Cảnh giác
Cảnh giác: Thủ đoạn mới của tội phạm mua bán người
Theo Công an tỉnh Tây Ninh, hiện tội phạm mua bán người (MBN) đang sử dụng một thủ đoạn mới để thực hiện hành vi phạm tội. Theo đó, trước đây các đối tượng MBN thường tổ chức đưa những đàn ông người nước ngoài về Việt Nam để chọn lựa phụ nữ mua làm vợ, nhưng hiện nay các đối tượng chỉ tổ chức xem mặt các phụ nữ qua mạng Internet, sau khi được chọn thì mới đưa người chồng về Việt Nam làm giấy tờ, sau đó đưa về lại nước ngoài.
Đề cập đến công tác điều tra, xử lý tội phạm mua bán người (MBN) trên địa bàn tỉnh Tây Ninh thời gian qua, theo Đại tá Trần Văn Luận, Trưởng phòng CSĐT tội phạm về trật tự xã hội (PC45) Công an tỉnh Tây Ninh, trong đợt cao điểm phòng chống tội phạm MBN vừa qua trên địa bàn tỉnh xảy ra nhiều vụ án, chủ yếu là đưa sang Trung Quốc bán làm vợ.
Bọn tội phạm luôn thay đổi các địa điểm cho đàn ông nước ngoài cư ngụ và những nơi tuyển chọn coi mặt các phụ nữ. Để tránh sự chú ý của người dân, các đối tượng chụp hình các phụ nữ sau đó gửi qua các mạng Internet cho đàn ông nước ngoài xem mặt. Nếu được chọn thì các đối tượng trực tiếp làm hồ sơ xuất cảnh cho các cô gái dưới hình thức đi du lịch, hợp tác lao động, thăm thân... nhưng khi đến nước ngoài thì bị thu hết giấy tờ tùy thân và bán làm vợ hoặc bán vào tụ điểm mại dâm... Nạn nhân nào không đồng ý thì bị đánh đập, nhốt lại không cho ăn uống, nếu muốn về Việt Nam thì phải gọi điện thoại cho gia đình nói gửi tiền qua chuộc về từ 40 - 60 triệu đồng.
Một buổi tuyên truyền về tình hình tội phạm mua bán người của Công an tỉnh Tây Ninh. |
Do thời gian qua công tác tuyên truyền và xử lý của cơ quan Công an khá hiệu quả nên đã hạn chế hiệu quả loại tội phạm này. Nhưng chính vì thế cũng khiến bọn tội phạm không dám phô trương như trước đây mà hoạt động kín đáo, đồng thời có nhiều phương thức, thủ đoạn đối phó tinh vi, xảo quyệt, cảnh giác hơn gây khó khăn trong công tác phát hiện, xử lý.
Trong đó, các đối tượng ở Tây Ninh luôn thay đổi địa điểm hoạt động, chúng thường thuê các khách sạn hoặc thuê nhà tại TP Hồ Chí Minh để tập kết phụ nữ; các đối tượng ít khi trực tiếp gặp mặt nhau mà chủ yếu là liên lạc thông qua điện thoại. Ngoài ra, trước đây khi chuyển giao phụ nữ các đối tượng thường trực tiếp đưa đi, nhưng hiện nay thì hướng dẫn chi tiết cho họ tự đi.
Ðầu mối Lý Thị Mai và hệ thống chân rết Huỳnh Thị Thìn. |
Điển hình có đường dây MBN đã bán trót lọt sang Trung Quốc tới 15 phụ nữ. Theo đó, vào ngày 5/5/2015, tại sân bay quốc tế Tân Sơn Nhất, TP Hồ Chí Minh, Phòng PC45, Công an tỉnh Tây Ninh đã phối hợp với Cục C45 - Bộ Công an; Đồn Công an cửa khẩu sân bay quốc tế Tân Sơn Nhất; Cảng vụ Hàng không miền Nam sân bay Tân Sơn Nhất tiến hành bắt quả tang 3 đối tượng Wang Pei Cheng (37 tuổi, quốc tịch Trung Quốc), Lý Thị Mai (tức Lý Thị Định, hay còn gọi là Sáng, 49 tuổi, ngụ thị xã Long Khánh, tỉnh Đồng Nai) và Châu Thị Thùy Trang (tức Ninh, 28 tuổi, ngụ quận Bình Tân, TP Hồ Chí Minh) đang làm thủ tục cho 3 phụ nữ Việt Nam cùng với 3 người chồng Trung Quốc từ ga quốc nội sân bay Tân Sơn Nhất để đi Hà Hội; sau đó tiếp tục xuất cảnh qua Trung Quốc, mục đích là bán làm vợ.
