Những tin đồn thiếu kiểm chứng, thậm chí bị suy diễn theo hướng hoàn toàn sai lệch với bản chất của vấn đề nhưng vẫn lan nhanh một cách chóng mặt trên các mạng xã hội và để lại hậu quả nặng nề.
Tuy nhiên, không phải người dân nào cũng có đủ hiểu biết và sự tỉnh táo để nhận ra bản chất thật sự ẩn chứa phía sau những tin đồn thất thiệt kiểu này.
Nhốn nháo bởi tin đồn
Đầu tháng 12-2016, tin đồn về lệ phí cấp hộ chiếu sắp tăng lên 70 USD/quyển kể từ ngày 1-1-2017 lan nhanh trên mạng khiến hàng nghìn người dân đổ xô đến trụ sở cơ quan Quản lý xuất nhập cảnh để làm thủ tục đề nghị cấp hộ chiếu. Điều này khiến cho nhiều trụ sở cấp đổi hộ chiếu ở các địa phương trở nên quá tải. Dù đã được các cán bộ làm thủ tục giải thích thông tin lan truyền trên mạng là không có cơ sở nhưng nhiều người dân vẫn “bán tín bán nghi” kéo nhau đi làm trước cho… chắc ăn!
Trước tình hình trên, Cục Quản lý xuất nhập cảnh (Bộ Công an) vừa phải ban hành công văn phản hồi trước thông tin sai lệch trên và cho biết nguyên nhân của tin đồn này xuất phát từ sự hiểu nhầm về lệ phí cấp hộ chiếu phổ thông cho công dân Việt Nam ở trong nước với công dân ở nước ngoài.
Theo đó, Thông tư số 219/2016/TT-BTC ngày 10-11-2016 của Bộ Tài chính có hiệu lực từ ngày 1-1-2017 quy định mức thu, chế độ thu, nộp, quản lý và sử dụng phí, lệ phí trong lĩnh vực xuất cảnh, nhập cảnh, quá cảnh, cư trú tại Việt Nam. Trong đó quy định lệ phí cấp hộ chiếu phổ thông đối với công dân Việt Nam ở trong nước là 200 ngàn đồng/quyển. Còn Thông tư số 264/2016/TT-BTC ngày 14-11-2016 của Bộ Tài chính có hiệu lực từ ngày 1-1-2017 quy định mức thu, chế độ thu, nộp, quản lý và sử dụng phí, lệ phí trong lĩnh vực ngoại giao áp dụng tại cơ quan đại diện Việt Nam ở nước ngoài. Theo đó, mức thu lệ phí đối với trường hợp cấp mới hộ chiếu phổ thông cho công dân Việt Nam ở nước ngoài mới là 70 USD/quyển.
Trước đó chưa lâu, một tin đồn thất thiệt về việc ngân hàng Nhà nước sắp đổi tiền cũng khiến nhiều người dân nhốn nháo. Ngay sau khi thông tin này được đồn thổi trên mạng đã gây tâm lý hoang mang rất lớn trong dư luận. Nhiều người dân đổ xô đi mua USD và vàng để làm nơi trú ẩn an toàn cho tài sản của mình. Dù thông tin thất thiệt này đã được lãnh đạo Ngân hàng Nhà nước sớm lên tiếng khẳng định là không có cơ sở nhưng nó cũng đã có những tác động tiêu cực lớn đến nền kinh tế khiến giá USD và vàng tăng cao. Vào đầu tháng 12-2016, đã có lúc giá USD chợ đen tăng lên mức kỷ lục vượt quá 23.000 đồng/1USD. Giá vàng trong nước cũng đi ngược chiều với giá thế giới. Sau đó, với sự lên tiếng kịp thời của cơ quan chức năng nên tình hình mới dần được cải thiện đi vào ổn định.
