Cảnh giác

Cảnh giác: Nguy cơ cháy nổ từ những quả bóng bay

07:37, 23/03/2017 (GMT+7)

TIN LIÊN QUAN

(Congannghean.vn)-Những quả bóng bay nhiều màu sắc luôn là đồ chơi ưa thích của trẻ con, nhất là vào các dịp sinh nhật, tiệc tùng, ngày tết hầu như nhà nào cũng mua bóng bay trang hoàng nhà cửa. Tuy nhiên, trên thực tế, những quả bóng bay tưởng chừng như vô hại này có nguy cơ phát nổ bất cứ lúc nào. Thời gian gần đây, một số vụ nổ bóng bay gây bỏng đã khiến dư luận hoang mang, lo lắng.

Những quả bóng bay nhiều màu sắc được bày bán phổ biến trên thị trường nhưng lại tiềm ẩn nguy cơ cháy nổ
Những quả bóng bay nhiều màu sắc được bày bán phổ biến trên thị trường nhưng lại tiềm ẩn nguy cơ cháy nổ

Đã gần 2 năm trôi qua nhưng chị Phạm Thị Quỳnh Nga, giáo viên Trường Đại học Vinh vẫn chưa quên được vụ nổ bóng bay khiến cậu con trai 6 tuổi của chị bị bỏng. “Khi đó là vào ngày 28 Tết Nguyên đán, tôi đưa con đến dự sinh nhật con của một người bạn tổ chức tại khách sạn Mường Thanh - Thanh niên. Trong phòng trang hoàng nhiều chùm bóng bay to rất đẹp. Trong lúc các bạn thổi nến thì một tiếng nổ vang lên, tôi nghe tiếng con trai khóc thét và phát hiện cháu bị bỏng ở mặt và tay”, chị Nga nhớ lại. Rất may chị Nga có người nhà công tác tại Viện bỏng quốc gia có mặt ở đó nên đã kịp thời xử lý vết thương và đưa cháu đến bệnh viện điều trị kịp thời nên không để lại di chứng. Hiện nay, trên tay cháu vẫn còn để lại một vài vết sẹo do vụ nổ gây ra. Kể từ đó, chị Nga không bao giờ cho cháu tiếp xúc với các loại bóng bay.

Đầu tháng 2 vừa qua, một vụ nổ bóng bay trong xe ôtô xảy ra tại quận Hoàn Kiếm, Hà Nội khiến một cháu bé bị bỏng ở mặt đã gây xôn xao dư luận. Thời điểm đó, chiếc xe ôtô đang lưu thông trên phố thì quả bóng bay trên xe phát nổ. Vụ nổ làm kính xe bị vỡ, hư hỏng nhẹ nội thất bên trong. Bé gái trong xe bị thương nhẹ ở vùng má, những người còn lại bị cháy sém một phần tóc. Rất may, thời điểm này kính xe được hé mở, nếu không hậu quả sẽ rất nghiêm trọng. Được biết, đó là loại bóng bay hình các con vật nhiều màu sắc mà trẻ con yêu thích, được bày bán nhiều ở các cổng trường học, khu vui chơi mà phụ huynh vẫn thường mua cho các con chơi.

Lý giải về nguyên nhân bóng bay phát nổ, Đại úy Cù Xuân Hà, Phòng Cảnh sát PC&CC số 1, Cảnh sát PC&CC Nghệ An cho biết: “Trong bóng bay thường bơm khí H2, là loại khí nhẹ, có thể gây cháy. Khi bơm khí H2 vào quả bóng, áp suất khí H2 trong bóng bay lớn hơn áp suất không khí bên ngoài. Khi tiếp xúc điều kiện thời tiết nắng nóng hay trong xe ôtô…, quả bóng giãn ra, tăng thể tích, không thể chịu được áp lực đó nên dẫn đến cháy nổ. Quá trình cháy và nổ bóng bay khiến vỏ nilon văng ra, nếu dính vào người sẽ gây bỏng”.

Theo các chuyên gia thì khí H2 là loại khí nhẹ nên thường được sử dụng để bơm vào bong bóng để bóng có thể bay được. Cấu trúc phân tử bé nên bơm vào bóng bay thế này thẩm thấu cực nhanh và có thể nổ mà không cần nguồn lửa. Bóng có áp lực căng nên nếu gặp nguồn nhiệt như tàn thuốc, bật lửa, ánh nắng mặt trời… có thể phát nổ, cháy gây bỏng cho những người đứng gần. Những vụ nổ bóng bay thường nguy hiểm cho những người đứng gần, có thể bỏng da tay, da mặt là những vị trí nhạy cảm.

Theo chia sẻ của một thầy giáo bộ môn Vật lý, ngoài khí H2, có thể sử dụng các loại khí nhẹ hơn không khí để đưa vào bóng bay như khí Heli, tuy nhiên loại khí này có giá thành cao nên ít được đưa vào sử dụng. Các loại khí khác như acetylene, methane cũng có nguy cơ cháy nổ cao. Chủ yếu các loại khí này không màu, không mùi nên khi bơm vào bóng bay rất khó phân biệt.

Bóng bay là loại đồ chơi thông dụng mà trẻ con rất yêu thích và được bày bán rộng rãi trên thị trường với giá từ 10.000 đồng trở lên. Ở nhiều nơi người bán còn mang theo cả bình khí để bơm bóng trực tiếp cho người mua. Bóng bay được sử dụng rất nhiều trong các bữa tiệc sinh nhật, khai trương, ngày Tết… và trên thực tế không ít vụ việc cháy, nổ bóng bay xảy ra gây hậu quả nghiêm trọng.

Hầu hết các loại bóng bay trên thị trường hiện nay rất độc hại nhưng nhiều phụ huynh vẫn không mấy để ý đến điều này, thậm chí còn để trẻ nhỏ vô tư ngậm, thổi...Trước khi cơ quan chức năng có biện pháp quản lý, ngăn chặn nguy cơ cháy nổ từ những quả bóng bay, các bậc phụ huynh không nên cho con chơi bóng bay để loại trừ những nguy cơ cháy nổ. Nếu sự kiện bắt buộc phải sử dụng đến bóng bay, tuyệt đối không nên để bóng bay tiếp xúc gần nguồn nhiệt, nơi có tia lửa điện hoặc trong không gian chật kín có các vật liệu dễ cháy nổ.

Huyền Thương

Các tin khác