Cảnh giác

Cảnh giác: Giả danh công an lừa đảo người ghi số đề

15:35, 01/11/2017 (GMT+7)

TIN LIÊN QUAN

Đã có rất nhiều những vụ án giả danh công an để chiếm đoạt tài sản xảy ra trong thời gian vừa qua. Mặc dù trên các phương tiện thông tin đại chúng cũng phản ánh nhiều nhưng vì sao số lượng nạn nhân bị mắc lừa bởi chiêu trò này vẫn gia tăng. Đó là bởi sự mưu mô, quỷ quyệt, với những phương thức thủ đoạn hết sức tinh vi của đối tượng.

Bấm play để xem video. Mở loa để nghe thuyết minh.

Cơ quan Cảnh sát điều tra Công an tỉnh Ninh Thuận ra quyết định khởi tố vụ án, khởi tố bị can và lệnh bắt tạm giam đối với Bùi Xuân Tài (trú tỉnh Bắc Giang) để điều tra về hành vi lừa đảo chiếm đoạn tài sản. Trước đó đối tượng Tài lừa đảo qua điện thoại với thủ đoạn gọi điện thoại tự xưng là Công an, thông báo với người bị hại là có liên quan đến các vụ án hình sự và yêu cầu bị hại gửi tiền qua tài khoản do bọn chúng cung cấp.

Cũng với thủ đoạn giả danh Công an, 2 đối tượng Nguyễn Văn Tâm và Đinh Thị Kim Cương, trú tại thị xã Gò Công, tỉnh Tiền Giang đã lợi dụng điểm yếu của nạn nhân là người ghi lô đề, các đối tượng đã gọi điện thoại đe dọa chiếm đoạt tài sản. Hiện cả 2 đã bị công an huyện Châu Thành, tỉnh Bến Tre bắt giữ.

Thời gian qua, các đối tượng lừa đảo đã dùng đủ mọi thủ đoạn để chiếm đoạt tài sản của người dân. Chỉ cần thiếu cảnh giác và cả tin bất kể ai cũng có thể là nạn nhân của các chiêu trò lừa đảo. Mặc dù thủ đoạn này đã từng được cảnh báo nhiều lần nhưng vẫn có người dân mắc lừa.

Đường dây của Bùi Xuân Tài sử dụng phương thức thủ đoạn giả danh công an, đang điều tra vụ án hình sự để đe dọa, chiếm đoạt tài sản của nhiều người khi yêu cầu họ chuyển tiền vào tải khoản do kẻ lừa đảo cung cấp. Vì nhẹ dạ, và do hoảng sợ nhiều nạn nhân đã sập bẫy lừa của chúng.

Trong vụ án tại Tiền Giang, biết nạn nhân bán số đề và có nhiều tài sản. Cương và Tâm đã bàn bạc kế hoạch lừa đảo nhằm chiếm đoạt tài sản. Tâm đã điện thoại cho nạn nhân tự xưng là Cảnh sát hình sự, yêu cầu nạn nhân đưa tiền để không truy cứu việc bán số đề. Tin lời Tâm, nạn nhân đã nhiều lần đưa tiền cho đối tượng.

Đi đêm lắm cũng có ngày gặp ma, vào một ngày biết nạn nhân hẹn Tâm để đưa tiền, người nhà nạn nhân đã bí mật báo cho Công an tổ chức bắt quả tang. Đến khi bị bắt, tổng số tài sản nạn nhân đã đưa cho Tâm 160 triệu đồng và một số nữ trang trị giá khoảng 10 triệu đồng. Số tài sản lừa đảo được, Tâm và Cương chia nhau tiêu xài cá nhân.

Theo cơ quan điều tra, đối tượng thường nhắm vào các gia đình có lắp đặt máy điện thoại cố định tại nhà, người bị hại thường là người lớn tuổi, làm nghề nội trợ, hưu trí hoặc người ít va chạm xã hội và pháp luật, nhẹ dạ, cả tin và thiếu cảnh giác với tội phạm.

Thời gian gọi điện lừa đảo thường vào giờ hành chính, người bị hại ở nhà một mình, ít có điều kiện, kiểm tra lại thông tin do các đối tượng gây ra. Trong khi đó, đối tượng thường sử dụng phương thức gọi điện thoại qua Internet, gắn số ảo, số giả, khó có khả năng truy ngược lại thông tin về cuộc gọi.


Lưu ý:

Để tăng cường phòng ngừa tội phạm lừa đảo chiếm đoạt tài sản bằng thủ đoạn giả danh cán bộ như trên, cần lưu ý những điểm sau:

- Người dân cần đăng ký dịch vụ hiển thị số gọi đến với nhà cung cấp dịch vụ viễn thông để chủ động phát hiện các cuộc gọi có dấu hiệu nghi vấn lừa đảo.

- Tự kiểm tra lại toàn bộ thông tin cá nhân, nâng cao ý thức cảnh giác, không tùy tiện để lộ thông tin trên mạng xã hội hoặc cung cấp cho các cá nhân, tổ chức không có chức năng, thẩm quyền hoặc không thuộc trường hợp bắt buộc.

- Khi nhận điện thoại của người lạ, cần bình tĩnh, tỉnh táo, không vội sơ hở, lo sợ mà cung cấp thông tin cá nhân hoặc nghe, làm theo các yêu cầu của đối tượng.

- Luôn cảnh giác tự bảo vệ tài sản của mình, tin tưởng sự an toàn của hệ thống ngân hàng mà mình đang gửi tiền.

- Trường hợp nhận được cuộc gọi tương tự như thủ đoạn tự xưng là cán bộ nêu trên, cần thông báo ngay cho cơ quan Công an để điều tra và ngăn chặn hậu quả xảy ra.

Theo ANTV

Các tin khác