“Lập lờ đánh lận con đen”
Bên cạnh những tin đồn thiếu căn cứ, thời gian gần đây còn xuất hiện khá nhiều dạng tin đồn từ việc “đánh tráo khái niệm” nhằm lập lờ “đánh lận con đen”, gây hiểu nhầm và hoang mang trong dư luận. Gần đây nhất, mạng xã hội đăng bản chụp kết quả của phòng thí nghiệm SGS, Thượng Hải, Trung Quốc về lượng chì và thạch tín (arsenic) của một lô hàng bột trà Ô Long và kết luận rằng lượng chì và thạch tín trong mẫu vượt đáng kể so với giới hạn cho phép. Các bài viết đã đưa ra kết quả mẫu xét nghiệm trong đó hàm lượng thạch tín là 1,8 mg/kg và chì là 0,23mg/kg so với chỉ số MDL là 0,01 và 0,005 sau đó kết luận rằng “hàm lượng chì vượt 46 lần còn hàm lượng thạch tín vượt đến 180 lần so với giới hạn”. Đáng nói hơn, những tin đồn này cố tình “lái” việc Công ty TNHH Nước giải khát Suntory PepsiCo Việt Nam có nhập sản phẩm bột trà Ô Long nêu trên gây nhiều hoang mang cho người tiêu dùng.
Nhiều người nghi ngờ đây là một chiêu cạnh tranh không lành mạnh nhằm gây tâm lý hoang mang trong người tiêu dùng và hạ bệ uy tín của Suntory PepsiCo Việt Nam. Bởi thực tế với những người làm khoa học thì ai cũng đều biết rõ rằng muốn đánh giá chất lượng một sản phẩm nào đó thì phải so sánh kết quả xét nghiệm với tiêu chuẩn do Luật quy định. Chỉ số MDL - viết tắt của “Method Detection Limit” không phải là giới hạn hàm lượng cho phép được luật quy định mà là giới hạn phát hiện của phương pháp đo lường mà phòng xét nghiệm sử dụng để có thể phát hiện và báo cáo về hàm lượng của một chất nhất định. Ví dụ: MDL của Chì trong kết quả thí nghiệm của SGS là 0,005 mg/kg nghĩa là Giới hạn phát hiện của phòng thí nghiệm SGS chỉ phát hiện Chì khi hàm lượng chì trong mẫu kiểm lớn hơn hoặc bằng 0,005 mg/kg.Tuy nhiên, với những người tiêu dùng thì không mấy người hiểu rõ vấn đề khiến đồn này lan nhanh làm nhiều người tỏ ra rất hoang mang.
Theo một cán bộ Cục hải quan TP.HCM, do bột trà xanh là nguyên liệu thực phẩm nên quy trình kiểm tra, giám sát rất chặt chẽ nhằm bảo vệ sức khỏe cho người tiêu dùng. Ngoài các thủ tục hải quan thông thường, nguyên liệu bột trà xanh nhập khẩu còn phải trải qua kiểm tra chuyên ngành tại cơ quan kiểm tra nhà nước có thẩm quyền do các Bộ quản lý ngành chỉ định. Khi sản phẩm vượt qua tất cả các kiểm tra chuyên ngành này, sản phẩm mới được xem xét để cho thông quan.
Ngày 17-11, Thanh tra Bộ Y tế công bố kết luận thanh tra về việc thực hiện quy định của pháp luật về bảo đảm an toàn thực phẩm của Công ty TNHH Nước giải khát PepsiCo Việt Nam cũng đã khẳng định “nguyên liệu, phụ gia thực phẩm dùng cho sản xuất thực phẩm được công bố theo quy định, có nguồn gốc rõ ràng, có hóa đơn chứng từ đầy đủ; được kiểm nghiệm định kỳ, kiểm tra nhà nước về ATTP theo quy định, kết quả kiểm tra đạt yêu cầu. Tại thời điểm thanh tra, không phát hiện trong kho có nguyên liệu, phụ gia thực phẩm nằm ngoài danh mục của Bộ Y tế hoặc hết hạn hoặc hỏng mốc”.
Vậy nhưng, tin đồn thất thiệt sản phẩm của Công ty TNHH Nước giải khát Suntory PepsiCo Việt Nam vẫn âm ỉ lan truyền trên các mạng xã hội khiến doanh nghiệp này một phen lao đao.
Người tiêu dùng cần tỉnh táo trước những tin đồn thất thiệt |
Trước đó, cũng với chiêu “đánh tráo khái niệm” đánh đồng giữa quy định về hàm lượng arsen vơ cơ với arsen hữu cơ trong kết quả kiểm định chất lượng nước mắm của Vinatas đã khiến cả ngành nước mắm truyền thống phải lao đao. Sau đó, nhờ sự vào cuộc kịp thời của các cơ quan chức năng và các nhà khoa học nên các doanh nghiệp nước mắm truyền thống mới được minh oan.
.