(Congannghean.vn)-Đầu xuân đi lễ chùa, cầu an cầu phúc là nét đẹp truyền thống của người dân Việt Nam. Tuy nhiên, bên cạnh ý nghĩa tích cực của hoạt động tín ngưỡng tâm linh, một số đối tượng đã tổ chức bói toán, mê tín dị đoan để trục lợi trên sự nhẹ dạ cả tin của người dân.
Rất nhiều người dân vẫn còn tin vào bói toán, mê tín dị đoan, tạo cơ hội cho kẻ xấu trục lợi |
Nguyễn Linh (22 tuổi) trú tại phường Bến Thủy, TP Vinh dự định cuối năm nay kết hôn. Nghe theo lời bạn bè, Linh về tận huyện Diễn Châu để xem bói, với mong muốn, nghe “cô” phán thế nào về chuyện tình cảm, hôn nhân trong tương lai. Sắp xếp công việc, Linh cùng bạn bè về tìm gặp “cô Thế”. Linh nghe bạn bảo, “cô Thế” giỏi lắm, “phán” gì trúng nấy, còn biết trước cả vận hạn mấy năm sau. Còn người dân trong xóm bảo, “cô Thế” thời gian trước cũng bình thường, sau hơn 1 năm đi miền Nam về, tự nhiên có nguồn sức mạnh có thể xem trước tương lai. Tuy nhiên, khách trong xã thì ít chứ người ngoài địa phương cứ nườm nượp.
“Cô Thế” chỉ thích bói bài, không xem tướng, không xóc quẻ gì hết. Thế rồi, kết quả mà Linh nhận được sau một buổi sáng chờ đợi là câu khẳng định chắc nịch của “cô”: Chuyện tình cảm không thể tiến triển thêm được nữa. Hai đứa không hợp tuổi nhau, tốt nhất nên xem xét lại. Nếu muốn tiến đến, phải “đổi tuổi” của một trong hai người. Cứ về suy nghĩ, nếu muốn “đổi tuổi” thì quay lại gặp cô để làm các thủ tục cần thiết.
Sau khi rời nhà “cô” về, Linh cứ bần thần, lo lắng, chẳng thể tập trung làm việc gì bởi lúc nào, lời “cô” cũng cứ văng vẳng bên tai. Tính sơ sơ, số tiền để “đổi tuổi” cũng lên đến hàng chục triệu đồng.
Không chỉ các bạn trẻ tuổi như Linh mà không ít bộ phận người dân hiện nay rất tin vào bói toán. Một khi xem biết mình có điềm tốt thì mừng, thế nhưng ít ai đi xem bói về mà được vui vẻ, đa phần thường chuốc lấy lo sợ vào bản thân. Nắm bắt tâm lý của nhiều người, các “ông thầy”, “bà cô” cùng những điểm bói toán mọc lên trong khi tài năng cũng được thổi phồng qua những lời truyền miệng.
Bên cạnh đó, tại các nơi công cộng như đền chùa, công viên, vườn hoa… vào đầu năm cũng xuất hiện không ít thầy bói từ xem tay đến xem tướng. Mặc dù theo các “thầy” nói phí là tùy tâm, nhưng thông thường, số tiền khách đặt để “cảm ơn” thầy dao động từ 100.000 - 200.000 đồng, thậm chí lên đến tiền triệu. Không chỉ xem bói trực tiếp, hiện trên smartphone cũng xuất hiện khá nhiều ứng dụng tử vi, bói toán. Để nhận được những lời tiên đoán về tương lai của mình, người dùng cần nhập ngày, giờ sinh, nhưng chủ yếu chỉ là những thông tin khá chung chung, mơ hồ.
Các chuyên gia tâm lý học cho rằng, những người luôn có nhu cầu xem bói thường là những người có vấn đề cần lo lắng về bản thân hay gia đình. Họ là những người sống trong tâm thế bất an, sợ hãi, thiếu niềm tin nơi bản thân và bế tắc, cuộc sống không có định hướng nên với họ, xem bói như là cứu cánh. Tuy nhiên, cũng có không ít bạn trẻ đi xem bói xuất phát bởi sự tò mò, thiếu hiểu biết... Khai thác điểm yếu về tâm lý này của người dân, một số thầy bói đã vẽ ra viễn cảnh xấu trong tương lai khiến nhiều người càng thêm tin tưởng. Từ bói bài, xem tướng, rồi xem hướng nhà, phong thủy…
Theo quy định của pháp luật: “Người nào dùng bói toán, đồng bóng hoặc các hình thức mê tín, dị đoan khác gây hậu quả nghiêm trọng hoặc đã bị xử phạt hành chính về hành vi này hoặc đã bị kết án về tội này, chưa được xoá án tích mà còn vi phạm, thì bị phạt tiền từ 5 - 50 triệu đồng, cải tạo không giam giữ đến 3 năm hoặc phạt tù từ 6 tháng đến 3 năm. Phạm tội làm chết người hoặc gây hậu quả đặc biệt nghiêm trọng khác, thì bị phạt tù từ 3 - 10 năm. Người phạm tội còn có thể bị phạt tiền từ 3 - 30 triệu đồng”.
Nếu ai vi phạm nếp sống văn hóa tại địa phương sẽ bị phạt từ 3 - 5 triệu đồng đối với một trong các hành vi sau đây: Lợi dụng hoạt động lên đồng, xem bói, gọi hồn, xin xăm, xóc thẻ, yểm bùa, phù chú, truyền bá sấm trạng và các hình thức tương tự khác để trục lợi. Tuy nhiên, quy định thì đã có nhưng trên thực tế, rất ít người bị xử phạt hoặc nhắc nhở không tái phạm…
Trong dân gian, ông bà ta đã đúc kết về tác hại của việc mê tín dị đoan: “Bói ra ma, quét nhà ra rác”. Điều đó cho thấy, dù ở thời đại nào, bói toán là hành vi cần bị đẩy lùi, xóa bỏ. Tuy nhiên, trên thực tế, một số người lợi dụng sự cả tin của người dân để hành nghề bói toán, “buôn thần bán thánh” tiên đoán tương lai, kết nối với người âm… Do đó, mỗi người dân phải tỉnh táo, đấu tranh bài trừ tệ nạn mê tín dị đoan để tránh tiền mất, tật mang.