trên địa bàn để tuyên truyền, nhắc nhở. Tuy nhiên, theo ông Hùng, cái khó là chỉ khi phát hiện ra sai phạm mới có quyền kiểm tra, bởi ngành Giao thông không có thẩm quyền mở đóng gói để kiểm tra hàng hóa nên cũng rất khó để mạnh tay với dịch vụ này.
Tương tự, cả lực lượng Cảnh sát Giao thông, Quản lý thị trường và Thanh tra giao thông, hiện nay cũng rất khó để kiểm tra, kiểm soát hết được tất cả các tuyến vận tải vi phạm tình trạng này. Trong khi đó, tất cả các chủ doanh nghiệp vận tải khi được hỏi đều khẳng định rằng, doanh nghiệp nghiêm cấm việc chở hàng hóa trên xe khách, xe buýt, nếu vi phạm sẽ bị xử lý nghiêm. Song, cũng thừa nhận có tình trạng này xảy ra và đổ lỗi cho tài xế và phụ xe cấu kết với nhau để tăng thêm thu nhập, ngoài tiền công cố định được chi trả. “Hoạt động này diễn ra trên đường, bên ngoài nên cũng rất khó để kiểm soát”, đại diện một chủ doanh nghiệp kinh doanh, vận tải cho biết.
Nghị định 46/2016/NĐ-CP quy định phạt tiền từ 3 - 5 triệu đồng đối với hành vi vận chuyển hàng nguy hiểm, độc hại, dễ cháy nổ hoặc động vật, hàng hóa khác có ảnh hưởng đến sức khoẻ của hành khách trên xe chở hành khách. Tuỳ theo mức độ vi phạm, có thể tước phù hiệu xe, tịch thu bằng lái xe, thu hồi giấy phép kinh doanh của doanh nghiệp vận tải... Nội quy khai thác tuyến xe buýt được UBND tỉnh ban hành cũng quy định, xe buýt không được chở hàng hóa cồng kềnh, chiếm diện tích lớn, các chất cháy nổ, tanh hôi, lây nhiễm, gia cầm, xe đạp. |
Thiên Thảo