Qua khai thác, Phòng PC45 tiếp tục bắt khẩn cấp 3 đối tượng có liên quan là Huỳnh Thị Thìn, Dương Thị Nhịn và Huang Qin Lu. Kết quả điều tra ban đầu, các đối tượng khai nhận từ trước đến nay đã bán trót lọt sang Trung Quốc 15 phụ nữ.
Điều đáng nói, đường dây này với các nhóm đối tượng ở Tây Ninh, Đồng Nai hoạt động theo hình thức chuyên lừa gạt các phụ nữ nhẹ dạ, cả tin bán sang Trung Quốc. Đường dây này còn có nhiều đối tượng là người Trung Quốc núp dưới vỏ bọc “kết hôn” nhưng thực tế chỉ nhằm MBN. Trong đó, vợ chồng đối tượng Huang Qin Lu (49 tuổi, quốc tịch Trung Quốc, chồng của Thùy Trang) cầm đầu.
Vợ chồng đối tượng Thùy Trang và Huang Qin Lu. |
Vợ chồng đối tượng Ngọc Quyên và Ðinh Tiến Vũ. |
Bọn chúng móc nối với hai người đàn ông ở Trung Quốc tìm những đàn ông có nhu cầu lấy vợ Việt để đưa sang Việt Nam cho vợ chồng Trang tổ chức chọn vợ. Khi chọn được cô gái nào thì đưa “hàng” sang Trung Quốc bán làm vợ.
Mỗi cô gái Việt Nam khi bán sang Trung Quốc thì vợ chồng Trang được trả công 38 ngàn nhân dân tệ (tương đương 120 triệu đồng). Bọn chúng đưa lại cho Mai 80 triệu đồng/người để lo ăn, uống, thuê khách sạn, tổ chức xem mặt các cô gái Việt. Riêng nhiệm vụ tuyển chọn thì Mai cấu kết với Huỳnh Thị Thìn (39 tuổi, ngụ ấp Thanh Trung, xã Thanh Điền, huyện Châu Thành, tỉnh Tây Ninh) để thực hiện. Mỗi lần tuyển được phụ nữ, Mai đưa cho Thìn 40 triệu đồng để Thìn lo chỗ ăn, thuê khách sạn.
Ngoài ra, Thìn còn móc nối với Dương Thị Nhịn (52 tuổi, ngụ xã Trà Vong, huyện Tân Biên) làm “chân rết” tìm, dụ dỗ những phụ nữ có ý định lấy chồng nước ngoài giao lại cho Thìn, Thìn sẽ trả công từ 2 đến 4 triệu đồng/người. Địa điểm xem mặt chủ yếu được Mai và Thìn tổ chức ở các khách sạn trên địa bàn TP Hồ Chí Minh. Khi chọn được phụ nữ, vợ chồng Trang và Qin Lu sẽ thuê người làm thủ tục, giấy tờ để xuất cảnh và cho gia đình mỗi cô gái từ 15 đến 20 triệu đồng.
Các bị cáo Tú, Quang, Vũ và Quyên trước vành móng ngựa. |
Một đường dây MBN khác cũng đã lừa bán trót lọt sang Trung Quốc 11 phụ nữ. Để triệt phá, ngày 6/8/2015, Phòng PC45 đã bắt khẩn cấp 4 đối tượng gồm: Đinh Tiến Vũ (34 tuổi); Huỳnh Thị Ngọc Quyên (31 tuổi); Hồ Cẩm Tú (25 tuổi); Phạm Nguyễn Minh Quang (34 tuổi) cùng ngụ huyện Châu Thành, Tây Ninh về hành vi tuyển chọn phụ nữ Việt Nam đưa sang Trung Quốc gả bán cho người đàn ông Trung Quốc mua làm vợ, nhằm thu lợi bất chính. Giải cứu 1 nạn nhân đang chuẩn bị đưa sang Trung Quốc bán.
Kết quả điều tra, Công an tỉnh Tây Ninh xác định Tú có chồng là người Trung Quốc. Từ năm 2011 đến 2014, vợ chồng Tú tìm những người đàn ông Trung Quốc có nhu cầu lấy vợ Việt Nam và tổ chức đưa sang Việt Nam xem mặt, chọn vợ. Mỗi người phải đưa cho vợ chồng Tú từ 70 - 90 ngàn nhân dân tệ (tương đương 200 triệu đồng). Sau đó, vợ chồng Tú liên hệ với vợ chồng Vũ, Quyên để thỏa thuận về việc tìm phụ nữ và làm thủ tục giấy tờ. Tú đưa cho Vũ 120 triệu đồng/người để lo ăn, uống, thuê khách sạn, tổ chức xem mặt, đám cưới.
Để có “nguồn hàng”, vợ chồng Vũ, Quyên đã câu kết với Quang làm nhiệm vụ tuyển chọn, mỗi trường hợp Quang được trả tiền công 2 triệu đồng. Đối với gia đình các cô gái, vợ chồng Vũ đưa từ 50 - 60 triệu đồng để lo đám cưới. Đến khi xong việc, mỗi gia đình được giữ lại từ 15 - 20 triệu đồng.
Tình hình tội phạm mua bán người vẫn phức tạp
Theo Công an tỉnh Tây Ninh, trong các chuyên án MBN do Phòng PC45 Công an tỉnh Tây Ninh đã triệt phá trong thời gian qua thường nổi lên đối tượng chủ mưu, cầm đầu thường là người Trung Quốc, Malaysia hoặc các đối tượng ở nhiều tỉnh, thành như TP Hồ Chí Minh, Đồng Nai, Long An, Sóc Trăng, Bắc Giang... cấu kết với các đối tượng người Tây Ninh để thực hiện hành vi MBN.
Theo các số liệu thống kê thì trên bình diện cả nước, từ năm 2010 đến năm 2015, đã phát hiện khởi tố 2.205 vụ, với 3.342 đối tượng, lừa bán 4.495 nạn nhân. Nhưng riêng tại Tây Ninh, từ năm 2011 đến tháng 6-2016, lực lượng Cảnh sát hình sự toàn tỉnh đã bắt 31 vụ, với 229 đối tượng, giải cứu 254 nạn nhân (trong đó phối hợp với Biên phòng bắt 2 vụ, 3 đối tượng); khởi tố, điều tra 25 vụ 144 bị can; xử phạt hành chính 6 vụ 85 đối tượng, với tổng số tiền 765 triệu đồng.
Thời gian qua, dù lực lượng Công an tỉnh đã đóng vai trò nòng cốt trong tham mưu cho UBND tỉnh chỉ đạo các ngành làm tốt công tác tuyên truyền, đưa ra nhiều mô hình phòng, chống MBN và đấu tranh triệt phá nhiều đường dây MBN, nhưng số nạn nhân bị mua bán vẫn còn xảy ra nhiều trên địa bàn xã Thành Long, xã Biên Giới (huyện Châu Thành) và thị trấn Gò Dầu, xã Bàu Đồn (huyện Gò Dầu). Đây là những địa bàn triển khai thực hiện chỉ đạo điểm về MBN trong giai đoạn tới.
Đặc biệt, vẫn còn nhiều đường dây, băng nhóm hoạt động một cách tinh vi, có sự cấu kết chặt chẽ của nhiều đối tượng trong và ngoài nước. Tình trạng các phụ nữ bị bán sang nước ngoài vẫn diễn ra liên tục, tăng cao nhưng không được phát hiện kịp thời để ngăn chặn (do khi xuất cảnh họ không trình báo và đa số các phụ nữ đều tự nguyện đi sang nước ngoài vì chủ yếu bị lừa gạt, dụ dỗ đi làm việc lương cao), chưa kể nhiều nạn nhân sau khi trở về Việt Nam đã không tố giác tội phạm nên công tác thu thập chứng cứ về các đối tượng không thuận lợi; do đó làm cho tình hình MBN trên địa bàn tỉnh này vẫn tương đối phức tạp.
Vì thế, công tác phòng, chống loại tội phạm này cần được các sở, ban, ngành, đoàn thể, chính quyền các cấp đẩy mạnh công tác tuyên truyền, với phương châm “phòng ngừa là cơ bản”, hướng về cơ sở, phát huy vai trò của cấp ủy, chính quyền, đoàn thể xã hội và gia đình, vận động nhân dân phòng, chống tội phạm, nhất là địa bàn các xã biên giới và nhóm đối tượng có nguy cơ cao, tạo sự chuyển biến tích cực trong nhận thức của cán bộ, đảng viên, đoàn viên, hội viên và nhân dân, huy động được sức mạnh tổng hợp của cả hệ thống chính trị và phong trào toàn dân tham gia bảo vệ ANTQ trên địa bàn tỉnh.
Mới đây, Thủ tướng Chính phủ cũng vừa phê duyệt Chương trình phòng, chống MBN giai đoạn 2016 - 2020 với mục tiêu chung là giảm nguy cơ MBN; giảm tội phạm MBN; thực hiện hiệu quả công tác tiếp nhận, bảo vệ và hỗ trợ nạn nhân bị mua bán trở về. Chương trình được thực hiện trên phạm vi cả nước và các nước hoặc vùng lãnh thổ khác theo cam kết quốc tế và pháp luật Việt Nam; ưu tiên các tuyến, địa bàn trọng điểm, các tỉnh giáp biên giới Campuchia, Lào và Trung Quốc.
Chương trình đặt mục tiêu cụ thể nhằm nâng cao ý thức trách nhiệm, năng lực của cá nhân, gia đình và toàn xã hội nhằm chủ động phòng ngừa, ứng phó với nguy cơ MBN; đẩy mạnh công tác phát hiện, điều tra, truy tố và xét xử tội phạm MBN; tiếp nhận, xác minh, giải cứu, bảo vệ và hỗ trợ nạn nhân kịp thời, an toàn nhằm đảm bảo quyền và lợi ích của nạn nhân; hoàn thiện pháp luật và thực hiện hiệu quả chính sách, pháp luật về phòng, chống MBN; tăng cường hợp tác và thực hiện các cam kết quốc tế về phòng, chống MBN…
Theo Đại tá Lý Hồng Sinh, Phó Giám đốc Công an tỉnh Tây Ninh, về phía cơ quan Công an, cần thường xuyên rà soát, bổ sung danh sách các nạn nhân bị mua bán trở về và các đối tượng liên quan, nắm tình hình, phối hợp trao đổi thông tin phát hiện đối tượng, đường dây MBN để đấu tranh xử lý.
Trong khi đó, theo Trung tá Nguyễn Duy Thanh, Đội trưởng Đội 4 Phòng 6, Cục C45 phía Nam, để hạn chế và ngăn chặn “vấn nạn” MBN, thời gian qua Cục C45 đã liên tục phối hợp, chỉ đạo Phòng PC45 Công an các tỉnh Tây Ninh, Cần Thơ, Đồng Nai, Kiên Giang, Đắk Nông, Tiền Giang, Đồng Tháp… phát hiện, triệt phá nhiều đường dây MBN sang Malaysia, Trung Quốc…
Hiện nay, bên cạnh việc C45 liên hệ, phối hợp với Văn phòng Interpol, Cảnh sát, cơ quan chức năng các nước và các tổ chức quốc tế để có kế hoạch khai thác, tiếp nhận và xác minh điều tra làm rõ những đối tượng trong đường dây MBN; đồng thời giải cứu các nạn nhân bị lừa bán cũng như triệt phá các đường dây MBN ra nước ngoài thì bản thân chị em phụ nữ cũng cần nâng cao tinh thần cảnh giác trước những lời dụ dỗ ra nước ngoài làm việc nhàn hạ, lương cao!
Khi không may trở thành nạn nhân của các đối tượng buôn người, bị bán vào các động mại dâm nước ngoài, trước tiên các nạn nhân phải ghi nhớ các đặc điểm về nơi mình đang bị giam giữ, ép bán dâm, sau đó tìm mọi cách thông tin về cho gia đình hoặc cơ quan Công an. Khi Công an liên hệ được thì phải cố gắng làm theo chỉ dẫn của cơ quan Công an để giải cứu cho mình…
Để liên hệ với Cục C45 phía Nam (số 258 Nguyễn Trãi, phường Nguyễn Cư Trinh quận 1, TP. Hồ Chí Minh), các nạn nhân và gia đình có thể liên hệ với số điện thoại 069.37077 hoặc đến địa chỉ trên để trình báo hoặc tố giác tội phạm.
Nguồn: CSTC/Báo CAND